Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hơn 10 năm về trước, xe khách tốc hành (16 chỗ) là sự lựa chọn ưa chuộng của số đông hành khách mỗi khi cần di chuyển trên tuyến đường Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Hầu hết các xe khách tốc hành khi ấy đều ăn nên làm ra, thậm chí nhiều người làm giàu nhờ kinh doanh lĩnh vực này. Nay thì khác, hoạt động xe khách tốc hành đã hết thời hoàng kim, nếu không muốn nói là nó chỉ còn ngắc ngoải để tồn tại.

Một xe khách tốc hành tuyến TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh đang mỏi mòn chờ khách tại bến.
“CÁI CHẾT” ĐƯỢC BÁO TRƯỚC
Gần 10 năm về trước, khi Tây Ninh lần đầu tiên xuất hiện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách chất lượng cao tuyến Tây Ninh- thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, thì các chủ xe khách tốc hành gần như đều cảm nhận được những khó khăn sắp tới với mình.
Dư luận ở tỉnh khi đó từng quan tâm theo dõi và bất bình trước hiện tượng một số chủ xe khách tốc hành có phản ứng tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có hành vi quá khích đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách chất lượng cao (Báo Tây Ninh từng có các bài viết đề cập đến vụ việc).
Vượt qua thử thách, trở ngại ban đầu, rồi thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách chất lượng cao cũng đã ổn định được hoạt động của mình và khi ấy, hành khách cũng chính là những người được hưởng lợi ích tốt hơn từ mô hình xe chất lượng cao, chẳng hạn như được phục vụ chu đáo- ngồi xe có máy lạnh, có nước uống, khăn lau mặt, xe chạy suốt tuyến, không dừng đón khách lẻ tẻ dọc đường, vì thế thời gian đi hoặc đến cũng nhanh hơn.
Dần dần, xe khách chất lượng cao trở thành sự lựa chọn hàng đầu của hành khách có nhu cầu đi lại. Ngoài doanh nghiệp đầu tiên, về sau có thêm nhiều doanh nghiệp khác cũng tham gia hoạt động mô hình xe khách chất lượng cao. Ở các huyện như Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành đều có.
Việc ấy đồng nghĩa với việc các xe khách tốc hành bắt đầu rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều chủ xe phải bán phương tiện “kiếm cơm” của mình để chuyển sang nghề khác.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để làm điều đó, một số chủ xe khách tốc hành vì không thể tìm nghề khác kinh doanh nên vẫn cố bám nghề cho dù rất chật vật, chấp nhận cảnh hằng ngày phải đối diện với nhiều khó khăn trong công việc kinh doanh.
Doanh thu bấp bênh do ế khách, nhưng các thứ chi phí thì vẫn phải gánh gồng nên ít có chủ xe tốc hành nào dám mạnh miệng xưng là công việc của mình vẫn tốt, đem lại thu nhập khá.
Một chủ xe khách tốc hành đã bán xe do không chịu nổi cảnh thua lỗ, hiện đang làm tài xế chạy thuê xe khách chất lượng cao tuyến Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Nhắc đến xe khách tốc hành nhiều người thường nghĩ ngay đó là những chiếc xe khách 16 chỗ đời cũ (do trước đây nhiều xe tốc hành chỉ là xe đời cũ).
Thật ra, sau khi loại hình xe khách chất lượng cao ra đời, để cạnh tranh, nhiều chủ xe khách tốc hành- trong đó có anh cũng đã cố gắng đầu tư phương tiện kinh doanh, đổi sang xe đời mới để thu hút khách. Bản thân anh đã phải vay mượn, gom góp để mua chiếc xe trị giá gần cả tỷ đồng. Nhưng có lẽ do số đông hành khách vốn đã có thành kiến về cung cách phục vụ của xe khách tốc hành trước đây nên họ vẫn cứ quay lưng với loại xe này.
Thế là chỉ sau khoảng 2 năm cầm cự, anh đành phải bán xe để trả nợ, từ làm chủ chuyển sang làm lái xe để lo cuộc sống gia đình. Anh nói như tâm sự: cứ chiều thứ bảy tại bến xe An Sương, thành phố Hồ Chí Minh, nhìn thấy số đông hành khách sẵn sàng ngồi chờ để đi xe chất lượng cao để về Tây Ninh, thay vì lên những chiếc xe tốc hành đang được nhà xe khan cổ mời mọc mà anh thấy lo thay cho những chủ xe đang trong tâm trạng giống như anh ngày nào- không biết còn cầm cự với công việc làm ăn hiện tại được bao lâu nữa.
XE MỚI NHƯNG CUNG CÁCH PHỤC VỤ KHÔNG MỚI !
Phóng viên Báo Tây Ninh đã có mặt tại bến xe An Sương, thành phố Hồ Chí Minh vào một chiều thứ bảy đầu tháng 10 này để tìm hiểu thêm tình hình thực tế. Mới 14 giờ đã có hàng trăm người, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên công tác ở thành phố Hồ Chí Minh tập trung tại các quầy bán vé xe khách chất lượng cao để mua vé xe về Tây Ninh.
Thời điểm này, hầu hết các nhà xe đều thông báo chỉ còn vé cho các chuyến xe xuất bến từ 17 giờ trở đi nhưng nhiều người vẫn không ngại, họ mua vé xong kiếm chỗ ngồi chờ đến giờ lên xe.
Trong khi cách đó không xa, nhiều tài xế và cả chủ xe khách tốc hành liên tục cất tiếng mời gọi mọi người lên xe về Tây Ninh ngay, nhưng dường như chẳng hành khách nào chịu hưởng ứng, cho dù theo quan sát của phóng viên, những chiếc xe tốc hành đang đậu trong bến đều là xe “xịn”! Lân la hỏi anh Thanh- nhà ở thành phố Tây Ninh đang ngồi chờ lên xe chất lượng cao, chuyến 17 giờ:
Sao không lên xe tốc hành ngay, khỏi phải ngồi chờ, tôi được nghe anh trả lời: xe tốc hành chạy bạt mạng lắm, lại hay dừng đón khách dọc đường, thời gian kéo dài lâu lắc rất bực mình.
Thường là chỉ cần ra khỏi bến xe, qua bên kia đường là tài xế dừng lại tiếp tục đón khách, sau đó xe còn chạy đảo mấy vòng quanh ngã tư An Sương để kiếm thêm khách. Một điều bực mình khác là nhiều xe tốc hành do ít khách nên kiêm luôn việc chở hàng trên xe, lắm khi hàng hoá bốc mùi rất khó chịu. Vì vậy anh thà chịu khó ngồi chờ ít lâu để đi xe chất lượng cao chứ không đi xe tốc hành.
Phóng viên đã thử lên một chiếc xe tốc hành về Tây Ninh để ghi nhận thêm những gì hành khách phản ánh, nói mình muốn về khu vực Long Hoa (Hoà Thành), xe có đi tuyến này không, anh tài xế bảo có. Một người đàn ông trung niên khác nói mình muốn đi TP. Tây Ninh, anh tài xế cũng bảo là xe sẽ chạy đến TP. Tây Ninh.
Xe rời bến với chỉ 3 hành khách. Rời khỏi bến, xe vòng qua vòng xoay An Sương, dừng lại bên đường hơn 20 phút để kiếm khách. Tôi nhìn thấy nhiều chiếc xe máy chở hàng hoá đến gửi lên xe để đưa về Tây Ninh.
Vòng qua, vòng lại rước khách, đến ngã tư Hóc Môn thì trên xe cũng có được 10 người. Tính tổng cộng theo giá vé mỗi người 55.000 đồng và tiền chở hàng hoá thì có lẽ chuyến xe này, nhà xe cũng dư ra đôi chút. Nhưng tài xế cho biết, do hôm nay thứ bảy, quá đông khách có nhu cầu về Tây Ninh nên mới được vậy, chứ ngày thường xe tốc hành chẳng mấy khi đông khách.
Ngồi trên xe, tôi bắt đầu cảm nhận… điều bực mình. Xe có bật máy lạnh càng khiến cho cái mùi không hề dễ chịu chút nào càng nặng thêm trong xe. Thế nhưng sự bực mình không dừng ở đó.
Khi về đến ngã ba Giang Tân, xe không rẽ vào hướng chợ Long Hoa mà đi thẳng theo quốc lộ 22B về TP. Tây Ninh, tôi lên tiếng: sao hồi nãy anh nói là xe có về Long Hoa, tài xế trả lời: Cứ ngồi đó bảo đảm anh sẽ được về nơi mình muốn.
Khi vừa qua vòng xoay Trường Nam tại TP. Tây Ninh, tài xế liền cho xe tấp vào lề đường, rồi đưa cho tôi 5.000 đồng, bảo tự đi xe buýt (tuyến Tây Ninh - Gò Dầu) để về Hoà Thành. Cách cư xử của nhà xe như thế chẳng khác nào đánh lừa hành khách, nên chuyện nhiều người trở nên ác cảm với xe tốc hành cũng là điều dễ hiểu.
|
Hành khách chờ đi xe khách chất lượng cao tại bến xe An Sương.
“TRIỂN VỌNG”... XOÁ SỔ
Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao và người dân sẵn sàng bỏ tiền ra để được sử dụng những dịch vụ có chất lượng, thể hiện cung cách làm ăn văn minh, lịch sự. Qua đó người sử dụng dịch vụ thấy mình được tôn trọng hơn, đúng nghĩa “khách hàng là thượng đế”.
Trong hoàn cảnh hiện tại, phải duy trì hoạt động kiểu “ngắc ngoải” do không đủ tiềm lực cạnh tranh với xe khách chất lượng cao, xe khách tốc hành nếu không thay đổi được cung cách và chất lượng phục vụ thì lại càng… dễ “chết”.
Được biết, số đông xe khách tốc hành đang hoạt động đều có tham gia Hợp tác xã vận tải. Trước tình hình trên, chẳng biết Hợp tác xã có giải pháp nào để hỗ trợ các thành viên tìm ra “con đường sống”, đặc biệt là tìm phương cách để cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách? Còn nếu vẫn cứ kéo dài tình trạng như cũ, thì có thể một ngày nào đó, những chuyến xe khách tốc hành Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh sẽ bị “xoá sổ”!
THIÊN TÂM