Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Vừa qua, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trịnh Ngọc Phương- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên có bài phát biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ở vùng biên giới. Để nắm cụ thể hơn những thông tin liên quan, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Phương xung quanh vấn đề trên.

|
Một dự án bị “bỏ hoang” trong khu KTCK Mộc Bài. Ảnh: Hoàng Anh
- Được biết, trong bài phát biểu tại hội trường kỳ họp Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2016 và kế hoạch năm 2017, ông đã đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các tỉnh dọc biên giới. Ông có thể cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh thông tin khái quát về sự phát triển KT-XH tại 5 huyện biên giới tỉnh nhà trong thời gian qua?
- Trong thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của 5 huyện biên giới đã có nhiều khởi sắc và có nhiều mặt tăng trưởng, các dự án hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh bỏ học ở các cấp học được kéo giảm. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, chương trình mục tiêu quốc gia được duy trì thực hiện thường xuyên. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong nội địa và ngoại biên được giữ vững. Tổng giá trị sản xuất tăng hằng năm so với cùng kỳ. Tỷ lệ cơ cấu các ngành kinh tế có chiều hướng dịch chuyển phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, kinh tế biên mậu hoạt động chủ yếu là trao đổi, mua bán nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, mang tính chất nhỏ lẻ, không có hoạt động thương mại lớn nên chưa có sự phát triển nổi bật, kể cả hai khu kinh tế cửa khẩu là Mộc Bài và Xa Mát. Hạ tầng cho phát triển kinh tế biên mậu như hệ thống giao thông, chợ, kho bãi, cấp, thoát nước… chưa được đầu tư nên khó thu hút được các thành phần kinh tế tham gia.
Đối với việc phát triển và ổn định khu dân cư biên giới, thời gian qua tỉnh đã đầu tư khá nhiều, với các khu dân cư như Làng thanh niên lập nghiệp (Châu Thành), Khu dân cư Chàng Riệc (Tân Biên), cuộc sống đang từng bước ổn định. Nhưng, để đạt nhiều thành tựu hơn nữa, cần có sự hỗ trợ của Trung ương- và nhất là sự đồng tâm, nhất trí của quân và dân Tây Ninh trong xây dựng, phát triển và ổn định vùng biên giới.
- Như ông đã phát biểu trước Quốc hội, vùng biên giới là phên giậu của Tổ quốc. Do vậy, mọi chính sách, chủ trương phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với bảo đảm an ninh quốc phòng. Nhưng kết cấu hạ tầng giao thông vùng biên giới tỉnh ta còn nhiều điểm yếu. Đây có phải là căn cứ để ông đề xuất, kiến nghị Chính phủ đầu tư tuyến đường vành đai biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh?
- Chính xác là như vậy. Biên giới là phên giậu của Tổ quốc. Ông cha ta đã nói, đất phải có đai. “Đai” chính là “phên giậu”. Vì thế, ở biên giới, mọi chính sách, chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an ninh quốc phòng. Phát biểu tại nghị trường Quốc hội ngày 2.11 vừa qua, tôi có kiến nghị Chính phủ đầu tư tuyến đường vành đai biên giới.
Đây là tuyến đường rất quan trọng cho công tác tuần tra bảo vệ biên giới và kết hợp để phát triển kinh tế do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Tuyến đường này được thiết kế chạy dọc giữa các tỉnh của Việt Nam với các nước Trung Quốc - Lào - Campuchia, trong đó, tuyến đi qua Tây Ninh có chiều dài khoảng 136km. Hiện nay, tôi được biết Bộ Quốc phòng đã đầu tư tuyến đường này từ phía Bắc trải dài đến Bình Phước và một số đoạn từ Long An trở xuống các tỉnh phía Nam.
Riêng đoạn Tây Ninh đến nay vẫn… chưa có gì, nếu tuyến đường này hình thành thì đây là lợi thế cho tỉnh trong việc kết nối các cửa khẩu, các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) với nhau tạo thế liên kết chặt chẽ trong kinh tế biên mậu. Thế nhưng, để tạo thành tuyến giao thông kết nối phát triển kinh tế, nhất là kết nối các KKTCK thì tuyến đường này cần được mở rộng hơn (theo thiết kế hiện nay toàn tuyến chỉ rộng khoảng 3,5m - chủ yếu phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới).
- Địa hình khu vực biên giới ở tỉnh ta là đồng bằng, trên đường biên có nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, chưa kể rất nhiều đường tiểu ngạch giao thương rất thuận lợi, nhưng vì sao các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch... lại phát triển chậm? Phải chăng, nguyên do là chính sách chưa phù hợp, đầu tư chưa đúng trọng điểm hay còn trở ngại nào khác, thưa ông?
- Với 240km đường biên giáp với nước bạn Campuchia, có địa hình bằng phẳng là một lợi thế cho Tây Ninh về kinh tế biên mậu. Trong thời gian qua, chúng ta có nhiều dự án đầu tư ở khu vực biên giới. Cụ thể, hiện có 8 dự án nông nghiệp với tổng diện tích 3.667 ha. Tại các cửa khẩu quốc tế, hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển khá với 37 doanh nghiệp (DN) hoạt động tại KKTCK Mộc Bài. KKTCK Xa Mát cũng có 8 dự án với tổng vốn đầu tư 269,16 tỷ đồng. Ở 16 xã biên giới hiện có 20 chợ đang hoạt động (4 xã chưa có chợ), bao gồm 15 chợ biên giới, 3 chợ liên xã, 1 chợ cửa khẩu, 1 chợ trong KKTCK. Một số cửa khẩu như Kà Tum, Chàng Riệc đã được đầu tư, nâng cấp.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có thể thấy, kinh tế biên mậu tỉnh nhà vẫn còn chậm phát triển. Tôi cho rằng có một số nguyên nhân cần được phân tích kỹ để tháo gỡ những vấn đề đang tồn tại. Trước hết, nhiều cửa khẩu của tỉnh ta không tiếp giáp các vùng kinh tế phát triển của nước bạn nên việc thúc đẩy phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, các cửa khẩu của ta có vị trí xa trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam bộ là TP. HCM.
Hệ thống giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Hiệp Phước, các trục giao thông chính liên kết với các tỉnh trong vùng TP.HCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long... còn khó khăn. Nhìn trên bản đồ, ta thấy rõ tuyến QL22 (cũng là tuyến đường Xuyên Á kết nối với Campuchia) chỉ là tuyến độc đạo đi về Tây Ninh. Một điều cần lưu tâm là, các cửa khẩu cũng như 2 KKTCK của ta chưa có sự liên kết trong mối quan hệ vùng. Ngoài ra, trong thời gian qua, Chính phủ có một số thay đổi, điều chỉnh chính sách về thuế đối với các KKTCK cũng đã làm giảm đi việc giao thương biên mậu của tỉnh nhà (ở các KKTCK Mộc Bài và Xa Mát).
- Được biết, cuối tháng 5.2016, tại phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh xem xét việc điều chỉnh quy hoạch KKTCK ở cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Tổng diện tích KKTCK Xa Mát là 34.197 ha, nhưng theo lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, cần thu hẹp diện tích còn 16.896 ha, đưa xã Tân Bình ra khỏi khu quy hoạch. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến đề nghị tỉnh Tây Ninh xem xét giảm quy mô đối với khu kinh tế này. Riêng ông, với cương vị Bí thư Huyện uỷ Tân Biên, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của KKTCK Xa Mát cũng như về quyết định thu nhỏ quy mô khu kinh tế này?
- Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11.9.2003 của Thủ tướng Chính phủ, có quy mô 34.197 ha, bao gồm 2 xã Tân Lập và Tân Bình của huyện Tân Biên. Ở khu kinh tế này, ngoài cửa khẩu quốc tế Xa Mát, còn có cửa khẩu chính Chàng Riệc và 2 cửa khẩu phụ. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân (trong đó có vấn đề về vốn) nên công tác đền bù giải toả khó khăn, tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng có triển khai thực hiện nhưng còn chậm, chưa đồng bộ nên chưa kích thích phát triển cũng như tạo ra lực hấp dẫn thu hút đầu tư.
|
Cảnh hoang tàn ở một khu dự án trên biên giới (ảnh Hoàng Anh)
Với thực trạng như trên, việc đề xuất giảm diện tích KKTCK xuống còn 16.896 ha, đưa xã Tân Bình ra khỏi khu quy hoạch, theo tôi là phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh nhà cũng như tình hình phát triển chung của các KKTCK trên cả nước. Theo quyết định thành lập khu kinh tế của Chính phủ và quy hoạch chung được duyệt thì các KKTCK mang tính chất chức năng đặc thù. Để phát triển kinh tế của cả vùng kinh tế trọng điểm quốc gia cũng như kinh tế biên mậu vùng ASEAN, châu Á nên mặt bằng tổ chức không gian KKTCK có quy mô khá lớn, các khu nhỏ cũng trên 20.000 ha, các khu lớn lên tới 60-80.000 ha.
Tuy nhiên, diện tích xây dựng (đất xây dựng đô thị - công nghiệp - phi thuế quan) chiếm tỷ trọng khá nhỏ (thường từ 10-20% diện tích khu KTCK). Còn lại hầu hết là vùng sinh thái tự nhiên, nông nghiệp, rừng, đầm nước, dân cư nông thôn chiếm 80 – 90%. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch KKTCK chưa cao- thể hiện qua việc phải điều chỉnh lại sau khi phê duyệt. Đánh giá tiềm năng và dự báo phát triển, phân kỳ phát triển các KKTCK cũng chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế địa phương.
Đồng thời, việc quy hoạch sử dụng đất không linh hoạt cũng gây khó cho các dự án xin phép đầu tư trong KKTCK. Thực tế, KKTCK về bản chất khác hẳn một khu công nghiệp. Trong khi đó, hiện nay chưa có một văn bản pháp quy đồng bộ và riêng biệt hướng dẫn, khống chế, giám sát công tác quy hoạch KKTCK từ mức độ quy hoạch hệ thống các KKTCK đến quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và vẫn đan xen cách hiểu khu KTCK tương đương khu công nghiệp. Do vậy, cần điều chỉnh thống nhất cách hiểu, cách quản lý quy hoạch KKTCK để KKTCK thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế ở địa phương, cần xem xét lại cách đặt vấn đề về KKTCK theo các xu hướng sau:
Thứ nhất, xu hướng cân bằng sử dụng đất phù hợp với quy mô đất đai của KKTCK. Thứ hai, xu hướng thay đổi tỷ trọng tính chất - chức năng KKTCK phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và đối tác bên kia biên giới. Thứ ba, xu hướng thay đổi cách điều hành – quản lý KKTCK. Thứ tư, xu hướng thực hiện đầu tư và quản lý triển khai theo hồ sơ quy hoạch chung KKTCK có tính đến các biến động kinh tế - xã hội nước láng giềng.
Theo đó, KKTCK cần phải được xem xét quy hoạch như một dạng không gian đô thị mới và tổ chức không gian quy hoạch phải được linh hoạt dựa trên luận chứng phát triển kinh tế vùng và động lực từ các dự án trọng điểm cấp vùng, cấp quốc gia, quốc tế. KKTCK Xa Mát, kể cả KKTCK Mộc Bài của Tây Ninh cũng không nằm ngoài các xu hướng trên.
- Xin cảm ơn ông .
VIỆT ĐÔNG