Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Đẩy mạnh hợp tác công - tư để huy động nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Chủ nhật: 15:36 ngày 18/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

Hội nghị được trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ đến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh dự chủ trì tại điểm cầu tỉnh.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ KH&CN công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (gọi tắt là BCĐ của Chính phủ) và 3 quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc BCĐ của Chính phủ.

Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, 7 nhóm nhiệm vụ đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57; tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn quốc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân.

Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội 13 dự án luật để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV như luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật KHCN và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)… nhằm tháo gỡ thể chế, thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Điểm cầu UBND tỉnh.

Hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Các doanh nghiệp tham gia phát triển các nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà cung cấp miễn phí các kiến thức về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, kiến thức, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản cho người dân, doanh nghiệp.

Quý I.2025, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt trên 18,72%, ước tăng trưởng kinh tế số khoảng 10% so với cùng kỳ. Về phát triển xã hội số, tính đến 12.5.2025, đã cấp trên 17 triệu chứng thư chữ ký số; tỷ lệ người dân trưởng thành có chữ ký số chiếm gần 28%.

Đối với tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn BCĐ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh. Tổng kinh phí đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số qua giai đoạn 2020-2025 của tỉnh là trên 374 tỷ đồng.

Kết quả chỉ số chuyển đổi số của tỉnh hiện tại xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố; tỷ trọng kinh tế số của tỉnh năm 2024 đạt 6,1%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt khoảng 55,2%... Tây Ninh cũng đang tích cực phối hợp tỉnh Long An thực hiện Đề án sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 theo chủ trương, hướng dẫn của Trung ương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, hiện nay vẫn còn 2 cơ quan chưa kiện toàn xong BCĐ; 30 địa phương và 16 bộ, ngành chưa ban hành các chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương chuyển biến rất chậm; các bộ, ngành đã và đang phát triển nhiều nền tảng số dùng chung tuy nhiên còn cát cứ trong phạm vi hẹp, thiếu nền tảng lớn sử dụng đa mục đích… BCĐ của Chính phủ đã ban hành danh mục 7 nhiệm vụ chung, 48 nhiệm vụ cụ thể của bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong quý II.2025.

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, tuy nhiên đến nay, Đề án 06 vẫn còn 31 nhiệm vụ chậm tiến độ, thuộc trách nhiệm của 9 bộ, ngành và 1 địa phương.

Để phục vụ triển khai mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh, xã), Bộ Công an đề nghị nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công cá nhân hoá và dựa trên dữ liệu, không phụ thuộc địa giới hành chính.

Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát tổng thể các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức thuộc các lĩnh vực được giao quản lý có thể tích hợp lên ứng dụng VNeID để phối hợp với Bộ Công an tích hợp; thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá quy trình nghiệp vụ đối với 324 thủ tục hành chính có thể sử dụng thông tin giấy tờ tích hợp vào ứng dụng VNeID thay thế giấy tờ yêu cầu trong thành phần hồ sơ (hoàn thành trong quý II).

Toàn cảnh điểm cầu UBND tỉnh Tây Ninh.

Về cải cách tổ chức bộ máy - một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cải cách hành chính, lãnh đạo Bộ Nội vụ thông tin, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 17 bộ, ngành (14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ), giảm 5 bộ, ngành so với trước khi thực hiện sắp xếp, trong đó thành lập mới 6 bộ, giữ nguyên 11 bộ, ngành.

Với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ của Chính phủ thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Nội vụ đã tập trung huy động tổng lực, nước rút tổ chức thẩm định hồ sơ đề án 63 tỉnh, thành phố; đồng thời xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và 34 bộ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các cặp tỉnh mới thuộc 63 tỉnh, thành phố.

Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Bộ cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành hướng dẫn định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; tổ chức, bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp thứ 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng BCĐ của Chính phủ đề nghị các Bộ KHCN, Nội vụ và Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu phát biểu tại hội nghị và qua văn bản để tham mưu ban hành Kết luận phiên họp thứ 2 của BCĐ của Chính phủ.

Tỉnh Tây Ninh phối hợp Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức hội thảo khoa học bàn về giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chung về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 phải gắn với đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục rườm rà, phiền hà, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể phục vụ; đẩy mạnh hợp tác công - tư để huy động nguồn lực. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ này, các bộ, ngành, địa phương phải thần tốc, táo bạo hơn nữa, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc gắn với xử lý các vấn đề phát sinh và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể và đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát danh mục công việc, nhiệm vụ quý II.2025 để triển khai thực hiện; nhanh chóng trình cấp thẩm quyền phê duyệt các đề án, dự án phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ cũng mong các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân tham gia chủ động, tích cực và đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của đất nước.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục