Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bảo vệ môi trường và những cái khó
Thứ ba: 09:26 ngày 27/10/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ là một câu chuyện dài, có tính thời đại. Cùng với các loại dịch bệnh, suy thoái môi trường là một vấn đề có tính toàn cầu. Việt Nam đang nỗ lực để trở thành một nước công nghiệp, Tây Ninh cũng trong quỹ đạo ấy nên bài toán về bảo vệ môi trường không thể không đặt ra.

Bên trong một cơ sở sản xuất nước đá ở huyện Trảng Bàng.

Theo kết quả điều tra (thực hiện năm 2014) của ngành chức năng, toàn tỉnh có 4.371 cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, số cơ sở có hồ sơ môi trường và thực hiện biện pháp quản lý, xử lý chất thải chiếm khoảng  94%.

Số cơ sở có đăng ký hồ sơ môi trường nhưng chưa đầy đủ là 260, đây là những cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ tại hộ gia đình, ít chất thải phát sinh. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì 260 cơ sở vừa nêu không thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

TỪNG BƯỚC ĐI VÀO QUY CỦ

Tháng 8.2015, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát lại số cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, phân loại, toàn tỉnh có 3.561 cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Kết quả rà soát cho thấy 100% số cơ sở trên đã được phê duyệt hoặc xác nhận hồ sơ môi trường và thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải.

Về xử lý chất thải y tế, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, có hai cơ sở y tế tư nhân đã đầu tư công trình xử lý chất thải, trong đó có một cơ sở được xác nhận chất thải thải ra môi trường đạt chuẩn quy định; cơ sở còn lại cũng đã xây dựng, lắp đặt thiết bị xử lý và đang vận hành thử nghiệm.

Tính đến nay, có 9/16 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế. Theo thống kê mới nhất, 7 trong 9 cơ sở nêu trên đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải y tế.

Hai cơ sở còn lại là Bệnh viện huyện Dương Minh Châu và Bệnh viện Hoà Thành đang lắp đặt hệ thống điện để đưa vào vận hành thử nghiệm. Dự kiến, đến cuối năm nay, cả 9 cơ sở y tế trên sẽ xử lý 100% chất thải y tế phát sinh.

Đối với chất thải rắn nguy hại, theo ước tính, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hơn 340 tấn. Các cơ sở sản xuất có chất thải rắn nguy hại đều đã đăng ký chủ nguồn thải với Sở Tài nguyên - Môi trường và hợp đồng với các đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định.

Sở Tài nguyên - Môi trường đã đưa ra một số chỉ tiêu thực hiện để bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2020. Trong đó xác định tỷ lệ che phủ rừng là hơn 36% (tăng hơn 3% so với giai đoạn 2011 - 2015).

Phần lớn các mỏ khoáng sản ở Tây Ninh thuộc nhóm phi kim loại như than bùn, cát xây dựng, đá xây dựng, đất san lấp có quy mô nhỏ, sản lượng khai thác thấp. Theo đánh giá, trong 5 năm qua, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Công tác xét duyệt hồ sơ, cấp giấy phép được tiến hành đúng thời gian quy định. Việc thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản được tiến hành nghiêm túc, kịp thời. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh giảm dần.

Về tài nguyên nước, Sở Tài nguyên- Môi trường cho rằng, tình trạng khai thác trái phép cũng đã giảm; các cơ sở được thanh tra, kiểm tra đã có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục đưa mỏ đá Lộc Ninh (thuộc huyện Dương Minh Châu) vào hoạt động khai thác đúng công suất thiết kế được phê duyệt (800.000m3/năm). Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành công tác thăm dò địa chất, lập các dự án, gồm: đầu tư khai thác chế biến đá xây dựng tại xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) và xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) để thay thế dần nguồn đá xây dựng lấy từ núi Bà Đen.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ

Tính từ năm 2011 đến tháng 8.2015, toàn tỉnh có 9 trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật với tổng diện tích hơn 109 ha. Cũng trong giai đoạn này có 10 trường hợp đã tự nguyện trả lại đất do giảm nhu cầu sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng.

Sở Tài nguyên - Môi trường nhận định, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ. Các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cơ bản phù hợp với chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 3 cấp tỉnh, huyện, xã theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài những mặt đã làm được, 5 năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng có những mặt hạn chế. Do quá trình tổng hợp dự báo của các ngành, các cấp chưa sát với tình hình kinh tế - xã hội nên vẫn còn tình trạng dự án đã được bố trí vốn và đang triển khai thực hiện nhưng phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc quản lý đất đai trở nên khó khăn hơn do một số người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch được phê duyệt. Một trong những nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng như mía, mì, cao su… có biến động lớn.

Cách nay hơn một tháng, HĐND tỉnh thực hiện đợt giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trong quá trình làm việc giữa đoàn giám sát với Sở Tài nguyên - Môi trường, có ý kiến nêu rằng: công tác quản lý đất đai đã đi vào khuôn khổ, cơ bản đã ổn định, đạt hiệu quả, đem lại nguồn thu cho ngân sách.

Và cũng có ý kiến băn khoăn: việc quản lý, khai thác khoáng sản đang có những bất cập; giá thành đá khai thác tại Tây Ninh lại ngang với mức giá của đá mua từ Đồng Nai về; việc quản lý tài nguyên môi trường có mặt chưa tốt, tình trạng quản lý đất công vẫn còn lỏng lẻo; tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép vẫn còn xảy ra.

Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn gây ô nhiễm trong các khu dân cư. Vấn đề nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân cũng cần được xem xét, vì hiện nay ở khu vực đô thị vẫn còn nhiều gia đình sử dụng nguồn nước giếng khoan chưa bảo đảm.

Trong khi đó, chất lượng nước sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn cũng chưa được kiểm nghiệm thường xuyên. Nhiều hộ dân sinh sống ở ven sông Vàm Cỏ Đông phải sử dụng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng nề.

Đánh giá về công tác quản lý tài nguyên và môi trường, theo UBND tỉnh, trong 5 năm qua, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đã được nâng lên một bước. Ngành Tài nguyên - Môi trường đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, sổ địa chính cho 100% xã.

Các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, rà soát quỹ đất công, đất giao cho doanh nghiệp, rà soát các tồn đọng trong quản lý, bảo đảm đất đai được sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành chức năng cũng đã chấn chỉnh, giải quyết, xử lý về cơ bản tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nước xả thải ở một nhà máy sản xuất, chế biến mủ cao su (ảnh tư liệu).

CÒN ĐÓ BÀI TOÁN MÔI TRƯỜNG

Cùng với các loại dịch bệnh, suy thoái môi trường là một vấn đề có tính toàn cầu. Việt Nam đang nỗ lực để trở thành một nước công nghiệp, Tây Ninh cũng trong quỹ đạo ấy nên bài toán về bảo vệ môi trường không thể không đặt ra.

Hoạt động công nghiệp khó tránh được chuyện gây ô nhiễm môi trường, chỉ có điều tình trạng ô nhiễm, suy thoái xảy ra ở mức độ nào. Một trong những nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường được báo chí nhiều lần đề cập chính là nước thải, chất thải trong quá trình hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp.

Vẫn còn những nhà máy, xưởng, lò chế biến nông sản thường xuyên “tranh thủ” xả thẳng chất thải, nước thải ra sông, suối cho đỡ tốn chi phí xử lý theo quy định. Theo tính toán của họ, việc nộp phạt (nếu lỡ bị phát hiện) vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để đầu tư lắp đặt dây chuyền xử lý chất thải hiện đại.

Đã có ý kiến đề nghị nên thẳng tay đóng cửa các đơn vị vi phạm để bảo vệ môi trường, song nói thì đơn giản mà làm mới khó, bởi đóng cửa một cơ sở nào đó cũng có nghĩa là động đến công ăn việc làm, miếng cơm manh áo của nhiều người lao động, chưa kể còn nhiều vấn đề phức tạp khác.

Vậy nên có thể nói “cuộc chiến” bảo vệ môi trường cũng hàm chứa những mâu thuẫn khiến cho các nhà chức trách phải đau đầu.

Đ.V.T

Từ năm 2011 đến 2015, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh cấp 132 giấy phép khoáng sản, trong đó có 34 giấy phép thăm dò khoáng sản; 65 giấy phép khai thác khoáng sản; 23 giấy phép gia hạn khai thác; 4 giấy phép chuyển nhượng; 4 quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 82 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 1, 7 tỷ đồng.
Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh