Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Còn nhiều vấn đề băn khoăn
Thứ hai: 10:27 ngày 07/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh về kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hoá - xã hội trong năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy: các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua cơ bản hoàn thành. Song, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đáng băn khoăn. Đó là những chuyện từng được đề cập tới nhiều lần trên diễn đàn công luận.

Kiểm tra món chả lụa.

Trong giai đoạn vừa qua, văn hoá - xã hội tỉnh nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu cung cấp, có 6/8 chỉ tiêu xã hội đạt so với kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội ngày càng được quan tâm. Còn lại 2 chỉ tiêu chưa đạt gồm chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo bình quân và chỉ tiêu 100% xã, phường có trung tâm văn hoá hoạt động hiệu quả. Các mặt hạn chế khác cũng còn nhiều.

Còn TỒN TẠI NHIỀU BẤT CẬP...…

Đánh giá cụ thể những khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, việc thực hiện đăng ký, xét, công nhận gia đình văn hoá vẫn còn gặp nhiều trở ngại do trình độ, năng lực của ban vận động một số nơi còn hạn chế, do đó chưa thực hiện được yêu cầu hướng dẫn xét, công nhận gia đình văn hoá.

Toàn tỉnh vẫn còn 18/95 trung tâm văn hoá - thể thao và học tập cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả do địa phương chưa thực sự quan tâm; cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh, có nơi xuống cấp, thiếu kinh phí hoạt động, ban giám đốc chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ... Bên cạnh đó, nhiều trung tâm đã được quan tâm đầu tư lại không phát huy được công năng, hiệu quả đầu tư.

Đến nay, Tây Ninh chỉ có 14/83 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguyên nhân chính là do UBND các địa phương chưa tích cực trong việc làm thủ tục cho các di tích trên địa bàn, mặt khác, một số di tích có diện tích nằm trong khuôn viên trường học hoặc đất của hộ dân gây khó cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá chưa thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước với nhiều hình thức khác nhau, gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Cơ sở vật chất của một số đơn vị đã xuống cấp (như Trung tâm Thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hoá tỉnh...) là một trong những trở ngại lớn cho việc phát triển nền văn hoá, thể thao của tỉnh nhà.

Về du lịch, chưa tổ chức được những sự kiện mang tầm quốc gia để thu hút khách. Các điểm du lịch của tỉnh chưa có nhiều loại hình hoạt động phục vụ du khách. Các khu du lịch trọng điểm như Khu du lịch núi Bà Đen, Khu du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Trong lĩnh vực y tế, đến tháng 10.2015, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ đạt 62,68% dân số, khó hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 75% vào cuối năm 2015. Một số dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng so với cùng kỳ, chẳng hạn như sốt xuất huyết.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra (từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ với hơn 170 ca bị ngộ độc). Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp trở ngại do thiếu lực lượng và kinh phí thực hiện. Xử lý chất thải y tế là vấn đề có ảnh hưởng lớn đối với môi trường và xã hội, nhưng việc đầu tư hệ thống xử lý của một số bệnh viện còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Một số đơn vị, tuy hệ thống xử lý chất thải y tế đã có nhưng lại bị hư hỏng (Trung tâm Y tế Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh) hoặc đã xuống cấp (Trung tâm Y tế Gò Dầu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi), có nơi hệ thống đã lắp đặt nhưng chưa đưa vào sử dụng (Trung tâm Y tế Hoà Thành, Trung tâm Y tế Dương Minh Châu).

Hầu hết các cơ sở y tế quy mô nhỏ, kể cả trạm y tế xã đều chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế. Việc đầu tư trang thiết bị cho ngành Y tế được quan tâm nhưng chưa có kế hoạch sử dụng hiệu quả do thiếu nhân lực.

Việc sử dụng thiết bị y tế chưa hợp lý- có nơi thừa, có nơi thiếu, chưa phát huy hết công năng, nhất là ở tuyến huyện, xã. Về nguồn nhân lực, ngành Y tế chủ yếu chỉ thu hút được cho hệ điều trị, riêng lực lượng y tế dự phòng khó thu hút do môi trường làm việc giới hạn khả năng nâng cao tay nghề, thu nhập lại thấp.

Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đến tháng 10.2015 toàn tỉnh có 117/532 trường đạt chuẩn quốc gia (kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 là 145 trường). Trong khi đó, một số trường đã đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn lãng phí do chi phí đầu tư cao mà nhu cầu sử dụng thấp, nhiều phòng học mau xuống cấp.

Đến nay, Tây Ninh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 64/64 nhà công vụ cho giáo viên, tuy nhiên vẫn còn địa phương chưa có nhà công vụ (huyện Bến Cầu). Theo đánh giá, việc phát triển loại hình trường bán trú chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS chưa đạt hiệu quả do ý thức học nghề của học sinh còn thấp. Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên giai đoạn 2010 - 2015 sắp kết thúc nhưng kết quả đạt được không cao.

Từ khi triển khai đến nay, chỉ có 11 trường hợp tham gia đề án. Theo giải thích, nguyên nhân là do số học sinh, sinh viên có kết quả học tập đạt loại giỏi không muốn đăng ký vì sợ bị ràng buộc. Nhiều trang thiết bị, máy móc tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đầu tư nhưng chưa sử dụng, gây lãng phí do nhu cầu đăng ký học nghề của học viên ít.

Ở lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, một số chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo chưa được thực hiện đồng bộ do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Một số chính sách đến với người dân còn chậm như chính sách vay vốn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo không có đất, chính sách BHYT, chính sách miễn giảm học phí.

Một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề nên chưa tích cực tham gia. Một số địa phương và cơ sở đào tạo chưa quan tâm, quản lý học viên sau khi học nghề, chưa chọn được nhiều mô hình mới dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

Đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế về chất lượng- nhất là ở cấp huyện, xã dẫn đến việc chậm thực hiện một số quyền lợi đối với trẻ em; chưa có giải pháp hiệu quả trong phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích, trẻ em lao động sớm...

Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật còn xảy ra với tính chất phức tạp. Việc thực hiện chính sách cho người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội đôi lúc vẫn còn chậm, vẫn còn hồ sơ chưa được giải quyết hoặc phải đi lại nhiều lần gây phiền hà cho người dân. Tình trạng doanh nghiệp né đóng, không đóng BHYT, BHXH cho người lao động còn nhiều.

Lò đốt chất thải ở một trạm y tế xã (ảnh tư liệu).

...VÀ LÃNG PHÍ

Tham dự buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã phát biểu ý kiến đóng góp về những vấn đề liên quan. Trong phần trình bày của mình, ông Đổng Ngọc Lập- Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh sau THCS không đạt, chứ không chỉ đơn thuần là do ý thức của người học và các bậc phụ huynh. Theo ông, hệ thống giáo dục của nước ta đang tồn tại những điều bất hợp lý.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, bà Phan Thị Ngọc Liên- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, Tây Ninh vẫn nằm trong nhóm 12 tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp nhất cả nước. Theo bà, để nâng cao tỷ lệ che phủ BHYT trong dân, cần phải thay đổi nhận thức của người mua, rằng mua thẻ BHYT là sự chia sẻ, không nên đợi có bệnh mới mua. Người nào có thẻ BHYT mà không dùng đến thì nên coi đó là điều may mắn.

Bà Nguyễn Thị Minh Lý- Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc đề nghị Ban Văn hoá - Xã hội làm rõ hơn những kết quả về chính sách an sinh xã hội. Vì trong 5 năm qua, Tây Ninh là một trong những tỉnh dành nhiều nguồn lực cho chính sách này.

Đối với ngành Giáo dục, bà Lý cho rằng đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên giai đoạn 2010 - 2015 đạt kết quả thấp là do nhiều nguyên nhân, không phải chỉ có nguyên nhân do người học sợ ràng buộc nghĩa vụ.

Trao đổi lại ý kiến về hiệu quả của đề án, ông Đổng Ngọc Lập cung cấp thông tin rằng: mặc dù ngành Giáo dục đã giải thích, tuyên truyền cặn kẽ, phổ biến rộng rãi nhưng số học sinh đăng ký tham gia đề án chỉ có 11 người (hiện có 8 sinh viên đã tốt nghiệp và có 7 người được bố trí việc làm).

Nói về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, ông Nguyễn Thành Kỉnh- Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo cho rằng, tuy số lượng trường chuẩn quốc gia không đạt như kế hoạch nhưng trong 5 năm qua, cơ sở vật chất trường lớp ở Tây Ninh đã được đầu tư mạnh, diện mạo ngành Giáo dục có nhiều thay đổi.

Theo quy định về phân cấp quản lý, việc xây trường lớp ở bậc học mầm non, tiểu học và THCS do UBND huyện làm chủ đầu tư. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến những điều bất hợp lý, lãng phí trong chương trình kiên cố hoá trường lớp.

Liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất của ngành Giáo dục, đại biểu Trần Thị Ngọc Thu nhận định đã có dấu hiệu lãng phí, nguyên nhân là do đầu tư theo kiểu “cào bằng”- trường lớn trường nhỏ suất đầu tư cũng như nhau. Bà Thu cũng bày tỏ băn khoăn: liệu học sinh, sinh viên có tiếp cận được thông tin về đề án đào tạo đại học và sau đại học hay không?

Đề cập đến tình trạng lãng phí trong đầu tư trang bị để thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Dương Văn Phú- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận chuyện lãng phí là có thật và nguyên nhân là do cơ chế.

Cụ thể, năm 2011, khi mỗi Trung tâm Giáo dục thường xuyên được cấp một tỷ đồng để mua sắm thiết bị, đáng lẽ chỉ nên mua thiết bị theo từng năm một để sử dụng cho hợp lý thì lại mua sắm một lần “trọn gói” để sử dụng đến năm 2020. Kết quả là hiện nay có nhiều thiết bị chưa được sử dụng.

Về việc đầu tư xây lò đốt rác thải y tế ở các bệnh viện, theo ông Lê Anh Tuấn- Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, đây có thể là một quyết định không chính xác; lẽ ra chỉ nên hợp đồng với các công ty xử lý chất thải mà không cần phải bỏ tiền xây lò, vì lò xây hầu hết ở dạng thủ công, mau hư, khi đốt lại thải ra khí độc, ảnh hưởng sức khoẻ con người.

Về chính sách BHYT, ông Tuấn nêu nhận định: cốt lõi của vấn đề vẫn là chất lượng dịch vụ, kể cả thái độ phục vụ. Thời gian qua có nhiều người dân Tây Ninh lại tìm đến các bệnh viện ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) khám bệnh theo cơ chế thanh toán 50% chi phí đối với người có thẻ BHYT.

Đ.V.T

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh