Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông bảo đảm phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp
Chủ nhật: 08:24 ngày 25/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 5.2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Kết quả cho thấy, chất lượng nước sông trong thời gian qua khá tốt, bảo đảm cho mục đích phục vụ cấp nước tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp và giao thông đường thuỷ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, có một vài đoạn sông xuất hiện dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ.

Một số đoạn sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm cục bộ trong thời gian gần đây.

Nước sông ô nhiễm cục bộ

Ngày 27.4.2025, tại rạch Bảo (xã Long Giang, huyện Bến Cầu), nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ 4 xã Long Giang, Long Khánh, Long Thuận và Tiên Thuận thuộc huyện Bến Cầu, nước chuyển màu nâu đen. Kết quả phân tích mẫu nước lấy tại thời điểm kiểm tra cho thấy chỉ số COD lên tới 36 mg/L, vượt mức giới hạn D (giới hạn: COD=20 mg/L) tới 1,8 lần, ảnh hưởng đến các loại sinh vật thuỷ sinh.

Nước sông tại khu vực cầu Bến Sỏi có màu đen, bốc mùi hôi thối (Ảnh chụp ngày 1.5.2025).

Tại đoạn sông từ cầu Bến Đình (Gò Dầu) đến xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành), nước có màu đen nhẹ. Đáng lo ngại hơn, nước rỉ từ bãi tập kết lục bình của công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Thành Thành Công (đơn vị xử lý lục bình) có một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn nhiều lần.

Ngay sau đó, Sở đã yêu cầu đơn vị xử lý lục bình nhanh chóng thu gom, vận chuyển toàn bộ lục bình đã trục vớt đi xử lý đúng theo quy định. Kết quả đến ngày 6.5.2025, toàn bộ lục bình tại bãi đã được xử lý xong.

Khu vực tập kết lục bình sau khi trục vớt của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công đã được dọn sạch.

Ngày 8.5, theo phản ánh của người dân, tại bến Băng Dung (huyện Châu Thành) có hiện tượng cá nổi đầu bất thường. Sở NN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát thực tế đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua bến Băng Dung dài khoảng 2,5km đến 3km, nước có màu bình thường, không bị đen hay bốc mùi hôi.

Tuy nhiên, trên mặt nước xuất hiện một số loài cá nhỏ nổi đầu như: cá chốt, cá trắng, cá mè, cá cơm, cá lưỡi trâu... dạt vào hai bên bờ sông. Tại thời điểm đoàn kiểm tra, khu vực này có 20 ghe cào (có gắn động cơ máy nổ, xung điện đang khai thác thuỷ sản).

Cá trong một con rạch tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông liên tục nổi đầu, đớp móng một cách bất thường (Ảnh chụp ngày 8.5.2025, tại bến phà Gò Nổi - An Bình).

Theo kết quả phân tích, các thông số chất lượng nước tại bến Băng Dung đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng hàm lượng oxy hoà tan (DO) thấp (chỉ đạt 1,29 mg/l thấp hơn giới hạn D (2 mg/l)), gây ảnh hưởng lớn cho các loại thuỷ sản. Trong khi đó, theo người dân địa phương, tình trạng cá nổi đầu hàng loạt trên sông có thể liên quan đến hoạt động đánh bắt thuỷ sản trái phép bằng hoá chất và xung điện. Sở NN&MT đã đề nghị UBND xã Phước Vinh, Công an xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) xử lý đối với các ghe cào. Tuy nhiên, phía địa phương không có nhân sự, phương tiện, thiết bị để bắt, xử lý; trong khi các đối tượng này rất manh động gây nguy hiểm cho cán bộ nếu không có đủ lực lượng để xử lý.

Đến ngày 15.5, tình trạng cá nổi đầu tiếp tục tái diễn tại rạch gần cầu Quan. Nguyên nhân bước đầu được cho là do nước mưa cuốn theo các tạp chất ô nhiễm từ các cống rãnh thoát nước đô thị làm giảm mạnh hàm lượng oxy hoà tan trong nước.

Nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua bến Băng Dung hiện đã không còn tình trạng cá nổi đầu.

Để khắc phục tình trạng thiếu oxy và cải thiện dòng chảy, ngày 10.5, Sở NN&MT đã đề nghị công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi miền Nam xả nước từ kênh Tây với lưu lượng 5 m³/s vào sông Vàm Cỏ Đông. Sau đó, chỉ số DO tại bến Băng Dung đã được cải thiện đáng kể. Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy, chất lượng nước sông dần phục hồi, các chỉ tiêu nước đều đạt yêu cầu theo Quy chuẩn Việt Nam.

Nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm do nhiều nguyên nhân

Theo thông tin từ Sở NN&MT, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông đã được ghi nhận từ năm 2015, thường xảy ra hằng năm thời điểm cuối mùa khô và đầu mùa mưa (tháng 4, 5) tại các đoạn sông hẹp, uốn khúc, dòng chảy yếu, chất lượng nước sông có một số thông số như DO, COD, NH3 suy giảm không đạt quy chuẩn quy định và sẽ được cải thiện dần khi mùa mưa đến.

Theo Sở NN&MT, sông Vàm Cỏ Đông thường xảy ra ô nhiễm vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa hằng năm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông được xác định là do nhiều yếu tố cộng hưởng từ các yếu tố tự nhiên và tác động của con người. Theo đó, sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh có độ dốc nhỏ, tốc độ dòng chảy chậm, lòng sông tích tụ nhiều phù sa và vật chất đáy khiến đáy sông ngày càng nâng cao.

Lớp bùn dưới đáy sông có tính chất mềm yếu, giàu hữu cơ và dễ chứa các chất ô nhiễm (kim loại nặng, hợp chất phèn...), các kim loại này hoà tan kết hợp với xác thực vật phân huỷ (như lục bình) làm nước sông đổi màu và bốc mùi tanh.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến có phần cực đoan, nắng nóng kéo dài đẩy nền nhiệt độ môi trường tăng cao, cộng với việc lục bình phát triển dày đặc phủ kín mặt sông làm giảm hàm lượng DO trong nước, tăng hàm lượng nhu cầu oxy hoá học (COD) và nhu cầu oxy sinh học (BOD) để oxy hoá các chất ô nhiễm hữu cơ cao (các hợp chất nitơ, photpho...), làm gia tăng phân huỷ kỵ khí tạo mùi, sự thiếu hụt oxy trong nước dẫn đến quá trình phân huỷ thiếu khí tạo thành các khí độc như NH3, H2S, CH4 khiến cá và các sinh vật thuỷ sinh bị sốc, ngộ độc gây nên tình trạng cá nổi đầu và chết hàng loạt trong những năm qua.

Kênh Gò Kén dẫn nước thải đô thị của thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh ra sông Vàm Cỏ Đông.

Sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài trên 100 km, có nhiều khu dân dư, khu đô thị nằm dọc theo tuyến sông, ước tính, mỗi ngày có khoảng 50.000 m3 nước thải sinh hoạt từ các đô thị như: thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng, thị trấn Gò Dầu, Châu Thành, TP. Tây Ninh... được xả thẳng ra sông mà không qua xử lý. Cùng với đó, gần 2.977 cơ sở sản xuất, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, garage...) cũng xả trực tiếp khoảng 8.000 m3 nước thải/ngày đêm vào môi trường sông ngòi.

Ngoài ra, một khối lượng nước thải ô nhiễm xuyên biên giới từ Campuchia chảy vào Việt Nam tại kênh Đìa Xù, khu vực Cầu Trắng cột mốc 170 (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), xuất phát từ nước thải của các doanh nghiệp, khách sạn, casino thuộc thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng và nước từ bãi rác, nước thải sinh hoạt các doanh nghiệp, khách sạn, casino tại huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tbong Khmum chảy tràn xuống mương nước giáp biên giới, đổ vào lãnh thổ Việt Nam tại khu vực cột mốc phụ 117/1 thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên ra thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông.

Dòng nước thải đen ngòm từ Campuchia đổ vào kênh Đìa Xù.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thải

Theo Sở NN&MT, để giám sát và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc nước mặt tự động (cầu Thái Hoà, cầu Gò Chai, cầu Gò Dầu, rạch Trưởng Chừa, cầu Tha La, bến Vĩnh Thuận) và 59 doanh nghiệp (đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động nước thải) lắp đặt truyền tải dữ liệu liên tục về Trung tâm điều hành tại Sở, Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, Bộ NN&MT theo quy định.

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Vàm Cỏ Đông tại các vị trí ô nhiễm năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025 (mùa khô) so sánh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, thông số hữu cơ không đạt giới hạn cho phép, cụ thể: Amoni vượt 2 lần, tổng N vượt 1,5 lần, hàm lượng oxy hoá học (COD) vượt 1,5 lần, hàm lượng oxy hoà tan (DO) thấp hơn 1,1-3 lần.

Tình trạng lục bình phát triển dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông các tháng mùa khô.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở NN&MT đã tăng cường công tác giám sát các nguồn thải lớn vào sông, cụ thể tại 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 65 cơ sở chế biến khoai mì (hoạt động cầm chừng); 2 cơ sở chế biến mía đường và các cơ sở chế biến cao su. Kết quả, không phát hiện xả nước thải chưa qua hệ thống xử lý ra lưu vực sông. Sở cũng đã yêu cầu các cơ sở ký cam kết tuân thủ các quy định về kiểm soát nước thải. Nhìn chung, chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông liên tục được cải thiện qua các năm.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục