Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sự thành công của chương trình “Tầm soát và can thiệp bệnh mạch vành” không chỉ góp phần phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch nguy hiểm mà còn đang từng bước hiện thực hoá mục tiêu điều trị toàn diện, từ chẩn đoán, can thiệp đến quản lý hậu can thiệp- vì một trái tim khoẻ mạnh hơn cho cộng đồng.

Sau giai đoạn 1 của chương trình “Tầm soát và can thiệp vành miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn” năm 2025, từ ngày 8-10.4.2025, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng đã khám sàng lọc miễn phí cho hơn 350 bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, bác sĩ bệnh viện đã chỉ định chụp mạch CT mạch vành cho hơn 20 bệnh nhân và 30 ca thuộc diện nguy cơ cao cần chụp mạch vành số hoá xoá nền (DSA)- một kỹ thuật cao giúp phát hiện chính xác tổn thương mạch máu.
Tiếp nối chương trình, cuối tháng 4 đến giữa tháng 5.2025, bệnh viện đã liên tục tổ chức thực hiện nhiều đợt chụp mạch số hoá xoá nền (DSA) cho 21 bệnh nhân; các bác sĩ tim mạch thống nhất chỉ định sàng lọc 11 bệnh nhân để tiến hành can thiệp đặt stent phù hợp trong phác đồ điều trị tiếp theo.
Theo bác sĩ CKI Phạm Minh Dân, Phó khoa Nội Tim mạch - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, người dân nên chủ động phát hiện bệnh mạch vành từ sớm, cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng cảnh báo, đồng thời chủ động thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để có hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ Phạm Minh Dân cho biết thêm, trước hết, người dân cần hiểu và nhận thức về các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành, ví dụ như tăng huyết áp kéo dài, bị tiểu đường kéo dài, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, người hút thuốc lá, béo phì, ít vận động… Ngoài ra, bác sĩ còn chú ý đến các nhóm tuổi dưới 50 đối với nam, dưới 60 tuổi đối với nữ là nhóm dễ mắc nguy cơ bệnh lý mạch vành.
“Việc phát hiện sớm bệnh mạch vành rất quan trọng. Khi có triệu chứng mệt mỏi, đau ngực, khó thở, giảm khả năng vận động… Đó là lúc chúng ta nên đi tầm soát bệnh mạch vành”- Bác sĩ Phạm Minh Dân nói.
Không dừng lại ở việc can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ chuyển biến nghiêm trọng của bệnh, quá trình theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau đó được đội ngũ nhân viên y tế và đội ngũ công tác xã hội bệnh viện quan tâm. Trong các đợt can thiệp, bệnh nhân được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tim mạch theo dõi sát sao các chỉ số lâm sàng, khả năng đáp ứng thuốc cũng như diễn tiến mạch vành qua từng giai đoạn, kịp thời phát hiện bất thường nhất để điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hiệu quả điều trị lâu dài và phòng ngừa nguy cơ tái phát.
“Quy trình chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện được thực hiện nhanh gọn, ít xâm lấn, không gây mê, chỉ trong 2 ngày, từ các xét nghiệm chuẩn bị cho thủ thuật, thực hiện thủ thuật chụp mạch vành và xuất viện. Bệnh nhân tỉnh táo, có thể trao đổi với bác sĩ. Do đó, việc can thiệp kịp thời dựa trên kết quả chụp mạch vành rất cần thiết để dự phòng các biến chứng nghiêm trọng”- bác sĩ Phạm Minh Dân cho biết thêm.
Trường hợp bà Đoàn Thị Chiêm, một trong các bệnh nhân được bác sĩ chỉ định đặt stent trong đợt can thiệp thứ hai, vào ngày 21.4 tại bệnh viện, chỉ trong 2 ngày, bà được xuất viện, được bác sĩ khoa Nội tim mạch- Thần kinh của bệnh viện thăm khám và tư vấn các vấn đề liên quan.
Bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong do các bệnh lý tim mạch, chiếm hơn 30% tổng số ca tử vong. Hầu hết bệnh nhân không phát hiện sớm do thiếu điều kiện thăm khám định kỳ, trong đó, bệnh mạch vành là nguyên nhân chính, gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Theo bác sĩ CKI Phạm Minh Dân, DSA hỗ trợ thực hiện các thủ thuật can thiệp nội mạch như đặt stent, nút mạch điều trị u gan, giảm thiểu xâm lấn và rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân. Trong các phẫu thuật phức tạp, DSA giúp bác sĩ theo dõi và kiểm soát tình trạng mạch máu, bảo đảm an toàn và hiệu quả trong quá trình phẫu thuật.
Mỗi thao tác đều được thực hiện tỉ mỉ, theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn tối đa cho người bệnh. Toàn bộ quy trình từ chụp mạch vành đến can thiệp đặt stent đều do bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng trực tiếp thực hiện, sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc về năng lực chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch can thiệp tại tuyến tỉnh.
BS.CKII Lý Ích Trung- Phó Khoa Tim mạch - Can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, can thiệp mạch vành, can thiệp mạch máu nói chung cần phải chụp cản quang, đây là một trong những trang thiết bị bắt buộc trong can thiệp tim mạch.
“Nếu không chụp mạch, chụp mạch xoá nền thì không thể thấy được mạch máu để can thiệp. Ví dụ, trong can thiệp mạch vành, ta phải có hệ thống DSA, hay can thiệp ngoại biên phải có chụp xoá nền, mạch máu hiện rõ thì bác sĩ mới thấy tổn thương mà can thiệp”- bác sĩ Lý Ích Trung nói.
Sau can thiệp, các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi chặt chẽ tại khoa Nội tim mạch với các chỉ số sinh hiệu và tư vấn chế độ dùng thuốc lâu dài, giúp hạn chế tối đa nguy cơ tái hẹp, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, mang lại cơ hội sống khoẻ và sống lâu hơn cho cộng đồng.
Có 3 yếu tố cần thiết cần đặt stent ngay. Thứ nhất là tính chất lâm sàng (triệu chứng của bệnh nhân), thứ hai là mức độ hẹp và thứ ba là mức độ dung nạp của bệnh nhân với triệu chứng. Nếu bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp, độ hẹp từ 70% trở lên, phải can thiệp ngay lập tức. Trường hợp thứ hai là bệnh mạch vành dù ổn định nhưng không dung nạp với triệu chứng, có những cơn đau ngực sau khi uống thuốc, khi chụp động mạch vành có độ hẹp từ 70%. Tình huống thứ ba, đó là hẹp nặng ở những vị trí quan trọng mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng tối thiểu, cần phải can thiệp để dự phòng những biến chứng về sau. Bác sĩ CKI Phạm Minh Dân- Phó khoa Nội Tim mạch - Thần kinh, Bệnh viên Đa khoa Hồng Hưng |
Tâm Giang