Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cũng như các nơi khác ở miền Nam, tại Tây Ninh, nguỵ quyền Sài Gòn xây dựng bộ máy tay sai từ tỉnh đến cơ sở, chuẩn bị thực hiện âm mưu đánh phá cách mạng. Mỹ-nguỵ đưa một trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 13 từ Sài Gòn lên xây dựng căn cứ ở Tua Hai nhằm kiểm soát đường giao thông từ thị xã Tây Ninh lên Tân Biên.

“Cần thấy rằng cách mạng ở miền Nam vẫn có khả năng hoà bình phát triển, tức là khả năng dần dần cải biến tình thế, dần dần thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam có lợi cho cách mạng. Khả năng đó hiện nay rất ít, song Đảng ta không gạt bỏ khả năng đó, mà cần ra sức tranh thủ khả năng đó.
Nhưng đồng thời, vì Mỹ - Diệm quyết tâm bám lấy miền Nam, chúng không thể tự nguyện từ bỏ chính quyền, từ bỏ hành động bạo lực nhằm tiêu diệt cách mạng ở miền Nam và xâm lược miền Bắc, cho nên Đảng ta vẫn phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt theo phương hướng căn bản là khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm” - Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) năm 1959 đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam ở miền Nam.
Phù điêu Chiến thắng Tua Hai. Ảnh: Đ.H.T
Bối cảnh lịch sử
Sau năm 1954, hất cẳng Pháp, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam. Cuộc đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc của nhân dân ta bị địch thẳng tay đàn áp, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Cũng như các nơi khác ở miền Nam, tại Tây Ninh, nguỵ quyền Sài Gòn xây dựng bộ máy tay sai từ tỉnh đến cơ sở, chuẩn bị thực hiện âm mưu đánh phá cách mạng. Mỹ-nguỵ đưa một trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 13 từ Sài Gòn lên xây dựng căn cứ ở Tua Hai nhằm kiểm soát đường giao thông từ thị xã Tây Ninh lên Tân Biên.
Giữa năm 1956, với phương châm “thà giết lầm hơn bỏ sót”, Ngô Đình Diệm mở chiến dịch tố cộng, diệt cộng giai đoạn II, mức độ tàn bạo, dã man hơn trước. Cự tuyệt yêu cầu tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc theo nội dung Hiệp định Genève, sau ngày 20.7.1956, nguỵ quyền Sài Gòn đưa lực lượng công an đội lốt công dân vụ, cán bộ thông tin tỉnh, huyện chia làm nhiều nhóm phối hợp với lính bảo an, tề vệ tại chỗ đến các xã dùng vũ lực tập trung quần chúng, liên tục tuyên truyền “bài phong, đả thực, diệt cộng, quốc gia dân chủ”. Sau khi ban hành luật “Bảo vệ trị an”, song song với việc mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” mang tên Thoại Ngọc Hầu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, địch chọn Tây Ninh làm thí điểm chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” ở miền Đông Nam bộ mang tên Trương Tấn Bửu để rút kinh nghiệm triển khai ra các tỉnh Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa.
Từ ngày 6.5.1959, Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật. Đây là thời kỳ cách mạng miền Nam nói chung và Đảng bộ Tây Ninh nói riêng bị tổn thất vô cùng to lớn. Đối với Tây Ninh, nhiều chi bộ xã bị thiệt hại nghiêm trọng, có xã chỉ còn 2 đến 3 đảng viên, có xã không còn đảng viên. Cuối năm 1959, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ còn khoảng 300 đảng viên. Trại giam của địch ở Tây Ninh chật ních những người cách mạng và quần chúng yêu nước. Trước tình hình đó, tháng 1.1959, Trung ương Đảng mở Hội nghị lần thứ 15, đề ra đường lối, nhiệm vụ, phương hướng của cách mạng ở miền Nam theo tinh thần: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân”. Nghị quyết 15 ra đời đã thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đẩy mạnh tiến công và tổng tiến công giành thắng lợi.
Bia Chiến thắng Tua Hai. Ảnh: Đ.H.T
Tua Hai và công tác chuẩn bị cho trận đánh lịch sử
Tua Hai (Tour 2) đóng tại Trảng Sụp, thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành (nay là xã Đồng Khởi) vốn là tháp canh số 2 nằm trên lộ 22 đi Campuchia, cách thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) 7km về phía Bắc, được thực dân Pháp xây dựng trong “kế hoạch De la Tour”. Năm 1956, Ngô Đình Diệm xây dựng thành căn cứ quân sự lấy tên thành Lam Sơn, nơi đóng quân của Trung đoàn 39 thuộc Sư đoàn 13 quân chủ lực nguỵ, đồng thời là một trung tâm huấn luyện quân sự. Tại Tua Hai, địch đặt một kho vũ khí lớn và được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiệm vụ của lực lượng địch ở Tua Hai là càn quét cơ quan đầu não cách mạng, ngăn chặn mở rộng vùng căn cứ địa cách mạng, đánh phá các cơ sở cách mạng dọc theo lộ 22 nhằm hỗ trợ cho các khu dinh điền kìm kẹp quần chúng. Mặc dù thành Tua Hai xây dựng kiên cố, quân số đông và được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng căn cứ này không phải không có điểm yếu.
Sau khi xem xét các phương án, theo đề xuất của tỉnh Tây Ninh và Ban Quân sự miền Đông, Xứ uỷ đã phân tích, đánh giá kỹ tình hình và quyết định chọn Tua Hai làm mục tiêu tiến công. Trận đánh có sự hỗ trợ quan trọng, mang tính quyết định của chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai, do Tỉnh uỷ Tây Ninh dày công duy trì, xây dựng và phát triển từ các cơ sở nội tuyến do Ban Binh vận Miền giới thiệu. Lực lượng Dân công hoả tuyến, tải thương tải đạn cũng được chuẩn bị rất kỹ càng. Trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự miền Đông tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến do Tây Ninh đảm nhiệm. Đây là cố gắng rất lớn của Tây Ninh, là kết quả của quá trình âm thầm chuẩn bị lực lượng lâu dài, bí mật của tỉnh, một thành công lớn của công tác dân vận của Tây Ninh. Nhờ đó, khi trận Tua Hai diễn ra, tỉnh đã huy động cùng một lúc 300 dân công, chủ yếu là của huyện Châu Thành và một bộ phận hơn 42 người của huyện Dương Minh Châu với đa phần là đảng viên, đoàn viên thanh niên và quần chúng cách mạng trung kiên. Theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, các lực lượng còn lại ở Chiến khu Đ cơ động đánh chi khu và huyện lỵ Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước) để thu hút địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta ở Tây Ninh tập trung đánh vào trọng tâm Tua Hai, bảo đảm giành thắng lợi.
Chiến thắng Tua Hai đã tạo động lực cho Phong trào Đồng khởi ở Miền Nam. Trong ảnh: Nhân dân Miền Nam tham gia đấu tranh với Mỹ-ngụy trong Phong trào Đồng khởi. Ảnh tư liệu
Diễn biến chính
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, 4 cơ sở nội tuyến vận động gần 400 binh sĩ trung đoàn 32, sư đoàn 21 về quê ăn Tết Nguyên đán. Trong đó, có một số binh sĩ được chỉ huy cho phép, còn một số không được cho phép nhưng vẫn xé rào về nhà. Hầu hết cơ sở nội tuyến của ta cũng phải đi, mục đích là khi lực lượng vũ trang tấn công tiêu diệt thành Nguyễn Thái Học (Tua Hai), các cơ sở nội tuyến không bị lộ thân phận, tạo thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động sau này. Thực hiện kế hoạch, chiến thuật và phương châm tác chiến, lực lượng vũ trang chia thành 4 mũi vào vị trí chiến đấu. Trước đó, lực lượng trinh sát đặc công đã được cơ sở nội tuyến đưa từ ngoài vào, ém sẵn trong căn cứ địch chờ pháo lệnh.
Giờ nổ súng tấn công thành Tua Hai theo quy định là 23 giờ 30 ngày 25.1.1960. Thế nhưng bất ngờ đã xảy ra: trước giờ tiến công theo quy định, địch nổi còi tập hợp quân số trong căn cứ Tua Hai. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy trận đánh quyết định tạm hoãn giờ nổ súng, xem xét lại kế hoạch trận đánh có bị lộ bí mật không. Đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26.1.1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu.
Được nội tuyến và trinh sát - đặc công dẫn đường, quân giải phóng chia làm 3 mũi: một mũi tập kích vào sở chỉ huy Trung đoàn 32 nguỵ, một mũi tấn công vào khu vực phòng ngủ của sĩ quan địch. Sức mạnh của 100 quả bộc phá, thủ pháo đã làm tê liệt ngay từ đầu bộ phận đầu não chỉ huy của địch. Mũi thứ ba chiếm lĩnh kho vũ khí, lấy súng đối phương đánh lại đối phương. Trước sức tấn công của ta, địch nhanh chóng tan rã. Chỉ trong vòng 3 giờ chiến đấu, ta làm chủ trận địa. Lực lượng dân công theo sát các đơn vị chiến đấu đã có mặt kịp thời mang vác súng đạn, ai cũng đem hết sức mình để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng căn cứ. Các chiến sĩ được lệnh đổi súng cũ lấy súng mới để tự trang bị cho mình. Chỉ huy phó trận đánh ra lệnh dùng ba xe vận tải của địch vận chuyển súng đạn, sử dụng lái xe của ta và lái xe là hàng binh địch chở vũ khí từ Tua Hai theo lộ 22 hướng lên Trại Bí về căn cứ. Sau khi thu vũ khí, giải quyết chính sách đối với tù binh, đến 3 giờ 30 ngày 26.1.1960, lực lượng vũ trang của ta rút khỏi trận địa. Trận tiến công Tua Hai diễn ra đúng như dự kiến.
Đối chiếu với tài liệu chính thống, có thể thấy lời kể của ông Sáu Lệ, ông Bùi Văn Thuyên trong bài viết đầu tiên của loạt bài này gần như trùng khớp.
Việt Đông - Hoàng Yến
(còn tiếp)