Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Giải quyết chế độ, chính sách đối với dân công hoả tuyến:
Cần có quy trình thực hiện đơn giản mà hiệu quả
Thứ hai: 08:55 ngày 11/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Tất cả những người từng tham gia dân công hoả tuyến đều mong muốn Nhà nước có giải pháp thực hiện đơn giản mà hiệu quả, không bỏ sót đối tượng nào mà vẫn ngăn ngừa được tình trạng khai man.

Dân công hoả tuyến thời kháng chiến chống Mỹ tải đạn ra chiến trường - ảnh tư liệu.

Nhằm ghi nhận những đóng góp của lực lượng Dân công hoả tuyến trong thời chiến, ngày 14.10.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 49), về một số chế độ, chính sách đối với dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định 49 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. Để thực hiện Quyết định 49, ngày 16.12.2015, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 138/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 49, có hiệu lực từ ngày 1.2.2016. Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tiến hành triển khai Quyết định 49 đến cơ sở, tuy nhiên việc thực hiện quyết định này còn nhiều khó khăn.

Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối tượng được hưởng là dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Điều kiện để xác minh đối tượng được hưởng chế độ phải là dân công hoả tuyến được Uỷ ban Hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung; được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, bao gồm: vận chuyển vũ khí trang bị, đạn dược, lương thực, thực phẩm, vận chuyển thương binh, bệnh binh, làm đường cơ động, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông, liên lạc, làm cạm bẫy, vót chông, đào hầm hào, xây dựng công sự, trận địa, khu vực phòng thủ. Quyết định 49 quy định rõ thời gian và địa bàn làm nhiệm vụ, theo đó, dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp được tính từ tháng 9.1945 đến ngày 20.7.1954, địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia; dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến chống Mỹ được tính từ sau ngày 20.7.1954 đến ngày 30.4.1975, địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia; dân công hoả tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam được tính từ tháng 5.1975 đến ngày 7.1.1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2.1979 đến tháng 12.1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5.1975 đến ngày 31.12.1988, ở Campuchia từ tháng 1.1979 đến ngày 31.8.1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu (theo danh mục, Tây Ninh có 5 huyện biên giới là Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu và Trảng Bàng, còn lại là các huyện tiếp giáp huyện biên giới).

Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn, để được hưởng trợ cấp một lần, đối tượng dân công hoả tuyến phải có bản chính hoặc bản sao có chứng thực của UBND cấp xã, một trong các giấy tờ thể hiện đã tham gia dân công hoả tuyến, gồm: lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên khai trước ngày Quyết định 49 có hiệu lực thi hành, thể hiện thời gian tham gia dân công hoả tuyến; danh sách các đợt huy động tham gia dân công hoả tuyến của địa phương; hồ sơ hưởng chính sách người có công, hưởng BHXH có khai thời gian tham gia dân công hoả tuyến hoặc giấy tờ tham gia dân công hoả tuyến (nếu có). Mức chi trả trợ cấp một lần cho dân công hoả tuyến qua các thời kỳ và làm nhiệm vụ quốc tế được tính như sau: thời gian tham gia dưới một năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ một năm đến dưới hai năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ hai năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng. Ngoài ra, còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp mai táng phí. Người đã từ trần thì vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng.

Trên cơ sở Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch và hướng dẫn, chỉ thị của các ngành liên quan, Ban chỉ đạo 24 tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục hồ sơ và giao trách nhiệm cho cơ quan các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hoả tuyến theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; giao Ban chỉ huy quân sự huyện, thành phố (CHQS) chủ trì phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tập huấn đến từng thành viên Hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn xong trước ngày 25.3.2016; Ban CHQS xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp với công an, ngành LĐ-TB&XH tham mưu cấp uỷ, UBND kiện toàn Hội đồng chính sách cấp mình. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai cho Ban quản lý ấp, khu phố xong chậm nhất ngày 30.3.2016; tổ chức đăng ký danh sách, hướng dẫn đối tượng kê khai lập hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 1.4.2016, tổng hợp danh sách đối tượng đã xét duyệt, báo cáo lên Ban CHQS huyện, thành phố đợt 1 vào ngày 20.4.2016; Ban CHQS huyện, thành phố xét duyệt, thẩm định và đề nghị về Ban chỉ đạo 24 tỉnh (qua Phòng Chính trị/Bộ CHQS tỉnh) đợt 1 vào ngày 5.5.2016. Ban chỉ đạo 24 tỉnh đề nghị UBND xã, phường, thị trấn công khai danh sách đối tượng đề nghị hưởng, danh sách đối tượng được chi trả chế độ tại văn phòng ấp, khu phố và UBND xã, phường, thị trấn; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động giải quyết các vướng mắc nảy sinh ở cơ sở.

Ban chỉ đạo 24 tỉnh hướng dẫn thêm, những người đã được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, Quyết định 104/1999/QĐ-TTg, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thời gian tham gia dân công hoả tuyến mà thời gian đó chưa được cộng với thời gian tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế để hưởng chế độ theo các quyết định nêu trên thì được hưởng chế độ tương ứng với thời gian tham gia. Ngoài ra, những người đã hưởng phụ cấp, trợ cấp một lần hoặc đang hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (trừ chế độ bệnh binh hằng tháng, chế độ người bị nhiễm chất độc hoá học hằng tháng), kể cả thương binh 81% trở lên đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoặc đã về với gia đình, nếu có thời gian tham gia dân công hoả tuyến thì cũng được hưởng chế độ tương ứng với thời gian tham gia hay những người hưởng chế độ thương binh hằng tháng nhưng nay đã bị cắt hưởng chế độ; người đã hết hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có thời gian tham gia dân công hoả tuyến thì cũng được hưởng chế độ tương ứng với thời gian tham gia. Đối với trường hợp người có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng trước đây địa phương khác huy động tham gia dân công hoả tuyến thì phải về địa phương đó xác nhận hồ sơ, để chính quyền địa phương nơi đối tượng đang đăng ký hộ khẩu thường trú xem xét, đề nghị hưởng chế độ theo quy định.

Được biết, trước khi Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát đối tượng dân công hoả tuyến. Cụ thể, đã có hơn 1.500 đối tượng đăng ký. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định 49 theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo 24 tỉnh. Qua đó cho thấy, việc khó khăn nhất là xác minh thời gian tham gia dân công hoả tuyến, vì thời gian qua đã lâu, không có hồ sơ lưu, số đối tượng có hồ sơ như quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết chỉ là tự khai không có giấy tờ chứng minh. Thầy Trần Văn Hoài, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn nhớ lại, lúc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, theo huy động của Phòng Giáo dục huyện Hoà Thành, giáo viên trong huyện tham gia chặt cây làm đường cho xe bộ đội hành quân đánh giặc tại rừng Nhum, huyện Bến Cầu, thời gian 15 ngày, đủ thời gian quy định, giáo viên trở lại trường tiếp tục dạy học, không có cơ quan nào cấp giấy chứng nhận giáo viên đã tham gia dân công hoả tuyến trong giai đoạn này, những giáo viên lúc đó có người tiếp tục dạy học, có người chuyển ngành, có người về nhà làm ăn, nay muốn xác minh thời gian tham gia dân công hoả tuyến không biết phải xác minh từ đâu. Thầy Hoài còn cho biết, lúc đó giáo viên trên toàn tỉnh cũng như cán bộ công nhân viên các ngành đều tham gia dân công hoả tuyến, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới chứ không riêng giáo viên huyện Hoà Thành.

Về phía nhân dân, ông Nguyễn Văn Tranh, nguyên Phó Bí thư Xã đoàn Hiệp Ninh trước đây (nay là phường Hiệp Ninh, phường IV - thành phố Tây Ninh và xã Hiệp Tân - huyện Hoà Thành) cho biết, ngay khi quân Pôn Pốt gây chiến tranh qua biên giới, đáp lời kêu gọi của Tỉnh đoàn, Xã đoàn Hiệp Ninh đã huy động hàng trăm đoàn viên, thanh niên lên đường làm nhiệm vụ dân công hoả tuyến tải thương, tải đạn, tiếp tế lương thực, thực phẩm tại các huyện Bến Cầu và Tân Biên, trong thời gian 30 ngày. Hiện nay, danh sách đoàn viên, thanh niên làm nhiệm vụ này không còn. Tuy nhiên, nếu có yêu cầu, ông đồng ý xác minh số đoàn viên, thanh niên ngày ấy có tham gia dân công hoả tuyến phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số dân công hoả tuyến thời bấy giờ đều không có giấy tờ chứng minh; đồng thời, tất cả những người từng tham gia dân công hoả tuyến đều mong muốn Nhà nước có giải pháp thực hiện đơn giản mà hiệu quả, không bỏ sót đối tượng nào mà vẫn ngăn ngừa được tình trạng khai man. Theo thủ tục quy định, trong bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ một lần (mẫu 1A) có ghi quá trình tham gia dân công hoả tuyến như: ngày đi, nơi đi; ngày về, nơi về; cấp huy động tập trung; người chỉ huy; người trong thôn, xã cùng đi; người trong thôn, xã cùng về... Trải qua gần 40 năm, nhớ được những điều đó thật không phải dễ dàng.

Đại biểu dự hội nghị triển khai Quyết định 49 tại Ban CHQS huyện Hoà Thành.

Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ mang đậm tính nhân văn, phù hợp đạo lý, truyền thống dân tộc, thoả lòng mong ước của hàng vạn dân công hoả tuyến qua các thời kỳ trong cả nước. Những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay đã vào tuổi 60, thậm chí có cả những người đến tuổi “xưa nay hiếm”. Thiết nghĩ, để Quyết định 49 thực sự thể hiện ý nghĩa ấy cần có một quy trình thực hiện đơn giản, thống nhất nhưng hiệu quả, tránh gây phiền hà.

DUY ĐỨC

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh