Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xây dựng nông thôn mới:
Đầu tư hạ tầng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách
Thứ ba: 01:04 ngày 12/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Để đạt được mục tiêu, thời gian tới Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm tăng tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Chủ trương của tỉnh là huy động tối đa nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Làm đường ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu.

Trong tuần này, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh thực hiện đợt giám sát về Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương. Tại phiên họp trực tuyến được tổ chức hôm 30.12.2015, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã có bản báo cáo về kết quả thực hiện công tác này trong năm 2015.

16 XÃ ĐẠT CHUẨN

Theo báo cáo, năm 2015, công tác xây dựng các mô hình, dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp tục triển khai các mô hình, dự án có hiệu quả. Đơn cử: chương trình khí sinh học trong chăn nuôi, nhân giống đậu phộng, mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn… qua đó đã tiết kiệm chi phí sản xuất trung bình 1,48 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 2,7 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Mô hình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP đã thực hiện tại 3 huyện Dương Minh Châu, Tân Biên và Châu Thành. Về mô hình kinh tế tập thể, đến nay, toàn tỉnh có 1.746 tổ hợp tác và 93 hợp tác xã (HTX), trong đó có 25 HTX lĩnh vực nông nghiệp, trong năm đã thành lập mới 5 HTX. Trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cấp xã, toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 400 hạng mục công trình (giao thông, thuỷ lợi, trạm y tế, trường học, công trình cấp nước sạch).

Trong lĩnh vực giáo dục, Tây Ninh duy trì 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi cũng đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông và trung cấp nghề đạt 82%. Về y tế, toàn tỉnh duy trì 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tất cả đều đáp ứng được nhu cầu hoạt động phục vụ nhân dân. Về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, số hộ sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung trong năm đạt 13.344 hộ, tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%.

Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội, các cấp, các ngành tiếp tục chuẩn hoá, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã. Cán bộ, công chức các xã điểm xây dựng nông thôn mới được quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp học để đáp ứng yêu cầu tiêu chí.

Liên quan đến an ninh trật tự xã hội, các đơn vị thuộc Công an tỉnh được phân công nhiệm vụ thực hiện chương trình đã triển khai thực hiện tốt các nội dung xây dựng ấp, xã an toàn về an ninh trật tự; chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội. Các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng công an xã ngày càng vững mạnh. Các cấp chính quyền chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền phòng, chống tội phạm hình sự, ma tuý, pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, các gương quần chúng tham gia tố giác, truy bắt tội phạm đến tận tổ tự quản để tuyên truyền cho nhân dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức tự giác, cung cấp cho công an nhiều nguồn tin giá trị có liên quan đến an ninh trật tự, phục vụ giải quyết nhiều vụ, việc phức tạp tại địa bàn cơ sở.

Theo mục tiêu chung, năm 2015 Tây Ninh có 17 xã đạt chuẩn (trong tổng số 80 xã xây dựng nông thôn mới), trong đó khả năng đạt là 16 xã, còn lại 1 xã tiếp tục phấn đấu. 6 xã đạt chuẩn năm 2014 giữ vững 19 tiêu chí. 10 xã hoàn thành 19 tiêu chí, gồm Thạnh Đông (Tân Châu), Long Khánh và Long Phước (Bến Cầu), An Bình và Thanh Điền (Châu Thành), Tân Lập (Tân Biên), Long Thành Bắc (Hoà Thành), Phước Đông (Gò Dầu), Chà Là (Dương Minh Châu), An Hoà (Trảng Bàng). Xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí hoặc tăng thêm từ 3-5 tiêu chí; 63 xã còn lại trong tỉnh tăng thêm từ 1-3 tiêu chí.

Kết quả thực hiện cho thấy, đến 31.12.2015, Tây Ninh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 20% so với tổng số 80 xã), trong đó gồm có 6 xã đạt chuẩn năm 2014 vẫn giữ vững 19 tiêu chí và 10 xã đạt chuẩn năm 2015. Tính chung trong tỉnh, bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí (tăng 1,5 tiêu chí so với năm 2014).

CẦN NGUỒN LỰC XÃ HỘI

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2015 đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn lực từ ngân sách được bố trí có ưu tiên cho các xã khó khăn, xã trọng điểm, không bố trí bình quân hoặc dàn trải, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15.7.2014 về tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo tại các huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã triển khai thực hiện kế hoạch năm 2015.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Bình Minh, TP. Tây Ninh.

Mặc dù vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới cũng còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với các xã, việc phân bổ vốn đầu tư hạ tầng chỉ tập trung cho xã điểm, các xã còn lại hầu như không có kinh phí để phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, trong khi nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng còn thấp so với nhu cầu. 28 xã không tăng thêm tiêu chí hoàn thành trong năm 2015 chủ yếu là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt hầu hết tập trung vào giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Các mô hình chuyển đổi sản xuất góp phần tăng thu nhập tuy có chuyển biến nhưng không nhiều, mô hình chưa đa dạng và chưa có hiệu quả rõ nét.

Với 10 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2015, một trong những khó khăn là khó vận động lao động có tay nghề nhưng chưa có chứng chỉ và công nhân ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tham gia các lớp đào tạo để được cấp chứng chỉ. Về bảo hiểm y tế thì hiện vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để vận động người dân tham gia. Một số huyện vận động xã hội hoá để hỗ trợ người dân mua bảo hiểm y tế nhưng đây không phải là giải pháp có thể áp dụng lâu dài. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của các xã chỉ đạt yêu cầu tối thiểu so với tiêu chí (70%).

Lý giải nguyên nhân, Ban Chỉ đạo cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân chủ quan là công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương, xã điểm thực hiện chưa thường xuyên, chưa kịp thời, thiếu phương pháp vận động phù hợp. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã không được chọn làm điểm cũng như các xã khó khăn, biên giới chưa thực sự nổi bật. Việc giao cho cộng đồng dân cư tự tổ chức thi công các công trình đơn giản (dưới 3 tỷ đồng) theo Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 21.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này làm hạn chế việc khơi dậy nội lực và tính chủ động của người dân trong xây dựng nông thôn mới, dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại. Về nguyên nhân khách quan, ngân sách của tỉnh có hạn (và phải bố trí cho các xã đạt chuẩn để thực hiện đạt mục tiêu năm 2015) nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động ở cơ sở. Cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp vẫn còn kiêm nhiệm, chưa hình thành được bộ máy tham mưu, triển khai Chương trình theo như quy định.

Theo kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2016 là giữ vững các xã đạt chuẩn năm 2014 và năm 2015. Trong năm 2016 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (luỹ kế đến cuối năm 2016: 22 xã, chiếm 27,5%), gồm: Tân Phong (huyện Tân Biên), Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), Long Thành Nam (huyện Hoà Thành), Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), Long Thuận (huyện Bến Cầu) và Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng). Các xã còn lại tăng từ 1 – 3 tiêu chí/xã. Bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã. Có 6 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (chiếm 7,5%); 44 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (55%), 7 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (8,7%).

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm tăng tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Chủ trương của tỉnh là huy động tối đa nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã nông thôn mới phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và khả năng bố trí, huy động nguồn lực của địa phương. Các địa phương tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 Các cơ quan có thẩm quyền sẽ rà soát, điều chỉnh cơ chế đầu tư từ ngân sách cho phát triển hạ tầng kinh tế xã hội xã nông thôn mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương; ban hành các chính sách về huy động nguồn lực, tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện. Theo Ban chỉ đạo, một trong những giải pháp cần thực hiện là khi bố trí vốn cho các xã thì cần ưu tiên bố trí các dự án giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá. Một giải pháp nữa được quan tâm là huy động vốn ngoài ngân sách bằng cách điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 53/2012/QĐ-UBND về quy định mức hỗ trợ từ ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Nông dân trồng huệ bán tết ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành.

Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể, toàn diện, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, công tác xây dựng nông thôn mới cũng đã bộc lộ không ít mặt hạn chế và còn nặng tính hình thức, cần thiết phải được nhanh chóng khắc phục. Đặc biệt, việc nâng cao thu nhập cho người dân là một vấn đề không hề dễ dàng; trong thực tế, thu nhập của người dân ở các xã nông thôn mới chưa hoàn toàn “đẹp” như mong đợi.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh