Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Những năm gần đây, Tây Ninh không ngừng đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, việc thực hiện định hướng phát triển này thực sự không dễ dàng trong tình hình sản xuất nông nghiệp Tây Ninh chưa thoát khỏi quan niệm, tập quán lạc hậu.

|
Thu hoạch chanh dây tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu.
ĐƯA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Theo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là nhu cầu tất yếu, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại. Việc này đối với nông nghiệp Tây Ninh càng cần thiết hơn bởi nông nghiệp tỉnh có nhiều lợi thế, song cũng có điểm yếu nhất định, đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung.
Để khắc phục điểm yếu này, nông nghiệp Tây Ninh cần dùng KHCN để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo ra những nông sản có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Muốn vậy, nông nghiệp Tây Ninh buộc phải sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn để phù hợp với thiết bị, công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Công nghệ chế biến hiện nay sử dụng máy móc, thiết bị tự động hoá là chính, nên yêu cầu sản phẩm phải đồng đều, mà sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ thì không thể làm được.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc HTX rau an toàn Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cho biết, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Những ngày đầu mới thành lập HTX, do ban chỉ đạo cũng như các thành viên trong HTX thiếu kinh nghiệm và ít ứng dụng KHCN vào trồng, chăm sóc rau củ quả nên năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Thời gian gần đây, nhờ đầu tư ứng dụng KHKT như giống chất lượng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng” và dần chuyển sang sản xuất rau củ quả theo hướng VietGAP nên sản phẩm làm ra cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn.
HỖ TRỢ XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN
Đối với việc xây dựng cánh đồng lớn, ngày 3.6.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND quy định quy mô diện tích tối thiểu của cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp trong nước có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ gia đình, cá nhân, trang trại; tổ chức đại diện của nông dân có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc nông dân; nông dân tham gia hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.
Trong quyết định này, UBND tỉnh quy định quy mô xây dựng cánh đồng lớn theo hướng tập trung sản xuất trong một khu vực và đạt diện tích tối thiểu cho 7 nhóm cây trồng, gồm các nhóm: cây lương thực; cây công nghiệp; cây ăn quả; cây rau, củ, quả; hoa, cây cảnh; cây dược liệu thương phẩm; nấm thương phẩm các loại.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản với nhiều hình thức đa dạng, cụ thể như: mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn; mô hình sản xuất rau an toàn; sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa các nhà máy chế biến mía đường với nông dân trên cây mía, các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu nông sản một số cây trồng như bắp, chuối, rau các loại... từng bước hình thành và đang là xu hướng sản xuất tất yếu trong thời gian tới, để hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Để triển khai thực hiện chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, HTX, liên hiệp HTX và nông dân tham dự cánh đồng lớn trên địa bàn, việc ban hành mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn là điều cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ 40% kinh phí cho các doanh nghiệp thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn. Các doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu bảo đảm ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu, có hệ thống sơ chế, bảo quản, kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với người dân, tỉnh hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên, mức hỗ trợ theo từng nhóm cây trồng.
NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN XUẤT
Theo đánh giá của ngành chức năng, tại Tây Ninh, do sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, số hộ sản xuất nhiều nên mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa bền vững; hoạt động sản xuất của nông dân vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, chủ yếu theo kinh nghiệm, thời vụ, ít tuân thủ các hợp đồng đã ký kết…
Trong khi đó, về đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có một vài doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: Công ty Borna Việt Nam (Hàn Quốc) đã chính thức ký cam kết hợp tác thực hiện đầu tư, trồng mới và bao tiêu sản phẩm chuối Cavendish đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường quốc tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, với diện tích ban đầu 200 ha, và tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian sắp tới; Công ty cổ phần Lavifood chuyên về lĩnh vực xuất khẩu trái cây đông lạnh, trụ sở tỉnh Long An cũng được tỉnh Tây Ninh chấp thuận về hợp tác quy hoạch trồng, bao tiêu các loại sản phẩm trái cây với sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn thành phẩm/năm.
Tuy Tây Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thu hút một vài doanh nghiệp đầu tư hợp tác sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện có mới chỉ ở mức nhỏ lẻ, chưa đúng với mục tiêu nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, tập trung mà tỉnh, ngành đề ra.
Giải PHÁP VÀ HƯỚNG ĐI SẮP TỚI
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết, trong năm 2016, Tây Ninh đã tập trung tiếp cận thị trường, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước để định hướng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và hướng đến thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện cho đầu ra sản phẩm của nông dân. Cụ thể như các nhà đầu tư Mỹ có ý tưởng hợp tác với Tây Ninh để bao tiêu 1,5 triệu tấn tinh bột mì cho nông dân; tỉnh sẽ cử một phái đoàn sang Nhật Bản để tiếp tục đàm phán, mời gọi một số doanh nghiệp sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để làm ra sản phẩm an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, định hướng sẽ đưa một số sản phẩm của Tây Ninh sang thị trường Nhật Bản.
Cũng tại phiên họp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân nhận định: thu hút đầu tư trong và ngoài nước tuy có tăng trưởng, nhưng tăng trưởng chưa như mong muốn. Sắp tới đây, Tây Ninh sẽ tiếp và làm việc với các đối tác muốn đầu tư vào các cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh cần phải có cơ chế mạnh, đồng thời, phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai. Đây là cơ sở ban đầu để thu hút đầu tư lớn và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc phát triển phải có lộ trình, gắn với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cánh đồng lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là các sản phẩm có lợi thế so sánh và cạnh tranh cao của khu vực.
THANH NHI