Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tây Ninh sau 50 năm giải phóng:
Bài cuối: Niềm tin và hy vọng tương lai trong kỷ nguyên mới
Thứ năm: 09:01 ngày 01/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và vươn lên, Tây Ninh đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, đạt nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới.

Bước sang năm 2025, năm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm giải phóng tỉnh Tây Ninh, toàn dân, toàn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh rộn rã niềm vui, niềm phấn khởi khi nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển quê hương tròn nửa thế kỷ qua.

Từ xuất phát điểm gần như “không có gì” của sự nghèo nàn, khốn khó sau chiến tranh đến cuộc sống hiện tại gần như “không còn ai đói nghèo, thiếu thốn”, với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của 1,2 triệu dân trong tỉnh là 4.250 USD, tính theo tỷ giá cuối năm vừa qua tương đương 108 triệu đồng/người.

Một góc thành phố Tây Ninh.

Nhắc đến thành tựu của tỉnh trước thềm kỷ niệm 50 năm đất nước, quê hương giải phóng, đồng chí Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Tây Ninh đã có sự phát triển rất đáng ghi nhận, đã gặt hái được những kết quả cơ bản như tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 8,45% thu ngân sách, đạt trên 13.000 tỷ đồng. Về tốc độ phát triển, Tây Ninh đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Về quốc phòng an ninh, là một tỉnh biên giới với 240 km đường biên giới, nhiều năm qua Tây Ninh vẫn bảo đảm giữ vững biên giới ổn định, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn Campuchia giáp ranh để giữ vững ổn định chủ quyền biên giới quốc gia và phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Với những kết quả, thành tựu đạt được đó, sắp tới Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tính chiến lược mà Trung ương Đảng đã và đang phát động.

Đó là tập trung huy động tối đa các nguồn lực, tiềm lực để làm sao tăng tốc phát triển tỉnh Tây Ninh, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với tinh thần, khí thế như thế”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương thăm, làm việc với Tây Ninh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày cả nước ta như bừng bừng tái hiện khí thế hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 50 năm trước, hầu như mọi người dân Việt nói chung, người dân Tây Ninh nói riêng đều nghĩ đến một tương lai của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như trong ý kiến phát biểu của đồng chí Phạm Hùng Thái nêu trên. Bởi lẽ từ cuối năm 2024 đầu năm 2025 đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đều đã quán triệt được tinh thần tiến công vào cuộc cách mạng mới, “cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị” nước ta trước nay chưa từng có; trong đó có việc dự kiến sắp xếp, sáp nhập 63 tỉnh, thành lại thành 34 tỉnh, thành trong cả nước theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12.4.2025 của Hội nghị Trung ương 11 (khoá XIII).

Theo đó, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sẽ sáp nhập thành tỉnh Tây Ninh mới với trung tâm chính trị hành chính đặt tại tỉnh Long An. Dự kiến sắp xếp hai tỉnh này tuy còn phải chờ kỳ họp Quốc hội ngay sau lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới chính thức được thể chế hoá, nhưng hầu như tuyệt đại đa số hơn 3,2 triệu người dân Tây Ninh - Long An và toàn thể đảng viên thuộc hai Đảng bộ tỉnh đều thống nhất tán thành.

Cán bộ, công chức Văn phòng Tỉnh uỷ chụp hình lưu niệm với Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm và các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ.

Lịch sử, truyền thống cũng như địa thế tự nhiên cho thấy, tuy hai tỉnh ở hai khu vực Đông - Tây Nam Bộ nhưng cùng là giáp ranh với nhau, nối liền nhau một đường biên giới giáp nước láng giềng và đặc biệt là từ hai thời kỳ kháng chiến cho đến bây giờ, có thể nói không ai không biết những câu thơ, lời hát “Anh ở đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông”.

Dòng sông quê ta không chỉ đi vào lịch sử mà đã đi vào lòng người từ Nam chí Bắc, từ thời chiến đến thời bình, thể hiện qua lời một bài hát có tựa đề là chính tên dòng sông “Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”.

Tỉnh uỷ Tây Ninh công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.

Những ngày này 50 năm trước, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, dòng sông ấy chính là “hành lang chiến dịch” của hai cánh quân phía Tây và phía Tây Nam – Quân đoàn 4 và Binh đoàn cánh Tây Nam tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Nhiều người dân Trảng Bàng - Tây Ninh, Đức Hoà, Đức Huệ - Long An sau 50 năm vẫn còn cảm thấy như hiển hiện trước mắt khung cảnh hào hùng của những sư đoàn chủ lực, những xe thiết giáp, pháo hạng nặng, những vũ khí, khí tài hiện đại ào ạt vượt sông Vàm Cỏ Đông nhắm thẳng Sài Gòn mà tiến, nhắm thẳng quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) mà chiếm lĩnh để chặn đường tháo chạy của nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn hòng thoát xuống “Vùng 4 chiến thuật” (đồng bằng sông Cửu Long) khi thủ đô của họ “rơi vào tay Việt cộng”.

Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh đến thăm, làm việc với Tỉnh uỷ Long An.

Truyền thống kháng chiến đã gắn liền Tây Ninh với Long An; ngay cả lịch sử hành chính Nam kỳ xưa cũng có thời hai phủ Tân An (tiền thân của tỉnh Long An) và Tây Ninh cùng thuộc trấn Phiên An rồi tỉnh Gia Định nửa đầu thế kỷ 19, đến năm đầu thế kỷ 20, năm 1900, hai phủ Tân An và Tây Ninh cùng trở thành 2 tỉnh, trong số 21 tỉnh của Nam kỳ thời Pháp thuộc.

Cho đến thời kháng chiến chống Mỹ, trước ngày giải phóng 30.4.1975, người dân Tây Ninh và Long An đều còn nhớ đã có 16 năm (1959-1975) hai tỉnh cùng có các huyện Trảng Bàng, Đức Hoà, Đức Huệ cùng nằm trong địa giới tỉnh Hậu Nghĩa - tỉnh tiêu biểu của “quốc sách ấp chiến lược” do chế độ “đệ nhất cộng hoà - nhà Ngô gia đình trị” thành lập nằm chen giữa hai tỉnh Tây Ninh, Long An…

Dù sao những giai đoạn “vật đổi sao dời” ấy, những vòng “kiềm toả” nghiệt ngã của những chế độ tay sai thực dân, đế quốc cũng không thể nào làm nhạt phai tình nghĩa của những người dân, những người yêu nước, yêu quê hương “cùng uống chung một nguồn nước”.

Đồng chí Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh uỷ Long An chụp hình lưu niệm với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Ngày nay, trước thềm “ngôi nhà chung” cùng một tên tỉnh, Tây Ninh và Long An cùng có vị thế là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhất, nhì hai khu vực Đông - Tây Nam Bộ, cùng nằm trong một vùng động lực phát triển mạnh nhất của cả nước, tin tưởng và hy vọng tỉnh Tây Ninh mới, sáp nhập từ hai địa phương giàu truyền thống cách mạng, cùng mang danh hiệu “Trung dũng, kiên cường” sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có để cùng phát triển nhân lên gấp bội trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tấn Hùng – Tố Tuấn

Tin cùng chuyên mục