Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong 3 ngày từ 20 – 22.4.2016, Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện đợt giám sát về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng và thực hiện chính sách phát triển trên địa bàn du lịch tỉnh. Dưới đây là những nội dung mà phóng viên ghi nhận được qua đợt giám sát trên.

|
Du khách tham quan núi Bà Đen bằng cáp treo.
Chưa hấp dẫn nhà đầu tư du lịch
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lê Thiện Hồ- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển như xây mới hai trung tâm văn hoá – thể thao và học tập cộng đồng và 13 nhà văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch. Tân Biên đã xây xong khu vui chơi giải trí nhà thiếu nhi của huyện và đang xây dựng khu thương mại. Các di tích lịch sử đã được trùng tu, tôn tạo như di tích lăng mộ Quan Lớn Trà Vong, tháp Chót Mạt, khu chứng tích tội ác của Pôn Pốt – Iêng Xari. Trên địa bàn Tân Biên còn có các điểm du lịch như Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, sông Vàm Cỏ chạy qua địa phận xã Hoà Hiệp, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Theo lãnh đạo huyện, tiềm năng du lịch từng bước được khai thác, tuy nhiên khách đến các điểm du lịch ở Tân Biên là khách không thu phí nên chưa đóng góp được nhiều cho ngân sách.
Sau khi trình bày tóm tắt bản báo cáo, ông Lê Thiện Hồ đặt vấn đề: nên đầu tư xây kết cấu hạ tầng chờ khách hay là có khách rồi mới tiến hành xây cơ sở vật chất? Ông cho biết, trên địa bàn hiện chỉ có một khách sạn “đẳng cấp một sao”. Ông Trần Văn Chiến- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho rằng, Khu di tích Trung ương Cục miền Nam dịch vụ còn kém phát triển, khi có đoàn du khách về tham quan, thăm lại chiến trường xưa, địa phương phải nhờ cơ sở vật chất của ngành Công an, Ban quản lý di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam mới đón tiếp được. Có ý kiến phát biểu: trên địa bàn Tân Biên có nhiều di tích lịch sử, có nhiều trận đánh nổi tiếng trong chiến tranh nhưng đến nay chưa thấy có công trình mang tính biểu tượng nào xứng tầm. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một tượng đài ở khu vực Thiện Ngôn (thuộc xã Tân Bình). Một ý kiến bày tỏ khá “tâm tư”: du lịch là kinh doanh, không thể phục vụ miễn phí mãi.
Ông Nguyễn Thành Tuân- Phó Trưởng ban Văn hoá– Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, đội ngũ nhân lực ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu. Còn ông Lê Anh Tuấn- Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đồng thời là trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc ở Tân Biên: đang có sự nhập nhằng giữa quản lý Nhà nước và kinh doanh du lịch. Nhà nước chỉ ban hành chính sách và quản lý du lịch, còn ngành nghề gì, kinh doanh du lịch như thế nào là chuyện của doanh nghiệp, thực tế chứng minh doanh nghiệp tư nhân làm du lịch hiệu quả hơn Nhà nước. Doanh nghiệp biết nắm bắt đối tượng, du khách để thoả mãn nhu cầu của họ, có như thế mới thu hút được khách.
Tại TP. Tây Ninh, sau khi nghe báo cáo của UBND Thành phố, đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát biểu: hiện nay Tây Ninh chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực. Toàn tỉnh chưa có khách sạn nào đạt tiêu chuẩn ba sao.
Trưởng đoàn giám sát Lê Anh Tuấn nhận định, cách làm du lịch như thời gian qua là chưa chuyên nghiệp nên ngành công nghiệp không khói vẫn chưa phát triển được. Theo ông, cần xem lại việc quy hoạch du lịch của thành phố Tây Ninh đã hợp lý hay chưa. Bình luận về đặc trưng du lịch của Tây Ninh, ông Tuấn nêu: cần xác định sản phẩm du lịch cụ thể là gì. Trước ý kiến xem xét lại tính khả thi của quy hoạch Khu du lịch Bến Trường Đổi, lãnh đạo UBND TP. Tây Ninh trả lời rằng: việc xoá một quy hoạch không thể vội vàng, cần được xem xét kỹ lưỡng. “Nếu như quy hoạch không hợp lý thì có thể điều chỉnh, thu hẹp quy mô chứ không đơn giản muốn là xoá ngay được”- ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói.
Không thể cứ đổ cho cơ chế
Sau khi làm việc và đi thực tế tại một số địa phương, đoàn giám sát có buổi làm việc với các sở, ngành tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và chính sách phát triển du lịch của tỉnh.
Theo đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 12 dự án trọng điểm, trong đó có 3 dự án du lịch, gồm: Dự án phát triển Khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh; các dự án đầu tư phát triển khu du lịch tại khu vực hồ Dầu Tiếng; dự án đầu tư khách sạn cao cấp tại Thị xã (nay là Thành phố) Tây Ninh. Những năm sau đó, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định, chính sách, chủ trương để phát triển ngành công nghiệp không khói. Trong mấy năm qua, hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc tại các điểm du lịch đã được hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hệ thống giao thông đến các khu du lịch trọng điểm như núi Bà Đen, di tích Trung ương Cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Toà thánh Cao Đài, Khu du lịch Long Điền Sơn... đã rất thuận tiện, đi lại dễ dàng. Riêng đường nối từ Khu du lịch núi Bà Đen đến khu vực Ma Thiên Lãnh đã bị hư hỏng, xuống cấp đang chờ xử lý. Các khu di tích lịch sử văn hoá cũng được chú trọng đầu tư, tôn tạo; các làng nghề truyền thống được khôi phục phục vụ khách tham quan, mua sắm.
Trong thời gian khoảng 8 năm (từ năm 2008 đến nay), theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Tây Ninh đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh về kinh tế, xã hội. “Hoạt động hiệu quả kinh doanh tăng đều hàng năm, năm sau cao hơn năm trước” – báo cáo nêu. Theo thống kê, trong 8 năm qua, bình quân mỗi năm Tây Ninh đón gần 2,5 triệu lượt khách, đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 4%.
Ngoài những kết quả đã đạt được, ngành du lịch của tỉnh cũng còn không ít hạn chế. Theo đó, kết quả hoạt động du lịch tuy có tăng trưởng nhưng mức tăng còn thấp. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng không cao, chưa hấp dẫn du khách, tính cạnh tranh với các sản phẩm du lịch trong khu vực còn yếu. Công tác triển khai thực hiện quy hoạch một số khu, điểm du lịch chưa kịp thời, ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại chưa có nhà đầu tư có tầm chiến lược nào đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch phần lớn từ các cơ sở lưu trú, nhà hàng và của Công ty cổ phần Cáp treo. Nguồn nhân lực làm du dịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Lực lượng lao động trong các doanh nghiệp du lịch chưa có tính chuyên nghiệp, nhiều người chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo. Công tác xúc tiến du lịch chưa đủ mạnh, chưa chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là thị trường khu vực Đông Nam Á. Việc tổ chức các sự kiện du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh chưa phong phú.
|
Xe ngựa phục vụ du khách trong quần thể Khu du lịch núi Bà Đen.
Nguyên nhân của những hạn chế vừa nêu, theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: “Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư du lịch, sự phối hợp giữa các ngành trong công tác kêu gọi đầu tư cho du lịch chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đối với các doanh nghiệp này chưa được thường xuyên. Các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa liên kết hỗ trợ nhau vì chưa có hiệp hội du lịch. Khách du lịch đến Tây Ninh phần lớn là khách trong nước, chỉ tập trung đông vào dịp lễ hội, mức chi tiêu thấp. Lượng khách lưu trú chiếm tỷ trọng thấp do thiếu sản phẩm hấp dẫn để giữ chân du khách...”.
Trong phần phát biểu thêm với đoàn giám sát, đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có nêu: Tây Ninh hiện chưa thu hút được nhà đầu tư ngoài tỉnh làm các dự án du lịch; những công trình, dự án du lịch trong mấy năm qua đều do doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư. Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến Tây Ninh chưa có nhà đầu tư ở ngoài tỉnh nào chịu đến đầu tư vào ngành du lịch có thể là do họ chưa yên tâm về chính sách. Ý kiến khác cho rằng thái độ đối với du khách cũng cần xem lại. Theo ông Trương Trúc Phương- Phó Giám đốc Sở Tài chính, làm du lịch chuyên nghiệp thì không thể trông chờ ở ngân sách.
Kết thúc đợt giám sát, trưởng đoàn Lê Anh Tuấn phát biểu: cần xây dựng chính sách về du lịch, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để chờ đón nhà đầu tư; đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp đầy đủ những vướng mắc, bất cập để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan giải quyết, tháo gỡ, không thể lúc nào cũng nói… tại cơ chế.
Đ.V.T (Lược ghi)