Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ghi nhận qua đợt giám sát việc thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”:
Danh hiệu “thực”, chất lượng “ảo”
Chủ nhật: 10:46 ngày 10/08/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Qua giám sát, nhiều ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn dù đạt chuẩn văn hoá nhưng bộ mặt địa phương đây đó vẫn rất bê bết, nhếch nhác vì rác thải, vì ô nhiễm môi trường. Cơ sở vật chất công sở nhiều nơi còn hạn chế và tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật của người dân tại địa phương vẫn còn cao. Nhiều trụ sở UBND xã, trong khuôn viên tràn ngập rác thải, bụi bẩn từ phòng họp đến các ngõ ngách, nhà vệ sinh…

Ấp văn hoá ấp Bình Hoà- xã Thái Bình, huyện Châu Thành (ảnh minh hoạ).

Từ ngày 30.7 đến ngày 5.8 vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh (Ban VH-XH) đã tổ chức một đợt giám sát về tình hình xây dựng và công nhận các danh hiệu gia đình, ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn văn hoá tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trước đó, vào ngày 23.7, Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 663-CV/TU về việc nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng (TT.VHTT), gia đình văn hoá (GĐVH), ấp, khu phố văn hoá.

Trong những năm qua, hoạt động của các TT.VHTT cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hoá có nhiều chuyển biến tích cực, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Điều đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, đồng thời củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây cũng là hai tiêu chí quan trọng trong việc xét công nhận các danh hiệu ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn văn hoá tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tổ chức hoạt động của các TT.VHTT và phong trào xây dựng gia đình văn hoá vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều phường, thị trấn chưa xây dựng cơ sở vật chất TT.VHTT; một số TT tuy đã xây dựng xong nhưng chưa khai thác và sử dụng hiệu quả, gây tình trạng lãng phí. Việc công nhận gia đình văn hoá, ấp/khu phố văn hoá, xã văn hoá, đơn vị văn hoá trong thời gian qua chưa đúng thực chất, còn mang tính hình thức, chưa thực sự trở thành đòn bẩy để thúc đẩy phong trào thi đua ở cơ sở. Vấn đề này đã được người dân ở các địa phương phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri hằng năm.

Đợt giám sát lần này cũng nhằm mục đích tìm hiểu, mổ xẻ nguyên nhân thực trạng “chưa đúng thực chất và còn mang tính hình thức” của các danh hiệu GĐVH, ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn văn hoá, từ đó tìm ra những giải pháp phát huy tính hiệu quả thiết thực của phong trào.

Chạy theo chỉ tiêu, thành tích

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) là một trong 4 nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương V, khoá VIII ngày 16.7.1998 của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện Nghị quyết, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các tỉnh, thành từng bước được kiện toàn với mục đích chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Trong đó, cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” (gồm GĐVH, ấp/khu phố văn hoá) và cuộc vận động “Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá” là 2 trong số 10 cuộc vận động quan trọng của phong trào. Việc thực hiện 2 cuộc vận động ấy sẽ từng bước xây dựng, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, kỷ cương pháp luật, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư của từng hộ gia đình, từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân dân, hướng tới một xã hội văn minh trong tương lai.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Tây Ninh, trong năm 2013, toàn tỉnh có 261.921 hộ gia đình được công nhận danh hiệu GĐVH (chiếm tỷ lệ 94,9%). Có 505/542 ấp, khu phố được công nhận danh hiệu ấp/khu phố văn hoá (93,2%) và có 42/95 xã/phường/thị trấn được công nhận xã/phường/thị trấn văn hoá (44,92%). Đây thực sự là những con số đẹp nhưng điều đáng nói là chất lượng thật thì… không đẹp.

Mang ý nghĩa xã hội to lớn nhưng 2 cuộc vận động nói trên không thu hút được sự quan tâm của người dân đúng như mong muốn. Từ một cuộc vận động “của dân, do dân và vì dân”, theo thời gian nó đã dần trở thành cuộc vận động chỉ dành riêng cho các cán bộ ấp, xã, phường… Trong đó, việc chạy theo chỉ tiêu, chạy theo thành tích phong trào là hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng danh hiệu thực nhưng chất lượng ảo!

Vào tháng 10.2012, Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh ban hành các bảng điểm xét công nhận danh hiệu GĐVH, ấp/khu phố văn hoá, xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Theo đó, các địa phương muốn đạt được các danh hiệu trên phải ra sức thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chuẩn theo quy định. Mỗi tiêu chuẩn có mức chấm điểm cụ thể, trong đó tiêu chuẩn về danh hiệu GĐVH được xem là tiêu chuẩn nòng cốt, “cần phải đạt” trong tất cả các chỉ tiêu bảng điểm. Các địa phương muốn đạt được danh hiệu ấp/khu phố văn hoá hay xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị phải bảo đảm từ 94% hộ gia đình trở lên được công nhận GĐVH, trong đó có ít nhất 50% GĐVH được công nhận từ 3 năm trở lên đối với tiêu chuẩn ở ấp, 60% đối với tiêu chuẩn ở cấp khu phố và xã, 80% đối với tiêu chuẩn ở phường, thị trấn. Ngoài tiêu chuẩn về GĐVH, các bảng điểm còn có nhiều nội dung chấm điểm hết sức ngặt nghèo, gây khó khăn cho địa phương.

Việc áp đặt các chỉ tiêu GĐVH quá lớn đã dẫn đến tình thế các cán bộ phụ trách công tác này ở địa phương phải… tìm cách “cho ra” những con số đẹp, tương xứng để hoàn thành mục tiêu. Phong trào cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào thi đua của chi bộ Đảng, Đảng uỷ xã hằng năm nên các xã dù không muốn cũng… không thể không đạt!

Qua giám sát, nhiều ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn dù đạt chuẩn văn hoá nhưng bộ mặt địa phương đây đó vẫn rất bê bết, nhếch nhác vì rác thải, vì ô nhiễm môi trường. Cơ sở vật chất công sở nhiều nơi còn hạn chế và tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật của người dân tại địa phương vẫn còn cao. Nhiều trụ sở UBND xã, trong khuôn viên tràn ngập rác thải, bụi bẩn từ phòng họp đến các ngõ ngách, nhà vệ sinh…

Một hộ gia đình tại xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành) được cấp bản Gia đình văn hoá cách đây vài năm.

(Ảnh minh hoạ).

Một hộ gia đình muốn đạt danh hiệu GĐVH thì trong năm, hộ gia đình phải thực hiện tốt ba tiêu chuẩn gồm: gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Trong đó còn có nhiều chỉ tiêu nhỏ như các hộ gia đình không vi phạm pháp luật của Nhà nước cũng như không vi phạm quy định của địa phương và quy ước, hương ước của cộng đồng; không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức… Trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này có 2 “điểm liệt” quan trọng phải tránh, đó là hộ gia đình nào có thành viên vi phạm quy định (bất kỳ hình thức nào, kể cả bị xử phạt hành chính) hoặc vắng họp tổ dân cư tự quản 2 lần/năm, thì chưa được công nhận danh hiệu GĐVH hoặc sẽ bị cắt danh hiệu đã đạt trước đó.

Kết quả giám sát vừa qua cho thấy, hầu hết các ban vận động phong trào ở ấp/khu phố đều cho rằng, nếu áp dụng  2 “điểm liệt” kể trên một cách trung thực trong việc bình xét danh hiệu GĐVH hằng năm thì khó mà đạt được mức 50% hộ được công nhận ở địa phương, nói chi việc bảo đảm chỉ tiêu 94% trở lên như bảng điểm yêu cầu. Nguyên nhân là do tình hình an ninh trật tự ở địa phương ngày càng phức tạp và các hộ gia đình ngày càng ít quan tâm đến vấn đề hội họp ở khu dân cư. Ngoài ra, các thành viên tổ dân cư tự quản thường là trình độ thấp, không được hưởng chế độ lại bận nhiều việc khiến cho việc đánh giá phong trào không đi đúng thực chất. Vì thế dẫn đến thực trạng… đăng ký thay cho hộ dân như đã diễn ra ở một vài nơi. Đây đó còn có hiện tượng bình xét rất “du di”, khiến cho nhiều hộ vốn không đủ chuẩn cũng thành đạt chuẩn, chỉ cốt để đáp ứng chỉ tiêu cấp trên giao xuống.

 Không được tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân, danh hiệu GĐVH ngày càng bị lãng quên, nhiều nơi nó chỉ còn trên sổ sách của cán bộ phụ trách phong trào ấp, xã... Thậm chí có hộ được công nhận danh hiệu GĐVH nhưng không hiểu GĐVH là gì, mình được công nhận khi nào, tại sao được công nhận?

Xây dựng GĐVH có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại. Thế nhưng một khi danh hiệu GĐVH được công nhận một cách qua loa, đại khái và được phong tặng vô tội vạ thì giá trị đã không còn và gây mất niềm tin trong nhân dân.

Cần một cuộc chấn chỉnh

Kết thúc đợt giám sát, ngày 5.8.2014, Ban VH-XH đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh. Trong buổi họp, các thành viên của Ban VH-XH và Ban Chỉ đạo phòng trào của tỉnh cùng nhau bàn bạc, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng “ảo” về chất lượng của các danh hiệu như nói trên.

Có một khó khăn trước mắt là việc điều chỉnh các chỉ tiêu, tiêu chuẩn sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời hỗ trợ kinh phí hoạt động hợp lý hơn cho ban vận động ấp/khu phố và tổ dân cư tự quản nhằm nâng cao tác dụng tuyên truyền phong trào, để qua đó từng bước trả lại đúng vị trí, vai trò của một phong trào lớn ích nước lợi nhà, tạo được sự quan tâm của toàn xã hội, khích lệ, động viên mọi người, mọi nhà cùng hưởng ứng, tham gia.

Lê Thuỳ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh