Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Ngay sau khi Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh những vấn đề bức xúc của nông dân trồng mía về việc đo chữ đường ở nhà máy thuộc Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công (TTCS), ngày 17.3.2016, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh tổ chức buổi làm việc giữa các bên có liên quan, nông dân trồng mía và đại diện một số cơ quan báo chí.

|
Ông Ngô Minh Chí: “Nông dân rất bức xúc về chữ đường, tạp chất”.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ- Tổng Giám đốc Công ty TTCS cho biết, thời gian qua, công ty luôn quan tâm đến vấn đề thu nhập của người trồng mía và có những hỗ trợ tích cực để họ ổn định sản xuất. Tuy vậy, quá trình thu hoạch mía hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó có nguyên nhân do hiện nay vùng mía nguyên liệu của TTCS chủ yếu trồng mía chín đồng loạt, dẫn tới tình trạng có những diện tích mía chín không được thu hoạch đúng như nông dân mong muốn. Vấn đề này, TTCS sẽ nghiên cứu khắc phục trong thời gian tới bằng việc nghiên cứu trồng các giống mía chín rải vụ để có kế hoạch đốn chặt hợp lý hơn.
Vấn đề thứ hai là thời gian gần đây, diện tích trồng mía nguyên liệu ở Tây Ninh liên tục sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động chế biến đường của TTCS. Trong vụ chế biến gần đây, nhà máy của TTCS chỉ hoạt động tối đa 70 – 75% công suất thiết kế. Trước tình hình đó, công ty buộc phải mở rộng vùng nguyên liệu ở Long An. Vụ này, TTCS thu hoạch khoảng 2.000 ha mía đã đầu tư ở tỉnh bạn. Vào thời điểm đầu và giữa vụ chế biến 2015-2016, nông dân Tây Ninh bức xúc phản ánh cho rằng TTCS chỉ tập trung thu hoạch mía ở Long An, khiến cho nhiều diện tích mía bị khô trên đồng, làm giảm nghiêm trọng sản lượng và chữ đường. Vấn đề này, lãnh đạo TTCS cho biết “nông dân ở đâu cũng là nông dân”, và mía trồng ở Tây Ninh hay ở Long An cũng đều thuộc vùng nguyên liệu của TTCS đầu tư nên công ty phải sắp xếp, tổ chức thu hoạch ở từng vùng sao cho phù hợp với tình hình chế biến ở nhà máy.
Về vấn đề Hội Người trồng mía (HNTM) phản ánh cho rằng Công ty TTCS không cung cấp mẫu để Hội đo chữ đường đối chứng, ông Ngữ cho biết, công ty rất cởi mở trong việc tạo điều kiện cho cơ quan chức năng, HNTM giám sát quá trình đo chữ đường ở nhà máy, chứ không như HNTM phản ánh.
Một nông dân cho biết, về cơ bản, vụ chế biến 2015-2016 này, năng suất và chữ đường tương đối khá. Tuy nhiên, ông rất bức xúc về việc mía sau khi thu hoạch chậm được đưa vào chế biến, làm giảm đáng kể sản lượng, chữ đường. Nguyên nhân là tình trạng thiếu nhân công thu hoạch vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, tình trạng đầu công, nhà xe gây áp lực để tăng chi phí vận chuyển, chi phí tăng bo khiến giá thành mía nguyên liệu tăng cao, làm giảm lợi nhuận của nông dân trồng mía.
Một nông dân khác “chất vấn” Tổng Giám đốc Công ty TTCS: “Xin hỏi ông Tổng Giám đốc, mỗi mũi khoan của nhà máy trích khoảng bao nhiêu ký mía tươi để ép lấy nước đem đo chữ đường?”. Ông Ngữ cho biết các số liệu này có trong quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật lấy mẫu thì nông dân này “bắt bẻ”: “Ông không nắm được cụ thể để giải thích cho nông dân mà chỉ trả lời chung chung thì tôi cũng không biết nói sao!”.
Một cán bộ khác của TTCS cho biết, mỗi lần khoan mía tươi từ trên phương tiện vận chuyển để lấy mẫu khoảng 8kg. Tuy nhiên, nhà máy chỉ lấy khoảng 1 đến 2kg trong số đó đem ép lấy nước để đo chữ đường. Khi nghe xác định thông tin này, ngay lập tức, nông dân đang phát biểu tỏ ra bức xúc hơn: “Tại sao nhà máy không lấy hết số mía đã khoan đem ép mà chỉ lấy 1 phần trong số đó? Một phần nhỏ đó có đủ các điều kiện để đại diện cho cả xe mía hay không? Bởi mía có 3 đoạn chính là gốc, thân, ngọn. Nếu nhân viên kỹ thuật vô tình hoặc cố ý chọn phần ít chữ đường đem ép làm mẫu thì có phải làm thiệt hại cho nông dân không?”.
Nông dân này cũng cho rằng khi Công ty TTCS không cung cấp mẫu cho HNTM đo đối chứng, ông đã lấy thử 2 mẫu mía trên đồng nhà đem đo chữ đường bằng máy đo của HNTM. Kết quả cho thấy, mẫu lấy từ mía đứng cho chữ đường lên đến 15 CCS. Còn mẫu lấy từ mía nằm sát đất cho chữ đường 10 CCS. Trước ý kiến của lãnh đạo TTCS cho rằng vụ này năng suất và chữ đường tăng, nông dân trên phân tích nguyên nhân là do nông dân trồng giống mía tốt và áp dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc tốt hơn trước.
Cũng theo người nông dân này, để mẫu mía được nhà máy đo chữ đường bảo đảm khách quan hơn, TTCS cần phải sử dụng hết toàn bộ số mía đã khoan được đem ép lấy nước. Đồng thời, một phần số nước mía đó phải được cung cấp cho HNTM đo đối chứng.
Ông Ngô Minh Chí - nông dân trồng mía ở Bến Cầu cho biết, so với vụ chế biến 2014 – 2015, vụ chế biến năm nay có thay đổi tích cực trong kết quả đo chữ đường, nhưng nông dân vẫn chưa thực sự yên tâm và tin tưởng rằng chữ đường trong mía của họ được đánh giá đúng mức. “Sự bức xúc của nông dân trồng mía về vấn đề đo chữ đường đã kéo dài nhiều năm qua, bức xúc lắm! Có những lúc, nhận được kết quả công bố chữ đường quá thấp, nông dân chúng tôi cảm thấy rất bất mãn, muốn bỏ mía, không trồng nữa. Nhà máy phải làm thế nào để việc đo chữ đường thực sự khách quan, minh bạch thì nông dân mới an tâm, tin tưởng trồng mía”.
Ông Chí cũng cho biết thêm, Bến Cầu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây mía nhưng hiện nay diện tích trồng mía ngày càng giảm, có phần từ việc nông dân chưa tin tưởng vào kết quả đo chữ đường của nhà máy là chính xác. Ông Chí đề nghị nhà máy tính toán lịch đốn chặt sao cho khoa học, hạn chế thấp nhất thiệt hại của nông dân. Bởi khi thu hoạch trễ, dù chữ đường trong mía có cao hơn nhưng không thể bù được sản lượng bị sụt giảm nghiêm trọng (mỗi ha mất từ 20 tấn trở lên).
Một nông dân khác cho rằng “nông dân và nhà máy đang ngồi chung con thuyền”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà máy TTCS chưa có cách giải quyết vấn đề bức xúc của nông dân về chữ đường một cách thuyết phục. Việc nông dân nghi ngờ chữ đường “có vấn đề” đã diễn ra từ lâu, là do nhà máy chưa thực sự minh bạch. Ông cũng cho rằng, việc nhà máy khoan lấy 8kg mía nhưng chỉ sử dụng 1 – 2kg để đo chữ đường là “lấy mẫu của mẫu”, càng khiến nông dân nghi ngờ hơn. Ông đề nghị, ngành nông nghiệp cần sớm tổ chức hội thảo về phát triển cây mía bền vững để các bên cùng ngồi lại, cùng bàn bạc, cùng lắng nghe và cùng tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển cây mía.
Ông Đặng Văn Hùng- nông dân trồng mía ở Tân Châu cũng cho biết, ông “nghe đầy hai lỗ tai” về việc người dân bàn tán nhà máy TTCS có vấn đề trong khâu đo chữ đường. Ông Hùng cũng bức xúc về cách tính tạp chất của nhà máy: “Hôm trước, tôi chở về nhà máy một xe mía rất sạch sẽ, đến mức nhân viên kỹ thuật ở đây còn phải khen. Vậy mà sau đó nhân viên nhà máy lại công bố tạp chất trong mía của tôi rất cao. Hôm sau, người làm của tôi phản ứng mạnh, yêu cầu nhân viên nhà máy tính toán cho chính xác… Vậy là hôm đó, xe mía của tôi bị trừ tạp chất rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với xe mía có chất lượng tương tự đã bán hôm trước”. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến chữ đường như quá trình chăm sóc, quá trình thu hoạch và vận chuyển, nhất là trong tình hình thiếu nhân công đốn chặt, bốc vác như hiện nay.
|
Chủ tịch HNTM Nguyễn Quang Hợp: “Tôi khẳng định nhà máy TTCS thiếu minh bạch trong việc đo chữ đường”.
Chủ tịch HNTM Nguyễn Quang Hợp khẳng định: “Nhà máy TTCS thiếu minh bạch trong việc đo chữ đường. Tôi có đủ chứng cứ, cơ sở để chứng minh điều này. Nếu cần tôi sẽ cho thấy. Hiện rất nhiều nông dân bất mãn đối với cây mía”. Ông Hợp cũng cho rằng, giữa Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc phụ trách nông nghiệp của nhà máy TTCS có ý kiến trái ngược nhau trong việc cung cấp thông tin về việc giao mẫu cho HNTM đo chữ đường đối chứng. Trong khi thực tế thì HNTM không hề được cung cấp mẫu.
Đại diện Hội Nông dân tỉnh cho rằng các bên có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc xung quanh việc trồng, thu hoạch, chế biến mía đường…
Sau khi nghe nhiều ý kiến đóng góp của Hội Nông dân tỉnh, HNTM và nông dân, Tổng Giám đốc Công ty TTCS đã rất cầu thị và cho biết sẽ ghi nhận để có giải pháp điều chỉnh những hạn chế nếu có cho phù hợp, “nông dân có sống được thì nhà máy mới sản xuất ổn định”. Đối với những ý kiến phản ánh về cách tính tạp chất và khâu đo chữ đường, ông cho biết sẽ xem xét, “làm thế nào bảo đảm khách quan hơn, công bằng hơn”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Đức Trong nhận định: Cuộc họp đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, mang tính xây dựng nhằm phát triển cây mía tỉnh nhà. Qua đó cho thấy, các bên có liên quan thiếu sự phối hợp để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ông Trong cũng xác nhận thời gian qua, nông dân chưa thực sự tin tưởng vào kết quả đo chữ đường của nhà máy. Ông cũng đề nghị lãnh đạo TTCS xem lại vấn đề sau: Mía cùng trồng ở vùng nguyên liệu nhưng kết quả đo chữ đường ở hai nhà máy Biên Hoà và Nước Trong cho chữ đường cao hơn nhà máy TTCS; việc cho thu hoạch mía ở Long An trước Tây Ninh, TTCS cần tập trung cho vùng nguyên liệu chính ở Tây Ninh, đồng thời mía trồng ở Long An có thể thu hoạch chậm hơn mía trồng ở Tây Ninh bởi đặc điểm địa chất ở vùng thấp…
HOÀNG ANH