Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Chuyện dài lao động phổ thông
Thứ tư: 02:47 ngày 20/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Lao động phổ thông tự do được hiểu là những người chưa qua đào tạo nghề. Họ có thể làm những công việc lao động tay chân không đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; chẳng hạn như những người làm phụ hồ, bốc vác, tiếp viên quán nước, quán ăn hay người làm công việc đồng áng (tưới mì, nhổ mì, thu hoạch hàng bông…). Tưởng đâu với yêu cầu, điều kiện đơn giản như vậy, chủ sử dụng lao động sẽ dễ dàng tìm kiếm lao động phổ thông để đỡ đần công việc cho mình. Thế nhưng…

Bảng tuyển lao động tự do của một cơ sở ở thành phố Tây Ninh.

Đỏ mắt tìm thuê nhân công

Trong thực tế, việc tìm kiếm lao động phổ thông cũng khá gian nan. Khi tìm được rồi chủ sử dụng lao động cũng chưa chắc hết lo lắng bởi người lao động có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào. Điều đó cũng do giữa người lao động và chủ sử dụng lao động thường không có hợp đồng ràng buộc mà tất cả chỉ là thoả thuận miệng!

Giữa trưa nắng chang chang của những ngày tháng 4, anh Cu- chủ ruộng mì khoảng 5 ha tại cánh đồng gần cầu K13, huyện Dương Minh Châu mang xô nước đá ra đồng cho nhân công tưới mì. Anh cho biết, do nắng nóng kéo dài, cần phải tưới mì liên tục nhưng một mình anh thì không thể vừa kéo ống nước, vừa đặt các trục quay tưới (tiết kiệm) cả một diện tích mì lớn như thế, nên anh phải thuê người phụ tưới mì, với tiền công 250.000 đồng/người. Anh phải tìm kiếm “bở hơi tai” mới thuê được 3 nhân công.

Nói về nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lao động làm thuê trên đồng, anh Cu cho rằng từ khi khu công nghiệp Chà Là đi vào hoạt động, phần lớn thanh niên ở địa phương và các xã lân cận đều bận đi làm công nhân trong khu công nghiệp để có thu nhập ổn định hơn so với đi làm thuê ngoài đồng áng.

Chị Thuỷ, một chủ quán cà phê trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh nhận định: bây giờ kiếm người làm tiếp viên quán cà phê cũng khó lắm. Dù được trả lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, lại được bao cơm nước hằng ngày nhưng cứ lâu lâu, họ lại “trở chứng” đòi tăng lương hoặc kiếm lý do để nghỉ. Thật ra họ không phải nghỉ để đi làm việc khác, mà chỉ… chuyển sang quán khác, thu nhập hấp dẫn hơn. Có lúc chị Thuỷ phải về quê tận miền Tây để kiếm người phụ quán, rồi rốt cuộc cũng không thể giữ chân họ được lâu dài.

Anh Thành, một thầu xây dựng nhà ở huyện Hoà Thành chia sẻ: so với ngày trước, bây giờ thanh niên đi làm phụ hồ để học nghề lên thợ như anh trước đây đã giảm đi nhiều. Người làm phụ hồ hiện nay được trả công với mức từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày tuỳ mới đi làm hay đã làm lâu ngày. Tuy nhiên do đặc thù công việc, phụ hồ chỉ làm cho chủ thầu đến khi công trình hoàn tất, sau đó họ phải kiếm chỗ khác để làm chứ không thể đợi đến khi chủ thầu cũ nhận được công trình mới. Do đó cứ mỗi khi nhận thầu mới, anh Thành lại phải vất vả  tìm kiếm công thợ. Chưa kể nhiều lúc nhận cùng lúc 2, 3 công trình thì việc kiếm công thợ càng khó khăn gấp bội.

thiếu hợp đồng- Thiệt hại không chỉ một bên

Anh Hải- một công nhân đang làm việc tại cụm công nghiệp Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, phần đông thanh niên ở xóm nhà anh không có trình độ chuyên môn và họ chọn con đường đi làm công nhân, có người sang tận Bình Dương. Theo anh Hải, làm công nhân dù thu nhập không cao mấy, thậm chí là thấp hơn so với thợ hồ, bốc vác… thế nhưng bù lại là có thu nhập ổn định theo tháng, lại còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đây là điều mà lao động phổ thông tự do không có được. Tuy nhiên cũng theo anh Hải, không phải thanh niên nào cũng thích đi làm công nhân, do họ không chịu được những quy định bó buộc về thời gian, về kỷ luật lao động. Nên vẫn có không ít thanh niên chọn nghề lao động phổ thông tự do, cho dù nghề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Cái được đối với những người lao động phổ thông tự do là được tự mình chọn lấy công việc phù hợp, tiền công được trả cũng thoả đáng, kỷ luật lao động lại khá “thoáng”. Nhưng công việc lao động tự do thì thường không ổn định, đồng thời người lao động phải thường xuyên đối mặt với những nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Điều bất cập lớn nhất hiện nay là hạn chế trong việc thụ hưởng chính sách, pháp luật lao động có lợi cho họ. Anh Mạnh, bốc vác thuê cho một đại lý phân bón lớn ở Hoà Thành cho biết: “Tôi làm nghề bốc vác phải làm việc cật lực, không kể nắng mưa, giờ giấc, mà lại không được trang bị bảo hộ lao động, không có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để đề phòng khi ốm đau, bất trắc”. Anh Mạnh cho biết thêm, mỗi ngày anh bốc vác khoảng 8 tấn hàng, tiền công được khoảng 300.000 đồng/ngày, tính ra cũng đủ lo cho gia đình với 2 đứa con còn tuổi đi học. Thế nhưng anh vẫn lo canh cánh, bởi: “Bây giờ còn sức còn làm được, chứ mai mốt sức khoẻ yếu đi thì biết làm công việc gì để mưu sinh?”. Do phải khom lưng vác nặng lâu ngày, hiện anh Mạnh đã có dấu hiệu bị thoái hoá cột sống.

Các chính sách pháp luật nhằm bảo vệ người lao động đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ, điển hình như quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên trong thực tế, lao động tự do được tham gia các loại hình bảo hiểm còn khá thấp, nhất là đối với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mặt khác, do trình độ, nhận thức về pháp luật của lao động tự do còn hạn chế, bản thân chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại hình bảo hiểm nói trên nên nhiều người lao động còn lơ là với việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Còn có một nguyên nhân khác là điều kiện về kinh tế, vật chất của những người lao động tự do hiện còn không ít khó khăn, thu nhập và công việc không ổn định mà thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội lại quá dài khiến họ không đủ khả năng để tham gia.

Có ý kiến cho rằng, cũng do sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên người lao động tự do luôn chịu thiệt thòi khi thoả thuận lao động với người sử dụng lao động. Về phía người sử dụng lao động, không ít người chỉ chú tâm đến lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh mà không hề “nhớ” đến các chế độ dành cho người lao động, nhất là lao động tự do. Đến khi quá thiếu nguồn lao động tự do, họ mới cuống cuồng chạy đôn chạy đáo, thông báo tuyển người, dán tờ rơi, treo biển hiệu... để “chiêu mộ” nhân công. Và khi đó họ phải đối mặt với những thiệt hại về kinh tế do thiếu lao động làm công. Việc “bỏ quên” những quy định pháp luật khi thiết lập quan hệ lao động, trong đó có những quyền lợi thiết yếu nhất đối với người lao động đều có khả năng tạo ra thiệt thòi cho cả hai bên.

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tại khoản 3, Điều 2: “Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”. Thực tế thì dường như ít có hộ kinh doanh cá thể nào đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Trường hợp của anh Nguyễn Thành Đông, sinh năm 1978, ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh mới thật đáng ái ngại. Trước kia, anh Đông làm công cho lò mì D nằm trên địa bàn xã. Công việc của anh là đổ bột mì vào máy sấy bột. Một buổi trưa khi đang trút bao bột vào máy sấy, bất ngờ anh Đông bị trượt chân rơi vào máy và bị máy tiện đứt gần hết bàn chân phải. Chủ lò mì cũng có đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Sau hơn một tháng nằm viện, trải qua nhiều lần phẫu thuật, anh Đông xuất viện. Chủ lò mì đứng ra trả viện phí hơn 15 triệu đồng với lời hứa khi lành bệnh sẽ nhận anh vào làm việc trở lại với công việc nhẹ nhàng hơn, và căn dặn anh “đừng làm lớn chuyện”. Thế mà sau khi lành bệnh, anh Đông đến lò mì xin làm việc thì chủ lò mì… ngó lơ. Khoảng 1 năm sau đó, người chủ lò mới ghé nhà đưa cho anh Đông thêm 1 triệu đồng nữa, sau đó… bặt luôn, không thấy hỏi han gì!

Anh Đông cho biết, anh vào lò mì làm được vài năm theo kiểu lao động tự do, không có ký hợp đồng lao động, chỉ làm công ăn lương hằng ngày, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, anh chẳng làm được việc gì nặng bởi lẽ bàn chân bị mất đã khiến anh không thể giữ thăng bằng khi đi đứng. Để kiếm tiền lo cho vợ đang bệnh nặng và con nhỏ còn đi học, anh Đông cố gắng đến một lò mì của người quen xin làm công việc xúc xác mì bỏ vào bao.

Phải hiểu luật để bớt thiệt thòi

Đó là một trong rất nhiều những trường hợp người lao động tự do không được người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thường thì những người lao động tự do, khi đi làm thuê ít ai biết đến chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Và khi đã có được việc làm tương đối ổn định, ít có người lao động tự do nào dám mở miệng thắc mắc về các chế độ quyền lợi của mình. Do đó mà khi xảy ra ốm đau bệnh tật, tai nạn, vì không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên người lao động làm thuê vốn đã khó khăn càng khó khăn chồng chất.

Thông tin tuyển lao động dán tại trụ đèn tín hiệu giao thông ngã tư xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành.

Đất nước đang trong tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, những quy định về bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngày càng được chú trọng. Nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động thu hút số lượng lớn lao động phổ thông, và trong tương lai, lực lượng lao động tại đây sẽ càng nhiều hơn nữa. Khi đó nếu các chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ không chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người lạo động để ràng buộc họ làm việc lâu dài đối với mình thì thị trường lao động tự do cho khu vực này sẽ càng trở nên khan hiếm. Dĩ nhiên khi được quyền lựa chọn và có điều kiện để lựa chọn thì người lao động phổ thông sẽ chọn nơi có khả năng giải quyết tốt nhất quyền và lợi ích của mình.

Nhưng đó là chuyện sau này, còn hiện tại- nên chăng các ngành chức năng, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động để người lao động tự do hiểu rõ pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như nắm vững những kiến thức về an toàn lao động để biết tự bảo vệ bản thân, bởi phần lớn những người làm công việc đầy nhọc nhằn, nguy hiểm như thợ hồ, phụ hồ, bốc vác…  đều là những lao động tự do.

THIÊN TÂM

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh