Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Bảo hiểm y tế toàn dân:
Có tăng nhưng chưa vội mừng
Thứ năm: 10:50 ngày 16/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Tây Ninh nằm trong số các tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT dưới 75%, vì vậy cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi tham gia BHYT. Trong thực tế, nhiều địa phương đã phải bỏ kinh phí ra để mua BHYT thay cho dân để đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, để rồi sau đó lại gặp khó trong việc duy trì tỷ lệ ở những năm sau.

Khám bệnh cho người dân ở tuyến cơ sở.

Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2016, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh chiếm 67,5% dân số toàn tỉnh- tăng 10,41% so với cùng kỳ năm trước. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tỷ lệ người dân tham gia BHYT cũng có chiều hướng tăng- cả BHYT tự nguyện, hộ gia đình. Ấy vậy, nhìn chung cả tỉnh, BHYT toàn dân vẫn còn là vấn đề không chút dễ dàng. 

Tín hiệu vui ở địa bàn nông thôn

Anh Nguyễn Văn Cường, phụ trách một đại lý BHYT tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho biết, ở xã, số người dân mua BHYT từ đầu năm đến nay đã tăng hơn so với năm trước. Nếu như các năm trước số người tham gia BHYT tự nguyện, hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 20-30% (trong tổng số người tham gia BHYT của xã) thì năm nay đã tăng lên hơn 50%. Theo anh Cường, tỷ lệ người tham gia BHYT tăng vọt là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền; khi người dân đã hiểu được ý nghĩa, lợi ích của BHYT thì họ sẽ tham gia và lúc này, việc vận động mua BHYT theo hộ gia đình cũng có kết quả khả quan hơn.

Vẫn theo anh Cường, việc cho người dân mua BHYT hộ gia đình ở các thời điểm khác nhau vẫn được tính giảm trừ chi phí theo quy định đã có tác dụng thu hút nhiều người tham gia, nhất là những người không thuộc diện được hỗ trợ mà kinh tế gia đình lại không dư dả. Bên cạnh đó, việc tăng hoa hồng cho đại lý trên mỗi số thẻ bán ra (từ tháng 1.2016) cũng kích thích các đại lý tích cực hơn trong việc bán BHYT.

Trên địa bàn huyện Tân Châu, tính đến 31.5 vừa qua, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 58,72%- gần bằng con số của cả năm 2015 (chỉ 61,8%). Theo một cán bộ BHXH huyện, hằng năm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện đều tăng. Huyện đã cho phát tờ rơi để tuyên truyền về BHYT ở cơ sở, được sự phối hợp của các đoàn thể, Trung tâm Y tế huyện trong việc vận động người dân tham gia BHYT.

Tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, qua 6 tháng đầu năm 2016 cũng đã thấy những tín hiệu khả quan về tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Đến cuối tháng 5, xã đạt tỷ lệ tham gia BHYT trên 53,1% (trong khi cả năm 2015, tỷ lệ này chỉ đạt 44,5%). UBND xã đã có kế hoạch phát triển thêm số đại lý BHYT trên địa bàn. Hiện tại, xã có 3 đoàn thể làm đại lý BHYT gồm Thanh niên, Phụ nữ và Nông dân, sắp tới sẽ phát triển thêm 5 đại lý tại 5 ấp trong xã.

Theo nhận định, điểm mấu chốt thu hút người dân tham gia BHYT hiện nay chính là sự hài lòng của người dân với chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là ở tuyến huyện, xã. Do vậy, những năm qua, ngành Y tế tỉnh nhà cũng đã có sự cải tiến như lập đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh những bức xúc có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh, giúp ngành Y tế kịp thời điều chỉnh, đầu tư trang thiết bị khám, chữa bệnh phục vụ người dân, thay đổi cung cách phục vụ...

Tại Trung tâm Y tế huyện Tân Biên, bác sĩ Nguyễn Văn Trung- Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, tuyến huyện đa số khám cho người có BHYT. Từ khi thực hiện thông tuyến khám BHYT đến nay, số lượt người đến khám, điều trị bệnh tại Trung tâm đã tăng lên. Nếu như 6 tháng đầu năm 2015, số lượt người đến khám BHYT trong toàn huyện là hơn 39.500 thì con số cùng kỳ tại thời điểm 2016 là hơn 48.000 lượt. Trong đó, số lượt người đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế chiếm đa số.

Một phần, do việc thông tuyến khám BHYT đã tạo thuận lợi cho người bệnh- nhất là những người từ nơi khác đến địa phương làm ăn. Một phần là do Trung tâm đã được Sở Y tế đầu tư thêm trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại như máy siêu âm 4D, nội soi... qua đó thu hút được nhiều người bệnh tìm đến đây. Khi số người đến khám vượt mức, Trung tâm kịp đưa ra những phương án như tăng cường bác sĩ, bố trí thêm số bàn khám, tiếp nhận bệnh và bố trí nhân viên hướng dẫn người bệnh.

Tại Trung tâm Y tế Tân Biên, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Kim Ly, ngụ thị trấn Tân Biên đang chờ phát thuốc. Chị Ly làm công nhân cho một doanh nghiệp và đã có BHYT được 5 năm nay. Lần này chị thực hiện phẫu thuật bướu trên cánh tay, sau đó nằm viện điều trị 10 ngày. Nhờ có BHYT chi trả, sau 10 ngày nằm điều trị, chị Ly chỉ phải trả 600.000 đồng trong khi có người cũng thực hiện phẫu thuật như chị nhưng vì không có BHYT nên phải mất vài triệu đồng. Chị Ly cười vui nói: “Tôi cũng an tâm hơn khi lấy thuốc từ Trung tâm về dùng, nếu có bệnh sẽ đến Trung tâm khám, lấy thuốc. Cung cách phục vụ ở đây cũng tốt, người bệnh không phải chờ đợi lâu”.

Chị Phạm Thị Kính, cùng ngụ thị trấn Tân Biên trước đây không tham gia BHYT chỉ vì chị không tin tưởng chất lượng thuốc BHYT cũng như chất lượng khám, chữa bệnh. Sau khi con trai đi bộ đội, gia đình chị được cấp thẻ BHYT, lúc này chị mới “sử dụng thử” và cảm thấy ưng bụng. Đến nay, dù con trai đã xuất ngũ, nhà không còn được cấp thẻ nữa, chị Kính vẫn duy trì việc mua BHYT cho gia đình mình. Chị nhận xét, chất lượng thuốc BHYT hiện nay cũng đã tạo được sự yên tâm cho người bệnh. Vả lại đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, chị không phải mất thời gian đi xa và cũng không phải chờ đợi quá lâu.

Vẫn khó chuyện “phủ sóng” toàn dân

Tiếng là vậy, nhưng việc “phủ sóng” BHYT ra toàn dân hiện vẫn còn có những khó khăn, trở ngại. Có thể nói, BHYT là một chính sách dễ thực hiện với người nghèo, còn với người giàu thì… khó. So với các huyện còn lại, thành phố Tây Ninh gặp khó khăn nhiều hơn trong việc phát triển số lượng người dân tham gia BHYT, nhất là BHYT tự nguyện. Thực tế cho thấy, các hộ gia đình kinh tế khá giả luôn là đối tượng… khó vận động nhất.

Theo bà Lê Thị Thảo Hiền - Phó Chủ tịch UBND phường 1 (thành phố Tây Ninh), nguyên nhân khiến các hộ khá giả ít tham gia BHYT tự nguyện là do họ chưa tin tưởng bệnh viện chữa bệnh theo tuyến ở địa phương; rất ngại các thủ tục rắc rối khi cần chuyển viện lên tuyến trên. Người giàu thường đủ điều kiện kinh tế để đi bệnh viện tư hoặc đến các bệnh viện có danh tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện toàn phường 1 có hơn 70% người dân tham gia BHYT và còn khá nhiều hộ chưa tham gia BHYT toàn bộ gia đình. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động song tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện vẫn chưa cải thiện mấy.

Trong khi đó, một số hộ từng có năm tham gia BHYT toàn gia đình thì đến năm sau do con cái thất nghiệp hoặc gia đình gặp khó khăn, họ… cắt luôn khoản mua BHYT. Nhiều hộ khác có điều kiện kinh tế thì lại không mặn mà với BHYT. Nếu người dân ở tuyến huyện có tâm lý mua BHYT là để “phòng thủ” cho những lúc ốm đau bệnh tật, thì người dân ở tuyến thành phố thường có khuynh hướng lựa chọn các bệnh viện tư khi cần khám, chữa bệnh cho dù chi phí khá cao.

Bà Thảo Hiền nhận định: việc gia tăng tỷ lệ người tham gia BHYT ở phường rất khó khăn, nhất là BHYT theo hộ gia đình. Có ý kiến cho rằng không nên bắt buộc người dân khi mua BHYT nhất thiết phải mua theo hộ gia đình. Thay vào đó nên tạo điều kiện cho từng người mua và người mua vẫn được giảm trừ mức chi trả theo quy định. Có như vậy mới thu hút người dân tham gia BHYT tự nguyện.

Là đại lý bán BHYT trên địa bàn phường 1 gần chục năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, 56 tuổi cho biết, từ khi có quy định bán BHYT theo hộ gia đình, bên cạnh đó là mức phí mua BHYT tăng lên, số người mua giảm hẳn. Nếu trước đây có tháng bà Thu bán được vài trăm thẻ thì giờ chỉ khoảng 50 – 100 thẻ. Tình trạng “ế ẩm” này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên bán BHYT, vì họ chỉ hưởng hoa hồng chứ không có khoản nào khác, trong khi để hoàn chỉnh một thẻ bảo hiểm cho người mua, bà Thu phải thực hiện nhiều khâu từ liên hệ, lập hồ sơ đăng ký BHYT cho khách hàng, nộp tiền vào ngân hàng... chưa kể khi sơ ý viết sai thông tin thì phải làm lại khá vất vả. Khách mua BHYT ít đi, nên thu nhập của bà nay chỉ ở mức vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/tháng.

Hộ ông Lê Văn Đành, 67 tuổi, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh có 7 nhân khẩu, nhưng chỉ có ba đứa cháu của ông là có BHYT do mua trong nhà trường hoặc được thụ hưởng quyền lợi dành cho trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Những năm trước đây, vợ chồng ông Đành cũng được các con mua BHYT cho nhưng từ khi vợ ông bị bệnh, vướng phải tình trạng nhập nhằng khâu chuyển viện nên sau này vợ chồng ông không mua nữa. Nhà có người bệnh thì đi bác sĩ tư hoặc đi thẳng đến bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đừng chỉ là... đối phó

 Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bao phủ BHYT toàn dân hồi đầu tháng 6 qua, có ý kiến cho rằng: có những việc có thể ứng dụng tại tỉnh như tăng cường sự tham gia của cấp uỷ, chính quyền các địa phương vào công tác này; giao trách nhiệm, chỉ tiêu vận động hộ gia đình tham gia cho từng xã, phường, thị trấn, bởi sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương cũng là một yếu tố dẫn đến tỷ lệ BHYT toàn dân đạt thấp. Về phía ngành Y tế cũng cần nỗ lực để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phải thay đổi thái độ, cung cách phục vụ người bệnh để tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là ở tuyến huyện, xã. 

Tây Ninh nằm trong số các tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT dưới 75%. Vì vậy cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi tham gia BHYT. Trong thực tế, nhiều địa phương đã phải bỏ kinh phí ra để mua BHYT thay cho dân để đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, để rồi sau đó lại gặp khó trong việc duy trì tỷ lệ ở những năm sau.

BHYT toàn dân là một chính sách đầy tính nhân văn, hướng tới việc bảo vệ quyền được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho mọi người dân, đặc biệt là đối tượng nghèo. Nhưng trong thực hiện, cần phải có những giải pháp tích cực để chính sách thực sự đi vào đời sống- thay vì chỉ đối phó bằng những cách làm mang tính gượng ép, tạm bợ.

VI XUÂN- LÊ THUỲ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh