Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xây dựng nông thôn mới:
Cần những tiêu chí thật sự phát huy tác dụng
Thứ ba: 08:19 ngày 07/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Khi xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới, chỉ nên hạn chế một số hạng mục, tiêu chí thật sự phát huy hữu ích, phục vụ nhu cầu dân sinh như giao thông nông thôn, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nước sạch, không cần đầu tư đến gần 20 tiêu chí. Có những tiêu chí mang sẵn trong mình tư duy duy ý chí, chẳng hạn tiêu chí thu nhập.

Làm đường nông thôn ở xã Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Tại phiên họp thường kỳ hồi trung tuần tháng 5 vừa qua của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-UBND (Quyết định 53) ngày 26.11.2012 quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng xây dựng mức hỗ trợ cho giai đoạn 2016 – 2020. UBND nhân dân tỉnh đã cơ bản thông qua bản báo cáo trên.

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2015, định mức hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội xã nông thôn mới bảo đảm đúng quy định đề ra. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, trong phạm vi phân bổ được giao, các huyện quy định tỷ lệ ngân sách huyện, ngân sách xã và các nguồn vận động khác để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên qua thực tế triển khai thực hiện của 16 xã đạt nông thôn mới thì vốn đầu tư từ nguồn vận động còn hạn chế, trong khi tỷ lệ đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước lại cao (chiếm đến 67,94%). Về thực hiện bố trí vốn hỗ trợ, thông tin cho biết: tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí đầu tư nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 là 3.127 tỷ đồng, chiếm 47% tổng nguồn lực đầu tư (6.651 tỷ đồng). Cụ thể,  từ năm 2011 – 2015, nguồn vốn dành cho xây dựng nông thôn mới được thống kê như sau: ngân sách Trung ương 134 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 875 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã 214 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án án khác 1.904 tỷ đồng.

Phát triển hệ thống giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp trên 720km đường giao thông nông thôn. Về thuỷ lợi, đã thực hiện kiên cố và nạo vét gần 42km kênh mương tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp nhân dân trên địa bàn các xã. Liên quan đến giáo dục, đã thực hiện kiên cố hoá trường lớp học với 1.433 phòng học; xây dựng 124 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó hoàn thành và công nhận đạt chuẩn quốc gia 78 trường. Về y tế, xây dựng và cải tạo, nâng cấp 95/95 trạm y tế đạt yêu cầu theo tiêu chí quốc gia về y tế xã. Về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các địa phương đã sửa chữa, nâng cấp 39 công trình cấp nước tập trung và 63 công trình bảo vệ môi trường khu dân cư. Đối với việc xây chợ nông thôn, từ năm 2011 đến nay đã đầu tư xây dựng 8 chợ. Nhìn chung, hệ thống chợ nông thôn theo tiêu chí số 7 cơ bản bảo đảm theo quy định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân. Về nhà ở dân cư, đã hoàn thành đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 53, theo nhìn nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm qua, các huyện, thành phố đã chủ động bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để bảo đảm thủ tục khi được bố trí vốn thực hiện, chủ động bố trí vốn đối ứng hoàn thành công trình. Ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương đã hỗ trợ đầu tư đúng đối tượng cũng như đúng nội dung hỗ trợ. Kết cấu hạ tầng nông thôn được hoàn thiện ở các xã, hình thành bộ mặt nông thôn mới khang trang tại các xã đạt chuẩn, giảm hộ nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện.

Đạt được nhiều kết quả, nhưng việc thực hiện Quyết định 53 cũng còn không ít hạn chế. Theo đánh giá, thực hiện vốn đối ứng đầu tư công trình thông qua việc vận động các nguồn lực từ doanh nghiệp và nhân dân ở huyện Châu Thành và Bến Cầu còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chuẩn bị đầu tư ở một số huyện chưa kịp thời, chưa đủ thủ tục để bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án còn chậm. Ở một số địa phương, công tác tuyên truyền chưa sâu nên có hộ dân còn trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực đóng góp để thực hiện dự án. Đối với các công trình giao thông, chỉ vận động các hộ dân dọc tuyến đường có kế hoạch thi công, không vận động được hết các hộ dân khác trong ấp, xã nên chưa tạo được sức lan toả hưởng ứng trong toàn xã.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được chỉ ra là do năng lực, trình độ và số lượng cán bộ phụ trách ở huyện còn hạn chế, không kịp thời trao đổi, tháo gỡ khi gặp khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đời sống của người dân ở 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu còn nhiều khó khăn nên việc vận động đóng góp chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo tính toán, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (2011 – 2015), vốn đầu tư dành cho tiêu chí giao thông chiếm đến gần 35% tổng mức đầu tư tại 16 xã điểm được chọn xây dựng nông mới. Trong thời gian tới (giai đoạn 2016 – 2020), trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần xác định lại đúng cấp đường cho các loại đường đến trung tâm xã, đường trục xã, liên xã, đường trục ấp, đường xóm theo đúng quy định để lập dự toán kinh phí thực hiện chính xác hơn, tránh đầu tư dàn trải gây áp lực lớn về kinh phí thực hiện. Về quy mô đường giao thông nông thôn, theo kế hoạch sẽ cân đối với đường trục xã, liên xã, quy định quy mô chuẩn tối thiểu chiều ngang đường là 5,5m. Tuỳ tình hình thực tế, các huyện không vận động, không đối ứng được vốn có thể thực hiện quy mô nhỏ hơn.

Có hai phương án được đưa ra để xem xét mức hỗ trợ cụ thể.

Phương án 1 gồm có 2 nhóm. Nhóm 1 gồm thành phố Tây Ninh và các huyện Trảng Bàng, Hoà Thành, Gò Dầu, Tân Biên và Tân Châu. Theo phương án này, đường đến trung tâm xã sẽ được tỉnh hỗ trợ 90% kinh phí, 10% còn lại do huyện đảm trách. Đối với loại đường trục xã, liên xã, đường trục chính nội đồng thì nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 60%, nguồn vốn huyện 40%. Riêng đường trục ấp, đường xóm, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 40%, nguồn vốn huyện 60%. Nhóm 2 gồm các huyện Châu Thành, Bến Cầu và Dương Minh Châu. Tại 3 huyện này, đường đến trung tâm xã sẽ do tỉnh hỗ trợ 100%; đường trục xã, liên xã, đường trục chính nội đồng thì nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 80%, nguồn vốn huyện 20%; đường trục ấp, đường xóm, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 60%, nguồn vốn huyện 40%.

Phương án 2: áp dụng chung cho các huyện, thành phố. Theo đó, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 40%, nguồn vốn huyện 60%. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, đăng ký danh mục các dự án và dự toán thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ căn cứ trên tổng mức đầu tư các công trình của mỗi huyện để thẩm định và phân bổ vốn đúng theo tỷ lệ 40% theo quy định.

Qua phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương án, UBND tỉnh chọn phương án 1.

Ngoài việc tập trung đầu tư cho giao thông, xây dựng nông thôn mới còn nhiều nội dung, tiêu chí khác như thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hoá thể thao học tập cộng đồng, trụ sở xã, nhà văn hoá – thể thao của ấp, chợ, bưu điện, nước sạch…

Không quy định cứng nhắc

Theo tinh thần chung, việc đầu tư, định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được thực hiện trên nguyên tắc: các dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch, có đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước, thuộc địa bàn các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020. Mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương được tỉnh quản lý, cân đối, lồng ghép các chương trình để phân bổ đầu tư cho các xã nông thôn mới. Đối với mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn cân đối ngân sách, tỉnh sẽ xem xét, ưu tiên hỗ trợ cho các huyện khó khăn chưa tự cân đối ngân sách nhưng có sự chuẩn bị thực hiện đầu tư, giải ngân tốt.

Để việc đầu tư xây dựng các xã điểm nông thôn mới trong giai đoạn tới bảo đảm tính thực chất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chủ trương chung là sẽ không quy định cứng nhắc về thời gian hoàn thành chương trình, không chạy theo thành tích.

Làm đường nông thôn ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu.

Có nên đầu tư dàn trải ?

Xây dựng nông thôn mới là một chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng do có sự huy động xã hội, nhân dân cùng tham gia nên thực chất là một phong trào. Phong trào này đã được nói nhiều trong suốt mấy năm qua. Quan sát có thể thấy, việc đầu tư xây dựng nông thôn mới đã có dấu hiệu của sự dàn trải. Dấu hiệu này thể hiện ngay trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới với gần 20 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí không nên đầu tư, ví dụ bưu điện văn hoá xã.

Trên thực tế, mô hình bưu điện văn hoá xã đã “chết” nhưng không ai chịu thừa nhận, lẽ ra nó phải được dẹp bỏ từ lâu thay vì được… tiếp tục đầu tư. Tương tự là chợ nông thôn, nhiều khu chợ xây lên rồi bỏ trống do không có người vào buôn bán. Lẽ ra, khi xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới, chỉ nên hạn chế một số hạng mục, tiêu chí thật sự phát huy hữu ích, phục vụ nhu cầu dân sinh như giao thông nông thôn, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nước sạch, không cần đầu tư đến gần 20 tiêu chí.

Có những tiêu chí mang sẵn trong mình tư duy duy ý chí, chẳng hạn tiêu chí thu nhập. Nếu như thu nhập bình quân của người dân ở các xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (3 triệu đồng/người/tháng) như trong các bản báo cáo thì nông thôn Việt Nam đã giàu hơn nhiều so với hiện nay. Sau một thời gian thực hiện, các địa phương, trong đó có Tây Ninh đã và đang ra sức kêu gọi, vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tự nguyện. Nhưng không phải người dân nào cũng có khả năng đóng góp. Thế nên, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới phần lớn do ngân sách chi.

 VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh