Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Không thể xuyên tạc!
Chủ nhật: 08:58 ngày 18/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 5.6.1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, với ham muốn tột bật là “Làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ngày 5.6.1911, từ Bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Luận điệu sai trái, xuyên tạc về nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gìn giữ, cứu vãn nền hoà bình của dân tộc

Gần 30 năm bôn ba khắp năm châu, người thanh niên ấy đã tìm thấy ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá vào trong nước, xác lập con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 3.2.1930, với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản, Người chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1941, Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng, làm chiến thắng Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định nền độc lập, chủ quyền và khát vọng tự do của dân tộc. Thế nhưng, chỉ sau 21 ngày nước nhà được độc lập, vào ngày 23.9.1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Từ năm 1945-1946, Việt Nam rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi đối diện với vô vàn nguy cơ từ nội bộ đất nước, sự can thiệp của ngoại bang và sự trở lại của thực dân Pháp, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng sự đoàn kết của toàn dân, chúng ta đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, gian lao, nguy hiểm, vượt qua 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên vang dội năm châu, chấn động địa cầu.

Sự cống hiến, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là vĩ đại, to lớn, được cả thế giới công nhận, trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các dân tộc bị áp bức, đô hộ.

Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có một số thành phần bất mãn, cơ hội chính trị, thù địch, chống phá chế độ, luôn tìm cách phủ nhận, xuyên tạc lịch sử, cho rằng: “Ông Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam hiếu chiến. Nếu không phát động Toàn quốc kháng chiến thì Việt Nam sẽ tránh được cuộc chiến tranh, tại sao không theo cách của nhiều nước sau này vẫn giành được độc lập, ít hao tổn xương máu. Không cần tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp - để rồi dù chỉ có chiến thắng cũng phải trả một giá quá đắt - vì chỉ trong vòng mấy năm sau Thế chiến thứ hai các xứ thuộc địa trên thế giới, trừ một số nước ở Nam Phi, đều được trả độc lập mà không cần có chiến tranh”.

Có thể nói, những luận điệu nêu trên là vô cùng sai trái, mang tính chủ quan, bất chấp sự thật lịch sử khách quan là thực dân Pháp ngoan cố, không bao giờ từ bỏ ý đồ xâm lược, đặt ách đô hộ, thống trị lên đất nước Việt Nam, bất chấp những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong việc tìm kiếm giải pháp cứu vãn, giữ gìn nền hoà bình, độc lập, tự do của Việt Nam thông qua đàm phán, tránh chiến tranh đổ máu, tang thương.

Không thể xuyên tạc sự thật lịch sử

Sau Cách mạng tháng Tám, trong tình thế Chính phủ còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chủ trương hoà hoãn, ký Hiệp định sơ bộ (6.3.1946) với thực dân Pháp. Theo Hiệp định sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân Tưởng. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm, mỗi năm rút một phần năm. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán tại một trong ba nơi: Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris.

Hiệp định sơ bộ chỉ là thoả thuận tạm thời, quan hệ giữa hai nước phải do một hiệp định chính thức quy định. Vì thế, Hiệp định sơ bộ có lưu ý hai nước Việt Nam và Pháp cần tiếp tục đàm phán để ký hiệp định chính thức.

Ngày 24.3.1946, D’Argenlieu - Cao uỷ Pháp ở Đông Dương gặp gỡ Hồ Chủ tịch trên chiến hạm Emile Bertin ở vịnh Hạ Long để bàn về thi hành Hiệp định sơ bộ. Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất sẽ tổ chức hội nghị trù bị Việt - Pháp ở Đà Lạt và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ cử một đoàn đại biểu sang Pháp vào cuối tháng 5.1946 để tiến hành đàm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đi cùng đoàn với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp (không tham gia với tư cách thành viên của đoàn đàm phán).

Thế nhưng cuối cùng Hội nghị trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt không đạt kết quả do ý đồ, quyết tâm xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Điều đó càng thể hiện rõ ràng khi họ không tuân thủ và có các hành vi vi phạm Hiệp định sơ bộ 6.3 như: Không đình chiến, đánh chiếm Pleiku - Kontum, chiếm phủ toàn quyền (Đông Dương cũ), lập ra chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam (Cộng hoà Tự trị miền Nam, Nam Kỳ quốc)… Mặc dù vậy, với thiện chí gìn giữ hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử đoàn đại biểu sang Pháp đàm phán và bản thân Người đi cùng đoàn để sang thăm chính thức nước Pháp, từ ngày 31.5.1946.

Sau hơn hai tháng đàm phán (từ 6.7 đến 10.9), Hội nghị Fontainebleau không đạt được kết quả. Trong thời gian này, với tư cách là thượng khách chính phủ Pháp (không phải là thành viên đoàn đàm phán Hội nghị Fontainebleau), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 60 cuộc tiếp xúc với giới báo chí, tiếp xúc với 10 Bộ trưởng trong chính phủ Pháp, 14 tướng lĩnh và đô đốc, gặp gỡ Thủ tướng Pháp Bidault... Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với tờ báo Franc-Tireur (Người Du kích) của Pháp (vào ngày 15.8.1946): “Tôi đến đây để xây dựng hoà bình”.

Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cử chỉ lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như là thông điệp của Nhân dân Việt Nam gửi đến nhân dân và Chính phủ Pháp: Giữ gìn hoà bình! Ngăn chặn chiến tranh!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như một thông điệp: “Giữ gìn hoà bình! Ngăn chặn chiến tranh!” trong chuyến đi sang Pháp. Ảnh chụp từ CD-Rom Hồ Chí Minh toàn tập

Để gìn giữ hoà bình cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta đã chủ động đàm phán với Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên Hợp Quốc, nêu rõ thiện chí hoà bình, mong mỏi Liên Hợp Quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hoà bình. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hoà bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu.

Mặc dù Hội nghị Fontainebleau thất bại, nhưng để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí hoà bình của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gặp và đàm phán với Marius Moutet (Bộ trưởng Bộ nước Pháp ở hải ngoại).

Người đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký với đại diện Chính phủ Pháp một bản Tạm ước về quan hệ Việt Nam – Pháp (ngày 14.9.1946), hai bên cam kết đình chỉ mọi xung đột để làm giảm tình hình căng thẳng. Việt Nam tiếp tục nhân nhượng, bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hoá ở Việt Nam. Phía Pháp nhận thi hành một số nội dung như: thả chính trị phạm và tù binh; nhân dân Nam Bộ được quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại.

Bản Tạm ước ký được chưa bao lâu, sau tất cả nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hoà bình của chúng ta. Đến ngày 20.11.1946, Pháp đã nã pháo vào Hải Phòng, cùng một loạt động quân sự, gây chiến, thể hiện quyết tâm xâm lược, cướp nước ta một lần nữa.

Đến ngày 7.12.1946, trả lời phỏng vấn phóng viên Bernard Dranber (báo Paris - Sài Gòn), Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ quan điểm: ... Đồng bào tôi và tôi thành thật muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách...", nhưng quyết tâm xâm lược của thực dân Pháp đã buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (ngày 19.12.1946), bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ:

“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!”

Như vậy để thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã thiết tha biết bao với một nền hoà bình, tìm mọi cách để đàm phán, hoà hoãn, tránh chiến tranh, chết chóc, nhưng phía thực dân Pháp đã tàn nhẫn khước từ nguyện vọng thiết tha ấy, quyết tâm gây chiến, xâm lược, buộc Nhân dân Việt Nam phải đứng lên đấu tranh để thoát khỏi ách nô lệ.

Sau này nhà báo, nhà sử học Philippe Devillers người Pháp nhận xét: “Nhà ái quốc lớn Hồ Chí Minh đã chủ động đưa bàn tay thân thiện cho nhà ái quốc lớn De Gaulle nhưng tiếc rằng De Gaulle đã bỏ lỡ cơ hội nắm lấy bàn tay đó”.

Hay như Tổng thống Pháp Ph.Mít-tơ-răng, trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 2.1993, đã phát biểu: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh bị đẩy vào cuộc chiến tranh”.

Việt Nam bị buộc phải tự vệ, bị buộc phải đấu tranh để thoát khỏi ách nô lệ, để giữ được độc lập, tự do; nhưng với quyết tâm gây chiến, xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam lúc bấy giờ, Pháp sẽ không cho phép có một nền độc lập nào cả.

Đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi, không thể mù quáng cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam “hiếu chiến”. Trong bối cảnh đó, không thể nào có một nền độc lập, tự do, hoà bình do Pháp ban phát cho Việt Nam vô điều kiện như sự ảo tưởng, thần kinh của các luận điệu xuyên tạc, chống phá rêu rao. Hoà bình, độc lập, tự do chỉ thật sự có được bằng cách chúng ta tự giành lấy, bằng chính ý chí, quyết tâm, sự hy sinh, nỗ lực của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đăng Anh

* Bài viết có tham khảo một số tài liệu từ các nguồn: Đề cương tuyên truyền 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; một số tư liệu lịch sử và bài nghiên cứu từ Báo điện tử Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Quân đội Nhân dân, Quân khu 7…

Tin cùng chuyên mục