Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nói tiếp chuyện ấp, khu phố văn hoá
Cần thực chất hơn
Thứ tư: 10:00 ngày 25/11/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Theo ý kiến của nhiều người am hiểu vấn đề, nếu các địa phương thực hiện tốt những nội dung trong bộ tiêu chuẩn quy định để công nhận ấp, khu phố văn hoá mà UBND tỉnh đã ban hành thì người dân địa phương sẽ được thụ hưởng rất nhiều lợi ích về văn hoá, môi trường... Thế nhưng tại nhiều ấp, khu phố văn hoá hiện nay vẫn còn những hình ảnh đáng buồn về vệ sinh đường sá, rác thải, kinh doanh, sản xuất gây ô nhiễm môi trường... Thậm chí có ấp không có văn phòng làm việc hay nhà văn hoá nhưng vẫn cứ là… ấp văn hoá như thường.

>> ...Còn những việc chưa rõ nét văn hoá.

Hai đống rác hai bên lề đường Trần Văn Trà dẫn vào xã văn hoá nông thôn mới Bình Minh (TP. Tây Ninh).

Có người cho rằng, tỉnh cần phải có hướng sửa đổi tiêu chuẩn công nhận ấp, khu phố văn hoá. Các huyện cũng cần có biện pháp kiểm tra sâu sát thực tế hơn nữa ở các ấp, khu phố được đề nghị công nhận hoặc tái công nhận ấp, khu phố văn hoá; phải mạnh dạn, kiên quyết không công nhận đối với những đơn vị vẫn còn những mặt hạn chế về đường sá, vệ sinh môi trường; về việc tổ chức cho người dân tham gia vui chơi, giải trí.

Thực tế không đẹp như... báo cáo

Theo báo cáo về việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bình Minh, TP. Tây Ninh năm 2014, tỷ lệ xét công nhận gia đình văn hoá tại xã Bình Minh chiếm đến 96,77%. Tính đến cuối năm 2014, cả xã có 6/6 ấp được công nhận và giữ vững danh hiệu ấp văn hoá (đạt 100%).

Trong năm 2014, có 1.951/2.016 hộ cải tạo vườn tạp, không để đất hoang, khuôn viên nhà ở luôn xanh, sạch, đẹp. Những con số đáng tự hào. Tuy nhiên trong xã vẫn còn một số hộ vi phạm quy chế về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, chẳng hạn như sử dụng dàn nhạc có công suất lớn gây ồn ào quá 23 giờ.

Về vệ sinh môi trường, xã Bình Minh có hợp đồng với Công ty Vệ sinh công cộng Tây Ninh thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường chính của xã. Đối chiếu quy định về xã văn hoá nông thôn mới, nhiều tiêu chuẩn khác xã Bình Minh đều đạt.

Đáng tiếc, ở đầu đường Trần Văn Trà, giáp quốc lộ 22B có một đống rác to đùng vẫn cứ tồn tại lâu nay, kể cả khi xã Bình Minh đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới. Còn ở ấp Giồng Tre, có những bãi phơi xác mì gây mùi hôi thối khó chịu, nước ngầm bị ô nhiễm khiến nhiều người dân không thể sử dụng...

Đó là những vấn đề mà dư luận bức xúc trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Ở ấp văn hoá Tân Hoà, xã Tân Bình (TP. Tây Ninh), vị trưởng ấp cũng tỏ ra bức xúc trước việc các bãi phơi xác mì gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân- tiếng là ở ấp văn hoá nhưng lại không được sống trong môi trường thật sự văn hoá.

Về việc áp dụng bảng điểm xét công nhận xã văn hoá nông thôn mới, ấp, khu phố văn hoá- theo lý giải của một số trưởng ấp, trưởng khu phố thì với các mặt hạn chế, vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, cảnh quan hay nếp sống văn hoá (như thói quen mê tín dị đoan của người dân), thông thường họ chỉ “tự nguyện” trừ đi một vài điểm là cùng (trừ làm sao vẫn còn đủ điểm… đạt chuẩn).

Quy định yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh ở ấp văn hoá phải đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại hợp vệ sinh. Thế nhưng ngay tại ấp, khu phố hoặc xã văn hoá nông thôn mới, có mấy ai dám khẳng định: các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tất cả người dân trên địa bàn đều chấp hành nghiêm túc các quy định ấy?

Về tiêu chuẩn xét công nhận gia đình văn hoá, theo quy định hộ gia đình nào có thành viên vi phạm pháp luật (bất cứ hình thức nào) đều không được công nhận. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Vậy làm sao ấp, xã có thể nắm được hết tình hình vi phạm của người dân?

Nếu như họ có hành vi vi phạm ở địa phương khác thì sao? Một vị lãnh đạo xã thừa nhận. Đúng là không thể nắm hết được và việc xét công nhận gia đình văn hoá chỉ dựa vào những biểu hiện cơ bản của gia đình ở ngay địa phương, như không có hành vi gây rối, không bạo lực gia đình... chẳng hạn.

(Tiêu chuẩn đối với ấp văn hoá là phải có 94% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá, trong đó có ít nhất 50% gia đình văn hoá được công nhận 3 năm trở lên.

Riêng đối với khu phố văn hoá thì ngoài 94% trở lên hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá, trong đó có ít nhất 60% gia đình văn hoá được công nhận 3 năm trở lên). Điều đó khiến nhiều người băn khoăn về tỷ lệ đạt gia đình văn hoá tại các ấp, khu phố văn hoá (phần lớn các ấp, khu phố đều báo cáo tỷ lệ hộ gia đình văn hoá đạt trên 90%).

Có một tiêu chuẩn mà hầu hết các ấp, khu phố đều nơm nớp lo, đó là tiêu chuẩn về an ninh trật tự. Theo Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27.4.2012 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”, trong các tiêu chí để công nhận khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn có tiêu chí không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng và không có công dân trong khu dân cư phạm tội nghiêm trọng trở lên; nếu xảy ra tội phạm phải được phát hiện và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời; không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn giao thông và tai nạn lao động nghiêm trọng do công dân của khu dân cư gây ra ở cộng đồng.

Có một tiêu chuẩn khác mà theo nhiều người là khó xác định tính chính xác của nó. Cụ thể là ấp văn hoá phải duy trì phong trào văn hoá, thể thao; thu hút 40% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hoá thể thao ở cộng đồng (tỷ lệ này ở khu phố văn hoá là 60% trở lên).

Một số ấp, khu phố khi báo cáo công tác này để xét công nhận danh hiệu văn hoá thường đưa ra những con số đẹp; có nơi đạt tỷ lệ rất cao, nhưng nếu nhìn vào thực tế phong trào thể thao tại địa phương thì thật đáng buồn. Có xã, sân vận động đem cho hội chợ thuê, hoặc mặc tình cho cỏ dại mọc um tùm, vậy lấy đâu ra chỗ cho người dân tập luyện, giải trí?

Phải quyết liệt

Ông Nguyễn Văn Nhiếm- Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh cho biết, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng nhận biết những bất cập trong việc xét công nhận danh hiệu ấp văn hoá, gia đình văn hoá ở một số địa phương.

Thời gian qua, dù lực lượng chức năng tỉnh thường xuyên đi kiểm tra thực tế ở các ấp, khu phố văn hoá nhưng không thể nào kiểm tra cho hết.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ Mặt trận cấp huyện, xã về việc xét công nhận danh hiệu ấp văn hoá, gia đình văn hoá với yêu cầu phải chấm điểm sát với thực tế, đánh giá đúng thực chất tỷ lệ gia đình, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hoá.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có hiện tượng chạy theo thành tích khi tiến hành xét công nhận gia đình văn hoá, ấp văn hoá... 

Vừa qua,Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành chỉ thị về việc củng cố nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, ấp văn hoá trong tỉnh. Từ đó, kết quả sơ bộ mà Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh nắm được là tỷ lệ công nhận hộ gia đình văn hoá, ấp văn hoá ở một số địa phương đã giảm xuống. Năm 2014, tỷ lệ này ở các địa phương đều đạt hơn 90%. Nay- theo kết quả sơ bộ năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình văn hoá chỉ còn hơn 70%, ấp văn hoá chỉ còn hơn 60%.

Dù vậy, ông Nhiếm cho rằng trong thời gian tới, các huyện cần phải quyết liệt hơn khi tiến hành xét công nhận ấp văn hoá, khu phố văn hoá để có những ấp, khu phố văn hoá đúng thực chất.

Đối với các ấp, khu phố chưa đạt danh hiệu thì cần có biện pháp giúp đỡ để dần hoàn thiện các tiêu chuẩn. Hiện nay, các địa phương đang xây dựng nông thôn mới, đây là điều thuận lợi để các ấp, xã xây dựng ấp văn hoá, xã văn hoá nông thôn mới.

HUỲNH PHÁT - THANH NHI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh