Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Bất cập trong việc quản lý “kênh hoang”
Bài 1: Dân tố cáo, chính quyền “ngó lơ”
Thứ ba: 11:12 ngày 12/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Từ việc quy hoạch không phù hợp nhu cầu thực tế, nhiều năm qua, đã có nhiều tuyến kênh bị bỏ hoang. Thế nhưng cơ quan quản lý các tuyến kênh này cũng như chính quyền địa phương chưa có kế hoạch khảo sát, thống kê, đánh giá và quyết định lưu giữ, phục hồi hoặc xoá bỏ kịp thời. Từ đó, không ít vấn đề phức tạp đã nảy sinh…

Bức tường hộ ông Tài xây trên kênh TN21-13.

Từ một trường hợp xâm phạm kênh...…

Ông Nguyễn Công Binh (ngụ ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước) bức xúc cho biết, chính quyền địa phương xã nhà đã không ngăn chặn, xử lý, báo cáo về cấp có thẩm quyền một trường hợp xâm phạm kênh thuỷ lợi cạnh nhà ông.

Ông Binh cho biết, cuối năm 2015, hộ ông Ngô Khánh Tài (cạnh nhà ông Binh) đã tự ý đào phá một đoạn bờ kênh dài hơn 40m. Đồng thời, hộ này còn thuê máy khoan cắt bê tông phá cống kênh, đào sâu xuống đất và xây tường gạch cao hơn 2m trên một đoạn kênh.

Nhận thấy có điều bất thường trong việc xâm hại công trình thuỷ lợi, ông Binh làm đơn tố cáo gửi đến UBND xã Hảo Đước. Đồng thời, ông Binh cũng làm đơn kiến nghị gửi Đảng uỷ xã xem xét, xử lý khi đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với cá nhân ông Ngô Khánh Tài. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, ông Binh không nhận được văn bản trả lời và vụ việc cũng không được giải quyết theo quy định. “Điều đáng nói là khi tôi tố cáo hành vi phá huỷ tuyến kênh của hộ ông Tài lên xã Hảo Đước thì một vị cán bộ chủ chốt ở đây bắt bẻ: “Kênh của Nhà nước thì ông lấy quyền gì mà tố cáo?”. Tôi là đảng viên, là công dân, nên khi thấy được, biết được hành vi vi phạm pháp luật mà lại không có quyền, không có trách nhiệm tố cáo hay sao?”, ông bức xúc nói. Ông Binh cũng cho rằng chính quyền địa phương cố tình bao che, phớt lờ vi phạm ở hộ ông Tài.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng cho thấy một đoạn bờ kênh sau nhà ông Tài bị đào phá tan hoang, một khối lượng đất kênh đã được mang đi nơi khác. Cạnh đó, tại nơi giao nhau của 2 tuyến kênh, một bức tường gạch cao hơn đầu người lớn được xây ngay trên kênh. Cạnh miệng cống, đất và bê tông có dấu hiệu bị đào xới, khoan cắt để xây tường.

Dù thực trạng như vậy nhưng ông Trương Thành Nhân– Phó Chủ tịch UBND xã Hảo Đước cho biết, xã không lập biên bản vi phạm về hành vi xâm hại tuyến kênh trên. Ông Nhân cho rằng gần đây, do nghe tin Nhà nước huỷ bỏ, không sử dụng tuyến kênh này vào mục đích thuỷ lợi nên hộ ông Tài mới có hành vi rào chắn đất kênh (!?). Ông Nhân cũng cho biết, xã đã mời hai hộ ông Tài, ông Binh ra xã hoà giải “tranh chấp đất kênh”.

Tại buổi hoà giải ngày 25.3.2016, một cán bộ HĐND xã còn tuyên bố: “Đất này là tuyến kênh thuộc đất quản lý của Nhà nước, ông Binh làm đơn tố cáo là quá đáng”. Sau đó, biên bản này ghi kết luận: “Đất này là đất kênh do Nhà nước quản lý, đề nghị hai bên trả lại hiện trạng kênh. Bên nào trồng cây, xây lấn trên kênh thì yêu cầu tháo dỡ bức tường, hàng rào”. Tuy nhiên, cho đến nay, bức tường gạch vẫn tồn tại. Trong khi đó, dù những người có trách nhiệm ở xã Hảo Đước xác định đất kênh do Nhà nước quản lý, nhưng hoàn toàn không đả động đến hành vi phá huỷ công trình thuỷ lợi của hộ ông Tài (!?).

Về nội dung tố cáo của ông Binh, một cán bộ lãnh đạo Đảng uỷ xã Hảo Đước cho biết ông Tài chỉ là thành viên trong gia đình. Mẹ ông Tài mới là chủ hộ nên các hành vi liên quan đến đất đai, xâm phạm kênh đều do mẹ ông Tài chịu trách nhiệm (?). Vì thế, ông Tài được xác định “vô tội”, không vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, cũng như không vi phạm pháp luật hay vi phạm hành chính trong việc “phá kênh” ở địa phương.

Dù phá “kênh hoang” cũng là vi phạm

Tuyến kênh mà hộ ông Tài phá bờ, khoan cống, xây tường ở xã Hảo Đước có ký hiệu TN21-13, vốn không còn được sử dụng từ nhiều năm qua nhưng Nhà nước chưa có quyết định “xoá bỏ”, cũng không có kế hoạch phục hồi. Dù vậy, theo quy định, đất trong toàn bộ tuyến kênh này vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Do đó, những hành vi tác động trái phép lên kênh đều bị cấm. Thế nhưng, trong thực tế, dọc theo tuyến kênh TN21-13, thời gian qua đã có nhiều hộ sử dụng bờ kênh để trồng cây, rào lấn đất, xây cất công trình phụ... Vậy mà những hành vi này đều không bị lập biên bản vi phạm hành chính. “Nếu bây giờ lập biên bản hộ ông Tài vi phạm thì phải lập biên bản để xử lý hết các hộ khác có hành vi tương tự”, một cán bộ xã Hảo Đước nói.

Ông Trần Quang Tĩnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, theo quy định, những tuyến kênh chưa có quyết định xoá bỏ của UBND tỉnh thì vẫn thuộc quyền quản lý của công ty. Nhưng vấn đề này còn liên quan đến việc bàn giao hồ sơ trước đây về công ty. Nếu những tuyến kênh có trong danh mục thì công ty có trách nhiệm quản lý. Còn nếu trước đây trong hồ sơ bàn giao (công ty thành lập tháng 4.1990) không có tên các tuyến kênh trong danh mục thì kênh thuộc quyền quản lý của địa phương. Đây là những tuyến kênh không phát huy hiệu quả từ lâu, khoảng trước năm 1990.

Về trường hợp người dân đào phá, sử dụng tuyến kênh TN21-13 trái quy định ở xã Hảo Đước, ông Tĩnh cho biết cả chính quyền địa phương lẫn cơ quan chủ quản tuyến kênh đều phải có trách nhiệm. “Lẽ ra, tuyến kênh, đoạn kênh không còn phát huy tác dụng nữa thì đơn vị quản lý cùng bàn bạc với chính quyền địa phương thống nhất có ý kiến gửi văn bản lên cơ quan có thẩm quyền (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để thành lập đoàn công tác kiểm tra, xác định trả đất lại, giao cho địa phương sử dụng vào mục đích công cộng. Nói chung trước đây, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương còn buông lỏng trong vấn đề này”, ông Tĩnh nói.

Miệng cống, nơi có dấu hiệu bị đục phá để xây tường.

Trường hợp các hộ dân tranh chấp đất ở các tuyến kênh “bỏ hoang” sẽ được giải quyết ra sao? Ông Tĩnh cho biết, trước đây, khi thi công hệ thống kênh thuỷ lợi Dầu Tiếng (thập niên 1980) thì không có chủ trương đền bù thiệt hại đối với đất, cây trồng, công trình của các hộ dân có đất bị sử dụng làm kênh. Hộ nào có kênh đi qua đất của mình thì tự giác giao đất để Nhà nước trưng dụng. Đất kênh sau khi trưng dụng là đất do nhà nước quản lý, sử dụng. Do đó, hành vi xây tường chắn kênh của hộ ông Tài hay tranh chấp đất kênh đều là sai. Nếu chính quyền địa phương và đơn vị quản lý kênh xác định tuyến kênh đó hiện không còn phục vụ nước cho nông nghiệp nữa thì phải có văn bản gửi về cấp trên đề nghị xoá bỏ. Cơ quan có thẩm quyền sẽ cử đoàn công tác xuống để lập danh sách các hộ có đất nằm trên kênh, xác định lại ranh giới và giao lại đất kênh cho chính quyền địa phương quản lý, ưu tiên sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng.

Trường hợp những hộ dân xâm chiếm kênh khi chưa có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc xoá bỏ kênh không hữu dụng thì chắc chắn họ đã vi phạm. Tuy nhiên, trong vấn đề này có một phần lỗi của đơn vị quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương. Họ chưa chặt chẽ, chưa kịp thời trong việc giám sát, theo dõi để báo cáo, ngăn chặn các hành vi xâm hại. “Chính quyền địa phương cũng có lỗi vì trong Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, địa phương cũng có trách nhiệm, có chức năng thực hiện nhiệm vụ chấm dứt, phạt hành chính đối với hành vi vi phạm kênh thuỷ lợi”, ông Tĩnh khẳng định.

HOÀNG ANH – ĐỨC AN

(còn tiếp)

Điều 231. Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia 

1. Người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Theo tham khảo từ một cán bộ quản lý thuỷ lợi, đoạn kênh trên được xác nhận thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Thuỷ lợi huyện Châu Thành. Vì đây là đoạn kênh nhánh nhỏ nên người xâm phạm kênh có thể chỉ bị xử phạt hành chính, không bị khởi tố hình sự.

Những hành vi tác động tiêu cực đến kênh trên như trường hợp gia đình ông Tài sẽ bị điều chỉnh bằng các văn bản sau: Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH ngày 4.4.2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28.11.2003 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22.10.2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão. 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh