Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tháng tư rực lửa: Khúc ca khải hoàn của dân tộc
50 năm tròn kể từ ngày lịch sử 30.4.1975, tiếng reo vui mừng chiến thắng vẫn vang vọng trong ký ức dân tộc.
Thứ tư: 10:21 ngày 30/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Một nửa thế kỷ trôi qua, thời gian có thể xoá mờ dấu chân nhưng không thể xoá nhoà hào khí của ngày non sông liền một dải. Đó là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, của sự kiên cường và khát vọng hoà bình.

Vang vọng tiếng gọi của lịch sử

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4.1975 sau 50 năm vẫn mãi là đỉnh cao của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, kết thúc bằng chiến thắng thần tốc, giải phóng Sài Gòn vào trưa ngày 30.4. 

Hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc 21 năm chia cắt và mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người chiến sĩ cách mạng. Đó không chỉ là chiến thắng quân sự mà là chiến thắng của ý chí và sự đồng lòng của cả dân tộc.

Rực rỡ cờ Tổ quốc tung bay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cựu chiến binh Mai Văn Đường (ngụ quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) đã về thăm lại chiến trường xưa và Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – nơi trưng bày hình ảnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chỉ tay vào tấm hình trắng đen được trưng bày tại bảo tàng, ông Đường chậm rãi kể, đây là đơn vị của ông - Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Đúng 17 giờ ngày 26.4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Pháo binh của Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đồng loạt nổ súng trút bão lửa vào Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà, Nước Trong, Long Thành, Ðức Thạnh, Bà Rịa...

Hướng Đông do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, mũi Sư đoàn 304 tiến công trường thiết giáp, trong vòng chưa đầy 2 giờ, Sư đoàn chiếm được trường thiết giáp, một phần của căn cứ Nước Trong. 

Sáng 28.4, Quân đoàn 2 dứt điểm căn cứ Nước Trong, diệt và bắt gần 3.000 tên, đóng góp không nhỏ cho chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông Đường giới thiệu cho con trai về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi vỡ oà sung sướng vì hoà bình được lập lại, nước nhà được thống nhất, người dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Tôi cũng không ngờ mình là một trong hàng triệu con người đi qua cuộc chiến này lại có sự may mắn được chứng kiến thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn”– ông Đường chia sẻ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông liền một dải. Đây là chiến thắng được xây nền, đắp móng từ sự hy sinh vô bờ bến của những người chiến sĩ quả cảm, của sự kiên trung, bất khuất của một dân tộc anh hùng.

Ký ức truyền sang thế hệ hôm nay

Không chỉ là ký ức của người lính, tinh thần 30.4 còn được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối bằng hành động cụ thể là học tập, sáng tạo, gìn giữ giá trị văn hoá – lịch sử dân tộc với hàng loạt hoạt động diễn ra sôi nổi và giàu ý nghĩa. Từ các hoạt động trải nghiệm tái hiện lịch sử, chụp ảnh về tình yêu đất nước, trang trí cờ Tổ quốc tại các hàng quán và đường phố, tất cả đều góp phần khơi dậy niềm tự hào và gắn kết cộng đồng.

Đặc biệt là không khí tập luyện, chuẩn bị sẵn sàng cho lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(30.4.1975 - 30.4.2025) cũng được nhiều người dân và bạn trẻ quan tâm.

Một khối diễu binh tại buổi tổng duyệt cho lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong không khí những ngày tháng 4 hào hùng, em Vũ Lê Trang Anh (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) đang sinh sống và làm việc tại thành phố Thủ Đức cho biết, những ngày qua, trên các tuyến đường, người dân háo hức theo dõi các buổi hợp luyện, sơ duyệt và tổng duyệt của lực lượng vũ trang. 

Nhiều người ra đường với trang phục cờ đỏ sao vàng, cờ; băng rôn, khẩu hiệu chào mừng được trang trí đồng loạt khắp nơi khiến em cảm thấy tự hào về tinh thần dân tộc và sẵn sàng chào đón ngày lễ trọng đại của đất nước.

Được ba mẹ cho về thăm Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, em Nguyễn Phan Xuân Nghi (ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) hiện đang theo học tại trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không khỏi xúc động và tự hào khi được tham quan, tìm hiểu về những giá trị văn hoá, lịch sử, cảm nhận, suy ngẫm về những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

“Chuyến đi này mang đến cho em những bài học quý giá, khơi dậy lòng biết ơn và trách nhiệm đối với tương lai của đất nước. Em càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của dân tộc, thêm trân trọng cuộc sống hoà bình ngày hôm nay"– em Nghi chia sẻ.

Bé Thiên Lam (ngụ thành phố Tây Ninh) hào hứng tại buổi tổng duyệt cho đại lễ 30.4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, để giáo dục truyền thống cách mạng, nhiều trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như chiến dịch “Hoa dâng mộ liệt sĩ”; mời các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử về chia sẻ trực tiếp tại trường học, trường đại học; lễ chào cờ đặc biệt "50 năm non sông liền một dải"…

Tháng tư về, không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử mà còn là cơ hội để mỗi người dân Việt Nam hôm nay thêm tự hào và trách nhiệm với tương lai của đất nước. Khúc ca khải hoàn năm ấy vẫn vang vọng mãi trong tim, là nguồn động lực mạnh mẽ để tuổi trẻ hôm nay tiếp bước cha anh, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục