Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, quân và dân Tây Ninh đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ từng tấc đất đất quê hương. Sau 50 năm giải phóng, Tây Ninh đã và đang vươn mình, trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, góp sức vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nỗ lực cho ngành công nghiệp không khói
Từ một tỉnh bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, Tây Ninh đang từng bước chuyển mình với sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi khép kín hướng đến xuất khẩu, trong khi đó, ngành Du lịch Tây Ninh cũng chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ.
Tính riêng trong năm 2024 vừa qua, tỉnh đã đón trên 5,6 triệu lượt khách, với doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay tỉnh đã và đang tập trung vào việc phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Tây Ninh không chỉ có danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá đặc sắc. Trong đó, nổi bật là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của miền Nam, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Chị Trần Thị Thu Hà, một du khách đến từ Đắk Lắk đã tỏ ra thích thú tham quan cảnh hoa khoe sắc trên đỉnh núi Bà Đen trong tiết trời se lạnh.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến Tây Ninh tham quan núi Bà Đen nhưng hoa cỏ xung quanh tươi sắc, khí hậu mát mẻ như thế này thì tâm trạng rất thoải mái, thật sự thấy tinh thần phấn khởi nhiều lắm”– chị Hà chia sẻ.
Với mục tiêu phát triển ngành du lịch theo hướng thông minh và hiệu quả, Tây Ninh đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ từ chính quyền đến các cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó tỉnh đã triển khai ứng dụng mã QR tại 56 di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh để khách du lịch dễ dàng truy cập thông tin giới thiệu điểm đến.
Đồng thời, tích hợp Cổng thông tin du lịch với bản đồ số du lịch thông minh, xây dựng các kênh truyền thông du lịch, hệ thống Chatbot, vận hành App du lịch nhằm tích hợp và đồng bộ bản đồ du lịch thông minh, các thông tin chỉ dẫn du lịch khác; tích hợp tính năng "check-in" điểm du lịch Tây Ninh; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi đang áp dụng những công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, chúng tôi tạo ra những trang riêng, những địa điểm riêng đồng thời thực hiện hình ảnh 4D và có dẫn đường, khi chúng ta chạm vào đó như đang đi thật trong ảo”.
Hiện nay, du lịch Tây Ninh đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự đa dạng về sản phẩm du lịch, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và tiềm năng to lớn về văn hoá, thiên nhiên, Tây Ninh hoàn toàn có thể thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Vươn tới tương lai thịnh vượng
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch mà trong những năm gần đây, Tây Ninh đang khẳng định vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn, sẵn sàng tiến vào kỷ nguyên mới. Tỉnh đã có những bước đột phá đáng kể thu hút đầu tư, kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp. Các chính sách ưu đãi, hạ tầng đồng bộ cùng với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên đã giúp Tây Ninh ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trên địa bàn huyện Gò Dầu, có 2 khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt và 2 khu tái định cư đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và công tác hỗ trợ tái định cư các dự án giải phóng mặt bằng. Đến đầu năm 2025, toàn huyện có 421 doanh nghiệp đang hoạt động đã giải quyết việc làm cho hơn 60 ngàn lao động, trong đó có 40 ngàn lao động tại địa phương.
Ông Shi Chun, Giám đốc công ty TNHH Brotex Việt Nam cho biết: "Chúng tôi lựa chọn đầu tư ở Tây Ninh vì hệ thống giao thông ở đây khá thuận lợi, có thể kết nối đến Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cửa khẩu Mộc Bài. Và môi trường đầu tư ở đây cũng rất tốt, lãnh đạo tỉnh có sự quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp".

Cũng là một nhà đầu từ nước ngoài tại tỉnh Tây Ninh, ông Harry Choi- Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần TKG Taekwang Mộc Bài chia sẻ: “Tây Ninh là vùng đất có môi trường đầu tư rất tốt không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài. Tỉnh rất quan tâm chăm lo tới đời sống, sức khoẻ của công nhân viên và lợi ích của doanh nghiệp, do đó, công ty đã lựa chọn Tây Ninh để đầu tư phát triển”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với thúc đẩy cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh cũng tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, chuyên nghiệp, cạnh tranh; tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
50 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ với những quyết sách đúng đắn và sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, những gam màu tươi sáng dần thay cho tổn thương chiến tranh.
Bước sang năm 2025, Tây Ninh tiếp tục đặt ra các mục tiêu mới, trong đó phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế đạt 10%, tạo tiền đề, đà tăng trưởng bứt phá với mục tiêu giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng đạt hai con số qua các năm. Về quy mô GRDP năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt 140.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.620 USD; tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 14,6% (riêng công nghiệp tăng 14,5%); dịch vụ tăng 8,6%; nông – lâm – thuỷ sản tăng 4,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 50.500 tỷ đồng (chiếm 36% GRDP).
Trong đó: khu vực Nhà nước khoảng 6.200 tỷ đồng, khu vực dân doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 44.300 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu đề ra, trong năm 2025 tỉnh tập trung thực hiện 3 nội dung chương trình, bao gồm: chương trình đột phá về phát triển hạ tầng bền vững, nhất là hệ sinh thái công nghiệp, đô thị; chương trình đột phá về thể chế, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng và triển khai mô hình quản trị công hiệu lực, hiệu quả; chương trình đột phá chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, Tây Ninh tiếp tục thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện đồng bộ Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương trong từng giai đoạn; phấn đấu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống…
Kỷ niệm Đại thắng mùa Xuân 1975 không chỉ là dịp để tri ân thế hệ cha anh đã hi sinh vì độc lập dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải biết trân quý hoà bình, nỗ lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng quê hương. Tây Ninh – với khát vọng đổi mới, tinh thần đoàn kết và bản lĩnh kiên cường – đang sẵn sàng cùng cả nước viết tiếp những trang sử vẻ vang trong hành trình phát triển và hội nhập.
Vũ Nguyệt