Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ:
Cần một chiến lược dài hạn
Thứ tư: 04:25 ngày 20/07/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ; phải xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học. Nói tóm lại, cần có một chiến lược dài hạn cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đóng gói rau sạch tại Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc (ảnh minh hoạ).

Trong tình hình gần như toàn xã hội đều cảm thấy bất an về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp an toàn- cao hơn nữa là nền nông nghiệp hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay chỉ có một số ít người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm của nền nông nghiệp an toàn thực sự. Và không phải ai cũng có thể nhận biết được đâu là sản phẩm nông nghiệp “sạch”, thân thiện với môi trường.

Sản phẩm nông nghiệp sạch- xu hướng tất yếu

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng- Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organic Đà Lạt cho biết, khi nguồn thực phẩm trong nước còn nhiều hạn chế về chất lượng, nhu cầu sử dụng sản phẩm rau hữu cơ (organic) ngày càng tăng cao. Phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần sản xuất sản phẩm rau quả “sạch”- không có dư lượng chất hoá học, bảo đảm sức khoẻ cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng nông sản, nhất là thực phẩm rau, củ, quả tươi sống không bảo đảm an toàn do tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật có hại, thuốc bảo vệ thực vật và nitrat quá cao do sử dụng phân đạm dư thừa hay vừa mới bón đã thu hoạch gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Tại buổi tiếp đoàn cán bộ lãnh đạo các sở ngành, địa phương của tỉnh nhà đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Lâm Đồng, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình: việc lạm dụng phân hoá học hoặc bón phân không cân đối giữa tỷ lệ N, P, K; ít hoặc không sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh) trong một thời gian dài làm cho đất bị chai, giảm độ phì, sâu bệnh ngày càng tăng... Bên cạnh đó, sự đa dạng của các loại thuốc hoá học trừ sâu bệnh trên thị trường cũng như việc sử dụng thuốc không theo nguyên tắc “4 đúng”... đã gây tích luỹ dư lượng kim loại nặng trong sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra rào cản trong xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Vì vậy, vấn đề hữu cơ hoá nông nghiệp, dần xoá bỏ tình trạng dư lượng hoá chất, độc tố cao tồn tại trong nông sản đối với cây trồng, vật nuôi đang là mong muốn không chỉ của riêng người tiêu dùng mà còn của chính nhà sản xuất. Bởi không nhà sản xuất nào muốn làm ra các loại sản phẩm để cho người tiêu dùng phải… quay lưng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực tiễn là sản xuất chú trọng yếu tố tự nhiên, bảo đảm sức khoẻ cho người sản xuất lẫn tiêu dùng.

Nông nghiệp hữu cơ phải khai thác tổng hợp tất cả các yếu tố tự nhiên sẵn có, như: độ phì của đất, sử dụng nguồn gen, giống cây trồng bản địa thích nghi, khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ và các nguồn phân hữu cơ. Và đặc biệt, ứng dụng tốt nông nghiệp hữu cơ chính là sự giải quyết tất yếu, cơ bản nhất vấn đề sử dụng các hoá chất độc hại cho cây trồng và môi trường sống như phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, hoá chất bảo quản.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng giới thiệu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ với đoàn khách đến từ Tây Ninh.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng chia sẻ thêm, trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập thế giới, năng lực cạnh tranh của sản phẩm là một trong những yếu tố để tồn tại và mở rộng thị trường. Trong đó, vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của mọi người- từ nhà sản xuất, vận chuyển, phân phối, quản lý và hoạch định chính sách cho đến người tiêu dùng. Việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp hiện là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới nhằm cải thiện phẩm chất nông sản theo hướng chất lượng và an toàn thực phẩm, tăng năng suất cây trồng, hạn chế được sự nghèo kiệt của đất, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Niềm tin của người tiêu dùng chính là thước đo chất lượng sản phẩm. Điều này cũng nói về sự bảo vệ môi trường, tạo điều kiện sống tốt cho động vật và thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn.

Còn nhiều thử thách

Trở ngại đầu tiên khi xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ chính là nhận thức của người dân còn hạn chế. Tập quán sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua đã khiến người sản xuất không đủ tự tin để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và an toàn.

Điều kiện để chuyển từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ đang còn khó khăn. Thông thường, sản phẩm hữu cơ xuất khẩu được bán với giá cao gấp 8 lần so với các sản phẩm tương tự được sản xuất tại các trang trại không hữu cơ. Tuy nhiên, bước được vào thị trường này không phải dễ dàng. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, nông dân bị từ chối tiếp cận thị trường ở các nước phát triển hữu cơ trong vòng 2-3 năm sau khi bắt đầu canh tác hữu cơ, do các nước này không xác nhận đất và vật nuôi trồng hữu cơ trước thời gian đó, vì họ cho rằng cần thiết phải tẩy dư lượng hoá chất. Tiến sĩ cũng cho rằng, phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh đều đã sử dụng phân hoá học trong thời gian dài, và các vùng đất đã sử dụng chất hoá học cần phải để không 3 năm mới có thể trở thành đất hữu cơ. Trong thời gian này, nông dân có thể sẽ gặp một số tổn thất khi chuyển đổi hoạt động của mình để theo đuổi sản xuất hữu cơ.

Hầu hết các trường hợp nông dân và doanh nghiệp sau thu hoạch tìm cách bán sản phẩm của mình ở các nước đang phát triển, phải thuê một tổ chức chứng nhận hữu cơ hằng năm để kiểm tra và xác nhận về việc trang trại và doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ được thành lập bởi những đối tác kinh doanh khác nhau. Chi phí cho dịch vụ này rất tốn kém. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có tổ chức nào đủ tư cách pháp nhân lẫn trình độ xây dựng quy chuẩn để cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Chính vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ xuất khẩu lại phải nhờ vả các tổ chức nước ngoài như IOM, AS, Control Union, liên hiệp kiểm soát SKAL, ICEA, ACT... Mỗi tổ chức, quốc gia có quy chuẩn riêng, có khi đạt ở nơi này nhưng nơi khác lại không công nhận và ngược lại.

Bên cạnh đó, thiếu thông tin cũng là một trở ngại rất lớn cho nông dân trong việc chuyển đổi sản xuất, phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, chính cán bộ khuyến nông cũng hiếm khi được đào tạo đầy đủ về phương pháp hữu cơ, nên nông dân muốn chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, thể chế hỗ trợ ở các nước đang phát triển rất khan hiếm, khó có các tổ chức chuyên nghiệp có khả năng hỗ trợ nông dân trong sản xuất, quy trình sau sản xuất và tiếp thị.

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng cho rằng cần có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tránh sự ô nhiễm chéo với vùng sản xuất vô cơ. Ngoài ra, cần có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic trong sản xuất và cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện.

Các thành viên trong đoàn tham quan Nông trại hữu cơ Elephant Mountain sản xuất theo mô hình khép kín.

Cần chính sách cụ thể

Trước những nhu cầu tất yếu cũng như những khó khăn vấp phải khi hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng nêu ý kiến: các tỉnh cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, trong đó có sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hay phát triển nông nghiệp đô thị; các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Để có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian tới, các nhà sản xuất cần có một kỹ thuật sản xuất tin cậy; cần có khả năng tiếp cận với các đầu vào hữu cơ và khả năng tiếp cận với thị trường ổn định, bảo đảm. Về thị trường phân phối sản phẩm, cần có nguồn cung cấp thường xuyên và tin cậy cùng giá cả hợp lý; cần một hệ thống chứng nhận độc lập; phương thức vận chuyển bảo đảm chất lượng; có hệ thống thông tin về phương pháp canh tác và sản phẩm làm ra.

Khách hàng cần được biết những thông tin về lợi ích của thực phẩm hữu cơ và nơi mua sản phẩm. Khách hàng cũng phải được thông tin về sự khác biệt giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm hữu cơ. Các bộ, ngành cần ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định chung về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận, nhãn hàng hoá hữu cơ…) với các sản phẩm có nhãn hàng hoá có thể truy xuất nguồn gốc.

Việc thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ; tăng cường công tác chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ cũng là điều cần thiết. Các địa phương cần quy hoạch diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng sản xuất lớn chuyên canh. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ; phải xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học. Nói tóm lại, cần có một chiến lược dài hạn cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

THANH NHI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh