Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Bến Cửu Long ô nhiễm từng ngày
Thứ tư: 02:06 ngày 13/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở bến Cửu Long thuộc Suối Bà Chiêm địa bàn tổ 3, ấp Tân Trung, xã Tân Thành, huyện Tân Châu đã kéo dài trong nhiều năm qua. Cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc, xử phạt các doanh nghiệp xả nước thải chưa đạt chuẩn ra môi trường, thậm chí cho cơ sở ngưng hoạt động để tiến hành khắc phục. Thế nhưng, xem ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây vẫn chưa ngừng lại.

Ông Bửu dùng tay vớt lớp váng màu xanh tại bến Cửu Long.

Qua khảo sát thực tế có thể thấy, gây ô nhiễm nặng nhất cho bến Cửu Long là dòng nước có màu đen từ suối Tà Ly đổ ra. Suối Tà Ly xuất phát từ ấp 6, xã Suối Ngô- nơi có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động. Rất khó “bắt tận tay” doanh nghiệp nào xả thải gây ô nhiễm, bởi hầu như mọi sự vi phạm này đều được tiến hành theo kiểu “rò rỉ kín”.

Theo lời kể của người dân địa phương, nguồn nước thải thường được xả vào ban đêm hoặc “tát nước theo mưa”. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của cơ quan chức năng. Nhiều biện pháp cứng rắn cũng đã được tiến hành, chẳng hạn như buộc các doanh nghiệp phải tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sao cho đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải ra môi trường.

Nếu doanh nghiệp nào không tuân thủ quy định sẽ bị đóng cửa, không cho hoạt động. Trên thực tế, mặc dù doanh nghiệp có lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, nhưng vẫn diễn ra tình trạng xả nước thải không đạt quy chuẩn cả về lưu lượng và chất lượng. Thể hiện rõ nhất là dòng suối Tà Ly khi chảy qua khu vực ấp 6, xã Suối Ngô nước có màu đen nhạt và bọt khí. Xem ra cần phải rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn nữa việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, bắt đầu từ phía thượng nguồn suối Tà Ly.

Khi dòng nước từ suối Tà Ly chảy đến bến Cửu Long hợp cùng dòng nước ô nhiễm khác từ sông Sài Gòn đổ xuống, tạo ra lớp váng màu xanh nổi trên mặt nước. Bất cứ thời điểm nào, nhất là vào mùa nước suối cạn, khi đến bến Cửu Long người ta đều nhìn thấy lớp váng màu xanh đáng sợ này.

Nghé còn chết yểu, cá nào sống nổi

Lớp váng màu xanh nói trên có mùi rất khó ngửi, ai vô ý tiếp xúc sẽ bị ngứa ngoài da. Mùa nước cạn lớp ô nhiễm càng đậm đặc hơn khiến cho lục bình, rau muống cũng không sống nổi, cá thì chết hàng loạt. Ông Tôn Hoàng Bửu (59 tuổi, ngụ tại tổ 1, ấp Tân Trung), một người có 16 năm làm nghề cá tại bến Cửu Long than rằng: “Cá bỏ bến đi hết rồi, đến mùa nước rút chỉ còn một ít cá trê trụ lại, nhưng cũng không ai dám ăn cá này vì chúng sặc mùi ô nhiễm.

Nhiều ngư dân trong khu vực đã bỏ nghề vì số lượng cá còn rất ít, hơn nữa họ cũng sợ dính phải ghẻ ngứa. Vì cuộc sống, tôi cố đi làm cá được có hai hôm mà ghẻ đầy người, nóng sốt không chịu nổi”. Anh Lê Thanh Tồng, người làm nghề đưa đò ở bến Cửu Long đã nhiều năm cũng lắc đầu nói: “Trước đây nước suối này trong lắm, có thể uống được, bây giờ thì ô nhiễm quá mức rồi. Chỉ trong một năm nay, trâu tôi nuôi đã bị sảy thai làm chết hai con nghé. Tôi nghi ngờ là do trâu mẹ tiếp xúc và uống nước tại bến”. Lời của anh Tồng không hẳn là không có cơ sở vì trước đó khoảng 8 năm, khi dòng suối chưa bị ô nhiễm thì không có chuyện như thế xảy ra.

Ông Hồ Văn Son, nhà ngay tại bến Cửu Long, đang nuôi khoảng 20 con trâu tỏ ra bức xúc: “Đến trâu mà còn không chịu nổi. Năm nay nhà tôi có đến 4 con nghé đã chết do bị đẻ non. Lúc mới đẻ ra, chúng không có lông và chết ngay sau khi lọt lòng mẹ, hoặc chỉ sống được vài hôm. Tôi nghi là do trâu mẹ ăn cỏ, ăn rau muống, uống nước và nằm nước ở bến này. Trâu nuôi thường xuyên bị sảy thai là một chuyện lạ mà trước đây chưa từng có”.

Ông Son tính nhẩm: trong năm 2015 có đến 6 con nghé khác trong khu vực cũng bị “chết yểu” tương tự như vây. Đó chỉ là những trường hợp mà ông Son được biết qua bạn bè, người quen có nuôi trâu như ông và cũng thường lùa trâu xuống suối cho chúng ăn cỏ, ăn rau muống, uống nước và nằm nước (vì thời điểm này người dân đã cày hết đất bán ngập nằm cặp theo suối để trồng mì).

Ông Son cho rằng trâu đẻ thiếu tháng là do nguồn nước ô nhiễm.

Ông Bửu đưa chúng tôi đi bằng ghe máy, xuôi dòng về hướng bến Thùng Phuy thuộc ấp Tân Đông, xã Tân Thành. Đi được khoảng 2 cây số đường thuỷ đã đến nơi có những ngôi nhà nổi lênh đênh trên mặt nước, có cả những túp lều tạm bợ được dựng kiểu nhà sàn cặp hai bên bờ suối. Những ngôi nhà ấy đa số là của Việt kiều trở về từ Campuchia, họ sinh sống chủ yếu bằng nghề cá. Đến đây thì lớp váng xanh trên mặt nước có phần loãng đi, chúng pha lẫn vào dòng nước, nhìn kỹ vẫn nhận ra đó chính là lớp váng ô nhiễm từ bến Cửu Long trôi giạt xuống.

Người dân nơi đây cho biết, chỉ trừ nước uống là phải lấy từ nơi khác về dùng, còn nguồn nước phục vụ mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào dòng suối. Anh Nguyễn Văn Bào- một ngư dân sống trên ngôi nhà nổi đã 10 năm nay cho biết: “Cá không còn nhiều như mấy năm trước đây, gia đình tôi mới chuyển sang làm bè nuôi cá thác lác cườm, nhưng xem ra cũng không ổn vì nước bẩn quá. Bà con ở đây biết nguồn nước không thể uống được, nhưng rửa thức ăn, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, thậm chí là nấu ăn thì bà con vẫn dùng nước suối là chính”.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành bày giãi mối ưu tư, trăn trở: “Bến Cửu Long ô nhiễm nằm ngoài tầm kiểm soát của xã, bởi nơi khởi nguồn xả thải không nằm trên địa bàn xã này. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành liên quan, thiết nghĩ cần gấp rút chấn chỉnh dứt điểm tình trạng ô nhiễm nói trên. Bởi nguồn nước không chỉ dừng lại ở đó, mà còn đổ thẳng ra hồ Dầu Tiếng, rồi dẫn đi khắp nơi”.

Chân ông Bửu xuất hiện nhiều ghẻ ngứa sau khi tiếp xúc nguồn nước ở bến Cửu Long.

Động thái của cơ quan chức năng

Được biết, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có Công văn số 100/STNMT-CCBVMT gửi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh có quy mô xả nước thải ra môi trường từ 1.000m³/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát), phải tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở; đồng thời khuyến khích các cơ sở có quy mô xả nước thải dưới 1.000m³/ngày đêm cũng thực hiện như thế.

Việc này giúp cho ngành chức năng có thể theo dõi về lưu lượng và chất lượng nước thải cho ra môi trường tự nhiên. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng có Công văn số 5797/STNMT-CCBVMT gửi cho UBND các huyện, thành phố để cùng phối hợp kiểm tra, giám sát việc xả thải vào lưu vực các sông, suối, kênh, rạch thuộc địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong nội dung công văn này còn công khai số điện thoại “đường dây nóng” của giám đốc, phó giám đốc, chánh thanh tra, quyền chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh. Động thái này nhằm khuyến khích người dân kịp thời phối hợp cùng chính quyền địa phương và ngành chức năng chống lại các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Ông Ngô Đức Hà- quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan vấn đề xả nước thải trên địa bàn huyện Tân Châu, xác định lại lưu lượng và chất lượng nước thải, lấy mẫu nước khi thải ra môi trường tự nhiên, trong đó có suối Tà Ly và bến Cửu Long. Chúng tôi đã cho tạm ngưng vận hành hai nhà máy chế biến khoai mì ở xã Suối Ngô chờ khắc phục khâu xử lý nước thải. Chúng tôi cũng đang tổng hợp các cơ sở dữ liệu vừa kiểm tra nói trên để sớm có hướng giải quyết”.

Quốc Sơn

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh