Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Kỳ thi THPT quốc gia:
Con thi, cha mẹ cũng thi
Thứ sáu: 11:08 ngày 03/07/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Năm nay là năm đầu tiên cả nước tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng thời xét tuyển vào đại học. Mục đích của việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” này là giảm bớt gánh nặng thi cử cho người học. Tuy nhiên, trên thực tế, xem ra kỳ thi này không thật sự đem lại sự nhẹ nhàng cho những người trong cuộc.

Con đi thi, cha cũng đi thi.

Năm nay, nhiều học sinh Tây Ninh cũng như số đông học sinh các tỉnh khác có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển vào đại học phải tập trung xuống TP. Hồ Chí Minh để thi cùng với học sinh của TP. Hồ Chí Minh. Thí sinh Tây Ninh và một số thí sinh của TP. Hồ Chí Minh được “trộn” vào nhau và được bố trí thi ở các trường trên địa bàn quận Tân Phú. Có dịp theo chân các vị phụ huynh và các sĩ tử Tây Ninh xuống đất Sài thành, chúng tôi mới thấy hết tình cảnh gian nan vất vả của họ.

Từ sáng sớm, hai bên lề đường ở khu vực điểm thi số 9 (Trường THCS Lê Lợi, S11, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) đã chật kín người và xe cộ. Hầu hết các bậc phụ huynh từ Tây Ninh xuống đều tranh thủ đưa con em đến địa điểm thi sớm hơn thời gian quy định.

Khi các sĩ tử đã vào trường, các vị phụ huynh mới tìm chỗ ngồi nghỉ chân trong lúc chờ rước con em ra về sau giờ thi. Nhiều người nhanh chân kiếm được một chỗ cho mình trong quán ăn hoặc quán cà phê. Những người chậm chân, đến sau khi các quán đã không còn chỗ trống, đành dựng xe máy trên lề đường, rồi ngồi trên xe, hoặc ngồi bệt xuống vỉa hè.

Chen chân vào một quán cà phê nhỏ trước cổng trường thi, chúng tôi nhận ra hàng chục vị khách đang ngồi trong quán đều là dân Tây Ninh. Anh Ni, 43 tuổi, ngụ phường 1, TP. Tây Ninh kể rằng: con trai của anh học Trường THPT Trần Đại Nghĩa (phường 3, TP. Tây Ninh), mặc dù ngày 1.7, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mới chính thức bắt đầu nhưng từ giữa tháng 6 vừa rồi, vợ chồng anh đã phải sốt vó lo chuyện ăn ở cho đứa con phải đi thi ở một nơi xa nhà cả trăm cây số.

May mắn là anh Ni cũng tìm được nhà một người quen ở cách điểm thi vài cây số, thế là cả hai cha con anh xin vào tá túc trong thời gian diễn ra kỳ thi. Trong những ngày thi, ngày nào anh Ni cũng giục con thức dậy sớm, hối hả vệ sinh cá nhân, ăn uống xong là đến địa điểm thi từ trước 6 giờ.

Buổi trưa, anh đưa con về nhà, lật đật tắm rửa, cơm nước nghỉ ngơi một tí thôi là lại phải đưa nhau trở lại điểm thi cho kịp trước 13 giờ. “Ở đây, đường phố xe cộ chật kín, nếu mình không đi sớm, lỡ bị kẹt xe, không đến nơi đúng giờ là coi như… tiêu”- anh Ni nói.

Nhiều sinh viên tình nguyện ra quân Tiếp sức mùa thi trước điểm thi Trường THCS Tây Thạnh, quận Tân Phú.

Trong lúc con trai vào trường thi, anh Ni ngồi ngoài quán cà phê chờ đợi. Theo anh Ni, cách tổ chức kỳ thi hai trong một như thế này có mặt ưu và nhược điểm. Ưu điểm là ở chỗ tổ chức thi một lần, lấy điểm cho tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học không phải tổ chức thêm một kỳ thi đại học- thêm một lần tốn kém nữa.

Nhưng nhược điểm, theo anh là hầu hết thí sinh ở các tỉnh khác, trong đó có Tây Ninh đổ dồn về TP. Hồ Chí Minh tạo ra tình trạng đông ken, quá tải. Trong khi những năm trước, thí sính chỉ dự thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh mình. Em nào thi rớt thì ở nhà, chờ thi lại.

Em nào đậu và có nguyện vọng thi lên đại học, cao đẳng thì đến các trường mình muốn theo học để thi. Vì vậy bản thân thí sinh và phụ huynh các em đều cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không phải chịu cảnh chen chúc như thế này.

Có nhà người quen để ở trọ như cha con anh Ni còn đỡ, những người không có bà con thân thuộc ở đất Sài Gòn để nhờ cậy nơi ăn chốn ở mới thật gian nan. Một vị phụ huynh ở phường 3, TP. Tây Ninh bức xúc kể: Do gia đình anh không có bà con, bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh, nên đầu tháng 6 khi nhận được thông báo năm nay học sinh Tây Ninh sẽ thi tốt nghiệp THPT ở cụm thi Trường đại học Công nghiệp thực phẩm (đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), ông và một số vị phụ huynh khác liền tìm đến khu vực gần trường thi để thuê khách sạn, chuẩn bị chỗ ở cho con trong những ngày thi.

Giá thuê là 500.000 đồng/ngày/phòng và ông đã đặt trước tiền cọc. Đến cận ngày thi mới biết chính xác địa điểm thi là một ngôi trường THCS, cách Trường đại học Công nghiệp thực phẩm khá xa. Thế là ông phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê chỗ ở khác cho con, chấp nhận mất trắng khoản tiền đã đặt cọc. Ông nói như vậy cũng còn may, vì dẫu sao cũng tìm được chỗ trọ khác, nếu không chưa biết phải xoay xở làm sao. Đúng là con thi chữ, cha mẹ cũng… thi gan.

Đối với thí sinh, việc thi cử ở nơi xa cũng khá vất vả và cả nguy hiểm cho các em. Một em là học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Gò Dầu) được bố trí thi ở điểm thi số 1A và 16 (Trường đại học Công nghiệp thực phẩm) nhưng gia đình em không có ai thân thuộc ở gần đó.

Cha mẹ em cũng bận việc không thể đưa em đi thi được, nên em phải đăng ký đi thi theo “tour” do một số người có kinh nghiệm đứng ra tổ chức. Em thí sinh này được đưa xuống ở khách sạn gần trường trước hai ngày.

Chỗ ở như vậy là tạm ổn nhưng cái khó là ở vấn đề ăn uống. Em tự lo cho mình bằng cách mua thức ăn, nước uống ở các hàng quán gần nơi ở. Lần đầu tiên xa nhà, lạ nơi, lạ chỗ, khó ngủ cộng với nhiều nỗi lo lắng, tất cả đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tinh thần của em.

“Nếu thi THPT tại tỉnh nhà thì không phải lo những vấn đề này, mà chỉ tập trung đầu óc để làm bài, chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn. Đi thi xa nhà như thế này, nếu không may bị sự cố nào đó chắc nhiều khả năng bị rớt, không tốt nghiệp THPT lấy đâu mà mơ vào đại học?”- thí sinh này chia sẻ.

Nhiều phụ huynh ngồi trên xe, bệt trên vỉa hè chờ con em tại cụm thi số 9.

Một nữ sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) cũng không giấu được vẻ băn khoăn. Mặc dù em từng là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường, khi đi thi lại có cha theo ủng hộ tinh thần, nhưng là con gái vùng nông thôn, lần đầu tiên vượt cả trăm cây số đi so tài cùng nhiều thí sinh ở TP. Hồ Chí Minh em không khỏi bị “khớp”.

Đối với em, hai môn thi của ngày đầu tiên (toán và Anh văn) không quá khó. Bình thường với loại đề tầm này nếu như thi ở Tây Ninh thì em có thể dễ dàng vượt qua nhưng ở đây em cảm thấy bị run, mất bình tĩnh hơn.

Đại Dương - Thái Hoà

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh