Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Vấn nạn lò gạch, hầm đất ở Lộc Hưng
Bài 1: Ruộng vườn giờ đã thành ao
Thứ năm: 05:59 ngày 30/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Nhiều hộ dân ở ấp Lộc Bình, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng bức xúc phản ánh môi trường sống của cư dân địa phương bị tác động tiêu cực bởi hoạt động của cụm lò gạch và các hầm đất khoáng sản ở đây.

Dấu vết một khu đất bị khai thác trái phép ở ấp Lộc An.

Theo trình bày của các hộ dân, trước đây, đất đai ở các khu vực ấp Lộc Bình và Lộc An (đều thuộc xã Lộc Hưng) đều là đất nông nghiệp. Trước và sau chiến tranh, người dân luôn bám đất bám làng để trồng tỉa. Thế nhưng, vùng thôn quê vốn tĩnh lặng bao đời đã không còn bình yên trong khoảng 10 năm trở lại đây. Càng ngày, người dân địa phương càng thêm bức bối bởi phải luôn sống trong sự bất an, phải luôn đối mặt với những nguy cơ đem lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 10 doanh nghiệp đóng ở nơi này.

“Từ một vùng nông thôn chuyên sản xuất nông nghiệp, khoảng 10 năm trước, nơi này bỗng dưng xuất hiện một vài lò gạch của các doanh nghiệp từ nơi khác đến. Để có nguyên liệu sản xuất, các lò gạch mua đất nông nghiệp của người dân tại địa phương. Lúc đầu họ mua chỉ chừng hơn mẫu, rồi dần dà mua tràn ra xung quanh theo kiểu tằm ăn lá dâu. Trong đợt “sốt” giá gạch vào cuối năm 2007, giá đất nguyên liệu làm gạch cũng “sốt” theo. Thời điểm năm 2005, mỗi mẫu đất ở khu vực này giá chỉ trên dưới trăm triệu đồng, nhưng đến năm 2007 đã thành… 800 triệu đồng! Còn giá hiện nay trên dưới 1 tỷ đồng. Thấy ở đây có vẻ làm ăn được, các doanh nghiệp đổ xô đến mở lò gạch và mua đất để lấy nguyên liệu. Cho đáng đồng tiền đã bỏ ra, họ cố sức khai thác đất đến độ sâu không thể nào khai thác được nữa mới thôi- một người dân đã cho biết như thế.

Cũng có người cho rằng nhờ mấy lò gạch hoạt động ở đây mà không ít người dân địa phương “được món hời”. Từ đất nông nghiệp giá rẻ, giá trị đất bán cho các lò gạch hay bán đất san lấp tăng lên nhiều lần, làm cho nhiều nông dân bỗng dưng “đổi đời” (dù rằng không phải ai cũng sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả để cải thiện cuộc sống). Nhưng hệ luỵ để lại cho cộng đồng dân cư quả là rất đáng quan ngại.

Ông P.V.H, ngụ ấp Lộc Bình cho biết, khởi đầu thì chỉ có một, hai lò gạch công suất không đáng kể. Chỉ sau vài năm thì ở 2 ấp Lộc Bình, Lộc An (liền kề nhau) có đến 7 lò gạch ngày đêm nhả khói mịt trời. Cùng với số lượng lò gạch tăng lên, diện tích đất nông nghiệp biến thành đất gạch, đất san lấp cũng tăng chóng mặt. Những hộ dân ở lân cận lò gạch hoặc hầm đất khoáng sản dẫu không muốn bán đất nông nghiệp cũng không được. Vì người ta đào hầm sâu hoắm kế bên, làm cho đất mặt bạc màu vì bị rửa trôi, nước ngầm khô kiệt, khiến đất trồng trọt trở nên khô khốc, không sản xuất được nữa. Trước tình trạng này không bán đất cho họ thì để làm gì?

Theo ghi nhận của người viết, có thể nói không quá lời rằng giữa khu dân cư hai ấp Lộc Bình, Lộc An giờ là một công trường khai thác khoáng sản rộng hàng chục ha cùng cụm lò gạch có công suất khá lớn hoạt động quanh năm. Quá trình khai thác đất, sản xuất gạch đã biến khu làng quê này thành… khu mỏ nguy hiểm và thành làng nghề ô nhiễm.

Theo chân mấy lão nông, chúng tôi len lỏi qua xóm nhà dân đi khảo sát khu “hầm đất tử thần” ở hai ấp Lộc Bình, Lộc An. Ở đây, ranh giới giữa hai ấp là con suối được hình thành từ thuở người dân mới đến khai khẩn, định cư. Hơn 10 năm trước, khi chưa xảy ra tình trạng đào hầm lấy đất khoáng sản tràn lan thì con suối là dòng chảy đi qua vùng trũng thấp, tứ bề là ruộng vườn, nhà cửa. Vài năm gần đây, do đất hai bên suối đã bị đào sâu hơn 10m, con suối tự nhiên bỗng trở thành con kênh nổi nhân tạo nằm chênh vênh giữa hai bên vực thẳm. Theo một nông dân địa phương, việc thay đổi đột ngột, bất thường về hiện trạng địa chất tự nhiên đã tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm của khu vực xung quanh, khiến cho quá trình canh tác nông nghiệp gặp khó khăn.

Ngay cạnh suối (thuộc địa phận ấp Lộc Bình) là khu hầm đất sâu hun hút của một doanh nghiệp vừa sản xuất gạch, vừa kinh doanh đất san lấp có quy mô lớn ở đây. Không thể ngờ được rằng, với độ sâu trên 10m (có người cho rằng thực ra là sâu hơn 15m) khu hầm đất này vẫn được tiếp tục khai thác- hết hầm này đến hầm khác liền kề nhau. Khu hầm đất có độ sâu nguy hiểm như thế lại toạ lạc giữa khu dân cư mà không hề có rào chắn theo quy định. “Trước đây, doanh nghiệp không hề rào chắn gì cả nên người dân địa phương rất bức xúc. Người dân phản ánh dữ quá nên doanh nghiệp mới cho xây tường rào ở một vài chỗ quanh hầm đất. Chúng tôi cho rằng họ rào chắn không phải để bảo đảm an toàn cho cộng đồng cư dân xung quanh mà chủ yếu là để… che mắt mọi người, tránh sự nhòm ngó, để họ có thể ung dung khai thác thêm. Thực tế độ sâu bây giờ khoảng 15m nhưng đáy hầm vẫn khô ráo nên chắc chắn họ sẽ tiếp tục đào sâu thêm nữa. Bởi hầm đất đã đào trước đó hiện đang mênh mông nước cũng được đào theo kiểu vậy, ước độ sâu phải đến 20m”- ông P.V.H nói.

Hiện tại, khu hầm đất của doanh nghiệp nói trên rộng khoảng 7 – 8 ha, trong đó có hơn 5 ha đã và đang được khai thác, hầu hết với độ sâu “chóng mặt”. Phía trước hầm đất, phía hương lộ 2 là lò gạch, quanh đó là nhà dân và đất trồng cây nông nghiệp. Theo một người dân, một phần đất nông nghiệp cạnh đó đã được bán cho chủ hầm này. Nhiều khả năng chỉ chừng một hai năm nữa, khu hầm đất sẽ tiếp tục “nuốt chửng” nhiều ha đất nông nghiệp liền kề.

Phía bên kia suối là địa phận ấp Lộc An. Đằng sau các lò gạch là một vùng ao sâu mênh mông nước. Khu vực này cũng rộng khoảng 7 – 8 ha, trong đó có hơn 2 ha đã được khai thác đất khoáng sản trước đó và đang có dấu hiệu sẽ còn… khai thác tiếp. Cạnh đó, lùi về khu vực đang sản xuất nông nghiệp, một khu đất gò đang bị đào xới để lấy đất mang đi nơi khác. Người dân cho biết, khu đất này do một doanh nghiệp khai thác gần đây và việc khai thác không hề có giấy phép.

Người dân cho biết, hầm đất giữa khu dân cư này sâu khoảng 20m.

Được biết, ở hai ấp Lộc Bình và Lộc An hiện có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất khoáng sản. Thời gian gần đây, cả 3 doanh nghiệp này đều tiến hành khai thác đất san lấp, đất làm gạch vận chuyển từ mỏ về lò gạch và bán đi nơi khác. Dù hoạt động đã khá lâu nhưng chủ các hầm đất này đều không tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình khai thác. Thế nên, thời gian qua họ thường xuyên bị người dân địa phương khiếu nại.

Do quá trình mua bán đất diễn ra tự do từ nhiều năm trước nên hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được sang nhượng cho doanh nghiệp đầu cơ. Trong vài ba năm tới, khu vực này hứa hẹn sẽ tiếp tục bị… đào xới không thương tiếc, bất chấp những hậu quả lâu dài về sau. Bên cạnh đó, xen lẫn giữa những hầm đất có giấy phép, có những hầm đất được doanh nghiệp, cá nhân “tranh thủ” khai thác trên những diện tích ngoài giấy phép, hòng thu lợi nhuận “khủng”.

Rất nhiều người dân mong mỏi các cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra hiện trạng khai thác đất khoáng sản ở xã Lộc Hưng, đặc biệt là ở hai ấp Lộc Bình, Lộc An. Họ mong rằng quá trình khai thác đất phải tuân thủ theo các yêu cầu bảo đảm an toàn cho cộng đồng và không tác động xấu đến môi trường. Nhiều người đề nghị: chính quyền và ngành chức năng cần có sự khảo sát, đánh giá toàn diện những tác động tiêu cực của việc khai thác đất khoáng sản đối với môi trường và con người ở khu vực Lộc Bình, Lộc An. Họ rất lo là nếu không có giải pháp ngăn chặn từ bây giờ, về lâu dài việc khai thác đất quá sâu với diện tích rộng, cấu tạo địa chất tự nhiên sẽ thay đổi gây bất lợi cho con người. “Như thế thật bất công, bởi chỉ có vài người hưởng lợi nhưng hàng trăm người phải gánh hậu quả về lâu dài!”- một người dân bất bình bày tỏ.

HOÀNG ANH

(Còn tiếp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh