Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Bến xe là một trong những hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội. Tuy nhiên hiện nay việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các bến xe ở Tây Ninh đã thể hiện sự hợp lý và thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng nơi thì bến xe trở thành thừa ra không biết để làm gì, nơi thì mặt bằng quá chật hẹp, không đủ để phục vụ nhu cầu hoạt động.

Bến xe Hoà Thành.
Chỗ có không cần
Nơi thừa bến xe rõ nhất là huyện Trảng Bàng. Hàng chục năm nay, ở ngay khu vực trung tâm thị trấn Trảng Bàng có một bến xe khá đẹp với diện tích hơn 0,4 ha, xung quanh có hàng rào bao bọc kiên cố; mặt bằng cao ráo, trải nhựa phẳng phiu. Thế mà nhiều năm qua, bến xe này chẳng hoạt động gì.
Sáng ngày 7.10 vừa qua, chúng tôi đến đây thấy trong khuôn viên bến xe chỉ có hai chiếc xe tải chở hàng hoá cho chợ Trảng Bàng đang đậu nhờ và vài xe xúc đất của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 742 đang chạy vô, ra.
Còn lại là một mặt bằng mênh mông, trống trải. Hoạt động nổi bật nhất của bến xe này là… thể dục thể thao. Hằng ngày, vào buổi sáng có khá nhiều người tâp trung đến đây đánh cầu lông, buổi chiều là đám thanh thiếu niên đến chơi bóng rổ.
Trò chuyện với chúng tôi về tình hình của bến xe Trảng Bàng, ông Nguyễn Văn Tiếng- chuyên viên phụ trách hạ tầng giao thông, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cho biết, do điều kiện đặc thù của huyện- từ Trảng Bàng lên TP. Tây Ninh hoặc xuống TP. Hồ Chí Minh đều có xe liên tỉnh đi qua, người dân địa phương có nhu cầu đi lại, chỉ cần đứng bên đường đón xe là được, không cần phải vào bến.
Khoảng 5- 6 năm trước, khi tuyến xe buýt huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) mở lên tới đây thì xe cũng có vào bến Trảng Bàng “đổ” khách nhưng việc đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Từ khi tuyến xe buýt ấy mở rộng, nối lên tới Gò Dầu thì không còn xe nào vào bến Trảng Bàng nữa.
Thấy bỏ không cũng uổng phí, những năm qua, huyện đã giao mặt bằng bến xe cho một số đơn vị vào hoạt động như Trung tâm Văn hoá- Thông tin và Thể thao, Phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật; trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 742 đã “đóng quân” cho đến nay.
Ở huyện Châu Thành những năm trước đây có một bến xe tạm được xây dựng tại khu “đất vàng” của thị trấn Châu Thành. Nhưng sau khi công trình hoàn thành, chẳng có một chiếc xe khách nào vào đây. Sau đó một thời gian, bến xe biến thành trụ sở làm việc của Đội Thanh tra giao thông vận tải số 1.
Tháng 9.2013, Báo Tây Ninh đã từng đề cập tới vấn đề này. Lúc đó, anh Đỗ Thành Trung- Phó Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Châu Thành có nói: năm 2010, huyện tổ chức bán đấu giá phần đất của bến xe tạm, đơn vị mua được là Công ty Vật tư xăng dầu Tây Ninh.
Công ty này dự kiến sẽ di dời cây xăng ở phía đối diện sang chỗ bến xe tạm nhưng không hiểu vì sao đến nay cây xăng vẫn còn nằm ở chỗ cũ. Các công trình đã được xây dựng tại bến xe tạm như phòng làm việc, nhà vệ sinh, hàng rào đã được thanh lý.
Bến xe chính thức của huyện thì đã được quy hoạch mới với diện tích 1,2 ha tại khu phố 3, thị trấn Châu Thành nhưng hiện vẫn chưa thấy khởi công xây dựng. Nhiều năm qua, số đông người dân Châu Thành khi có nhu cầu đi lại bằng xe khách đều đến bến xe tư nhân của Công ty TNHH Kim Ngân.
Chỗ cần nhưng thiếu
Trong khi các bến xe nói trên rơi vào tình trạng “ế ẩm”, thì nhiều bến xe khác quá tải. Bến xe Gò Dầu là trạm cuối của các tuyến xe buýt từ TP. Tây Ninh hoặc Củ Chi đến Gò Dầu và ngược lại. Hầu như lúc nào ở bến xe Gò Dầu cũng có xe buýt hai tuyến kể trên và xe khách loại 16 chỗ tuyến Gò Dầu- Tân Châu vào ra tấp nập.
Buổi tối có nhiều xe ở lại bến để sáng sớm hôm sau sẵn sàng lên đường chở khách. Có thể nói, hiện nay bến xe Gò Dầu là một trong số ít bến xe tuyến huyện sôi động nhất. Mặt bằng của bến xe này khá chật hẹp.
Toàn bộ nơi để xe và dãy nhà làm việc của Đội Quản lý, sửa chữa đường bộ chỉ rộng hơn 0,2 ha. Anh Phạm Công Hậu- Đội phó Đội Quản lý, sửa chữa đường bộ, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Gò Dầu- đơn vị trực tiếp quản lý bến xe Gò Dầu chia sẻ: “Nhìn chung, diện tích của bến xe còn thiếu so với nhu cầu.
Hiện nay, UBND huyện đang cho xây dựng trụ sở làm việc của Phòng Kinh tế - Hạ tầng ngay cạnh bến xe. Sau khi công trình này hoàn thành, Đội Quản lý, sửa chữa đường bộ cũng vào… ở chung với Phòng Kinh tế-Hạ tầng. Dãy nhà làm việc mà Đội đang sử dụng sẽ bị đập bỏ, để mở rộng thêm mặt bằng cho bến xe”.
Tại Hoà Thành, bến xe của huyện cũng đang trong tình trạng chật chội, không đủ mặt bằng sử dụng. Bến xe Hoà Thành thành lập vào tháng 4.2000 với diện tích 2.750 mét vuông, trong đó có Công ty Công trình đô thị “sống chung”, chiếm diện tích 250 mét vuông.
Hiện trong bến xe Hoà Thành có 3 doanh nghiệp đang hoạt động là Hợp tác xã xe buýt 19.5 huyện Củ Chi, Hợp tác xã xe khách Châu Thành và doanh nghiệp xe buýt Ngân Long.
Ông Trần Quốc Việt- chuyên viên Phòng Kinh tế-Hạ tầng phụ trách bến xe Hoà Thành cho biết: “So với nhu cầu hiện tại thì mặt bằng của bến xe này hơi chật. Vừa rồi, xe khách Quốc Dũng (thuộc Công ty TNHH DV- TM Thuỳ Linh) có xin vào bến nhưng chúng tôi chưa đồng ý vì không còn chỗ.
Để giải quyết tình hình này, chúng tôi đã kiến nghị với UBND huyện di dời trụ sở của Công ty Công trình đô thị đi nơi khác để mở rộng diện tích bến xe nhưng chưa được chấp thuận”.
Ông Bùi Minh Cận- Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng Hoà Thành thông tin thêm: “Sắp tới, UBND huyện và Phòng Kinh tế-Hạ tầng sẽ đến Sở Xây dựng để thông qua quy hoạch đô thị, để năm 2017 Hoà Thành nâng cấp lên thị xã. Theo dự kiến bến xe của huyện sẽ được quy hoạch ở khu vực ngoại thị. Trong đó, bến xe khách và bến xe tải sẽ tách riêng nhau. Còn địa điểm bến xe khách hiện tại, có thể trở thành bến xe chất lượng cao”.
Dương Minh Châu cũng là một huyện đang cần bến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trước đây, huyện cũng có một bến xe khách khá rộng rãi tại trung tâm Thị trấn, rất thuận tiện cho giao thông. Nhưng những năm gần đây, bến xe ấy dần bị teo tóp lại.
Đó là do phần lớn mặt bằng của bến xe bị chia cắt thành nhiều phần nhỏ để xây dựng chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng và đền bù cho một số hộ dân phải di dời từ sân bóng đá cũ của huyện.
Rốt cuộc hai năm nay, bến xe của huyện phải sang “tá túc” đỡ tại khu vui chơi thanh thiếu niên của huyện đối diện với bến xe cũ. Hiện nay, bến xe Dương Minh Châu có 4 xe khách của Hợp tác xã Bình Minh và một số xe 25, 29 chỗ đi An Sương (TP. Hồ Chí Minh), đi Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) và ngược lại.
Ông Lê Văn Đông- Đội phó Đội Quản lý sửa chữa đường bộ (thuộc Phòng Kinh tế-Hạ tầng), kiêm Trưởng bến xe Dương Minh Châu cho biết: “Dự kiến sắp tới huyện sẽ xây dựng bến xe mới tại ngã ba xã Suối Đá với diện tích rộng khoảng 1 ha”.
Ông cũng đang đề xuất mở lại tuyến xe buýt từ ngã ba Bờ Hồ đi huyện Hoà Thành, TP. Tây Ninh: “Những năm trước, đã có tuyến xe buýt này và xe buýt được miễn tiền bến bãi, nhưng vì số lượng khách đi lại ít quá, nên khoảng hai năm nay, tuyến xe buýt đã ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, người dân Dương Minh Châu muốn đi Hoà Thành hoặc TP. Tây Ninh thường phải đi bằng phương tiện cá nhân”- ông Đông nói.
Chỗ vừa không cần vừa thiếu
Hơn 10 năm trước, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập ở huyện biên giới Bến Cầu. Cùng với sự ra đời của hàng loạt các siêu thị miễn thuế, chợ đường biên thì bến xe của huyện cũng được xây dựng tại vị trí trung tâm của khu kinh tế cửa khẩu.
Khi các siêu thị còn nhộn nhịp, bến xe cũng phát huy tối đa chức năng, công suất của nó. Từ bến xe này, hành khách dễ dàng lên xe đi TP. Hồ Chí Minh hay TP. Tây Ninh và các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng. Những năm gần đây, đặc biệt là gần một năm nay, khi các siêu thị miễn thuế, chợ đường biên lần lượt đóng cửa thì bến xe cũng “chết” theo.
Bến xe có mặt bằng rộng mênh mông nhưng hiện tại chỉ có lèo tèo vài chiếc xe đang hoạt động cầm chừng với lượng khách rất ít ỏi. Trong khi đó, tại khu vực trung tâm của huyện Bến Cầu thì lại không có bến xe.
Mỗi lần muốn đi Gò Dầu, Trảng Bàng, TP. Hồ Chí Minh, người dân ở thị trấn Bến Cầu và các xã phía Nam của huyện phải vượt một chặng đường dài cả chục cây số đến bến xe ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, nếu muốn đi xe chất lượng cao thì phải đi thêm cả chục cây số nữa ra thị trấn Gò Dầu.
Được biết, trước đây Bến Cầu từng quy hoạch xây dựng bến xe gần cầu Đìa Xù (thuộc địa bàn thị trấn Bến Cầu) nhưng dự án này đã không thành hiện thực. Khu vực có mặt bằng rộng đẹp gần cầu Đìa Xù nay đã thành trụ sở của Hội Chữ thập đỏ Bến Cầu.
|
Bến xe huyện Trảng Bàng trở thành sân cầu lông, bóng rổ.
Bến xe Tây Ninh đóng trên địa bàn TP. Tây Ninh có quy mô khá lớn. Hiện tại, bến xe có 41 doanh nghiệp xe buýt, xe khách hoạt động, tổng cộng có 38 tuyến xe đi tất cả các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Những năm gần đây, xung quanh bến xe Tây Ninh có thêm một số doanh nghiệp khác thuê mặt bằng để mở phòng bán vé và nhà chờ. Hằng ngày, nhiều xe trung chuyển đỗ san sát trên lề đường, làm cho khu vực này vốn đã đông đúc càng thêm chật chội.
Anh Nguyễn Song Toàn- Trưởng phòng Nghiệp vụ bến xe Tây Ninh cho biết: “Tập đoàn xe taxi Mai Linh cũng muốn cho xe vào bến đón rước khách và chúng tôi còn đang xem xét; chờ sau khi quy hoạch lại bến xe mới thì sẽ cho họ vào”.
Nói về việc quy hoạch lại bến xe mới, anh Toàn cung cấp thêm thông tin: bến xe Tây Ninh hiện có diện tích 11.000 mét vuông. Sát hàng rào bến xe có Công ty cổ phần Vận tải Tây Ninh với diện tích 3.400 mét vuông.
Chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục để sáp nhập bến xe Tây Ninh và Công ty cổ phần Vận tải lại với nhau. Sau khi sáp nhập, diện tích bến xe Tây Ninh sẽ tăng lên gần 15.000 mét vuông, đủ điều kiện để đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2.
Theo quy hoạch mới, nhà chờ, phòng bán vé của bến xe Tây Ninh và các doanh nghiệp khác đều được tập trung một chỗ, có mái che đàng hoàng. Dãy nhà làm việc của bến xe Tây Ninh hiện tại sẽ được sửa chữa thành khách sạn để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của hành khách trong quá trình chờ xe xuất bến. Chậm nhất là cuối quý I, năm 2016, bến xe mới sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động”.
Bến xe là nơi giải quyết nhu cầu đi lại- một trong những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân. Các bến xe cần được quan tâm, đầu tư đúng mức để đáp ứng kịp đà phát triển của xã hội.
Đại Dương