Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng giao thông cũng được nâng cấp, mở rộng. Kéo theo đó, người dân đổ xô ra cất nhà trên các thửa ruộng cặp theo đường. Đây là một nguyên nhân làm cho diện tích đất lúa nước bị thu hẹp lại. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa vào mục đích sử dụng khác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, nhiều diện tích đất lúa hiện chỉ còn tồn tại trên giấy.

|
Dãy nhà mặt tiền quốc lộ 22, trước Khu công nghiệp Trảng Bàng, có nhiều hộ cất trên đất lúa .
Tây Ninh là vùng bán thị, bán thôn, nhiều diện tích đất trồng lúa xen kẽ với khu dân cư. Thực trạng đã và đang diễn ra là nhiều người dân có đất lúa nằm cặp đường lớn có nguyện vọng muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ kinh doanh sản xuất nhưng lại ngán ngại mức phí chuyển đổi- không hề nhỏ nên đành chọn cách làm… vi phạm pháp luật, tự tiện xây cất công trình, nhà ở trên đất chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Nhà nhà... vi phạm
Khi Luật Đất đai năm 1993 ra đời, Nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Điều đó được thực hiện dựa theo kết quả kiểm tra, khảo sát, xét duyệt của cấp xã, huyện. Thời điểm đó, kinh tế chưa phát triển lắm, nên dọc các con đường liên huyện, liên xã vẫn còn những cánh đồng lúa chạy dài hai bên.
Kinh tế phát triển, những con đường đất được nâng cấp, mở rộng thành đường sỏi đỏ hoặc đường nhựa khang trang. Hệ thống điện cũng được kéo đến tận các khu vực dân cư hẻo lánh. Người dân bắt đầu có khuynh hướng “đưa nhà ra mặt tiền”. Cả một thời gian dài, việc người dân tự ý cất nhà trên đất lúa (cặp đường) không bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở hay xử lý. Chính vì vậy, tình trạng mạnh ai nấy cất cứ diễn ra.
Đến khi Luật Xây dựng năm 2003 ra đời, dù đã có những quy định về việc xây dựng nhà ở nhưng thời điểm đó việc quản lý trật tự xây dựng vẫn chưa được chính quyền địa phương và các ngành liên quan thật sự quan tâm. Tình trạng người dân cất nhà trên đất lúa vẫn diễn ra dù không còn ồ ạt như trước đó, trong đó có những trường hợp cố tình vi phạm.
Khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11.5.2012 (Nghị định 42) về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, vấn đề quản lý đất trồng lúa mới được các ngành chức năng triển khai thực hiện khá quyết liệt. Tiếp đến, ngày 13.4.2015, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất lúa (Nghị định 35) thay thế Nghị định 42 thì tình trạng người dân cất nhà trái phép trên đất lúa đã cơ bản không còn xảy ra.
Với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực nên thời gian qua, kể từ khi Nghị định 42 ra đời, Nhà nước có chủ trương ngừng xem xét, giải quyết việc chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang đất ở, kể cả những trường hợp đã “lỡ cất nhà” trên đất lúa.
Tại ấp Sân Cu, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành có nhiều ngôi nhà tường nằm cặp theo con đường liên xã khang trang, có khoảng 70% trong số đó là nhà cất trên đất lúa. Ông Bí thư chi bộ ấp cho biết, con đường nhựa này trước đây chỉ là đường xe bò, mùa mưa rất khó đi.
Người dân ở ấp Sân Cu khi ấy, thường cất nhà ở phía trong đất ruộng của mình để tiện việc quản lý, sản xuất lúa và hoa màu. Vào khoảng năm 2000, khi con đường xe bò được đầu tư nâng cấp lên thành đường sỏi đỏ, người dân cũng bắt đầu đổ ra cất nhà cặp theo đường.
Nhiều hộ gia đình phân chia đất ruộng mặt đường cho con cái hoặc bán cho người khác cất nhà ở. Vì thế hai bên con đường hiện nay toàn nhà cửa mọc san sát nhau. Hiện còn nhiều hộ khác muốn bắt chước chuyển đất lúa sang đất ở nhưng chưa được chính quyền giải quyết.
Ông Bí thư chi bộ ấp cho biết thêm, cách đây vài năm, khi phát hiện người dân tự ý xây cất nhà ở trên đất lúa, cán bộ ấp có báo cho UBND xã tiến hành lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công. Thế nhưng người vi phạm vẫn tìm mọi cách... vi phạm, cốt để hoàn thành cho được căn nhà.
Nhận xét về khoản thuế người dân phải đóng khi chuyển mục đích sử dụng đất, ông Bí thư ấp Sân Cu cho rằng, trong khi người dân chỉ dành dụm được vài chục triệu đồng đủ cất căn nhà nho nhỏ mà tiền thuế phải đóng cũng tốn đến vài chục triệu thì người dân đành phải chọn giải pháp… vi phạm mà thôi.
Nằm cặp quốc lộ 22, đoạn qua khu vực trung tâm xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng có khá nhiều căn nhà nằm trên đất lúa, chưa kể phía bên trong còn nhiều dãy nhà trọ công nhân cũng mọc lên trên đất lúa kể từ khi các khu công nghiệp trên địa bàn xã hình thành, đi vào hoạt động. Thời gian qua, UBND xã đã tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã nên tình trạng cất nhà trên đất lúa cơ bản đã giảm.
Những vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để xác định diện tích đất trồng lúa (đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước) làm cơ sở khoanh vùng diện tích đang trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở này thực hiện kiểm kê đất trồng lúa.
Kết quả kiểm kê đến ngày 31.3.2013 như sau: tổng diện tích đất trồng lúa theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 là 83.778,29 ha; tổng diện tích theo kiểm kê thực tế là 81.751,86 ha, giảm 2.026,42 ha.
Trong đó có những nguyên nhân như năm 2010, số liệu kiểm kê diện tích được tổng hợp từ hồ sơ địa chính các huyện, thành phố, khi đó có 4 huyện: Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên và Tân Châu chưa được đo đạc chính quy, vẫn sử dụng tài liệu, số liệu theo phương pháp cũ nên độ chính xác không cao.
Đối với các huyện còn lại, mặc dù tài liệu bản đồ đã qua đo đạc chính quy nhưng khi tiến hành công tác kiểm kê đất đai thì khâu chỉnh lý, cập nhật biến động các khoanh đất trồng lúa chưa triệt để, có sai sót do thời gian kiểm kê ngắn, nên khi thực hiện kiểm kê chi tiết có sai số diện tích. Trong tổng số 81.751,86 ha đất trồng lúa sau kiểm kê, số diện tích đã xây dựng nhà ở là 240,36 ha.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi có kết quả kiểm kê diện tích đất trồng lúa, UBND tỉnh đã đề ra biện pháp xử lý, tiếp tục quản lý sử dụng theo quy định đối với đất trồng lúa, không cho chuyển mục đích sử dụng mặc dù thực tế có những diện tích đất người dân không trồng lúa mà trồng cây lâu năm.
|
Một ngôi nhà cất trên đất lúa ở ấp Sân Cu.
Ở huyện Hoà Thành, hiện nay về mặt pháp lý, một số hộ gia đình, cá nhân vẫn đang sử dụng đất lúa nhưng thực tế thì không còn đất lúa nằm rải rác trong khu dân cư như trước nữa. Đất cũng đã được quy hoạch sang đất ở nhưng người dân chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Có những khu vực đã hình thành khu dân cư, đòi hỏi huyện, xã phải tập trung đầu tư nâng cấp để thị trấn Hoà Thành được công nhận là đô thị loại IV vào năm 2015 và huyện Hoà Thành lên thị xã vào năm 2017.
Do đó, UBND huyện kiến nghị: đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng hồ sơ địa chính đang quản lý nhưng nếu phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đồng thời có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Trong trường hợp người dân chưa có khả năng nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cho ghi nợ với thời hạn lâu dài, phù hợp với điều kiện của họ. Đối với các diện tích đất lúa nhưng đã chuyển đổi sang đất khác, nếu không thuộc khu vực bảo vệ đất lúa theo quy định tại Nghị định 35, đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển đổi để tạo điều kiện cho người sử dụng đất an tâm sử dụng.
UBND huyện Trảng Bàng cũng kiến nghị: căn cứ vào thực tế tại địa phương như đã kể trên, cần điều chỉnh quy hoạch để cho phép hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, việc người dân tự phát cất nhà trên đất lúa cũng do việc tuyên truyền pháp luật xung quanh các quy định về sử dụng đất chưa sâu.
Nhiều người dân còn có thói quen không quan tâm đến các thủ tục hành chính khi xây dựng nhà ở trong khi nhiều cán bộ địa phương được giao quản lý đất đai lại lơ là nhiệm vụ của mình. Nghị định 35 có quy định cho phép các trường hợp được chuyển mục đích đất lúa sang loại đất khác, nhưng đòi hỏi khá nhiều thủ tục và mức thuế chuyển đổi quá cao đã khiến số đông người dân không kham nổi.
THIÊN TÂM - ĐỨC AN