Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Từ ngày 1.7.2016, Luật An toàn – vệ sinh lao động năm 2015 chính thức có hiệu lực, theo đó điều kiện người lao động được khám bệnh nghề nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Hiện nay, tiêu chuẩn để người lao động khám bệnh nghề nghiệp khá khó khăn bởi tiêu chuẩn đo môi trường phải vượt giới hạn cho phép. Theo quy định mới, tiêu chuẩn đo môi trường không cần vượt quá giới hạn cho phép, đối với một số bệnh chỉ cần có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ thì người lao động cũng sẽ được khám bệnh nghề nghiệp.

|
Làm việc công trình đầy bụi nhưng nhiều công nhân vẫn thờ ơ với các dụng cụ bảo hộ.
Trên thực tế, hiện nay nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh hiện chưa chú ý đến việc bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh tật cho chính bản thân trong quá trình làm việc. Đồng thời, phía đơn vị sử dụng lao động cũng không mấy quan tâm vấn đề này.
Anh Nguyễn Văn Thành làm việc cho Công ty TNHH H. (Dương Minh Châu) được gần 1 năm. Công việc xây dựng buộc anh có mặt hằng ngày tại các công trình dân dụng- nơi có nhiều bụi, tiếng ồn. Việc trang bị các thiết bị bảo hộ để bảo vệ sức khoẻ cho mình trong lúc lao động không được anh duy trì thực hiện thường xuyên mà chỉ làm theo kiểu “đối phó” (khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra).
Anh Thành cho biết: “Qua sách báo, internet, tôi cũng hiểu việc tiếp xúc với nhiều tiếng ồn, bụi bặm, nhất là bụi xi măng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới phổi, da, mắt, mũi. Công ty cũng có trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân như bao tay, giày, nón, khẩu trang, kính. Tuy nhiên, do làm việc dưới trời nắng nóng, tôi chỉ có thể đội được nón bảo hộ. Còn khẩu trang, kính thì chỉ đeo được một lát là thấy nhức mắt, ù tai; bao tay lại gây vướng víu trong lúc làm việc nên tôi… bỏ hết.
Thậm chí mặc quần áo còn phải chọn áo ngắn tay (cho thoải mái) thì làm sao chịu được mấy món đồ bảo hộ này? Không mặc cũng không thấy quản công nhắc nhở gì cả, chỉ khi nào có đoàn kiểm tra thì chúng tôi mới trang bị cho có, xong lại thôi”.
Theo quan sát, không riêng gì anh Thành, mà nhiều công nhân khác đang thi công tại công trình của Công ty H. cũng tỏ ra khá chủ quan trong việc trang bị bảo hộ, bảo vệ sức khoẻ cho mình. Tại khu vực làm sơn bê, các công nhân đang phụ trách những phần việc liên quan đến các chất độc hại như sơn, hàn xì, xả bột trét... nhưng họ cũng chẳng trang bị gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người, may ra là kèm theo cái khẩu trang và nón đội đầu, mặc dù doanh nghiệp có cung cấp đầy đủ đồ dùng bảo hộ lao động cho người lao động.
Anh Trương Văn Phong- một công nhân của công ty nói: “Tôi cũng biết nghề sơn bê chịu ảnh hưởng từ bụi trét rất nhiều. Công ty cũng hay nhắc nhở về bảo hộ lao động, tránh để bụi gây bệnh viêm phổi hay viêm da tiếp xúc. Nhưng tiền lương, thưởng đều được tính dựa trên kết quả lao động mà nếu sử dụng đồ bảo hộ thì nóng nực, vướng víu dễ ảnh hưởng đến khối lượng công việc. Vì thế nên tôi ít thực hiện. Doanh nghiệp cũng chỉ cấp cho đồ bảo hộ lao động, còn việc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân thì tôi chưa thấy”.
Chính vì sợ bất tiện trong khi làm việc mà nhiều người lao động đã “cố ý quên” mặc đồ bảo hộ lao động. Nhiều doanh nghiệp lại khá thờ ơ khâu phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong đơn vị mình. Điều đó dẫn đến nhiều người lao động phải tốn tiền khá nhiều khi mắc những căn bệnh có liên quan nghề nghiệp. Anh Thành chẳng hạn, anh đã phải chi hàng triệu đồng để chữa bệnh viêm da tiếp xúc và viêm phổi do bụi xi măng gây ra. Anh chia sẻ: “Nay thì cứ khoảng hơn một tháng là tôi lại ho khan, có khi ho ra máu, đi khám bệnh mới biết là do bụi xi măng gây ra. Mỗi lần như vậy phải đi chữa trị tốn khoảng 1 triệu đồng tiền thuốc thang, chưa kể còn phải nghỉ làm, mà nghỉ làm thì lại không có lương”.
Người lao động chưa có ý thức tự bảo vệ sức khoẻ cho mình, người sử dụng lao động lại không mặn mà khâu khám, chữa bệnh cho người lao động, dẫn đến tình trạng nhiều người lao đông “bệnh cũ chưa khỏi, bệnh mới lại phát”. Và khi đó, người lao động luôn phải đối mặt với các khoản chi phí khám, chữa bệnh không hề nhỏ.
Trong thực tế, vẫn có một số doanh nghiệp có quan tâm, chú ý khâu bảo hộ lao động cho người lao động, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều công ty thờ ơ với vấn đề này, để mặc người lao động tự xoay xở. Đơn cử như ở Công ty TNHH M., chị Tuyết (26 tuổi, ngụ huyện Hoà Thành)- công nhân may tại đây đã có thâm niên hơn 3 năm trong nghề cho biết: “Mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi lại lên cơn ho hen, bệnh đã thành mạn tính rồi. Đi khám bệnh, bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể là do hít phải nhiều bụi sợi bay ra trong quá trình làm việc. Ở đây, tôi chưa thấy công ty tổ chức cho công nhân khám bệnh nghề nghiệp, chưa thấy có phụ cấp độc hại, cũng không thấy có bất kỳ đồ bảo hộ nào. Khi thấy bụi quá thì công nhân tự mua khẩu trang mà đeo, lúc nào mệt quá thì tự đi khám và mua thuốc uống”.
Chị Tuyết cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều công nhân cũng mắc bệnh như tôi. Có những người làm hàng chục năm trong nghề mà chưa một lần được đi khám bệnh nghề nghiệp. Thực ra, chúng tôi cũng hiểu làm việc trong môi trường nhiều bụi bặm như thế này sẽ rất ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng do hoàn cảnh không cho phép nên chúng tôi chẳng thể đi khám thường xuyên, trừ lúc bị bệnh”.
Nguyên nhân mà nhiều đơn vị sử dụng lao động “lờ” đi việc phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động một phần là do ngại các khoản chi phí phải bỏ ra tương đối cao. Vì thế họ chọn cách… bỏ qua. Hơn nữa khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp phải làm thủ tục cho ra hội đồng giám định, điều này khiến cả hai bên- cả phía doanh nghiệp và phía người lao động đều e ngại, một bên sợ phiền hà, một bên sợ mất việc. Còn có một nguyên nhân quan trọng khác là người lao động hoàn toàn chưa ý thức, chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình cũng như nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm các quyền lợi đó.
Vũ Nguyệt