Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6:
Báo Tây Ninh qua 30 năm đổi mới
Chủ nhật: 11:09 ngày 19/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Với những ưu thế hiện có, hy vọng những người làm báo Tây Ninh thế hệ mới sẽ vượt trội hơn thế hệ cũ, chất lượng tờ Báo Tây Ninh ngày càng cao, số lượng đọc giả ngày càng nhiều, để báo thực sự là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh.

Hội nghị đóng góp ý kiến sơ thảo truyền thống Báo Tây Ninh 1946 – 2010.

Tôi bắt đầu vào làm việc tại Báo Tây Ninh cách nay đã 30 năm. Đúng vào năm đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới. Qua ngần ấy thời gian, tôi đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của Toà soạn- từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho đến nội dung, hình thức tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà. Để có được cơ ngơi khang trang, lực lượng phóng viên được đào tạo chu đáo, trang bị đầy đủ phương tiện, báo viết mỗi tuần phát hành 4 kỳ, mỗi kỳ hơn 15.000 số, cùng báo điện tử cập nhật tin tức trong tỉnh, trong nước và thế giới, được hàng vạn bạn đọc truy cập mỗi ngày như hiện nay, tất cả cán bộ, nhân viên trong Toà soạn đã phải trải qua nhiều tháng ngày gian nan, vất vả.

Hơn ba mươi năm trước, Toà soạn Báo Tây Ninh vẫn toạ lạc tại vị trí hiện nay, nhưng chỉ là ngôi nhà trệt cũ kỹ được xây dựng trước ngày miền Nam giải phóng. Theo nhà báo Võ Hữu Thành- nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, sau khi vào giải phóng Thị xã, cơ quan, đơn vị nào cũng có nơi tiếp quản, chỉ có cơ quan Báo Tây Ninh là không, bởi chính quyền Tây Ninh cũ không có cơ quan Báo. Trong lúc đi lang thang, anh em thấy một ngôi nhà trống trải, chẳng có ai nên rủ nhau vào ở đại. Hoá ra đó là trụ sở Hội đồng tỉnh Tây Ninh của chế độ cũ, trong khi chính quyền cách mạng thì chưa bầu Hội đồng nhân dân, từ đó căn nhà này trở thành trụ sở Toà soạn Báo Tây Ninh. Do diện tích chật hẹp, nên việc bố trí nơi làm việc cũng chật chội- một phòng nhỏ xíu cho Tổng Biên tập, một phòng hành chính trị sự, một phòng biên tập. Phó Tổng Biên tập không có phòng riêng, phải xếp một bàn nhỏ ngồi trong phòng biên tập. Còn phóng viên thì hoàn toàn không có phòng làm việc. Khi họp cả cơ quan thì tất cả cán bộ, phóng viên, nhân viên tập họp ở phòng khách, cũng là nơi để tiếp bạn đọc, cộng tác viên. Chẳng những nhỏ hẹp mà ngôi nhà còn xuống cấp trầm trọng- theo cách nói đùa của cố Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm thì “mùa nắng Báo thuộc Đảng, nhưng mùa mưa thuộc… nhà nước”, bởi mùa mưa trụ sở Toà soạn dột nước tứ tung, tràn lan khắp các phòng.

Đó là chỗ làm việc, còn phương tiện đi lại cũng hết sức đơn sơ. Cả Toà soạn có 1 chiếc xe con duy nhất, sản xuất từ đời… “cô Lựu”, lúc chạy lúc không. Khi đi công tác, Toà soạn thường tranh thủ chở càng nhiều phóng viên càng tốt, bởi phương tiện công cộng lúc bấy giờ khá hiếm, cá nhân thì kẻ không, người có… xe đạp. Lần tác nghiệp dịp đón quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia trở về, chiếc xe con cà tàng của Báo chất đến hơn chục mạng, ì ạch chạy đến cửa khẩu Mộc Bài. Thủ trưởng Nguyễn Đức Tâm lúc bấy giờ đã từng nằm ngủ trên… bàn bi-da ở một huyện biên giới, chờ tài xế và mấy phóng viên đẩy xe đi sửa.

Đặc biệt, nguồn nhân lực của Toà soạn nói chung và lực lượng phóng viên nói riêng tất cả đều là “tay ngang”, chỉ có một số nhà báo “lão làng” như anh Sáu Tâm, anh Ba Thành... có tham gia khoá đào tạo báo chí khi còn trong căn cứ kháng chiến, còn các phóng viên làm báo sau ngày giải phóng thì hầu như chưa ai được đào tạo về báo chí. Thậm chí lúc đó còn không ít người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ông Năm Choàng- đồng chí Nguyễn Tấn- người từng đột nhập vào tận Sài Gòn mua thiết bị in Báo Tây Ninh trước Đồng Khởi 1960.

Do điều kiện như vậy, hơn 30 năm trước Báo Tây Ninh chỉ có 4 trang và xuất bản mỗi tuần 1 kỳ mà thôi. Đến thời kỳ đổi mới mới dần dần tăng trang, tăng kỳ, 2 kỳ, 3 kỳ, rồi 4 kỳ/tuần; 8 trang, rồi 12 trang, 16 trang/kỳ. Thế nhưng, hoạt động báo chí của Báo Tây Ninh lại rất sôi động, phóng viên tuy chưa được đào tạo bài bản nhưng “máu” báo chí luôn tuôn trào, có không ít “trận đánh” gây tiếng vang trong làng báo trong khu vực. Vụ “đánh lớn” đầu tiên, huy động nhiều phóng viên cùng tham gia là vụ chống tiêu cực ở Xí nghiệp vật liệu xây dựng Hoà Thành, đến vụ cô giáo Ảnh ở huyện Dương Minh Châu, vụ bắt giữ 4 bánh xe bò ở huyện Gò Dầu, vụ Công ty xuất nhập khẩu huyện Châu Thành... Đặc biệt, trận đánh “hiện đại” nhất, gần như là “cầm đèn chạy trước ô tô” có lẽ là vụ Công ty Vedan lén lút đổ chất thải (có tên là Vedagro) trên đất Tây Ninh, bởi Toà soạn không chỉ huy động lực lượng phóng viên, có sự hỗ trợ của phòng biên tập, Tổng Biên tập trực tiếp chỉ đạo... mà còn huy động cả những nhà khoa học am tường lĩnh vực này tham gia. Kết quả là Công ty Vedan “rút lui” và Tây Ninh thoát khỏi nạn huỷ hoại môi trường mặt đất, “ám sát” các dòng sông do chất thải này gây ra như ở tỉnh Đồng Nai sau này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn báo chí thế giới nói chung, báo chí cả nước nói riêng đang ào ạt chuyển mình để theo kịp thời đại bùng nổ thông tin, báo chí các địa phương không thể không chuyển mình theo. Riêng Báo Tây Ninh, rất may là có người lãnh đạo nhạy bén với cái mới nên chuyển mình sớm hơn một số tờ báo địa phương khác. Năm 1987, thủ trưởng Báo Tây Ninh cho mở một lớp bổ túc tại cơ quan cho anh em từng… thi rớt tú tài, chỉ một năm sau hầu hết đã có bằng cấp 3. Năm 1993, Toà soạn tiếp tục cử phóng viên, biên tập viên đi học đại học báo chí do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh mở, 5 năm sau, hầu hết phóng viên đều đã hoàn thành khoá học, có bằng cử nhân báo chí. Cũng trong thời gian này, Báo Tây Ninh mời thầy đến Toà soạn dạy Tiếng Anh cho anh em để nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Đặc biệt, anh Sáu Tâm- Tổng Biên tập lúc bấy giờ, tuy “mắc lời thề suốt đời không chạm vào bàn phím máy vi tính” nhưng lại biết tầm quan trọng của môn tin học, nhất là đối với việc ứng dụng tin học vào nghiệp vụ báo chí, nên chỉ đạo anh em tìm kiếm người có trình độ tin học “dụ dỗ” về Báo Tây Ninh. Và người có công đầu trong việc “khai tâm” cho anh em về lĩnh vực tin học và áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm báo Tây Ninh là anh Nguyễn Trí Chương. Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết phóng viên Báo Tây Ninh đều sử dụng được máy vi tính, chuyển bằng e-mail cho biên tập. Sau đó, Toà soạn cử kỹ thuật viên về thành phố Hồ Chí Minh học tập phương pháp dàn trang bằng máy tính để hoàn chỉnh quy trình làm báo mới. Chuyện đếm chữ, cầm thước “đo đo, gạch gạch” kiểu dàn trang thủ công từ đó không còn nữa. Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, đã có nhiều báo địa phương cử đoàn đến tham quan, học tập Báo Tây Ninh về quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc làm báo, từ tác nghiệp phóng viên, qua công tác toà soạn đến tận nhà in.

Song song với việc cải tiến quy trình, đào tạo nhân lực, Báo Tây Ninh còn xin tỉnh đầu tư xây dựng trụ sở mới tại vị trí cũ, thay thế trụ sở ọp ẹp trước đây. Trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới, anh em phải làm việc tại khu nhà mượn của Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh. Năm 2000, trụ sở mới xây dựng hoàn thành, Toà soạn lúc đó mới có đủ chỗ để bố trí các phòng làm việc cho các bộ phận chuyên môn. Lực lượng phóng viên cũng được “chiêu mộ” thêm với những người được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu tăng số trang, số kỳ của báo.

Đoàn nhà báo Campuchia tham quan quy trình công nghệ làm báo tại Toà soạn Báo Tây Ninh.

Từ bước ngoặt quan trọng trong quy trình làm báo, báo Tây Ninh từ 8 trang được nâng lên 12 trang, rồi 16 trang; số kỳ được nâng từ 1 kỳ/tuần lên 2 kỳ/tuần, 3 kỳ/tuần, rồi 4 kỳ/tuần. Nội dung tờ báo ngày càng phong phú hơn, nhiều chuyên mục phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc ra đời. Để khuyến khích phóng viên tích cực tác nghiệp, hằng năm, Báo Tây Ninh và Hội Nhà báo tổ chức các giải báo chí chất lượng cao để chọn khen thưởng. Đồng thời, Báo Tây Ninh còn thành lập hội đồng tuyển chọn bài báo hay hằng tháng để kịp thời khen thưởng, động viên phóng viên. Qua đó có nhiều bài viết hay, góp phần nâng cao chất lượng tờ báo.

Ngoài tờ báo viết ngày càng phát triển vững vàng, mạnh mẽ, Báo Tây Ninh còn có tờ báo điện tử, khai trương năm 2009. Tuy phòng Báo Tây Ninh điện tử chỉ có vài người, nhưng đã cập nhật kịp thời các tin tức thời sự “nóng hổi”- từ các địa phương trong tỉnh đến trong nước và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều người truy cập.

Ba mươi năm không phải là thời gian ngắn, nên chuyện đổi thay là điều tất yếu. Thế nhưng theo tôi, nếu không có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng, đặc biệt là không có sự nhạy bén của cố Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm và các đời tổng biên tập tiếp theo, thì Báo Tây Ninh không có sự chuyển mình mạnh mẽ đến như vậy. Với những ưu thế hiện có, hy vọng những người làm báo Tây Ninh thế hệ mới sẽ vượt trội hơn thế hệ cũ, chất lượng tờ Báo Tây Ninh ngày càng cao, số lượng đọc giả ngày càng nhiều, để báo thực sự là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh.

TRẦN TAM SƠN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh