Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Bất cập từ quản lý “kênh hoang”
Bài cuối: Có chủ trương xoá bỏ, nhưng...
Thứ sáu: 11:08 ngày 15/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, tháng 8.2015, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT nghiên cứu trình UBND tỉnh cho chủ trương về việc xoá bỏ các tuyến kênh không còn sử dụng vào mục đích thuỷ lợi. Tuy nhiên, có vẻ sẽ còn mất nhiều thời gian mới giải quyết xong tình trạng “kênh thừa”.

Đất kênh bị người dân cắm cọc rào chiếm.

Chậm giải quyết

Nếu như trường hợp “kênh hoang” trên địa bàn xã Hảo Đước bị người dân lấn chiếm sử dụng trong sự thờ ơ của chính quyền địa phương thì ở một số nơi khác, UBND xã đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân về hướng xử lý kênh và kiến nghị về cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề còn trì trệ. 

Cụ thể như, tuyến kênh TN17-13-10, dài hơn 500m, thuộc địa phận thành phố Tây Ninh bị bỏ hoang nhiều năm do không phục vụ hiệu quả mục đích thuỷ lợi. Hiện nay trong khu vực kênh đi qua đã hình thành khu dân cư đông đúc. Người dân đã san phẳng một số đoạn kênh để sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu dân sinh. Trước thực trạng này, ngày 27.3.2006, lãnh đạo UBND tỉnh có bút phê đồng ý cho san lấp tuyến kênh này. Thế nhưng cho đến nay, người dân chưa được biết chủ trương này và những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm vẫn chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất.

Ở huyện Dương Minh Châu, nhiều năm qua tồn tại một tuyến “kênh hoang” trên địa bàn xã Phước Minh. Theo UBND xã, đây là tuyến kênh TN0, dài gần 5.000m, rộng 25m. Dọc theo hai bên kênh có 81 hộ dân đang canh tác nông nghiệp. Dù kênh không còn được sử dụng đúng công năng nhiều năm, nhưng cơ quan quản lý chưa kiến nghị UBND tỉnh xoá bỏ tuyến kênh này. Cũng như các tuyến “kênh hoang” khác, hầu hết đất kênh này hiện đã được người dân sử dụng, trồng cây ngắn ngày lẫn cây lâu năm. Trong đó, có một đoạn kênh khá dài bị người dân san phẳng để sản xuất. Thậm chí có hộ đã cất nhà kiên cố trên kênh. Cũng theo UBND xã Phước Minh, gần đây, xã có văn bản gửi UBND huyện và các ngành chức năng có liên quan đề nghị sử dụng kênh TN0 làm đường giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu lưu thông, vận chuyển của người dân quanh vùng. Chủ trương của UBND xã được sự đồng thuận cao của người dân địa phương nơi tuyến kênh đi qua.

Theo UBND huyện Dương Minh Châu, sau khi nhận được kiến nghị của UBND xã Phước Minh, cuối năm 2015, huyện đã lập tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT về việc cho chủ trương xoá bỏ tuyến kênh TN0. Đồng thời, UBND huyện đề nghị được sử dụng tuyến kênh trên làm đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, hiện huyện chưa nhận được phản hồi.

Theo tìm hiểu của người viết, năm 2001, khi ngành chức năng đến khảo sát tuyến kênh TN 17-7B để kiến nghị UBND tỉnh xoá bỏ đoạn kênh thừa, UBND xã Đồng Khởi đã đề nghị cho giữ lại đoạn từ vị trí K2+630 đến K2+950 với dự định làm công trình giao thông nông thôn. Tuy nhiên, thời gian sau đó, khu vực này không phát triển dân cư như dự kiến. Người dân địa phương cũng không có nhu cầu đi lại, vận chuyển trên tuyến kênh này bởi chủ yếu lưu thông theo đường giao thông nông thôn tại tổ 16, ấp Cầy Xiêng. Năm 2008, cử tri ấp Tua Hai (xã Đồng Khởi) đã kiến nghị Nhà nước xem xét huỷ bỏ đoạn kênh trên do không sử dụng từ lâu để trả lại đất cho người dân sản xuất. UBND xã Đồng Khởi nhận thấy kiến nghị của cử tri là xác thực, phù hợp với thực tế địa phương nên đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng về việc công bố huỷ bỏ tuyến kênh trên. Thế nhưng, sau nhiều năm, đoạn “kênh hoang” trên vẫn tồn tại cho đến nay.

Giao đất “kênh hoang” cho ai?

Trao đổi về thực trạng “kênh hoang”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, tháng 9.2015, Công ty có tờ trình gửi Sở TN&MT về việc trả lại đất kênh và đoạn kênh không còn sử dụng.

 Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, địa phận huyện Trảng Bàng có 4 tuyến “kênh hoang” cần xoá bỏ. Kênh N20-18-13, dài 1.094m, đi qua vùng gò cao nhưng thiếu kênh nội đồng. Ở khu vực này, dân cư đã phát triển khá đông đúc, trồng nhiều cây lâu năm và không có nhu cầu sử dụng nước tưới. Kênh N20-16-1, dài 600m, bị bỏ hoang từ khi thiết kế đến nay, hiện đã xuống cấp nặng, có đoạn bị người dân san phẳng. Kênh N12-1A, dài 942m, và kênh N14-1 không tưới được từ khi thi công hoàn thành. Hiện 2 tuyến kênh này chỉ còn trên hồ sơ, bởi người dân đã san phẳng để sản xuất, xây cất nhà ở.

Địa phận huyện Châu Thành 3 có tuyến “kênh hoang”, gồm kênh TN17-16A, kênh TN21-13, kênh TN17 – 7B. Kênh TN17-16A dài 3.000m, trong đó có một đoạn không dẫn nước tưới được nên không sử dụng từ lâu. Kênh TN21-13 dài 1.037m, trong đó có một đoạn không tưới được, đồng thời khu vực này hiện là khu dân cư, không cần nước tưới. Kênh TN17-7B dài 3.181m, trong đó có 2 đoạn dài tưới không hiệu quả, nằm trong lộ giới (đoạn K1+750-K2+630 và đoạn K2+630-K2+950).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có 10 tuyến “kênh hoang” dự kiến được xoá trong thời gian tới, gồm các tuyến kênh theo thống kê, đề xuất của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh (đã nêu ở phần trên) và 3 tuyến kênh khác là kênh An Thành, kênh TN0, kênh N26.

Một vấn đề pháp lý được đặt ra là sau khi có chủ trương xoá bỏ, đất “kênh hoang” sẽ được giao cho ai quản lý, sử dụng? Trong thực tế, một số tuyến “kênh hoang” sau khi xoá bỏ được tận dụng làm đường giao thông nông thôn, bởi trước đó bờ những tuyến kênh này đã trở thành đường đi của người dân địa phương. Tuy nhiên, có những tuyến kênh sau khi xoá lại nảy sinh rắc rối bởi UBND huyện không biết nên giao cho UBND xã quản lý hay giao lại cho người dân. Nếu giao UBND xã thì thực tế chỉ quản lý trên giấy tờ, còn đất kênh hầu như bị người dân bao chiếm sử dụng. Mà có giao cho UBND xã quản lý đất kênh cũng không biết để làm gì, bởi chiều ngang đất hẹp, lại quá dài, khó có thể sử dụng phục vụ các mục đích công cộng.

Tại một cuộc họp gần đây, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đề nghị giao lại đất từ các tuyến kênh không còn sử dụng vào mục đích thuỷ lợi cho chính quyền địa phương quản lý. Còn lãnh đạo UBND các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Trảng Bàng đề nghị sau khi thu hồi đất “kênh hoang”, UBND tỉnh giao cho địa phương quản lý và có kế hoạch giải quyết cụ thể, phù hợp.

Vấn đề này, trước đây, một vị cán bộ lãnh đạo UBND huyện Châu Thành nhận định: Do diện tích đất không lớn nhưng lại trải dài nên huyện đề nghị trả lại cho dân (mỗi người khoảng chừng vài trăm m2), bổ sung diện tích mới vào sổ đỏ cho từng chủ hộ. Chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ thông báo chủ trương xoá bỏ các kênh cho nhân dân biết để họ tự san lấp. UBND huyện phân công cán bộ cơ quan chuyên môn theo dõi, đo vẽ hiện trạng.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp đất kênh giữa các hộ dân sau khi xoá bỏ, vị cán bộ trên đưa ra quan điểm giải quyết: Nếu chủ cũ trực tiếp sản xuất, đồng thời sở hữu không quá 3 ha thì trả lại phần đất trước đây đã sử dụng của họ để làm kênh; nếu chủ cũ đã sang nhượng khu đất nơi tuyến kênh đi qua thì ưu tiên giao cho người trực tiếp sử dụng và người có ít đất. Nếu có tranh chấp, Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý.

Để giải quyết việc giao trả đất kênh cho thuận lợi, hợp lý, UBND huyện sẽ cử cán bộ cùng cán bộ xã xuống hiện trường xem xét cụ thể, tham mưu từng trường hợp, tránh dư luận cho rằng Nhà nước trưng thu đất của người này nhưng lại giao cho người khác. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trước khi trả đất lại cho dân nên họp dân để lấy ý kiến đóng góp nhằm giải quyết vấn đề ổn thoả.

Người dân ven các tuyến kênh “thừa” mong rằng ngành chức năng tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức khảo sát, thống kê lại toàn bộ các tuyến kênh không hiệu quả, “kênh hoang” để sớm có kế hoạch xoá bỏ. Những tuyến kênh nào không sử dụng làm đường giao thông nông thôn thì chính quyền nên giao lại cho người dân quản lý, sử dụng, không để lãng phí tài nguyên đất.

HOÀNG ANH - ĐỨC AN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh