Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Công nghiệp hoá - chặng đường vẫn còn dài
Thứ hai: 06:45 ngày 16/11/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế. Dù đã nỗ lực rất nhiều và đề ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2020 Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng để đạt được điều đó quả là không dễ. Trong quỹ đạo chung, Tây Ninh cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Bên trong xưởng sản xuất của một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, giai đoạn 2011 - 2015 mặc dù sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng kinh tế của tỉnh vẫn đã và đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế.

Thành tựu và hạn chế

Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Nhiều dự án, sản phẩm công nghiệp mới được đầu tư, phát triển trong các khu, cụm công nghiệp.

Sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp chế biến nông sản đủ sức phục vụ chế biến sản lượng mía, mì, cao su trong tỉnh… Hai chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Các dự án có quy mô lớn về dệt, may, vỏ xe tại Khu công nghiệp Phước Đông, An Hoà đã có đóng góp vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hoạt động của các cụm công nghiệp hiện nay đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Số liệu thống kê đã công bố cho thấy: năm 2014, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp gần 24% ngân sách so với tổng số thu ngân sách của toàn ngành công nghiệp. Cũng trong giai đoạn 2011 - 2015, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp năm sau cao hơn năm trước.

Các sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Công nghiệp chế biến nông sản đã thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình, chế biến hết sản lượng các loại nông sản chính như mía, mì, cao su.

Từ năm 2011 đến nay, hằng năm, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn một số mặt hàng thiết yếu. Bình quân mỗi năm có 8 doanh nghiệp tham gia với hơn 40 cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn giá và một số điểm bán hàng lưu động.

Giải pháp bình ổn thị trường giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát giá cả hàng hoá, tạo nguồn hàng dự trữ, phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả phải chăng. Ngành Công Thương đã tổ chức 13 phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” tại các huyện, doanh thu bình quân đạt 1, 2 tỷ đồng/phiên chợ.

Chương trình này đã góp phần đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng ở vùng sâu vùng xa. Người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, đây cũng là hoạt động cụ thể hoá chủ trương “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Trong giai đoạn 2011 - 2015 và trước đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, triển khai nhiều hình thức kêu gọi, thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Nhưng có một thực tế là phần lớn các dự án đều chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng thấp (ngành dệt may), tỉnh chưa thu hút được các ngành công nghiệp có công nghệ cao. Khả năng thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch vẫn còn thấp, tỷ lệ diện tích lấp đầy các cụm công nghiệp so với quy hoạch cũng còn thấp.

Số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất vào cụm công nghiệp còn ít. Cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, tín dụng dành cho phát triển công nghiệp phải tuân theo quy định chung của Nhà nước nên chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Vị trí địa lý của Tây Ninh lại không có lợi thế so với một số tỉnh lân cận trong khu vực.

Về hoạt động thương mại, buôn bán, theo quy định thì việc cải tạo, nâng cấp chợ do ngân sách huyện, thành phố tự cân đối. Nhưng ngân sách của huyện, thành phố còn hạn chế nên việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

Các ngành chức năng, các cấp quản lý cũng chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nào để huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân vào việc đầu tư xây dựng  chợ.

Chưa hợp lý trong quy hoạch

Một trong những vấn đề được quan tâm của quá trình công nghiệp hoá là quy hoạch phát triển công nghiệp. Theo Sở Công Thương, quá trình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phần lớn đã được định hướng theo quy hoạch, các phân ngành công nghiệp được bố trí theo địa bàn phù hợp.

Qua gần 8 năm (tính từ năm 2008) thực hiện quy hoạch, đến nay các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn đang tập trung ở các nhóm ngành chính như chế biến nông sản, dệt may, da giày, sản phẩm cao su và plastic, cơ khí, vật liệu xây dựng.

Có 16 cụm công nghiệp và 7 điểm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích hơn 2.500 hecta. Qua rà soát, điều chỉnh bổ sung, tỉnh đã xoá quy hoạch 12 cụm công nghiệp và điều chỉnh giảm diện tích 2 cụm. Tính đến ngày 31.8.2015, tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 20.

Ngoài quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, Tây Ninh còn quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch tổng thể phát triển thương mại (có điều chỉnh, bổ sung) đến năm 2020; quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ; quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Việc thực hiện quy hoạch xăng dầu đã có nhiều thay đổi và xuất hiện một số khó khăn. Nguyên nhân giải thích cho sự thay đổi, điều chỉnh là việc quy hoạch được thực hiện theo tuyến đường, địa bàn.

Một số điểm có trong quy hoạch xăng dầu thì không phát triển được nên doanh nghiệp đề nghị xây dựng, phát triển ở nơi khác không có trong quy hoạch để đầu tư theo nhu cầu của thị trường.

Từ thực tế đó, ngày 21.2.2014, UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Theo tinh thần của quyết định này, quy hoạch xăng dầu được thực hiện theo hướng mở đến địa bàn xã để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư.

Đối với ngành Điện, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến việc đầu tư lưới điện theo quy hoạch là vấn đề vốn. Công ty Điện lực Tây Ninh, kể cả Tổng Công ty Điện lực miền Nam cũng chưa chủ động được nguồn vốn mà còn phải phụ thuộc vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do vậy việc đầu tư lưới điện còn phải mất thêm nhiều thời gian.

Chưa bền vững

Cho rằng giai đoạn 2011 - 2015 sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá hơn giai đoạn 2006 - 2010 nhưng Sở Công Thương cũng nhìn nhận: sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn không ít mặt hạn chế. Cụ thể là công nghiệp chưa thật sự bền vững, tỷ lệ gia công cao, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Trong số những ngành công nghiệp chủ lực có giá trị sản xuất lớn thì ngành may gia công (trang phục, giày xuất khẩu) đang chiếm tỷ trọng lớn, khoảng gần 30%. Công nghiệp chế biến hàng nông sản như mía, mì, mủ cao su chưa đa dạng hoá được sản phẩm, phần lớn chỉ dừng lại ở mức sơ chế, làm ra sản phẩm thô.

Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phần lớn là gia công xuất khẩu, sử dụng nhiều tài nguyên đất đai và lực lượng lao động, giá trị gia tăng thấp. Số đông các cơ sở công nghiệp chỉ có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ chưa có nhiều đổi mới, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh kém.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư trong nước đa phần chưa xây dựng được thương hiệu và các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm trên thị trường quốc tế. Vì thế, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn qua trung gian (ví dụ sản phẩm bột mì).

Trong giai đoạn qua, do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế thế giới, việc thu hút hạ tầng công nghiệp diễn ra còn chậm. Việc liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam bộ trong thời gian qua cũng chưa phát triển đồng bộ.

Con số thống kê cho thấy, 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Bình Thuận sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm và chỉ chiếm vỏn vẹn 4% giá trị sản xuất công nghiệp của cả vùng Đông Nam bộ, trong khi 4 địa phương còn lại là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu chiếm đến 96%.

Trong hoạt động thương mại và dịch vụ, ngoài những thành tựu đã đạt được, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Số doanh nghiệp lớn, có mô hình, phương thức kinh doanh hiện đại không nhiều, phần lớn khối lượng hàng hoá lưu thông, buôn bán được thực hiện bằng hình thức kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ.

Giai đoạn vừa qua cũng chứng kiến sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm, thị trường xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp ít tham gia hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường mới, chỉ tập trung xuất khẩu hàng hoá vào những thị trường dễ tính dành cho sản phẩm thô, chất lượng hạn chế.

Sản phẩm mủ cao su vẫn chỉ ở dạng sơ chế (trong ảnh là: Hoạt động chế biến mủ cao su ở một công ty tại Tân Biên).

Xung quanh vấn đề công nghiệp và thương mại, hồi tháng 9 vừa qua, trong đợt giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội giai đoạn 2011 - 2015, phương hướng 2016 - 2020 đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ở từng lĩnh vực do HĐND tỉnh tiến hành, đoàn giám sát có ý kiến đề nghị Sở Công Thương đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn về công tác quy hoạch.

Vì những gì đã diễn ra cho thấy: chất lượng và tính khả thi của quy hoạch chưa cao. Ý kiến khác đề cập đến vấn đề thu mua hàng hoá nông sản cho nông dân, hiện nay nhiều sản phẩm của nhà nông khó cạnh tranh, người nông dân phải “tự bơi” để tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình.

Và có ý kiến đề nghị ngành Công Thương cần tham mưu lãnh đạo tỉnh: các dự án sản xuất công nghiệp phải đưa vào khu công nghiệp, không nên bố trí các dự án sản xuất ngoài khu công nghiệp, để tránh tác động đến đất đai, môi trường.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế. Dù đã nỗ lực rất nhiều và đề ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2020, Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng để đạt được điều đó quả là không dễ. Trong quỹ đạo chung, Tây Ninh cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

VIỆT ĐÔNG

Trong 5 năm (2011 - 2015) kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 9,4 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Các dự án có quy mô lớn về dệt, may, sản xuất vỏ ruột xe tại Khu công nghiệp Phước Đông, Khu công nghiệp Thành Thành Công đã đóng góp lớn vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

(Theo báo cáo của Sở Công Thương)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh