Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) đã qua, nhưng hàng triệu trái tim của người dân Việt Nam vẫn đã và đang tri ân những người làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.

Và với những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa xuân năm 1975, ký ức hào hùng về những chiến công, về ngày toàn thắng dân tộc, non sông thu về một mối ấy không bao giờ phai mờ.
Những chiến binh huyền thoại
Đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, xe tăng T-54 số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm trưởng xe đã húc vào cổng phụ của dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy. Xe tăng T-59 số hiệu 390 do Chính trị viên, Đại uý Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên- pháo thủ số 1, Thiếu uý Lê Văn Phượng- Đại đội phó kỹ thuật, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập- lái xe đi sau lập tức xông lên húc đổ cánh cổng chính.
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc dinh Độc Lập cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khát vọng hoà bình, độc lập của cả dân tộc.
50 năm đã trôi qua, gặp Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên tại buổi diễu binh, diễu hành vào ngày đại lễ 30.4, ông chậm rãi kể cho lớp thanh niên về dấu mốc lịch sử ấy: Sáng 30.4.1975, với tinh thần thần tốc, 4 đoàn quân, trong đó quân đoàn 2 của ông có hai xe tăng là 843, 390 tiến vào Sài Gòn, vượt qua những vòng phòng thủ cuối cùng của địch, tiến thẳng vào nội đô. Một trong những mục tiêu then chốt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Nha Cảnh sát, Trường sĩ quan võ bị và Bộ Tư lệnh Hải quân.
Trong lúc xe tăng 843 lao vào cổng phụ và dừng lại, ông Nguyễn Văn Tập đã nhận lệnh từ Đại đội trưởng Vũ Đăng Toàn: “Chú đâm thẳng vào!”. Và thế là, xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt, mở ra một cửa ngõ cho quân đoàn phía sau tiến lên tiêu diệt cơ quan đầu não của địch.
“Cú đâm này chính là sức mạnh, là khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam, 21 năm kháng chiến gian khổ và hy sinh mới có giây phút này. Chúng tôi không sợ hy sinh mà cứ thế lao thẳng vào để mở cánh cửa, để đại quân phía sau tiến lên, tiêu diệt cơ quan đầu não cuối cùng của địch”- ông Nguyên khẳng định.
Sau thời khắc lịch sử khoảng 1 tiếng, Đại đội 4 của ông Nguyên nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng để bảo vệ cảng, kho hàng, đề phòng địch phản kích. Ở đây khoảng 4 đến 5 ngày, đơn vị ông rút về tổng kho Long Bình, xây dựng đơn vị, sửa chữa xe, bổ sung đạn dược... sẵn sàng chiến đấu.
50 năm kể từ ngày toàn thắng, những người từng đi qua cuộc chiến, ký ức về mùa xuân năm 1975 vẫn chưa hề lùi xa, âm vang của bản tuyên bố đầu hàng, tiếng bom rền, làn khói súng và giây phút lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập… tất cả vẫn sống động trong tâm khảm mỗi người lính.
Lời của Chính uỷ Bùi Văn Tùng hùng hồn vẫn như còn vang vọng cho đến ngày nay: “Chúng tôi đại diện lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”...
Về trong vòng tay nhân dân
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi cũng đã có dịp gặp Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, 79 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 - một trong những nhân chứng của ngày lịch sử 30.4.1975.
Cũng như nhiều thanh niên yêu nước căm thù quân xâm lược, năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ. Lúc này, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320, đóng quân ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Kíp xe tăng 390 chụp ảnh lưu niệm cùng thanh niên (ảnh: thứ 3 từ phải qua: Đại uý Vũ Đăng Toàn, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên)
Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu, đến đầu năm 1967, ông được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, ông được điều động bổ sung cho chiến trường Đông Nam bộ tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 5, Quân Giải phóng miền Nam.
Ông nhớ những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn; bộ đội ta thiếu ăn, ốm đau bệnh tật, đặc biệt là sốt rét và suy dinh dưỡng trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Song cán bộ chiến sĩ cùng quân dân các địa phương kiên cường vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, đập tan âm mưu xâm lược và giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
50 năm sau ngày toàn thắng, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày chiến thắng, hoà bình được lập lại, đất nước thống nhất và nhớ người dân khắp nơi đã chở che, cưu mang cho bộ đội.
“Chúng tôi ghi sâu công ơn của nhân dân trên mọi miền của đất nước đã quên mình chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng bộ đội trong suốt chiều dài tháng năm chiến đấu. Với riêng tôi, tôi không thể nào quên được sự cưu mang, sẻ chia của bà con miền Đông và miền Tây Nam bộ- nơi tôi trực tiếp chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt. Không có nhân dân thì không có chúng tôi hôm nay”- ông bày tỏ.
Là những người trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông và các đồng đội luôn tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng truyền thống “quyết chiến quyết thắng”, xứng đáng với những hy sinh của đồng đội.
“Thế hệ chúng tôi tự hào và khẳng định rằng, đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu, chiến thắng, thu giang sơn về một mối và tạo ra những tiền đề cho đất nước phát triển. Chúng tôi tin tưởng rằng, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ kế thừa và phát huy truyền thống của cha anh, dân tộc, truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đem hết sức mình xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, sánh vai với các cường quốc năm châu, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”- ông Thổ nhắn nhủ.
Tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khối Tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhân chứng lịch sử được ví là khối đặc biệt nhất tại lễ diễu binh, diễu hành. Bởi đây là những nhân chứng lịch sử, những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, chiến đấu anh dũng, kiên cường. Đặc biệt, rất xúc động là hình ảnh người dân, các em đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi - thế hệ tương lai của đất nước vẫy cờ hoa, rạng rỡ chào đón các khối diễu binh, diễu hành, nhất là khi khối cựu chiến binh đi qua.
Bé Tuệ Anh, ngụ phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thấy các chú, các bác diễu binh, con rất tự hào và biết ơn những cống hiến, hy sinh của các bác. Con hứa sẽ học thật giỏi để góp sức xây dựng quê hương”.
Không tham gia diễu binh, diễu hành, cựu chiến binh Trần Văn Phúc, thuộc Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao Vàng, Quân khu 5, là thương binh hạng 3/4 bày tỏ, để được “sống” cùng nhân dân, ông và đồng đội đã không vào khán đài chính và chọn cách theo dõi lễ diễu binh, diễu hành trên những tuyến đường của Thành phố Hồ Chí Minh, cảm nhận một lần nữa khí thế hào hùng và sự vui mừng của nhân dân trong ngày toàn thắng.
Vừa theo dõi những đoàn diễu binh qua, ông kể: “Ngày đó, ông nhận nhiệm vụ cùng Quân đoàn 2 tấn công hướng Duyên Hải vào giải phóng Đông Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo và Cần Giờ. 50 năm sau ngày giải phóng, ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh để mừng kỷ niệm đại thắng mùa Xuân vĩ đại của dân tộc”.
“Được trực tiếp dự lễ kỷ niệm, thật sự xúc động, những cảm xúc về thời chiến đấu lại ùa về, bồi hồi lắm. Điều phấn khởi nhất là tôi thấy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, thật sự ấn tượng, rất vui”- ông Phúc nói.
Với những người chiến sĩ cách mạng, người dân, ngày 30.4.1975 không chỉ là một mốc son lịch sử mà còn là biểu tượng thiêng liêng của sự hy sinh, lòng quả cảm và khát vọng hoà bình của cả dân tộc để thế hệ trẻ hôm nay nguyện viết tiếp câu chuyện hoà bình, chung tay xây dựng quê hương đất nước.
Vũ Nguyệt
(còn tiếp)