Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Bên cạnh những bè có kết cấu khá kiên cố đã mọc lên từ nhiều năm trước, còn có những bè đang trong quá trình thi công, chuẩn bị hoàn thiện. Những người nuôi cá có người sống ngay trên bè nhưng cũng có người “khoét” rừng phòng hộ khu vực cặp suối Bà Chiêm để làm nhà tạm- một hành vi được xem là “tối kỵ” trong công tác phòng chống cháy rừng trong thời tiết khô hạn như hiện nay.

Một góc khu vực nuôi cá bè ở bến Đầu Bò.
Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành một chuyến khảo sát thực tế tại hai điểm nuôi cá bè thuộc khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng. Điểm thứ nhất là ở bến Cầu Sắt, ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Ở điểm này, hiện có khoảng 10 bè và đang có chiều hướng phát triển thêm lên. Bên cạnh những bè có kết cấu khá kiên cố đã mọc lên từ nhiều năm trước, còn có những bè đang trong quá trình thi công, chuẩn bị hoàn thiện. Những người nuôi cá có người sống ngay trên bè nhưng cũng có người “khoét” rừng phòng hộ khu vực cặp suối Bà Chiêm để làm nhà tạm- một hành vi được xem là “tối kỵ” trong công tác phòng chống cháy rừng trong thời tiết khô hạn như hiện nay. Chưa kể, nếu không sớm chấn chỉnh thực trạng này, chờ đến khi họ đã “bén rễ” nơi đất rừng thì chuyện giải toả, di dời là rất khó.
Cũng nằm trên thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, điểm nuôi cá bè thứ hai xem ra rất quy mô. Đó là điểm tại bến Đầu Bò, thuộc ấp Tân Tiến, xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. “Theo số liệu thống kê của chúng tôi trong quý I năm 2015, có khoảng 45 hộ/45 bè nuôi cá lớn nhỏ, mỗi bè được ngăn ra thành nhiều lồng. Tại hiện trường vào thời điểm kiểm tra có khoảng 90 lồng, chủ yếu nuôi cá diêu hồng, cá lăng nha và cá thác lác cườm. Đa số các chủ bè là Việt kiều từ Campuchia về hoặc người dân ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh kéo bè sang đây nuôi. Tình trạng nuôi cá bè tái diễn ồ ạt nhất là thời điểm khoảng 3 năm trở lại đây”- ông Nguyễn Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hoà cho biết.
Thực tế, hầu hết các bè nuôi cá cũng là nơi mà chủ bè sống tạm trên đó. Khó tránh khỏi tình trạng chất thải từ con người và cá đều tuôn xuống dòng nước và chảy về phía hạ nguồn là hồ Dầu Tiếng. Vị trí neo đậu của những chiếc bè như có sự tính toán trước nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Bè cá được neo giữa dòng, cách bờ khoảng 500m, muốn ra bè phải đi bằng ghe. Khi phát hiện có “dấu hiệu khả nghi”, chủ bè chỉ cần điều khiển phương tiện bỏ trốn, hoặc nhích sang phía bên kia bờ thuộc thuỷ phận tỉnh Tây Ninh.
|
Một số người nuôi cá “khoét” rừng phòng hộ làm nhà tạm.
Bên cạnh các bè cá là lũ vịt đàn- loại vật nuôi góp phần gia tăng sự ô nhiễm cho nguồn nước hồ Dầu Tiếng. Qua khảo sát thực tế và đối chiếu với số liệu mà cơ quan chức năng cung cấp, chúng tôi nhận thấy, hiện trong bờ hồ đoạn từ xã Suối Đá đến xã Phước Minh của huyện Dương Minh Châu có khoảng 7 hộ chăn nuôi với khoảng 33.000 con vịt. Những bầy vịt được nuôi nhốt trong những hầm nước thuộc vùng đất bán ngập, tập trung nhiều nhất là ở khu vực trong bờ hồ thuộc Đội 25, xã Phước Minh.
Trao đổi về việc nuôi cá bè ở bến Đầu Bò, ông Võ Văn Tâm- Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cho hay: “Huyện cũng mới giao lại cho Phòng Kinh tế quản lý việc này thay cho Phòng Tài nguyên - Môi trường. Chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ phía sở, ngành nên chưa triển khai được gì cả. Theo tôi được biết, việc xử lý những bè cá ấy rất khó, bởi mỗi lần triển khai lực lượng để đánh dấu xác nhận, lập biên bản, cưỡng chế thì họ lại kéo bè sang phía Tây Ninh”.
Ông Bùi Xuân Đại- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà cũng cho rằng việc xử lý tình trạng nuôi cá bè trái phép trong hồ Dầu Tiếng là không dễ. Ông nói: “Mặc dù trách nhiệm quản lý hồ được giao cho chúng tôi nhưng thẩm quyền xử phạt là của chính quyền địa phương. Mà trong thực tế thì sự phối hợp giữa hai bên chưa được chặt chẽ lắm. Mặt khác, do điểm nuôi cá nằm gần vị trí giáp ranh nhau giữa hai tỉnh, nên chủ bè cứ di chuyển qua lại gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Khi chúng tôi đến lập biên bản thì họ không ký với lý do… không biết chữ và thường giải thích mình chỉ là người làm thuê cho chủ”.
Xung quanh vấn đề trên, ông Hà Thanh Tùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu giải thích: “Phát hiện việc nuôi vịt, lập biên bản ghi nhận hiện trường là trách nhiệm quản lý chung của Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà. Khi có biên bản, chúng tôi mới theo đó tiến hành rà soát, áp dụng xử phạt”. Vừa qua, ngày 11.4.2016, Phòng Nông nghiệp cũng đã có động thái tích cực trong việc tiến hành họp dân để tuyên truyền, phổ biến các điều khoản trong Nghị định của Chính phủ, cung cấp thông tin cho người dân hiểu về phạm vi được áp dụng đối với những hoạt động trong hồ Dầu Tiếng, trong đó có việc nuôi cá, thả vịt.
|
Nuôi vịt trong hồ Dầu Tiếng.
Ông Lê Văn Khải- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trong ngày 7 và 8.4.2016, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra các điểm nuôi cá bè. Qua ghi nhận thực tế, tại xã Tân Thành có 9 hộ sống lênh đênh trên những nhà bè, trong đó 7 hộ có lồng nuôi cá, chủ yếu nuôi cá thác lác cườm và cá lăng. Còn điểm nuôi cá ở bến Đầu Bò, đoàn kiểm tra chỉ làm việc được với 15 hộ/68 lồng nuôi, còn lại khoảng 15 hộ đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Điểm nuôi cá này nằm gần vị trí giáp ranh nhau giữa hai tỉnh, công tác quản lý gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có hướng đề xuất lên cấp trên để giải quyết dứt điểm”.
Quốc Sơn