Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Anh và em
Thứ bảy: 01:10 ngày 05/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con đường vào xóm rôm rả hẳn vào buổi chiều Sinh về. “Mới về hả, thầy giáo tương lai?”. “Sao không dẫn cô nào về chơi hết vậy, thầy?”. Những câu hỏi thăm, chọc ghẹo râm ran suốt dọc đường đi.

Ảnh minh họa (AI)

Con đường vào xóm rôm rả hẳn vào buổi chiều Sinh về. “Mới về hả, thầy giáo tương lai?”. “Sao không dẫn cô nào về chơi hết vậy, thầy?”. Những câu hỏi thăm, chọc ghẹo râm ran suốt dọc đường đi. Thường thì Sinh lúng túng lắm, chỉ biết gật đầu chào một cách máy móc. Nhiều khi, Sinh không nhớ được người mình vừa chào hỏi là ai.

Ngôi nhà lá nhỏ nằm lọt thỏm giữa bốn bề tre trúc, vườn cây trái xum xuê. Ở đây, chiều như đi nhanh hơn ngoài kia. Trong gian bếp tối om, nghi ngút khói, Mẫn đang ho sặc sụa, mắt cay xè. Cơn mưa chiều qua tạt ướt nhem giàn củi phía sau nhà.

Đặt giỏ xách xuống chiếc chõng tre cạnh gốc khế, Sinh đi thẳng ra giếng. Mùa mưa, miệng giếng lé đé nước, Sinh dễ dàng có ngay một gàu nước đầy. Dội gàu nước mát lạnh lên người, Sinh cảm thấy thật dễ chịu. Đám vịt xiêm bụng đói từ đâu bu lại, rỉa lấy rỉa để đôi gót chân Sinh, để đòi ăn. Sinh tạt mạnh gàu nước về phía đám chuối bên cạnh. Trận mưa giả rơi lộp độp trên mấy tàu lá chuối cũng đánh lừa được đám vịt chạy về phía đó. Sinh vội vã thoát thân.

Sinh đứng lặng trước chiếc bàn thờ ở giữa nhà trên, nơi có đặt hai khung hình của ba mẹ. Cái ngày ba mẹ cùng nhau bỏ anh em Sinh ra đi cách đây đã năm năm mà nỗi đau mất mát trong Sinh vẫn còn mới mẻ lắm. Sáng hôm đó, ba mẹ về thăm ngoại, dặn anh em Sinh ở lại coi nhà, nhớ cho mấy con heo và gà ăn đúng bữa. Ai dè, ba mẹ đi luôn. Tài xế xe tải chở đất bị lạc tay lái đã cướp của anh em Sinh hai nguồn yêu thương lớn nhất. Sau một tuần ở nhà lo chuyện gia đình, Sinh trở lại trường với quyết tâm nối nghiệp ba mẹ. Mẫn thì không chịu đi học trở lại vì ý nghĩ “Em ở nhà coi chừng ba mẹ”. Ai khuyên thế nào Mẫn cũng bỏ ngoài tai, để rồi sau này, có lần nó tiếc “Phải chi hồi đó, em nghe lời mọi người”… Sinh không muốn khóc, không muốn Mẫn thấy Sinh khóc mà nước mắt ở đâu cứ trào ra mãi. Sinh thắp nhang cho ba mẹ thay cho lời mừng rỡ “Ba mẹ ơi, con về rồi nè!”.

Mẫn đứng bên ngạch cửa, mắt mờ đi từ lúc nào, đưa tay gạt nước mắt, giọng nhòe đi:

- Anh Hai, xuống ăn cơm.

Đêm. Anh em Sinh khiêng chõng tre ra giữa sân ngồi hóng mát. Cận rằm, trăng sắp tròn và sáng gần như soi rõ cảnh vật xung quanh nhà. Nhưng dường như đang có mưa ở vùng trời nào đó. Thỉnh thoảng, gió mang vài cụm mây đen nho nhỏ từ đâu về qua, che khuất đi ánh trăng đêm. Và tiếng sấm cũng theo đó dội về từng đợt, nghe văng vẳng. Radio đang phát bài dân ca “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời” trong phần quảng cáo cho một sản phẩm nọ. Mẫn vội nhấn nút tắt. Sinh hiểu vì sao Mẫn lại có hành động như vậy. Sinh đã rơi bao nhiêu nước mắt những khi nghe chương trình này: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con/ Còn cha còn mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn đứt dây/ Đờn đứt dây còn xoay còn nối/ Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi/ Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân”.

- Nồi canh chua hồi chiều ngon quá. Sao bắt được con cá lóc bự vậy, Mẫn? - Sinh cố tình lái sang chuyện khác.

- Đám ruộng bên hông nhà mình có bầy ròng ròng. Em cắm câu mấy bữa rồi mà không dính, chắc tại bữa nay có anh về nên “ông làng ông địa” biểu nó ăn đó mà.

Sinh nhoi nhói nơi lồng ngực trái. Ngày trước mẹ cũng hay vái "ông làng ông địa". Những điều mẹ cầu xin thật nhỏ nhoi: Anh em Sinh được khỏe mạnh, học hành tấn tới; heo, gà ăn no, mau lớn;… Lớn lên, anh em Sinh cũng hay làm theo mẹ, hay thắp nhang cho ông làng ông địa. Bữa ba mẹ đi về ngoại, Mẫn cũng thắp nhang, vái ông làng ông địa cho ba mẹ đi về bình an.
Không biết mấy ổng có nghe thấy được gì không mà không cho lời cầu xin của Mẫn được toại nguyện.

- Chuyện mày với thằng Tuấn sao rồi, Mẫn?

- Sao là sao, anh Hai? - Giọng Mẫn có vẻ ngượng ngùng.

- Chiều nay tao gặp bác Hai, bác Hai khen anh em mình hết lời. Bác Hai cấm, không cho tao mần mai mày với thằng bạn nào hết, để dành cho thằng Tuấn con của ổng.

- Tại bác Hai thương anh em mình mà nói chơi vậy, chứ con người ta đi học này học nọ trên Sài Gòn, còn em thì tối ngày đồng sâu ruộng cạn, không một mảnh bằng bỏ túi. Ai mà thèm nghĩ đến mình. Phải chi…

Mẫn bỏ dở câu nói, nén tiếng thở dài. Sinh nghe có gì như chua xót. Phải chi người xa nhà đi học là Mẫn, kẻ dầu dãi nắng mưa sớm tối là Sinh thì Sinh sẽ nhẹ lòng biết mấy.

- Mày biết nghĩ như vậy cũng được. Đừng đặt hết hy vọng vào những điều mình không chắc chắn lắm, nghe hôn. Mà tao thấy thằng Tuấn cũng hiền. Thỉnh thoảng, nó có nhắn tin và luôn hỏi thăm tới mày đó chứ.

- Thôi, không nói với anh nữa.
Em đi rửa chén đây - Mẫn bỏ đi một nước. Ai biết được mặt nó có đỏ bừng,
như mỗi lần gặp bác Hai, nghe bác Hai kêu nó là con dâu, không chứ?

Mẫn dậy sớm. Nhà nông vốn nhiều việc, nếu không biết sắp xếp, không biết tranh thủ thời gian thì mần cả ngày không hết. Riết rồi thành quen. Cứ tầm này, nghe con gà trống cồ ngủ sau giàn củi nhảy xuống đất, đập đôi cánh phành phạch, rồi cất tiếng gáy lảnh lót là Mẫn không thể nào nằm nán thêm chút nữa. Sợ Sinh giật mình thức giấc, Mẫn làm mọi việc một cách rón rén như là ăn trộm. Mẫn đinh ninh sau một ngày vất vả, Sinh ngủ một giấc thật sâu, thật dài đến tận “trưa trờ trưa trật”.

Mẫn nghĩ trật lất. Tiếng chổi xào xạc bên tai đã khiến Sinh thức giấc. Cuốn mùng, xếp lại mền gối, Sinh bước ra sân, vặn mình vài cái nghe răng rắc, rồi nói với giọng còn chưa hết buồn ngủ:

- Sân còn ướt nhẹp, quét làm gì, Mẫn?

Mẫn vẫn đều tay chổi:

- Anh Hai dậy chi sớm vậy, không ngủ thêm chút nữa?

Sinh không trả lời, đi vào trong bếp. Nồi cơm đang sôi ục ục. Sinh sực nhớ đến thức uống khoái khẩu ngày nào: Nước cơm hòa muối hột. Sợ cơm sôi cạn nước, Sinh lật đật chắt cho mình được nửa chén nước cơm.  Đã biết bao năm trôi qua, mà cái cảm giác háo hức, chờ đợi được uống thứ nước của tuổi thơ này như vẫn còn nguyên vẹn trong Sinh.

Cơm nước buổi sáng xong, anh em Sinh ra ruộng nhổ mạ rìa. Gọi là mạ rìa nhưng vẫn xanh tốt, dùng để cấy cũng được. Thường người ta
cắt bỏ mạ rìa, cho trâu, bò ăn như là phần thưởng cho công cày bừa nặng nhọc. Theo Mẫn, năm nay mạ to dẻ, sợ không đủ cấy, thôi thì nhổ luôn mạ rìa có dư thì cho bò ăn sau cũng được, lỡ thiếu thì không biết hỏi ai. Sinh mừng thầm, con nhỏ biết lo xa vậy cũng tốt.

Sau một lúc khom lưng, giật mạnh tay, dùng hết sức để nhổ mạ rìa, Sinh bị hoa mắt, chóng mặt. Thắt lưng của Sinh mỏi, như đeo đá tạ. Càng mệt, Sinh càng thương Mẫn. Mẫn làm quần quật suốt năm, không một lời than vãn. Nhìn bộ dạng, Mẫn biết Sinh ngán lên tận cổ:

- Còn một ít, để em nhổ hết cho, anh đếm coi được bao nhiêu dụm rồi mình còn giăm mạ nữa.

Sinh thở hổn hển. Mồ hôi nhễu nhão. Xách mạ đi tới đi lui nhiều lần, hai cánh tay nặng trịch, đôi chân như muốn rụng mà cái bụng thì kêu lên liên tục. Một tay quẹt mồ hôi, một tay cầm nón lá quạt cho đỡ nóng, Sinh hỏi:

- Mày có nghe truyện của tao trên đài không, Mẫn?

Tay đang buộc bó mạ, Mẫn cười cười, nói:

- Có, em đâu có giỏi như vậy, anh viết làm gì.

- Mày nghe mà có hiểu gì không?

- Dạ, có. Mình là anh em mà, cần gì cảm ơn em chi hổng biết. Anh ráng học, kiếm cho em bà chị dâu thật hiền, mấy đứa cháu thật ngon lành là được.

Sinh nhướng mắt, tinh nghịch:

- Tưởng gì, chứ khoản đó tao “dư sức qua cầu”.

Mặt trời lên tới đỉnh đầu. Nước dưới chân nóng như sôi, anh em Sinh mới xong công việc, quay về cho kịp bữa trưa của mấy con heo, gà, vịt ở nhà và cũng để đáp lại những tiếng kêu liên tục từ cái bụng đói meo của Sinh.

Sinh về trường trên chuyến xe đò đầu tiên trở lên thành phố, cho kịp buổi học sáng nay. Định bụng lên xe sẽ tranh thủ ngủ một chút, vậy mà Sinh không sao chợp mắt được. Có gì đó cứ canh cánh bên lòng. Sinh đi khi Mẫn đang cắm đầu cắm cổ chuẩn bị bữa ăn sáng cho mấy người thợ cấy, khi mạ ngoài đồng đang háo hức chờ được hóa thân thành lúa thật sự. Chợt nhớ bài kiểm tra điều kiện sáng nay, Sinh mở ba lô, định xem lại bài một lần nữa. Trong quyển sách, Sinh gặp một tờ giấy xếp tư nhỏ nhắn, nét chữ nghiêng đều:

“Anh Hai

Em hiểu những gì anh muốn nhắn nhủ với em qua truyện ngắn đó.

Đêm kia, em thấy trên truyền hình, có mấy bạn ngoài Bắc, ngoài Trung vô đây, không họ hàng thân thuộc, phải đối mặt với bao khó khăn, cạm bẫy. Vậy mà mấy bạn đó vẫn sống được, sống tốt nữa mà. Em thì còn có anh, có bà con hàng xóm nữa mà. Vài năm nữa, khi công việc của anh ổn định, em sẽ trở lại trường, hệ giáo dục thường xuyên và tìm cho mình một cái nghề nào đó. Nên anh yên tâm ăn học đi nghen, đừng lo gì cho em hết. Em hứa thật mà!”.

Sinh xếp lại tờ giấy, cho vào túi, tựa lưng vào thành ghế. Giấc ngủ đến, nhẹ nhàng./.

Lê Minh Tú

Tin cùng chuyên mục