Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tây Ninh - Long An: Chung một dòng sông, chung một mái nhà
Bài 1: Cùng tiếp nối truyền thống “Trung dũng, kiên cường”
Thứ sáu: 09:46 ngày 02/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhìn lại quá trình lịch sử, Tây Ninh và Long An là hai địa phương từng gắn bó với nhau từ rất lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX từng là hai huyện, hai phủ trong cùng tỉnh Phiên An, sau là Gia Định trong “Lục tỉnh Nam kỳ”.

Những ngày cuối tháng 4.2025, cả nước rộn ràng khí thế nô nức hướng về kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước. Đâu đâu cũng tiến hành chuỗi hoạt động chào mừng sự kiện trọng đại này. 

Cũng trong thời gian này, tất cả các địa phương trong nước đều tất bật chuẩn bị mọi mặt để bắt tay vào thực hiện một bước tiến cực kỳ quan trọng trong cuộc cách mạng mới “sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị”, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, khoá XIII ngày 12.4.2025 được toàn Đảng, toàn dân ta hết sức quan tâm: “Thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp”.

Theo đó, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sẽ sáp nhập thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Tây Ninh. Sự việc có tác động xã hội sâu rộng này đã được Đảng bộ, chính quyền hai tỉnh nhất trí tán thành. 

Nhìn lại quá trình lịch sử, Tây Ninh và Long An là hai địa phương từng gắn bó với nhau từ rất lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX từng là hai huyện, hai phủ trong cùng tỉnh Phiên An, sau là Gia Định trong “Lục tỉnh Nam kỳ”. Và từ năm đầu thế kỷ XX cùng được nâng lên thành hai tỉnh cho đến ngày nay.

Đơn vị pháo binh nữ Long An chuẩn bị tấn công thị xã Hậu Nghĩa, năm 1969. Ảnh tư liệu

Trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, Tây Ninh và Long An là hai địa phương anh hùng, cùng có truyền thống “Trung dũng, kiên cường” rất đỗi tự hào: “Tây Ninh trung dũng kiên cường, năng động sáng tạo, đoàn kết quyết thắng” và “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” do Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương năm 1967 sau khi đánh thắng cuộc hành quân Juntion City quy mô lớn nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ hòng tìm diệt “cơ quan đầu não của Việt cộng” trên địa bàn Tây Ninh. 

Theo nhiều tài liệu lịch sử Đảng, lịch sử quân đội, hồi ký của nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh cách mạng còn ghi rõ, diễn tiến của Chiến dịch mùa xuân 1975, cao điểm là Chiến dịch Hồ Chí Minh, địa bàn Tây Ninh - Long An, hai tỉnh cùng nằm giữa một bên giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, một bên tiếp giáp “đô thành Sài Gòn” thủ phủ của chế độ tay sai đế quốc Mỹ, do vậy đã được chọn làm hướng tiến quân của hai cánh quân phía Tây và Tây Nam trong chiến dịch cuối cùng hoàn toàn giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sử sách còn ghi, tháng 7 năm 1974, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người từng trực tiếp đến vùng rừng núi Bắc Tây Ninh vào năm 1951 để khảo sát, chọn nơi đứng chân của Xứ uỷ Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam thời kháng Pháp, đã gợi ý và hướng dẫn Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khởi thảo kế hoạch đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, nắm bắt thời cơ chiến lược, nhạy bén, kịp thời đề xuất chủ trương chuẩn bị và tiến hành giải phóng miền Nam. 

Sau hơn một năm ta đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và hỗ trợ trực tiếp cho đấu tranh chính trị, buộc quân địch phải thi hành Hiệp định Paris 27.1.1973 và chặn đứng một cách cơ bản kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của chúng, thế và lực của cách mạng miền Nam được củng cố và phát triển một bước mới.

Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn, sáng 30.4.1975. Ảnh tư liệu

Với thế và lực ấy, Trung ương Cục miền Nam và Quân uỷ, Bộ Tư lệnh Miền đã vạch ra kế hoạch tiến công mùa khô 1974-1975, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy. Trong khi đó tình hình kinh tế, chính trị, quân sự của chính quyền Sài Gòn cuối năm 1974 sa sút nghiêm trọng vì bị Mỹ bỏ rơi, cắt mọi viện trợ quân sự và kinh tế. 

Để có “quả đấm chủ lực mạnh” cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 20.7.1974 tại hội nghị quân chính ở căn cứ Dương Minh Châu, đồng chí Phạm Hùng- Bí thư Trung ương Cục, công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4. 

Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành mới của chủ lực Miền- Quân Giải phóng miền Nam. Quân đoàn 4 lúc mới thành lập gồm 2 sư đoàn Bộ binh 7 và 9 cùng một số đơn vị binh chủng cấp trung đoàn thiết giáp, pháo binh, phòng không, đặc công, thông tin và các cơ quan phục vụ, bảo đảm. 

Lực lượng các Quân khu, bộ đội địa phương ở chiến trường B2 (địa bàn các tỉnh, thành Nam bộ) phát triển mạnh, trong đó có lực lượng các tỉnh Tây Ninh, Long An gồm nhiều đơn vị bộ đội địa phương cấp trung đoàn, tiểu đoàn để thực hiện chủ trương địa phương tự giải phóng khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh- nguyên Chủ tịch nước cho biết, sau hơn ba tháng luyện quân ở khu vực Đồng Pan, chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh, các lực lượng của Miền lên đường hành quân tới các vị trí, chuẩn bị bước vào chiến đấu theo kế hoạch, trước tiên là tổ chức đánh núi Bà Đen, Tây Ninh và huyện Đồng Xoài, đường 14, tỉnh Phước Long. 

Núi Bà Đen là điểm cao nhất miền Nam, trên đỉnh có Trung tâm tiếp vận truyền tin chiến lược của kẻ địch, mà chúng gọi là “căn cứ mắt thần” với tầm quan sát tới tận Sài Gòn, tới sông Tiền của Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hơn một tháng chiến đấu quyết liệt, bước sang đầu năm 1975, ngày 7.1, quân chủ lực Miền và lực lượng vũ trang địa phương giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long và núi Bà Đen, chỉ cách thị xã Tây Ninh 11 km.

Trong Hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước), Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Tây - Tây Nam đã nhận định: “Có thể nói, chiến thắng đường 14- Phước Long và núi Bà Đen đối với mặt trận B2 (các tỉnh, thành Nam bộ) đã tạo ra cho chúng ta thế làm chủ một địa bàn chiến lược quan trọng, làm thay đổi đáng kể tương quan và thế trận trên chiến trường Đông Nam bộ có lợi cho ta. 

Đối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu thì chiến thắng này có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam”.

Về phía đối phương, theo hồi ký của tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, sự thất thủ “căn cứ mắt thần” ở núi Bà Đen và tỉnh Phước Long khiến cho những kẻ cầm đầu chế độ Sài Gòn hết sức hoảng loạn vì không còn sự hà hơi, tiếp sức của quan thầy Mỹ, trong khi chúng phải đối đầu với quyết tâm chính trị và nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta, quân đội ta trong sự nghiệp lãnh đạo kháng chiến giải phóng dân tộc. 

Quân địch đã trúng “kế nghi binh” của quân ta từ Tây Ninh, Phước Long đến Buôn Ma Thuột, dẫn đến thất bại dồn dập ở Tây Nguyên, miền Trung rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh với 5 cánh quân rầm rập đang thần tốc tiến về Sài Gòn, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước tháng 5.1975.

Sau khi đẩy lùi quân địch ở núi Bà Đen, các đơn vị chủ lực Miền cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh tiếp tục thực hiện “nghi binh” về hướng tấn công của Quân giải phóng trong chiến dịch mùa xuân 1975, căng kéo quân đội Sài Gòn khỏi các hướng tấn công của quân ta và không thể co cụm để bảo vệ “thủ đô” của chúng. 

Quân dân Tây Ninh hạ quyết tâm mở đợt tấn công mạnh, quét sạch nguỵ quân, nguỵ quyền, giải phóng các địa phương vùng bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, thuộc các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng, tạo hành lang nối liền Tây Ninh với Long An, mở đường cho Sư đoàn 5 - chủ lực Miền, có sự phối thuộc của Trung đoàn 174 tiến sang phía Nam Sài Gòn, chiếm giữ đường số 4 (quốc lộ 1 ngày nay) chặn đường quân địch tháo chạy về “Vùng 4 chiến thuật” tức vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương giải phóng tỉnh Long An rồi hợp quân với cánh quân Binh đoàn phía Tây Nam, tức Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước ngày 30.4.1975.

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục