Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá:
“Công cụ” bảo vệ sản phẩm
Thứ tư: 03:45 ngày 09/11/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu hàng hoá đóng vai trò rất quan trọng. Sản xuất phát triển, hàng hoá ngày càng đa dạng hơn, phát sinh nhu cầu của người tiêu dùng cần được chỉ dẫn để có thể lựa chọn chính xác, nhanh chóng sản phẩm hàng hoá.

Vợ chồng bà Lê Thị Mỹ Vân - chủ thương hiệu muối ớt tôm Mỹ Vân. Ảnh: Thanh Nam

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã (HTX) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Đây là điều cần thiết trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm mang lại hiệu quả rõ rệt cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX. Tuy nhiên, cho đến nay, không phải doanh nghiệp, cơ sở nào cũng quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

 HTX Xoài tứ quý Thạnh Bắc, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên là một trong những HTX mạnh dạn xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của đơn vị mình. Ông Lưu Văn Xu- thành viên của HTX cho biết, HTX có tổng diện tích chuyên trồng xoài tứ quý là 22,4 ha, với 16 thành viên. Riêng ông Xu trồng 3,5 ha.

Hiệu quả từ việc đăng ký nhãn hiệu khiến xã viên vô cùng phấn khởi. Trước đây, khi chưa đăng ký nhãn hiệu, giá bán xoài thấp, từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/kg. Từ khi HTX đăng ký nhãn hiệu, giá bán cao hơn, hiện trung bình từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, số lượng sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, có thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho đối tác.

Theo ông Xu, trong quá trình xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng nên việc đăng ký nhãn hiệu khá thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến đặt hàng. Đặc biệt, HTX ký được nhiều hợp đồng bán xoài cho các siêu thị, cửa hàng rau an toàn trong tỉnh và các tỉnh, thành bạn.

Để bảo vệ nhãn hiệu, HTX phải luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. HTX đã đầu tư mua máy chiếu sản phẩm để bảo đảm xoài an toàn (chiếu xạ trái cây tươi là kỹ thuật sử dụng năng lượng bức xạ ion hoá để xử lý nhằm tiêu diệt hoặc ức chế vi sinh vật, côn trùng như ruồi đục quả, rệp gây hại trái; làm chậm quá trình chín và nảy mầm; kéo dài thời gian bảo quản-NV). Mới đây, HTX đầu tư thêm xe tải phục vụ cho việc vận chuyển sản phẩm. Ông Xu cho hay, trong sản xuất, kinh doanh, việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu rất quan trọng. Khi sản phẩm có nhãn hiệu được bảo vệ, từng bước xây dựng được uy tín thương hiệu, tạo được niềm tin cho khách hàng thì không lo nhiều về đầu ra so với sản phẩm cùng loại.

Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu

Thương hiệu và nhãn hiệu là hai thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong đời sống, kinh doanh và các văn bản pháp lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được hai khái niệm này.

Ở góc độ pháp lý, sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá là đúng theo quy định của luật pháp Việt Nam, còn ở góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing thì người ta thường dùng thuật ngữ thương hiệu.

Chỉ có thuật ngữ nhãn hiệu là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nên nhãn hiệu được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận và bảo hộ, còn thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp, và người tiêu dùng chính là người công nhận giá trị thương hiệu.

Bà Lê Thị Mỹ Vân– chủ cơ sở muối tôm Mỹ Vân, ấp Tân Lộc, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu, nhất là trong bối cảnh tỉnh nhà có quá nhiều cơ sở sản xuất muối tôm, cơ sở của bà đã đăng ký nhãn hiệu từ năm 1993.

Trước khi đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, cơ sở của bà Vân sản xuất với quy mô nhỏ, chỉ khoảng 100kg muối thành phẩm/ngày. Từ khi xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, tạo được uy tín thương hiệu, quy mô sản xuất của cơ sở tăng lên gấp 100 lần. Sản phẩm muối tôm Mỹ Vân không chỉ có mặt tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài– chủ yếu là Campuchia, Nhật, Đức, Mỹ.

Muối tôm xuất đi các nước Đức, Mỹ đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe, nhưng bù lại, có giá bán khá cao. Chỉ riêng thị trường Đức, 17 năm qua, cơ sở muối tôm Mỹ Vân xuất khẩu đều đặn với số lượng 2 tấn/tháng.

Bà Vân cho rằng, nếu không đăng ký nhãn hiệu hàng hoá thì sản phẩm của cơ sở sẽ không tránh khỏi nhiều khó khăn trong bối cảnh các loại muối tôm Tây Ninh tràn lan trên thị trường hiện nay. Bên cạnh những sản phẩm có chất lượng, các loại muối tôm không rõ xuất xứ, không bảo đảm chất lượng được bán với giá thấp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nhãn hiệu muối tôm Tây Ninh nói chung và nhãn hiệu của các cơ sở sản xuất muối tôm có uy tín nói riêng.

Hiện nay, người dân miền Tây Nam bộ đang giảm dần niềm tin đối với muối tôm Tây Ninh, do mua nhầm những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số cơ sở sản xuất muối sấy của Đồng Tháp chiếm lĩnh thị trường. Tuy vậy, đối với cơ sở muối tôm Mỹ Vân, nhờ đăng ký nhãn hiệu nên các khách hàng miền Tây vẫn tìm đến đặt hàng, do tin vào chất lượng sản phẩm, dù giá có cao hơn so với sản phẩm cùng loại.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Ông Nguyễn Thanh Bình– Giám đốc HTX rau an toàn Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) chia sẻ, HTX luôn mong muốn đăng ký nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Thế nhưng, sản xuất rau an toàn phải đa dạng. Do trồng nhiều chủng loại khác nhau như rau muống, bí đao, dưa leo, bầu, khổ qua… trong khi chi phí để đăng ký nhãn hiệu cho mỗi loại là 5 triệu đồng/sản phẩm. Với hàng chục loại sản phẩm của HTX, chi phí khá lớn, chưa kể tốn kém cho việc bảo vệ nhãn hiệu phải duy trì hằng năm. “Bên cạnh vấn đề về vốn, chúng tôi cũng rất mong được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng để sản phẩm rau an toàn của HTX sớm có nhãn hiệu, có được chỗ đứng bền vững trên thị trường thực phẩm cao cấp” - ông Bình bày tỏ.

Theo chủ cơ sở muối tôm Mỹ Vân, khi đã đăng ký nhãn hiệu, cơ sở phải tự bảo vệ nhãn hiệu của mình bằng cách luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời đăng ký tên miền cho nhãn hiệu muối tôm Mỹ Vân để tham gia thị trường thương mại điện tử, thế nhưng bà vẫn băn khoăn về việc các cơ quan chức năng dường như chưa mạnh tay xử lý các cơ sở “nhái” nhãn hiệu đã đăng ký, được Nhà nước bảo hộ. Trước đây, khi phát hiện một nhãn hiệu nhái muối tôm Mỹ Vân, bà bỏ công lặn lội cả tháng trời ở huyện Hoà Thành để truy tìm cơ sở “nhái” nhãn hiệu của mình. Sau khi phát hiện, bà báo với ngành chức năng đến lập biên bản xử lý. Kết quả, cơ sở sản xuất muối tôm “nhái” chỉ bị phạt hành chính 3 triệu đồng. Mức phạt “nhẹ hều” như vậy không đủ sức răn đe những cơ sở sản xuất nhái nhãn hiệu.

Bà Vân kiến nghị, cần biện pháp mạnh tay hơn để xử lý những cơ sở sản xuất “nhái” nhãn hiệu đã đăng ký, có như thế mới khuyến khích các cơ sở sản xuất ra sản phẩm có chất lượng và đăng ký nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường.

Xoài tứ quý trồng tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

KHUYẾN KHÍCH ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đăng ký nhãn hiệu là một cam kết tuyệt đối về chất lượng, dịch vụ và giá trị trong một thời gian dài, được chứng nhận qua thực tế sử dụng và bởi sự thoả mãn của người tiêu dùng. Thông qua nhãn hiệu, người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm hơn, mong muốn được lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Xây dựng nhãn hiệu chính là tạo dựng uy tín của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đối với người tiêu dùng. Một nhãn hiệu thành công, được người tiêu dùng biết đến và mến mộ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Giá trị của một nhãn hiệu là triển vọng lợi nhuận mà nhãn hiệu đó mang lại cho doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Thời gian qua, ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm quảng bá ra thị trường. Sắp tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh khuyến khích các cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lê Thành Công– Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ông thấu hiểu nỗi bức xúc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nhưng bị cơ sở khác làm hàng nhái… Thế nhưng, việc xử phạt hành chính hiện nay phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Sắp tới, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có hành vi gian lận thương mại như nhái nhãn hiệu, sản phẩm của cơ sở sản xuất khác có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

THIÊN TÂM – THANH NHI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh