Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, cũng như mùa lễ hội xuân 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức của các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra một cơ sở sản xuất rượu.
Những tín hiệu lạc quan
Công tác tuyên truyền được chú trọng với việc tập trung vào các nội dung hướng dẫn cho các đối tượng hiểu và thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, điều kiện kiến thức và sức khoẻ của người trực tiếp chế biến ATVSTP trong nuôi, trồng, chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.
Cụ thể, ở thời điểm trước tết, Ban chỉ đạo đã tổ chức 4 lớp tập huấn về ATVSTP cho gần 200 người tham dự; thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức xe loa lưu động, phát gần 10 ngàn tờ rơi phổ biến các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân. Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt được chú trọng thông qua việc thành lập 110 đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, các đoàn đã tiến hành thanh, kiểm tra 1.116 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên toàn tỉnh, phát hiện 197 cơ sở vi phạm về ATVSTP, xử phạt hành chính 46 cơ sở với tổng số tiền gần 140 triệu đồng. Hiện tại, công tác kiểm tra liên ngành vẫn đang tiếp tục được thực hiện đến cuối tháng 3.2016. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, bảo đảm ATVSTP cho người dân.
Qua hoạt động thanh, kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp tết năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm nhận định, mặc dù vẫn còn những sai phạm, nhưng đa số các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tương đối tốt các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP. Ý thức giữ gìn ATVSTP trong kinh doanh của các cơ sở đã dần được cải thiện, qua đó cho thấy công tác tuyên truyền, kiểm tra đã đạt được hiệu quả.
Mức xử phạt hiện nay cũng đã đủ sức răn đe, với khung phạt lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại. Trong một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, luật còn cho phép tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần giá trị số lượng hàng hoá vi phạm ATTP. Do đó, hầu hết các cơ sở từng vi phạm trong những năm trước, trong đợt thanh, kiểm tra lần này, đã chấp hành đúng các quy định.
Đa phần các lỗi vi phạm qua thanh, kiểm tra trong dịp tết năm nay chủ yếu liên quan đến hồ sơ pháp lý hoặc thiếu hoặc đã hết hạn như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, tập huấn kiến thức ATVSTP... Một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đã xuống cấp, dây chuyền sản xuất không đúng theo quy trình một chiều, gia súc, gia cầm vẫn nuôi trong khu vực sản xuất, trang thiết bị dụng cụ chưa bảo đảm được điều kiện vệ sinh. Ngoài ra, nhiều cơ sở vẫn chưa nghiêm chỉnh chấp hành việc mang bảo hộ lao động cho người tham gia trực tiếp sản xuất và thực hiện khám sức khoẻ, cập nhật kiến thức ATTP định kỳ theo quy định.
Công tác quản lý còn bất cập
Căn cứ vào Luật ATTP, các bộ được giao nhiệm vụ chính trong việc quản lý ATVSTP là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Theo đó, khi kiểm tra ATVSTP thực phẩm thì Chi cục ATVSTP thuộc Sở Y tế chỉ kiểm tra khâu thức ăn đã chế biến thành phẩm; còn xuất xứ, nguồn gốc nông - lâm sản, thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm; việc kiểm tra các mặt hàng như rượu, mứt, bánh, kẹo... tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại thuộc về đơn vị Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương. Sự phân khúc trong công tác quản lý khiến cho việc kiểm soát chất lượng ATVSTP gặp nhiều khó khăn, nhất là sự phối hợp giữa 3 ngành vẫn còn thiếu đồng bộ.
Hiện nay, mới chỉ có ngành Y tế là đã hình thành hệ thống tổ chức quản lý ATTP từ Trung ương tới cơ sở. Đối với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lực lượng đảm nhận công tác ATVSTP tương đối mỏng và chưa có sự phân cấp ở các tuyến dưới. Do đó, hầu như việc thực thi quản lý từ khâu sản xuất, sơ chế tới chế biến, lưu thông, kinh doanh dựa trên sự phối hợp giữa 3 ngành vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Và nếu bất kỳ một giai đoạn nào trong quá trình trên không được bảo đảm đều có thể dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn xuất hiện trên thị trường và gây nguy hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngân sách hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến công tác ATVSTP hiện nay gặp nhiều trở ngại. Việc tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất là cần thiết để bảo đảm kịp thời xử lý sai phạm, qua đó có thể răn đe, chấn chỉnh ý thức kinh doanh của các đối tượng. Tuy nhiên, khi triển khai hoạt động này lại tốn khá nhiều chi phí.
Ông Đoàn Xuân Tứ- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP chia sẻ, trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu muốn xác định thực phẩm không bảo đảm an toàn, đoàn kiểm tra phải tiến hành mua 3 mẫu chỉ điểm, sau đó gửi xét nghiệm tại các trung tâm. Không thể chỉ dựa vào kết quả test nhanh, vì không có tính chất pháp lý để xử phạt. Trung bình, nếu gửi xét nghiệm mẫu thực phẩm, một chỉ tiêu cũng tốn từ vài trăm cho đến vài triệu đồng. Muốn làm tốt việc cảnh báo chủ động thì càng lấy được nhiều mẫu làm xét nghiệm càng tốt. Nhưng kinh phí cho công tác ATVSTP từ Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, sự hỗ trợ của tỉnh cũng có giới hạn nên khó có thể triển khai rộng hoạt động mua mẫu, lấy mẫu để xét nghiệm.
Ngoài ra, công tác quản lý ATVSTP tại các tuyến xã vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo quy định, cấp xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP trong phạm vi địa phương, Chủ tịch UBND xã có thể phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP. Tuy nhiên trên thực tế, qua giám sát, các cơ quan chức năng chỉ ghi nhận được một vài vụ vi phạm về ATTP bị xử lý, số còn lại là nhắc nhở và tuyên truyền để các chủ hộ kinh doanh tự nâng cao ý thức.
Hiện nay, việc kiểm tra về ATVSTP ở tuyến xã chủ yếu để xác định hộ kinh doanh có bảo đảm yêu cầu về thủ tục hành chính như: có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khoẻ, bảo đảm vệ sinh môi trường, giấy chứng nhận tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP… còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm an toàn hay không thì không có căn cứ, cơ sở vì thiếu thiết bị kiểm tra. Song song đó, nhân sự đảm nhận công tác ATVSTP tại địa phương cũng còn nhiều khó khăn, thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP đều là kiêm nhiệm, nên việc tổ chức đoàn kiểm tra vẫn còn hạn chế. Cán bộ chuyên trách về ATVSTP cơ bản không được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu chỉ thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn.
|
Kiểm tra một số sản phẩm tại siêu thị.
Mục tiêu chung vẫn là nâng cao ý thức của toàn xã hội
Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP vẫn còn những bất cập, khó khăn, nhưng bên cạnh đó, cũng phải nói đến ý thức của người kinh doanh và chính người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng không thể kiểm tra hết toàn bộ các điểm kinh doanh, sản xuất, trong khi người kinh doanh vẫn luôn thờ ơ với sức khoẻ cộng đồng, tìm mọi cách để lách luật. Mặt khác người tiêu dùng vừa là nạn nhân cũng đồng thời là nhân tố tiếp tay cho các hành vi vi phạm, mà nguyên nhân chính là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết trong kiến thức về ATTP, dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm.
Có thể nói, vấn đề về ATTP là chuyện không của riêng ai, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, để công tác bảo đảm ATVSTP được thực hiện tốt hơn. Phát biểu tại một đợt thanh, kiểm tra, ông Đoàn Xuân Tứ- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhận định, việc tuyên truyền ATVSTP sâu rộng đến toàn xã hội là một việc làm cấp thiết. Qua đó, có thể huy động toàn thể người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến thực phẩm và các cấp chính quyền vào cuộc. Để thấy rõ tầm quan trọng của ATTP, với mục tiêu chung là làm sao để các cơ sở sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATVSTP.
Hiện nay, gần như công tác ATVSTP chỉ mới có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng vẫn chưa được phát huy triệt để. Đối với người dân, là người trực tiếp sử dụng sản phẩm, cần phải thấy được sự nguy hại của thực phẩm không bảo đảm an toàn và những tác động xấu của nó trong việc huỷ hoại sức khoẻ của bản thân và gia đình. Để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, dần trở thành một người tiêu dùng thông minh. Ngoài ra, cần phải chủ động tìm hiểu các thông tin, các khuyến cáo về thực phẩm an toàn, tươi sống; biết lựa chọn, bảo quản và sử dụng sản phẩm một cách có khoa học; người tiêu dùng chỉ nên sử dụng những sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác rõ ràng.
Thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động chống lại tình trạng vi phạm ATVSTP. Nếu người dân tích cực phát huy vai trò và nghĩa vụ của mình trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm về ATVSTP, tăng cường việc tố giác các cơ sở vi phạm, đồng lòng “tẩy chay” các thực phẩm kém chất lượng và chủ động tuyên truyền về ATTP cho những người xung quanh, thì sức khoẻ của cộng đồng sẽ được bảo đảm, an toàn hơn.
Hoàng Kha