Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong thực tế, có 4 yếu tố quyết định hiệu quả trồng mía của nông dân: giá thành, năng suất, giá bán và chữ đường. Trong đó, nông dân chỉ có thể chủ động tương đối về giá thành và năng suất. Còn lại 2 yếu tố có phần quan trọng hơn là chữ đường và giá bán lại thuộc quyền “kiểm soát tuyệt đối” của các doanh nghiệp.

Đo chữ đường tại nhà máy.
NÔNG DÂN LÃNH ĐỦ THIỆT THÒI
Theo ghi nhận của người viết, bên cạnh một bộ phận người trồng mía với diện tích lớn, có vốn đầu tư đầy đủ, canh tác bài bản, mía đạt năng suất cao thì thu nhập kha khá, còn lại đa số nông dân có diện tích đất nhỏ hoặc phải thuê đất trồng, ít vốn đều tỏ ra ngao ngán bởi trồng mía từ hoà tới lỗ, nếu có lãi cũng thua một số cây trồng khác.
“Trước đây, các nhà máy đường trong tỉnh độc lập với nhau thì còn có sự cạnh tranh trong việc thu mua nguyên liệu, cũng như có các chính sách khác nhằm khuyến khích nông dân. Nhưng giờ khác rồi, cơ bản các nhà máy đường đều do một ông chủ thâu tóm. Đây là điều đáng quan ngại bởi có khả năng dẫn tới hiện tượng độc quyền. Năm nay giá mía tương đối khá nhưng nhiều người trồng mía vẫn ngán ngẩm bởi chi phí đầu tư cao, bởi cách tính chữ đường của nhà máy thiếu minh bạch”, Chủ tịch Hội Người trồng mía (HNTM) Nguyễn Quang Hợp nói. Ông Hợp tỏ ra bức xúc về cách đo chữ đường ở nhà máy TTCS hiện nay. Ông cho rằng, để khách quan hơn, nhà máy cần lấy hết lượng mía đã khoan đưa đi ép chứ không chỉ lấy một phần, bởi có khi phần bị bỏ đi có thể là phần chữ đường cao hơn.
Theo ông Hợp, để bảo đảm quyền lợi của nông dân, doanh nghiệp chế biến đường cần tổ chức đo chữ đường tại ruộng mía như một số địa phương khác đã làm. Trong thời gian qua, doanh nghiệp ở Tây Ninh mua mía tại ruộng nhưng tính khối lượng tại bàn cân và đo chữ đường tại nhà máy. Cách thu mua mía như thế này hoàn toàn bất lợi cho nông dân. Bởi trong quá trình vận chuyển có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan tác động làm giảm khối lượng, chữ đường. Thế là mọi hậu quả nông dân phải gánh chịu hết.
Đồng thời, quá trình đo chữ đường tại nhà máy chế biến thời gian qua không thể nói là khách quan, minh bạch bởi nông dân không được theo dõi, giám sát mà hoàn toàn do phía nhà máy chủ động thực hiện. Như vậy, lấy gì bảo đảm nhà máy không có sự can thiệp vào kết quả đo chữ đường? Thiết nghĩ, nếu doanh nghiệp thu mua mía không thể tổ chức đo chữ đường tại ruộng, nên chăng, có một đơn vị độc lập thực hiện xác định chữ đường với những cơ chế, quy trình bảo đảm tính khách quan, minh bạch.
Chủ tịch HNTM cũng cho biết, ông là một đối tác quan trọng của nhà máy đường TTCS với nông trại mía hơn 1.500 ha, được đầu tư chăm sóc bài bản, sản lượng lẫn chữ đường đều đạt khá cao. Thế nhưng, bản thân ông rất bức xúc về cách “bảo hiểm chữ đường” của Công ty TTCS. Nếu nông dân chấp nhận bảo hiểm chữ đường, tức là đã chấp nhận lệ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp trong quá trình thu hoạch. Bởi chỉ cần nông dân tự ý đốn chặt sớm hoặc muộn hơn vài ngày thì lượng mía đó bị loại ra khỏi diện được bảo hiểm chữ đường. Một khi vì lý do nào đó, doanh nghiệp cho thu hoạch sớm hoặc quá muộn đều bất lợi cho người trồng mía.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP: ĐÃ RẤT CỐ GẮNG...…
Ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh cho biết, vụ thu hoạch này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã rất nỗ lực trong việc thực hiện giám sát quá trình đo chữ đường của các nhà máy. Để bảo đảm kết quả đo chữ đường đối chứng được khách quan, Sở đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (trực thuộc Sở), tổ chức lấy mẫu mía tại các nhà máy mang đi phân tích chữ đường (CCS).
Lúc đầu, kết quả giám sát cho thấy có những trường hợp số đo CCS của nhà máy TTCS và số đo của cơ quan chuyên môn có chênh lệch đáng kể. Ngay sau đó, Sở đã yêu cầu nhà máy điều chỉnh, khắc phục ngay “sự cố” này và đến nay các mẫu đo chữ đường của nhà máy TTCS và các nhà máy khác cơ bản tương ứng với kết quả đo do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản mang đi phân tích.
Ông Trong cho biết thêm, nhờ làm tốt khâu kiểm tra, giám sát hoạt động đo chữ đường ở các nhà máy mà năm nay, chữ đường trong mía cuối vụ có tăng hơn, dù thời tiết khắc nghiệt hơn so với các vụ trước. Điều đó khiến nhiều nông dân trồng mía cảm thấy phấn khởi. Ông Trong cũng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành quy định về việc thực hiện đo chữ đường ở các nhà máy, hy vọng sẽ có các giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề nhạy cảm này, giải quyết được mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp.
|
Mía được đưa vào chế biến ở nhà máy TTCS.
Bà Võ Thị Ánh Hồng– Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (trực thuộc Sở NN&PTNT) cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục tổ chức việc lấy mẫu nước mía để đo chữ đường “có chất lượng hơn”. Theo quy trình, mỗi chuyến lấy mẫu và đưa đến nơi phân tích (Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3– trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ KH & CN) phải mất khoảng 4 giờ. Trong khi nước mía để càng lâu càng giảm chữ đường, bất lợi cho nông dân, nên Chi cục phải xin phép sử dụng phương tiện hộ đê để rút ngắn thời gian nhanh nhất có thể. Đồng thời, Chi cục đề nghị Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện phân tích ngay các mẫu và cung cấp kết quả trong khoảng thời gian tối đa 2 giờ từ khi nhận mẫu. “Chi cục dùng vật dụng chứa mẫu có tiêu chuẩn tốt, là loại thùng lạnh bảo quản vắc-xin chứ không dùng thùng xốp như trước. Đồng thời, Chi cục không chỉ lấy các mẫu ngẫu nhiên đã được nhà máy lưu giữ gần nhất trong thời gian có đoàn kiểm tra đến, mà còn có các mẫu nhà máy tổ chức trích lấy dưới sự giám sát của chúng tôi. Có thể nói, đây là một nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi của nông dân”, bà Hồng chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, việc tổ chức lấy mẫu đem đi đo CCS ở các nhà máy nói chung và nhà máy TTCS nói riêng là hoạt động kiểm tra giám sát, không phải là thanh tra đột xuất nên Chi cục phải có kế hoạch, có thông báo trước cho phía nhà máy lịch lấy mẫu. Thời gian lấy mẫu thống nhất là khoảng 7 giờ. Từ ngày 15.12.2015 đến cuối tháng 2.2016, Chi cục đã tổ chức 32 đợt kiểm tra, lấy mẫu. Trong đó, có 205 trong 410 mẫu được gửi đến Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Người viết đề nghị ngành Nông nghiệp cung cấp số liệu đo CCS đối chứng mà ngành thực hiện đối với các mẫu do phía các nhà máy tự đo và báo cáo về, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng như Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản cho biết “sẽ cung cấp sau khi cập nhật đầy đủ thông tin”.
THAY LỜI KẾT
Tại hội nghị tổng kết sản xuất, chế biến mía đường niên vụ 2014-2015, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận xét: “Năng suất cây mía ở Tây Ninh tương đối cao, nhưng chữ đường thì đang chững lại và có chiều hướng đi xuống. Cần rõ ràng, minh bạch trong việc đo chữ đường”. Theo ông Hải, nông dân trồng mía nghi ngờ phía nhà máy “có vấn đề”. Để nông dân không thể “bắt bẻ” được, cần có “bên thứ 3” tham gia kiểm định chữ đường. Hiện Khánh Hoà đã làm theo mô hình này.
Trước những thông tin ngược chiều từ HNTM và Công ty TTCS cũng như ghi nhận từ thực tế, chúng tôi cho rằng “mâu thuẫn” giữa người trồng mía và doanh nghiệp thu mua cần được giải quyết căn cơ nhằm bảo đảm lợi ích hài hoà giữa hai bên. Không thể chấp nhận thực trạng như thời gian qua cho đến hiện nay, khiến nhiều người trồng mía có tư tưởng “nông dân trồng, doanh nghiệp hưởng”. Suy nghĩ không mấy tích cực này bắt nguồn từ quá nhiều khó khăn, bất lợi và thiệt thòi mà nông dân phải gánh chịu khi sản xuất mía nguyên liệu, trong khi phía doanh nghiệp chế biến mía đường luôn “cầm chắc phần lãi”. Cũng có nghĩa là, trong mối quan hệ này, doanh nghiệp luôn “nắm đằng chuôi”.
HOÀNG ANH