Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Cẩn trọng với các loài vật nguy hiểm sau những cơn mưa
Thứ năm: 15:19 ngày 08/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều tháng qua nắng nóng kéo dài, những ngày gần đây có vài cơn mưa lớn đổ xuống các vùng đất khô hạn. Thời tiết nóng, ẩm diễn ra đột ngột đã làm cho một số loài động vật có nọc độc rời khỏi hang để đến những chỗ khô ráo và ấm áp hơn, trong đó có nhà ở của con người.

Sau cơn mưa lớn vào tối 3.5.2025, anh Phạm Minh Sang (ngụ ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) đã một phen hú vía khi mở cửa phòng ngủ ra, phát hiện có con rết đang bám trên tường tại góc phòng. Nghi ngờ còn rết khác trong phòng, anh Sang liền dựng tấm nệm trên nền nhà lên để kiểm tra, quả nhiên có thêm một con rết to gấp đôi con ban đầu.

Con rết được anh Sang phát hiện trong phòng ngủ.

Rết là loài động vật có nọc độc, người không may bị rết cắn sẽ rất đau đớn, có thể kèm theo triệu chứng dị ứng da, sưng, nóng, đỏ, sốt nhẹ, mặc dù hiếm khi gây sốc phản vệ hoặc tử vong cho người bị rết cắn nhưng đối với trẻ em thì nguy hiểm khôn lường.

Loài vật này thường trú ẩn tại những nơi ẩm thấp như dưới lá ủ, đống cây hoặc rơm, cỏ mục… Tuy nhiên, khi trời bất chợt đổ mưa sau những ngày nắng nóng, rết có xu hướng rời khỏi chỗ trú ẩn tìm nơi khô ráo hơn, trong đó có môi trường nhà ở của con người.

Tương tự, loài rắn cũng có tập tính như trên. Sau cơn mưa lớn vừa qua, một người dân có nhà tại ấp Bình Trung, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh trong khi dỡ tấm đan đậy máy bơm nước của gia đình để kiểm tra động cơ, bất ngờ phát hiện một con rắn khá to nằm khoanh tròn tại đó. Chủ nhà hoảng hốt nhờ hàng xóm qua phối hợp bắt rắn.

Người dân hỗ trợ hàng xóm bắt rắn.

Sáng 5.5.2025, ông Trương Văn Khanh, người dân có nhà bên kênh TN17-7A (ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) trong khi nhấc tấm giẻ lau chân lên để quét nhà, thấy có con bò cạp màu đen, cỡ lớn, giơ cao hai càng và đuôi nhọn có nọc độc trong tư thế sẵn sàng tấn công về hướng người phát hiện.

Xử lý con bò cạp xong, ông Khanh ra sau nhà để lấy củi nấu nước uống, lại thấy có con rắn lục quấn mình quanh cây củi khô, đầu rắn luôn hướng về người lấy củi với biểu hiện hung hãn. Ông Khanh cho hay, đây không phải là lần đầu tiên ông thấy rắn và bò cạp vào nhà, chúng thường xuyên xuất hiện như vậy vào đầu mùa mưa hoặc đang mùa nắng nhưng có mưa bất thường.

Rắn lục tại đống củi sau nhà ông Khanh.

Ông Nguyễn Văn Bảy (hàng xóm của ông Khanh), một người trước đây từng có khoảng thời gian đi đào rắn để bán chia sẻ kinh nghiệm, đối với bất kể loài rắn nào khi vào nhà, mọi người cũng nên hết sức cẩn trọng, xử lý chúng ở khoảng cách an toàn, vì một số loài rắn độc trong tự nhiên có hình dạng gần giống như rắn không độc, nếu người bắt rắn chủ quan hoặc vội vàng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Theo ông Bảy, tại các khu dân cư ở vùng nông thôn (trừ các khu vực gần rừng tự nhiên, rừng trồng) trên địa bàn tỉnh ta hiện nay ít có các loại rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia, hổ mèo. Thế nhưng, loài rắn hoa cổ đỏ có nọc độc chết người vẫn còn phổ biến, tên thường gọi là rắn học trò; loại rắn này có ngoại hình gần giống như rắn ráo nước (không có nọc độc).

Rắn lục đuôi đỏ là rắn có độc tính cao, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện tại những bụi cây rậm rạp gần nhà, có ngoại hình gần giống như một số loại rắn lục không có nọc độc, điểm khác biệt là một đoạn phần chót đuôi màu đỏ, nhưng người ít có kinh nghiệm về rắn sẽ khó phân biệt được rõ ràng, nhất là vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Bảy khuyến cáo, nếu người không may bị rắn độc cắn, không nên tự chữa trị theo một số phương pháp truyền miệng trong dân gian, mà phải nhanh chóng đưa người bị rắn độc cắn đến cơ sở y tế để điều trị đúng cách.

Cần thiết phải nhận dạng rõ loại rắn gây ra vết cắn, để cung cấp thông tin cho cơ sở y tế nhằm kịp thời xác định huyết thanh kháng độc phù hợp. Nếu rắn độc cắn người xong liền bò đi chỗ khác, người bị cắn cố nhớ lại hình dạng, kích thước, màu sắc để bác sĩ kịp thời đưa ra giải pháp cứu người.

Việc nhận dạng loại rắn bước đầu phải hết sức cẩn thận để tránh tình trạng tiếp tục bị rắn cắn hoặc vô ý bị xóc răng nanh độc. Cụ thể, nếu rắn đã bị đập chết, nên dùng điện thoại chụp hình rõ toàn thân rắn, kể cả phần bụng rắn, hạn chế dùng tay tiếp xúc phần đầu vì sau khi rắn chết đôi khi cơ miệng vẫn còn hoạt động và răng nanh vẫn chứa nọc độc, cung cấp những hình ảnh này cho nơi điều trị. Trường hợp bắt sống được rắn phải nhốt bảo đảm an toàn tuyệt đối trước khi mang đến cơ sở y tế để xác định huyết thanh kháng độc.

Cần phát quang cỏ dại và bụi rậm gần nhà để phòng tránh các loài vật nguy hiểm.

Người dân nên chủ động phòng ngừa và cẩn trọng với các loài có nọc độc, nhất là vào thời điểm sau những cơn mưa; phát quang các bụi cây rậm rạp gần nhà, dọn dẹp gọn gàng những vật dụng ít dùng đến trong nhà, trong kho, ngoài sân; trước khi đi ngủ cần cẩn thận kiểm tra dưới giường, gối, chăn, giẻ lau nhà, trong rèm cửa… Nếu nhà nào không dùng giường, sau khi ngủ xong nên cuốn gọn chiếu, nệm, chăn để lên cao nhằm tránh các loài vật nguy hiểm trú ẩn.

Trường Lộ

Tin cùng chuyên mục