Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Sự kỳ thị của cộng đồng xã hội đối với những người mang án tù tội luôn mang lại nhiều trở ngại, khó khăn về mặt tinh thần khi họ tái hoà nhập cộng đồng. Thực tế, vẫn còn nhiều người e dè khi tiếp xúc với những người có tiền án. Chính điều đó đã tạo cho người khao khát hoàn lương cảm giác bị bỏ rơi, bị xa lánh dẫn đến mặc cảm ngày càng nặng nề. Không ít người, vì thiếu bản lĩnh, đã không vượt qua được sự mặc cảm, để rồi lại bị lôi kéo, dẫn đến tái phạm...

|
Niềm vui của người được tha tù trước thời hạn trong dịp Quốc khánh. Ảnh: Khắc Luân
TỶ LỆ NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ TÁI PHẠM CÒN CAO
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16.9.2011 của Chính phủ, quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4.662 người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá tha tù trước thời hạn trở về địa phương.
Trong đó, có 3.444 người chưa được xoá án tích đang trong diện quản lý, cần tổ chức các biện pháp bảo đảm cho họ tái hoà nhập cộng đồng theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP. Qua khảo sát, đánh giá phân loại của cơ quan chức năng, trong số những người chấp hành xong án phạt tù chưa được xoá án tích có 558 người ở môi trường phức tạp, dễ tái phạm; 235 người có ý thức chấp hành pháp luật kém, sống buông thả, lười lao động và 824 người chưa có việc làm, hoặc việc làm tạm bợ không ổn định, hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn để sản xuất. Bên cạnh đó, có 1.797 người có ý thức chấp hành tốt pháp luật, cuộc sống ổn định, hoà nhập tốt với cộng đồng.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá tha tù trước thời hạn trở về địa phương ổn định cuộc sống, đồng thời thường xuyên quan tâm quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ, nhưng công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, từ đó tình trạng tái phạm xảy ra còn nhiều. Thậm chí có trường hợp mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã tiếp tục tái phạm.
Với sự hướng dẫn và tham mưu của lực lượng Công an các cấp, UBND cấp xã- trực tiếp là Ban điều hành mô hình tái hoà nhập cộng đồng đã phân công thành viên, cùng các ngành, đoàn thể địa phương gặp gỡ, giám sát, tiếp xúc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù.
Từ đó, đề xuất cấp uỷ, chính quyền có biện pháp giúp đỡ phù hợp để họ xoá bỏ mặc cảm. Nhiều người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự như tham gia lực lượng Tuần tra nhân dân.
Chính quyền các cấp tổ chức đào tạo cho 140 người những nghề phổ thông như chăn nuôi, cạo mủ cao su, lái xe…; giới thiệu 201 người vào làm việc ở các xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ; hỗ trợ vốn từ Quỹ xoá đói giảm nghèo, các chương trình vay chính sách của địa phương cho 33 người với tổng số tiền 194 triệu đồng, tặng 3 căn nhà và 86 phần quà tết cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 137 triệu đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như công tác quản lý người chấp hành xong án phạt tù ở một số địa phương chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức; không nắm được di biến động của đối tượng; không kịp thời phối hợp cùng gia đình giáo dục, khiến người chấp hành xong án phạt tù tái phạm.
Công tác tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù chưa thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu; chưa xây dựng được nhiều mô hình tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Việc nghiên cứu xây dựng một số mô hình tái hoà nhập cộng đồng chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao- như mô hình tổ chức dạy nghề ở huyện Châu Thành; mô hình hoàn lương, an tâm lao động sản xuất và tham gia phòng, chống tội phạm ở huyện Tân Biên.
Mặt khác, dù tỷ lệ tái phạm đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao, trong đó, có một số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thiếu bản lĩnh, lười lao động, bị rủ rê, lôi kéo, vừa ra tù về lại tái phạm. Ở một số địa phương, Công an cấp huyện chưa tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo thực hiện công tác tái hoà nhập cộng đồng, thành lập Quỹ tái hoà nhập cộng đồng ở địa phương.
KHÔNG NÊN KỲ THỊ NGƯỜI TỪNG ĐI TÙ
Qua sự giới thiệu của Công an huyện Châu Thành, chúng tôi đã tiếp xúc với anh T.P, sinh năm 1978, ngụ huyện Châu Thành – một người từng đi tù đến 3 lần nhưng hiện nay đã hoàn lương và tham gia vào lực lượng Tuần tra nhân dân ở địa phương.
Bồi hồi nhớ lại những tháng ngày phạm tội, anh P cho biết, trước đây gia đình rất khá giả, cha mẹ nuông chiều con nên anh đã sớm hư hỏng, dính vào ma tuý. Sau đó thì… chuyện gì đến đã đến, từ năm 1996 đến năm 2002, anh P phải 3 lần đi tù vì các tội trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Anh P vẫn còn nhớ như in những tháng ngày vừa chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Khi đó, nhiều người quen gặp anh đều không muốn nhìn, người thân thiết cũng quay lưng, chán nản, anh sống “bất cần đời” để rồi tiếp tục phạm tội và trở lại nhà tù.
Lần ra tù thứ 3, khi về địa phương, anh P vẫn mang nặng mặc cảm bị bỏ rơi, bị mọi người kỳ thị. Anh đã gặp và nghe nhiều người bạn tù rủ rê tiếp tục phạm tội, nhưng khi đó phần nào anh cảm thấy đã “chồn chân, mỏi gối”. Hơn nữa, anh may mắn được tiếp xúc với một người hàng xóm tốt bụng, vốn là cán bộ Nhà nước về nghỉ hưu. Ông đã không ngại tiếp cận, động viên anh P làm lại cuộc đời. Sau này, người ấy đã trở thành cha vợ của anh P.
Vợ chồng anh P được cha vợ cho một phần đất, vợ anh giữ xe cho công nhân, còn anh đi làm bất cứ việc gì khi có người thuê. Đồng thời, anh còn nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, công an địa phương nên đã dần xoá được mặc cảm, hoà nhập với đời sống cộng đồng và thực sự hoàn lương.
Đến năm 2012, anh P được chính quyền và nhân dân tín nhiệm giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ dân cư tự quản; sau đó anh còn được tham gia lực lượng Tuần tra nhân dân xã. Từ đó đến nay, anh P luôn tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, được cấp trên khen thưởng; nhưng quan trọng nhất là anh đã tạo được niềm tin cho mọi người về sự phấn đấu sửa sai của bản thân.
Anh P hiểu rằng, đối với một người từng đi tù, bản thân họ luôn mặc cảm với lỗi lầm trong quá khứ của mình. Do vậy, khi người ấy trở về với cộng đồng, nếu gia đình và xã hội có cái nhìn kỳ thị, xa lánh, bản thân họ rất dễ phát sinh tâm lý “bất cần đời”. Mà khi đã bất cần, buông thả, họ rất dễ tiếp tục sa vào con đường tội lỗi. Người phải mang án tù, bản thân họ đã sai lầm, nhưng dù sao cũng bắt nguồn từ một phút lầm lỗi nhất thời. Khi đã nhận sự trừng phạt của pháp luật, tức là đã trả giá cho hành vi sai trái của mình, họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ, động viên của gia đình và xã hội khi trở về tái hoà nhập cuộc sống để họ có có niềm tin, có động cơ phấn đấu sửa sai. Vì vậy, đừng nên kỳ thị, xa lánh những người có tiền án.
Khi nói về quá trình hoà nhập cộng đồng của anh P, vị trưởng ấp nơi anh sinh sống không khỏi bức xúc trước tâm lý kỳ thị người đi tù trở về của nhiều người dân hiện nay. Bởi lẽ, khi giới thiệu anh P làm tổ trưởng tổ dân cư tự quản, ông vẫn còn vấp phải sự phản đối của nhiều người, một mực cho rằng anh P là người không tốt, có nhiều tiền án. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì bảo lưu quan điểm của mình và tin tưởng anh P sẽ làm được việc. Kết quả, anh P đã không phụ lòng tin của ông và đã có nhiều đóng góp cho địa phương trong nhiều năm qua.
Vị trưởng ấp cho biết, đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, cấp trên luôn chỉ đạo cán bộ ấp và các ngành chức năng quan tâm chia sẻ, gần gũi để giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng. Thế nhưng, cũng có những người mang nặng mặc cảm nên không dễ tiếp cận.
Trước đây, có một người chấp hành xong án phạt tù về, dù cán bộ ấp đã cố gắng tiếp cận nhưng anh ta mang mặc cảm quá nặng, cộng với sự xa lánh của chính gia đình đối tượng, nên anh trở nên “bất cần đời”. Sau một thời gian sống buông thả, nhậu nhẹt say sưa đã chọn kết cuộc là… tự tử, đây là điều rất đau lòng.
|
Anh T.P ngoài giờ đi làm thuê, anh còn phụ giúp vợ giữ xe cho công nhân.
PHẢI HIỂU ĐÚNG Ý NGHĨA CỦA CÔNG TÁC TÁI HOÀ NHẬP CỘNG ĐỒNG
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đối với người chấp hành xong án phạt tù, vấn đề gần gũi, chia sẻ và động viên tinh thần của gia đình, xã hội, chính quyền địa phương đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được các đại biểu hết sức quan tâm- nhất là vấn đề cần có những biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả nhằm làm thế nào để người chấp hành xong án phạt tù thực sự xoá bỏ được mặc cảm để phấn đấu vươn lên.
Tất nhiên phải có những mô hình cụ thể phù hợp với từng loại đối tượng. Và quan trọng là phải hiểu được những người chấp hành xong án phạt tù khi về địa phương có tâm tư như thế nào, cần giúp đỡ việc gì… có như thế mới giúp các đối tượng này thực sự tái hoà nhập cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc– Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các ngành chức năng, cấp uỷ và chính quyền địa phương cần đánh giá, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái phạm còn cao (trung bình mỗi năm là 4%), và có giải pháp phù hợp cho từng nhóm nguyên nhân. Ông Ngọc đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò của công tác tái hoà nhập cộng đồng. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt nhất và quyết tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.
THIÊN TÂM