Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Du lịch Tây Ninh:
Cần một “thuyền trưởng” tài năng
Thứ sáu: 02:11 ngày 29/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Nói đến du lịch thì hầu như ai cũng nhận thấy Tây Ninh có tiềm năng to lớn. Nhưng, vì sao đến nay, ngành công nghiệp không khói này vẫn cứ ì ạch, không phát triển được như mong đợi?

Ông Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch.

So với các tỉnh trong khu vực phía Nam, Tây Ninh có tiềm năng du lịch không thua kém nếu không muốn nói là vượt trội. Về du lịch tâm linh đã có quần thể núi Bà Đen. Núi Bà Đen được ví như chiếc nón lá úp giữa đồng bằng, với truyền thuyết về người con gái tên Lý Thị Thiên Hương đã thành vị thần linh hiển. Trong quần thể núi Bà Đen có nhiều chùa chiền, hang động, xung quanh là phong cảnh hữu tình, phù hợp cho việc khai thác các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, khám phá.

Tây Ninh còn có Toà thánh Cao Đài với kiến trúc cùng những lễ hội độc đáo. Du lịch về nguồn thì có khu di tích đặc biệt cấp quốc gia- di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- nơi trú đóng của các cơ quan đầu não miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây hiện lưu trữ nhiều hình ảnh, vật dụng có giá trị lịch sử cao, cũng như hệ thống giao thông hào, hội trường, nhà làm việc của các lãnh đạo... hầu như được giữ gìn nguyên vẹn.

Du lịch sinh thái thì có Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nơi có hệ sinh thái đặc trưng của rừng nguyên sinh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, vừa có những khu vực vùng ngập nước Tây Nam bộ với nhiều loài động thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam, là nơi tuyệt vời để phát triển du lịch sinh thái, khám phá, nghiên cứu khoa học. Cảnh quan công trình nhân tạo thì có hồ Dầu Tiếng- công trình thuỷ lợi lớn nhất Đông Nam Á với diện tích 27.000 ha. Trong hồ và ven hồ có nhiều đảo, bán đảo với rừng tràm bạt ngàn, xanh ngắt. Đây được xem là hòn ngọc xanh của Tây Ninh, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.

Tây Ninh còn có hệ thống sông ngòi khá đẹp, như sông Vàm Cỏ Đông trải dài từ biên giới Tân Biên, uốn lượn qua 4 huyện, thành phố. Con sông này còn gắn liền với bao chiến công hiển hách trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và từng đi vào thơ ca, nhạc hoạ với hình tượng lung linh, hấp dẫn. Ôm ấp các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng là con sông Sài Gòn. Trên bờ có nhiều vườn cây ăn trái, trên sông có nhiều làng bè nuôi cá. Cả hai con sông nói trên đều ẩn chứa tiềm năng phát triển du lịch đường thuỷ.

Nhiều loại đặc sản nổi tiếng cả nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch Tây Ninh như: bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối tôm Tây Ninh, mãng cầu (na) núi Bà Đen. Tây Ninh còn có 240km đường biên giới với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát cùng nhiều cửa khẩu tiểu ngạch khác. Đây là những nơi thông thương qua nước bạn Campuchia. Từ đây có thể đi Thái Lan và nhiều nước khác, thuận lợi cho phát triển du lịch quốc tế. Tất cả những điều đó làm nên tiềm năng, thế mạnh của du lịch Tây Ninh mà nhiều tỉnh, thành ao ước.

Tìm cách đánh thức tiềm năng

Giữa năm 2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch và công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh (Khu DLQG núi Bà Đen) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Khu DLQG núi Bà Đen cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia, đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hoá tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao, du lịch sinh thái của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Tại hội nghị trên, có nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu trong và ngoài tỉnh. Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) nêu ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Tây Ninh quan tâm hơn nữa việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược để họ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác đến với du lịch Tây Ninh. Theo ông, phát triển du lịch phải có sự phối hợp giữa các ngành liên quan với nhau: văn hoá, môi trường, giao thông… Chính quyền cần có định hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào Tây Ninh. Phải làm sao để du khách đến Tây Ninh không chỉ vì du lịch tâm linh mà còn vì sự thu hút bởi nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) có nói: “Tây Ninh xác định thế mạnh của tỉnh là phát triển du lịch chứ không phải phát triển về công nghiệp, nông nghiệp như những tỉnh khác, nhưng đến nay Tây Ninh chưa đầu tư gì nhiều vào du lịch”. Ông cũng thông báo thêm một vài thông tin liên quan: hiện nay, Tập đoàn Vingroup đã đồng ý đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại  ở đường 30.4, TP. Tây Ninh. Sắp tới, Tây Ninh sẽ triển khai quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG núi Bà Đen đúng quy định, không để xảy ra tình trạng  “xếp xó để đó”.

Mới đây, trả lời báo chí tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định: Tây Ninh là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hoá- lịch sử, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác tiềm năng, lợi thế này vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong thời gian tới, tỉnh cũng đã có những định hướng phát triển rất rõ ràng, nhất là việc tạo cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân đến tìm hiểu để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.

Không thể... ăn sẵn hoài

Đến nay, ở Khu DLQG núi Bà Đen chỉ mới đầu tư hai hệ thống cáp treo, một hệ thống máng trượt và vài công trình đầu tư, cải tạo nhỏ như hang rồng, hồ nước. Ở khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vừa diễn ra lễ khánh thành bức tranh hoành tráng cách đây chưa lâu. Ngoài ra, du lịch Tây Ninh gần như chưa có thêm dịch vụ, sản phẩm mới mẻ nào.

Hàng chục năm qua, các khu du lịch ở Tây Ninh chủ yếu thu hút khách nhờ vào các loại hình thuộc loại… ăn sẵn. Chính vì thiếu đầu tư, khai thác nên du lịch Tây Ninh khó giữ chân du khách. Hầu hết khách đến Tây Ninh đều dựa vào dịp lễ, tết hằng năm như rằm tháng Tám âm lịch, Tết Nguyên đán… Ngoài những dịp này ra, các khu du lịch ở Tây Ninh rất vắng vẻ. Đã vậy, hoạt động dịch vụ ở các khu du lịch Tây Ninh lại quá nghèo nàn, không có nhà hàng, khách sạn và dịch vụ phụ trợ, nên du khách thường chỉ đến Tây Ninh chơi trong ngày rồi quay về thành phố Hồ Chí Minh để ăn, nghỉ.

Đường vành đai du lịch đang xuống cấp rất khó đi lại.

 Khu DLQG núi Bà Đen, những năm gần đây đã được UBND tỉnh giao lại cho Công ty cổ phần Du lịch - Thương mại Tây Ninh (gọi tắt là Công ty Du lịch Tây Ninh) đầu tư, khai thác Hội xuân năm 2015, công ty chỉ đầu tư một vài công trình như mở thêm một cổng vào, tráng nhựa mặt nền một phần bãi đỗ xe ô tô, nạo vét, thi công bờ kè đá và đường giao thông rộng quanh hồ nước phía sau nhà hàng Thuỳ Dương (cũ), trang trí thêm hoa sen ven hồ nước đối diện… Công ty cũng tăng giá vé vào cổng từ 12.000 đồng lên 16.000 đồng/vé người lớn; từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng/vé dành cho người cao tuổi và trẻ em.

Đồng thời, cũng còn nhiều vấn đề khác tồn tại làm cản trở sự phát triển của du lịch, như tình trạng kẹt xe, nghẽn mạng trong dịp Hội xuân; tình trạng tranh giành khách gửi xe, chèo kéo khách mua hàng hoá; buôn bán hàng rong làm phiền du khách trong khu du lịch vv…vv…

Từ những thực tế nêu trên, có thể ví du lịch Tây Ninh giống như một con tàu đang cần một thuyền trưởng tài năng, bản lĩnh đủ sức điều khiển cho tàu vượt sóng ra khơi. Dĩ nhiên đó không phải là điều kiện đủ nhưng rất cần trong giai đoạn hiện nay.

Thảo Nguyên

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh