Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Như tin đã đưa, vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã lần lượt làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước ở từng lĩnh vực về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2011 - 2015. Y tế là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội bởi tính đặc thù của ngành: bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ con người.

|
Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh.
KHÔNG ĐỂ XẢY RA DỊCH BỆNH LỚN
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế tỉnh nhà trong 5 năm qua là phòng, chống các loại dịch bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong 5 năm (từ 2011 - 2015), công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được triển khai kịp thời.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu để phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp dịch bệnh xâm nhập.
Ngành đã kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh dịch tả, dịch hạch, cúm A/H5N1. Số ca mắc bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng có chiều hướng giảm. Đơn cử, năm 2011: số ca mắc bệnh tay chân miệng là 2.983; năm 2015, tính đến thời điểm này chỉ ghi nhận 720 ca.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống lao, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh đã được trang bị hệ thống chẩn đoán lao cho kết quả nhanh. Mạng lưới khám, phát hiện và quản lý, điều trị cho những người mắc bệnh lao được tổ chức chặt chẽ từ tuyến tỉnh cho đến tuyến cơ sở. Mặc dù vậy, theo ghi nhận, số người mắc bệnh lao vẫn còn nhiều. Số liệu ghi nhận cho thấy: năm 2011, cả tỉnh có 2.173 ca mắc bệnh lao; năm 2015- chưa đến giữa tháng 9 cũng đã có hơn 1.500 ca.
Một trong những vấn đề lớn của chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là phòng, chống HIV/AIDS. Theo nhận định, phân loại của các cơ quan chuyên môn, những người mắc phải “căn bệnh thế kỷ” tập trung chủ yếu ở nhóm người nghiện ma tuý và phụ nữ bán dâm.
Tuy nhiên thời gian gần đây, tình hình có chuyển biến theo chiều hướng khác: tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục tăng cao hơn so với đường máu. Trong năm 2011, toàn tỉnh ghi nhận 308 ca nhiễm HIV, còn năm 2015 tính đến hết tháng 6 có 176 ca nhiễm.
Điều đáng lưu tâm là đối tượng bị nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hoá. Để phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế đã và đang tích cực điều trị cho những người bị nhiễm, đồng thời kết hợp với các cơ quan truyền thông làm công tác thông tin, giáo dục, kêu gọi cộng đồng chung tay ngăn ngừa căn bệnh chưa có thuốc đặc trị dứt điểm. Hiện tại, có gần 1.700 người nhiễm HIV đang được điều trị, trong đó có 33 trường hợp phụ nữ mang thai và 27 trường hợp bị phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp.
Cũng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chiến dịch tiêm chủng mở rộng được ngành Y tế tiếp tục duy trì thực hiện để giữ vững thành tích thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh. Theo đánh giá của ngành, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc- xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2011 đến nay đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng chỉ tiêu tiêm vắc- xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh chưa đạt vì nhiều bậc cha mẹ có tâm lý nghi ngại về mức độ an toàn của tiêm chủng nên không cho trẻ tiêm ngừa.
Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho rằng tình hình vi phạm có cải thiện dần qua từng năm. Thế nhưng vẫn còn một số cơ sở vi phạm với các lỗi phổ biến: sản phẩm không có nguồn gốc; không thực hiện chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở; điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt; nhãn sản phẩm không đúng theo nội dung quy định…
Phần lớn các cơ sở sai phạm mới chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Theo nhận định của Sở Y tế, một số huyện ít xử phạt đối với các cơ sở vi phạm. Nhiều huyện không thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm trong các đợt thanh tra, kiểm tra là do… không có kinh phí. Điều này làm hạn chế việc phát hiện các yếu tố nguy hại trong thực phẩm.
NHÂN LỰC: đang thiếu
Nhân lực ngành Y tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Vấn đề này đã được đặt ra trong nhiều năm qua nhưng đến giờ tình hình vẫn chưa mấy cải thiện. Tính đến nay, số cán bộ, nhân viên y tế đang làm ở các cơ sở y tế công lập là 2.916 người, trong đó có 472 bác sĩ và 67 dược sĩ.
Nếu tính cả các cơ sở ngoài công lập thì cả tỉnh có 653 bác sĩ và 135 dược sĩ. Tính theo tỷ lệ thì năm 2015 Tây Ninh đạt 7 bác sĩ, dược sĩ/vạn dân, vừa bằng chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Thế nhưng, nếu tính riêng số bác sĩ thì chỉ mới đạt 5,8/vạn dân- thấp hơn mức trung bình của cả nước (7 bác sĩ/vạn dân).
Để khắc phục khó khăn, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện một số giải pháp, trong đó có chính sách đào tạo và thu hút nhân lực cho ngành Y tế. Kết quả cho thấy: Về chính sách đào tạo, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học đã chấp hành quy định trở về địa phương công tác đúng theo cam kết.
Giai đoạn 2011 - 2014, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo 255 người ở bậc đại học và sau đại học. Trong đó hiện đang có hơn 150 sinh viên y khoa, đây sẽ là những bác sĩ tương lai của tỉnh nhà. Đối với bậc đào tạo hệ trung cấp, Trường trung cấp Y tế Tây Ninh đang đào tạo các ngành điều dưỡng, dược, hộ sinh, xét nghiệm, y sĩ đa khoa, dân số…
Về chính sách thu hút nhân lực, từ năm 2010 đến năm 2012, tỉnh thu hút được 7 bác sĩ; năm 2013 không thu hút được người nào và năm 2014 chỉ được 2 người. Hiện ngành Y tế đang trình các cơ quan có thẩm quyền đề nghị áp dụng chế độ thu hút mới cho bác sĩ. Theo tính toán, từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ có 155 bác sĩ nghỉ hưu, con số này còn cao hơn số sinh viên y khoa đang học. Với thực tế như vậy, tình hình thiếu bác sĩ sẽ còn kéo dài trong ít nhất 5 - 6 năm nữa.
ĐẦU TƯ MẠNH KẾT CẤU HẠ TẦNG
Về kết cấu hạ tầng, ngành Y tế đang được đầu tư mạnh. Tính đến thời điểm này đã có 8/9 huyện và thành phố hoàn thành việc xây mới hoặc nâng cấp bệnh viện, chỉ trừ bệnh viện huyện Hoà Thành còn đang trong quá trình xây dựng.
Đối với tuyến tỉnh, hiện đã xây xong Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Bệnh viện Y học cổ truyền. Riêng đối với dự án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế thông tin: dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, đầu năm 2016 sẽ triển khai xây dựng.
Và đến nay mặc dù chưa đạt 100% so với quy chuẩn, nhưng hầu hết các cơ sở tuyến huyện đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, phục vụ yêu cầu chuyên môn. Nếu tính cả cơ sở y tế ngoài công lập thì trên địa bàn tỉnh hiện có 5 máy CT Scan và một máy MRI.
Trong quá trình làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với cả Trung ương lẫn địa phương. Trong đó, có đề xuất sáp nhập phòng y tế vào trung tâm y tế huyện. Điều này nhằm huy động số bác sĩ, dược sĩ hiện có ở các phòng y tế bổ sung cho nhu cầu hoạt động của ngành.
Cán bộ, nhân viên phòng y tế hiện nay chủ yếu chỉ thực hiện công tác tham mưu cho UBND cấp huyện và quản lý hành nghề y tế tư nhân, chưa phát huy được tay nghề của người thầy thuốc. Trong khi đó, đội ngũ tại trung tâm y tế đang thiếu và yếu nên không có lý do gì để lãng phí nhân lực ở các phòng y tế.
Xung quanh vấn đề xử lý chất thải y tế, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại 9 cơ sở y tế của tỉnh với tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương. Tính đến nay đã có 14/16 cơ sở y tế công lập được đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại.
|
Tiêu huỷ thuốc Đông y quá hạn sử dụng.
Làm việc với ngành Y tế, ông Nguyễn Thành Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị cần xem lại có hay không tình trạng lãng phí khi xây dựng cơ sở vật chất của ngành, vì có những trung tâm y tế cấp huyện được xây quá lớn.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Trưởng Ban Pháp chế cho rằng cần lưu ý về giải pháp thực hiện để đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/vạn dân. Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn- Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị ngành Y tế và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xây dựng cơ sở xử lý chất thải, vì cách làm như lâu nay không bảo đảm tính khả thi và tính khoa học, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
VIỆT ĐÔNG