Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 21.5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.


Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị xem xét bỏ quy định tại khoản 4 Điều 61 “Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, Uỷ ban bầu cử ở huyện, Uỷ ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”; đồng thời bổ sung các quy định, gồm: quy định Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ sau khi “hoàn thành việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền” (Điều 20 Luật hiện hành); bổ sung quy định Uỷ ban bầu cử kết thúc nhiệm vụ sau khi “hoàn thành việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền” (khoản 1 Điều 28 Luật hiện hành), bổ sung“hoàn thành việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo thẩm quyền” (khoản 2 Điều 28 Luật hiện hành); bổ sung quy định Ban bầu cử, Tổ bầu cử kết thúc nhiệm vụ sau khi “hoàn thành việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo thẩm quyền” (khoản 3 Điều 28).
Vì theo đại biểu Thuý, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử là nhiệm vụ của các cơ quan phụ trách bầu cử, cũng là một trong những lý do mà hệ thống tổ chức phụ trách bầu cử độc lập ra đời. Đại biểu Thuý cho rằng, nếu giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới giải quyết (tức là gồm những ứng cử viên trong cuộc bầu cử) giải quyết khiếu nại về danh sách ứng cử viên sẽ dẫn đến nghi ngại về sự thiếu khách quan và tính độc lập. Vì vậy, các tổ chức phụ trách bầu cử phải giải quyết xong các khiếu nại, tố cáo trước khi kết thúc nhiệm vụ chứ không nên kết thúc nhiệm vụ sớm và chuyển hồ sơ cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay Thường trực Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân không có quyền hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử nên việc chuyển khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, theo đại biểu Thuý là chưa hợp lý.
Tại Điều 27 Luật hiện hành quy định “Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử đó ra quyết định xoá tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế”.
Đại biểu Thuý đề nghị bỏ quy định này và điều chỉnh lại theo hướng cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử đó ra quyết định xoá tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế ngay khi phát hiện, chứ không cần phải chờ đến ngày công bố danh sách chính thức người ứng cử và phải có đơn xin rút của người ứng cử, nhằm giảm bớt thủ tục, thời gian.
Bên cạnh đó, đại biểu Thuý, đề nghị bổ sung quy định về thời điểm công bố khu vực bỏ phiếu, vì theo văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Dân nguyện và Giám sát, cơ quan soạn thảo cho rằng việc quy định các mốc thời gian về khu vực bỏ phiếu là không cần thiết vì đã quy định hạn cuối thành lập các Tổ bầu cử; mà Tổ bầu cử được thành lập là trên kết quả phân chia khu vực bỏ phiếu (mỗi khu vực bỏ phiếu là một Tổ bầu cử), hai việc này liên hệ chặt chẽ về thời gian nên chỉ cần quy định thời hạn đối với một nội dung là đảm bảo đầy đủ.
Đại biểu Thuý cho rằng, lập luận này chưa thuyết phục vì: Thứ nhất, việc thành lập Ban bầu cử cũng phụ thuộc vào việc phân chia các đơn vị bầu cử (một đơn vị bầu cử thành lập một Ban bầu cử), nhưng Luật hiện hành và cả Dự luật vẫn giữ quy định khác nhau về thời hạn thực hiện (Điều 11 và Điều 24 Luật hiện hành); thứ hai, việc phân chia đơn vị bầu cử thành khu vực bỏ phiếu là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri, vì thế cần thời hạn công bố khu vực bỏ phiếu để bảo đảm quyền lợi của cử tri được thông tin về nơi mình sẽ đến bỏ phiếu.
Đối với việc vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Thuý đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu quy định về việc người ứng cử tự vận động bầu cử thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội, bởi vì trong các cuộc bầu cử gần đây, có hiện tượng người ứng cử tự đăng thông tin và chương trình hành động lên trang cá nhân trên mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Do vậy, đại biểu đề nghị Luật nên có sự điều chỉnh về vấn đề này, một là có thể bổ sung vào Điều 67 như một phương cách để người ứng cử vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng; hoặc là quy định như một điều cấm trong Điều 68 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa những người ứng cử trong việc tiếp cận cử tri và vận động bầu cử, cũng bảo đảm an ninh, an toàn trong bầu cử.
KC (lược ghi)