Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Có thể nói mục tiêu lớn nhất và cũng khó nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Thực tế cho thấy, tại hầu hết các địa phương, phần lớn nguồn lực được dùng cho xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có những công trình, hạng mục, tiêu chí lẽ ra không nên đầu tư theo kiểu rập khuôn máy móc.

Đường đẹp... mà không đẹp.
Trong 3 ngày từ 22 – 24.8, Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh (Ban KT-NS) do ông Lê Anh Tuấn- Trưởng ban làm trưởng đoàn đã tổ chức khảo sát kết quả đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng và dự án phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đoàn khảo sát lần lượt làm việc với UBND các xã Long Thành Trung (Hoà Thành), Phước Ninh (Dương Minh Châu) và Thạnh Đông (Tân Châu). Dưới đây là một số thông tin do phóng viên báo Tây Ninh ghi nhận qua đợt khảo sát trên.
Có hiện tượng lãng phí
Báo cáo với đoàn, lãnh đạo UBND xã Long Thành Trung cho biết, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội của xã được nâng cấp, xây mới đảm bảo theo đúng hướng dẫn, phù hợp với nhu cầu của nhân dân địa phương. Qua lấy ý kiến của người dân, xã quyết định không thực hiện xây dựng chợ và nghĩa trang. Lý do là hai tiêu chí chợ và nghĩa trang không thật cần thiết đối với địa phương này. Trong hai năm 2013 và 2014, UBND xã làm chủ đầu tư 26 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn.
Hết năm 2014, hệ thống giao thông nông thôn của xã đạt chuẩn nông thôn mới, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân địa phương. Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Học tập cộng đồng xã, nhà văn hoá các ấp được xây dựng mới đang hoạt động có hiệu quả, đây là nơi tổ chức hội họp, giao lưu sinh hoạt, vui chơi giải trí và tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương.
Về việc triển khai các đề án, dự án phát triển sản xuất, trên địa bàn xã Long Thành Trung hiện có một hợp tác xã thành lập tháng 11.2010 với 25 thành viên. Ngành nghề hoạt động của hợp tác xã là sản xuất kinh doanh hàng mây tre, ghế, bàn tre các loại và hàng trang trí nội thất. Tháng 4.2015, hợp tác xã tổ chức đại hội chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 21 thành viên tham gia. Hợp tác xã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho khoảng 90 lao động phổ thông ở nông thôn, tổng sản lượng sản xuất hằng năm đạt trên 15.000 đơn vị sản phẩm mây tre các loại (chủ yếu là gia công), cho thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình.
Sau một thời gian triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo chính quyền địa phương cho rằng: xây dựng nông thôn mới là chương trình mới nên bước đầu thực hiện không tránh khỏi những hạn chế, sai sót nhất định. Việc vận động vốn đối ứng trong dân còn nhiều khó khăn do sức đóng góp của dân còn hạn chế, đa số người dân chỉ đóng góp ngày công lao động và cùng tham gia thực hiện các tiêu chí.
Trong phần phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã Long Thành Trung, bà Phan Thị Điệp– Phó Chủ tịch HĐND tỉnh có đặt vấn đề về lò đốt rác thải y tế thủ công có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khoẻ của người dân, vì khoảng cách giữa lò đốt rác và nhà dân quá gần. Đường giao thông nông thôn cũng có phần lộn xộn vì nguyên liệu làm hàng mây tre đan, thủ công mỹ nghệ chất đầy ven đường. Liên quan mô hình hợp tác xã, bà Điệp cho rằng mô hình này còn nặng tính hình thức.
Ông Nguyễn Thành Tâm– Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng xây dựng nông thôn mới phần lớn dùng ngân sách Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân hãy còn mờ nhạt. Ông cũng nêu vấn đề: các chương trình sản xuất liệu đã phát triển bền vững, hiệu quả hay chưa? Về trạm y tế và trung tâm văn hoá- thể thao và học tập cộng đồng, theo ông là có dấu hiệu lãng phí, vì trạm chủ yếu chỉ hoạt động tiêm chủng, ít người đến đây điều trị, còn trung tâm thì nghèo nàn hoạt động.
Theo ông Phạm Văn Đặng– Phó trưởng Ban KT-NS, việc đầu tư cho giao thông ở Long Thành Trung chưa đồng bộ, có tuyến đường rất đẹp nhưng cũng có tuyến còn xấu. Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng Ban KT-NS đề nghị xã đánh giá hiệu quả các dự án sản xuất, hiệu quả của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến đâu.
Giải trình một số vấn đề đoàn đã nêu, ông Nguyễn Văn Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện có hiệu quả, tuy nhiên, một số học viên học nghề lái xe xong không tìm được việc làm vì chưa được chủ xe tin tưởng. Liên quan đến lò đốt rác của Trạm Y tế, ông Lộc giải thích: lò đốt rác đã có trước khi người dân xây nhà. Về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), hiện Long Thành Trung chỉ có 60% dân số tham gia. Năm đầu tiên, để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đã tìm mọi cách nâng tỷ lệ này lên 70% nhưng nay thì không giữ được con số ấy nữa. Từ nay đến tháng 11.2016, xã phải tìm mọi giải pháp để làm sao đạt mức 70% dân số tham gia BHYT.
Bàn về hiệu quả của Trung tâm Văn hoá– Thể thao và Học tập cộng đồng, ông Phan Thanh Nhã- Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Long Thành Trung cũng cho rằng đang có sự lãng phí. Theo ông Nhã, vị trí hiện nay của trung tâm không phù hợp, không thu hút được người dân tham gia sinh hoạt văn hoá, thể thao. “Nhà nước đầu tư xây trung tâm là tốt, nhưng để tránh lãng phí nên khảo sát kỹ, hỏi dân trước khi quyết định đầu tư” – ông nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh- Phó Chủ tịch HĐND xã thông tin, toàn xã có 1.879 hộ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (mỗi hộ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng) để xây dựng công trình vệ sinh nước sạch, giải quyết việc làm, mở rộng ngành nghề cho lao động nông thôn. Tổng số tiền vay được hiện chiếm hơn 23 tỷ đồng. Ông Cao Thanh Truyền- Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, chất thải rắn trong ngành y tế được thu gom về xử lý tại Trung tâm Y tế huyện. Về tình hình sản xuất, kinh doanh mây tre lá, hiện các hộ làm nghề này gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Tại xã Phước Ninh, lãnh đạo UBND xã báo cáo, năm 2016, trên địa bàn xã có 61 tuyến đường thực hiện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 78 tỷ đồng, trong đó kinh phí cấp trên hỗ trợ là gần 70 tỷ đồng, còn lại vận động nhân dân. Hiện nay, toàn xã đều có điện lưới quốc gia, hệ thống điện rộng khắp bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới đạt 99,8%. Về BHYT, tính đến nay, tỷ lệ dân số tham gia đạt 68,33%, dự kiến đến tháng 9 sẽ đạt tiêu chí này.
Xã Phước Ninh có một hợp tác xã và 2 tổ hợp tác được đánh giá là làm ăn hiệu quả. Trong công tác bảo vệ môi trường, xã thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra ở các ấp, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp chăn nuôi heo trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống sinh hoạt của mọi người xung quanh.
Đánh giá về kết quả, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã nhìn nhận, ngoài những việc đã làm được, hiện địa phương còn 5 tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá và chợ đòi hỏi kinh phí cao. Riêng tiêu chí y tế, việc thực hiện còn gặp khó khăn.
Tại buổi làm việc với xã Phước Ninh, các thành viên của đoàn giám sát đã nêu một số câu hỏi như: việc lấy ý kiến người dân trước khi triển khai các đề án, kế hoạch liên quan đến xây dựng nông thôn mới, về các đề án hỗ trợ, phát triển sản xuất, hiệu quả hoạt động của Nhà văn hoá, sân bóng đá và tổ hợp tác sản xuất cũng như hiệu quả của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vv…vv…
Giải trình các câu hỏi, lãnh đạo UBND xã Phước Ninh nhìn nhận, qua thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có thể thấy một số nghề từng được mở lớp đào tạo như nghề cạo mủ cao su hiện khó tìm việc làm do tình hình giá mủ cao sư tụt giảm; kế hoạch làm đường giao thông nông thôn cũng đã giảm từ 61 tuyến xuống còn 57 tuyến. Bình luận về kinh phí làm giao thông, theo ông Nguyễn Ngọc Loan- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, trong dư luận có không ít ý kiến đánh giá: Nhà nước làm thường tốn kém, giá thành cao, nếu như để dân tự làm thì giá trị công trình sẽ thấp hơn.
Ở xã Thạnh Đông, ông Phạm Vũ Tùng- Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, xã được đầu tư 56 tuyến đường, tổng chiều dài 59.959m. Nhờ có đường, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển nông sản của nhân dân. Nhìn chung, hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch, nhất là hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế bảo đảm phục vụ nhu cầu dân sinh. Thạnh Đông không có đề án, dự án phát triển sản xuất ở địa phương. Tuy vậy, chính quyền địa phương đã phối hợp các ngành định hướng, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
|
Chuối Nam Mỹ- một loại cây trồng mới ở Tân Châu.
Về tình hình sử dụng nguồn lực đầu tư, công tác quản lý, giải ngân, thanh toán quyết toán vốn đầu tư, UBND xã luôn cố gắng đẩy nhanh công tác vận động thu vốn đối ứng trên địa bàn. Từ nguồn vốn vận động được, UBND xã tiến hành phân khai cho các công trình và nộp toàn bộ số tiền vận động về tài khoản nông thôn mới tại kho bạc Nhà nước để thanh toán, giải ngân cho các công trình. Việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện nghiêm chỉnh, trình tự dự án đầu tư và xây dựng luôn bảo đảm tính kế hoạch và hiệu quả vốn đầu tư.
Phát biểu thêm, Bí thư Đảng uỷ xã Thạnh Đông Phạm Vũ Tùng nói về hoạt động của trạm y tế xã, cho thấy, phần lớn người bệnh chỉ điều trị ở… tuyến trên. Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Học tập cộng đồng chỉ khi lễ lạt mới có người.
Cũng theo lãnh đạo xã Thạnh Đông, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn mang tính hình thức, khoảng 85% người dân từng học nghề cạo mủ không tìm được việc làm. Về BHYT, 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ dân số tham gia chỉ còn 66% (năm 2015 là 73%).Trạm y tế xã được trang bị máy siêu âm, điện tim và thiết bị đo đường huyết nhưng ít sử dụng. Về bưu điện văn hoá xã, thực tế ở xã Thạnh Đông cho thấy thiết chế này không còn cần thiết nữa.
Cái khó nhất vẫn... khó
Có thể nói mục tiêu lớn nhất và cũng khó nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Thực tế cho thấy, tại hầu hết các địa phương, phần lớn nguồn lực được dùng cho xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có những công trình, hạng mục, tiêu chí lẽ ra không nên đầu tư theo kiểu rập khuôn máy móc để tránh lãng phí, nhằm tập trung nguồn lực nâng cao đời sống cho nhân dân.
VIỆT ĐÔNG