Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
“Gút mắc” chữ đường
Bài 1: Người trồng mía vẫn “ngờ vực”
Thứ bảy: 10:38 ngày 12/03/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Vụ mía 2015–2016 này, nông dân và Hội Người trồng mía (HNTM) Tây Ninh tiếp tục phản ánh, kiến nghị đến cơ quan chức năng, Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công (TTCS) nhiều ý kiến bức xúc xung quanh việc đo chữ đường. Phóng viên đã tìm hiểu từ nhiều phía về vấn đề này và có thể tạm khẳng định: nông dân vẫn bất lợi, dù rằng cơ quan chức năng cho biết vụ chế biến năm nay, tình hình đã được cải thiện theo hướng tích cực.

Khoan lấy mẫu mía để xác định chữ đường vụ 2015-2016 ở nhà máy TTCS (ảnh minh hoạ).

Nông dân bỏ mía vì “chữ đường có vấn đề”

Tây Ninh được xem là “thủ phủ” mía đường của Việt Nam với diện tích mía nguyên liệu lớn nhất nước, cùng 3 nhà máy chế biến mía đường công suất lớn. Theo quy hoạch, tổng diện tích vùng sản xuất mía đường tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 là 37.093 ha, gồm 52 xã thuộc 6 huyện: Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Bến Cầu và Trảng Bàng. Hiện nhà máy đường thuộc TTCS có công suất 9.500 tấn mía cây/ngày; nhà máy đường Biên Hoà – Tây Ninh có công suất 4.000 tấn/ngày và nhà máy đường Nước Trong có công suất 1.500 tấn/ngày.

 Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Ninh có những thuận lợi nhất định để phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thế nhưng, trong những năm gần đây, diện tích mía liên tục giảm vì 2 nguyên nhân chính: giá thu mua và phương pháp xác định chữ đường của nhà máy chế biến còn khiến nông dân “bất an”. Trong đó, theo ghi nhận của người viết, nhà máy của TTCS thường xuyên bị phản ánh về vấn đề xác định chữ đường.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng cũng đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quy trình đo chữ đường ở các nhà máy chế biến trong tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân; hỗ trợ, động viên, khuyến khích nông dân giữ và phát triển vùng nguyên liệu mía; duy trì, phát triển ngành mía đường là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một bộ phận không nhỏ người trồng mía vẫn nghi ngờ thành quả lao động của họ bị “tước đoạt” qua cách tính chữ đường thiếu minh bạch của nhà máy. Do đó, nhiều ý kiến phản ánh, “đặt vấn đề” về tính khách quan trong quá trình xác định chữ đường của nhà máy vẫn tiếp diễn theo từng vụ chế biến. Song song với mối nghi ngờ đó, diện tích mía nguyên liệu có xu hướng ngày càng giảm hơn.

Trước thực trạng này, HNTM Tây Ninh có kế hoạch mua máy đo chữ đường để làm cơ sở “đối chứng” với nhà máy, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Vấn đề này được Hội báo cáo, kiến nghị về cơ quan chức năng và UBND tỉnh. Cuối năm 2015, sau khi nghe Sở NN&PTNT báo cáo về kiến nghị của HNTM xung quanh việc mua máy đo chữ đường và ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo: Việc giám sát đo chữ đường của các nhà máy trên địa bàn tỉnh từ trước đến giờ chưa có giải pháp giải quyết căn cơ nên phát sinh nhiều thắc mắc, khiếu nại. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến diện tích mía bị thu hẹp qua các năm. Việc HNTM kiến nghị mua máy đo chữ đường là hợp lý, xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người nông dân. 

Theo ý kiến phân tích của các ngành và các nhà máy, thì việc UBND tỉnh chấp thuận cho HNTM mua máy đo và lấy mẫu thử chữ đường từ các nhà máy sẽ làm nảy sinh một số vướng mắc giữa nhà máy và HNTM. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, kết quả kiểm tra chữ đường của HNTM không phải là kết quả để áp dụng thực hiện, mà chỉ là cơ sở để kiểm chứng, báo cáo, kiến nghị với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đến đâu thì UBND tỉnh sẽ xem xét, giải quyết đến đó.

“Nếu HNTM không mua thiết bị đo chữ đường thì những mẫu lấy đi giám định ở đơn vị độc lập cần có sự giám sát của 3 bên: nhà máy, HNTM và Sở NN&PTNT cùng ký tên niêm phong mẫu trước khi gửi đi giám định. Nếu HNTM mua thiết bị đo chữ đường thì việc lấy mẫu của Sở NN&PTNT được chia cho HNTM để đo chữ đường. Kết quả đo chữ đường của các đơn vị nếu có khác biệt lớn, gây ảnh hưởng cho người trồng mía, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, HNTM báo cáo cụ thể để UBND tỉnh xem xét, giải quyết”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng kết luận. Ông cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện nâng tần suất lấy mẫu thử chữ đường lên 40 lần/tháng (trước đó là 2 lần/tháng), kinh phí thực hiện chi từ ngân sách tỉnh; tăng cường công tác truyền thông, thông tin để người dân biết, đồng thuận.

Chưa thôi bức xúc

Ngay sau khi UBND tỉnh có chủ trương đồng ý cho Hội mua máy đo chữ đường, Hội đã tiến hành mua, lắp đặt và vận hành thiết bị đo chữ đường này. Theo Chủ tịch HNTM Nguyễn Quang Hợp, máy có giá hơn 600 triệu đồng, đạt các tiêu chuẩn chất lượng quy định về thiết bị đo. Mục đích mua máy đo chữ đường của Hội là để “kiểm tra, đối chứng” kết quả đo chữ đường của nhà máy chế biến thực hiện trên mía nguyên liệu của nông dân. Đây được xem là một biện pháp “kiểm chứng” nhằm tránh trường hợp nông dân trồng mía bị thiệt thòi trong quá trình xác định và công bố chữ đường từ phía nhà máy. Nếu chủ mía có nhu cầu đối chứng chữ đường với phía nhà máy, họ sẽ yêu cầu nhà máy cung cấp mẫu vừa được nhà máy trích lấy và đưa đến đo tại thiết bị của Hội.

Thế nhưng, từ khi mua thiết bị đo đến nay, nhà máy TTCS không cung cấp bất kỳ mẫu nào để HNTM đo kiểm chứng. Trong khi đó, theo một hội viên HNTM Tây Ninh phản ánh, đầu vụ chế biến 2015 – 2016 này (từ ngày 7.11 – 23.11.2015) nông dân trồng mía phấn khởi khi thu hoạch đạt chữ đường (CCS) cao, dù mía chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, sau ngày 23.11, mía lại có CCS thấp hơn dù bước vào giai đoạn chín. Nông dân này cho biết, mía của ông đạt năng suất 95 tấn/ha nhưng vẫn lỗ vốn 7 triệu đồng/ha do CCS quá thấp.

Một nông dân khác nêu lên sự vô lý trong việc đo CCS năm nay của nhà máy đường: đưa 10 xe mía từ ruộng về nhà máy thì chỉ có 1 xe được 10 CCS, còn lại chỉ 8 CCS. Trong khi năm ngoái, cũng giống mía này (K94), ông cho thu hoạch sớm hơn và mía bị ngập nước, nhưng vẫn đạt được 9,5 CCS. Năm nay, mía thu hoạch trễ hơn, không bị ngập nước nhưng chữ đường lại thấp hơn. HNTM cũng nhận được nhiều ý kiến của nông dân cho rằng việc đo chữ đường (CCS) thời gian qua không minh bạch.

Trước tình hình này, HNTM tỉnh có công văn gửi Công ty TTCS, trong đó có nội dung đề cập đến việc cung cấp mẫu nước mía để Hội đo chữ đường kiểm chứng. HNTM đề nghị Công ty TTCS cử đại diện làm việc với đại diện HNTM về hình thức, thời gian trao nhận mẫu nước mía. Thế nhưng, phía Công ty TTCS không đáp ứng yêu cầu trên, cho nên HNTM không thể tiến hành việc đo chữ đường kiểm chứng theo yêu cầu của nhiều nông dân trồng mía.

Đến nay, HNTM cũng đã gửi 2 văn bản đến Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh kiến nghị hỗ trợ Hội thực hiện việc lấy mẫu để đo chữ đường đối chứng với nhà máy TTCS. “Do không được cung cấp mẫu để đo đối chứng nên chúng tôi đã tự lấy mẫu từ mía thu hoạch ngẫu nhiên trên cánh đồng để đo bằng máy Hội mua với mục đích tham khảo. Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu mía được đo đều đạt trên dưới 11 CCS. Trong khi đó, chưa có xe mía nào thu hoạch trên cánh đồng của chúng tôi được phía nhà máy xác định đạt mức 10 CCS. Đây là điều quá vô lý!”, ông Hợp nói.

HOÀNG ANH

(còn tiếp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh