Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Ven quốc lộ 22B:
Dẹp trạm bê tông này, cho mọc trạm bê tông khác
Thứ tư: 04:33 ngày 17/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Về cơ bản, kế hoạch đầu tư cải tạo quốc lộ 22B theo hình thức BOT đã được Bộ Giao thông- Vận tải và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thống nhất… huỷ bỏ, thay bằng hình thức đầu tư khác. Như vậy, trạm bê tông trên vốn được cho thuê để phục vụ mục đích thi công quốc lộ 22B theo hình thức BOT liệu có lý do để tiếp tục tồn tại?

Trạm bê tông của Công ty Vạn Phúc trước đây (ảnh chụp năm 2009)…

Thời điểm giữa năm 2009 - 2010, Báo Tây Ninh có đăng nhiều bài phản ánh tình trạng xô bồ, bát nháo do hoạt động bến bãi tự phát ở khu vực ven quốc lộ 22B, đoạn qua 2 xã Trường Đông và Trường Tây (huyện Hoà Thành). Cụ thể, các phương tiện vận tải hàng hoá ở các bến bãi khu vực trên gây mất trật tự an toàn giao thông, gây nguy cơ sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Đông. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động khá rầm rộ của một trạm trộn bê tông tươi. Sau khi Báo phản ánh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi phần diện tích đất công khu vực này giao cho chính quyền địa phương quản lý. Gần đây, tại khu vực trạm trộn bê tông cũ lại xuất hiện một trạm trộn bê tông mới.

Đã từng kiên quyết xử lý

Hồ sơ về hoạt động của trạm trộn bê tông tươi trên đất công trước đây cho thấy: Đầu năm 2009, Xí nghiệp gạch ngói Công Thành (Xí nghiệp Công Thành) thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ký hợp đồng cho Công ty TNHH Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) thuê đất tại phân xưởng 1 trong thời hạn 10 năm, giá tiền thuê mỗi năm là 84 triệu đồng. Khu đất có diện tích 3.596m2 được UBND tỉnh cho Xí nghiệp Công Thành thuê tại Quyết định số 314/QĐ-UB ngày 21.10.1999 để làm phân xưởng sản xuất gạch ngói thuộc xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. Mục đích của Công ty Vạn Phúc khi thuê lại khu đất này để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng và xây dựng trạm trộn bê tông tươi.

LĐLĐ tỉnh còn cho Công ty TNHH Viễn Ngọc (Công ty Viễn Ngọc) thuê đất công diện tích 6.056m2 đất tại xã Trường Đông (đất ven sông và ven quốc lộ 22B). Khu đất này trước đó do UBND tỉnh cho Xí nghiệp Công Thành thuê để làm phân xưởng sản xuất gạch ngói số 2. Tuy nhiên, cũng như nhiều lò gạch khác ở khu vực này, các lò gạch của Xí nghiệp Công Thành phải đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, LĐLĐ tỉnh đã ký hợp đồng cho Công ty Viễn Ngọc thuê khu đất trên với giá 90 triệu đồng/năm, thời hạn thuê 10 năm. Ngoài ra, còn một số cơ quan, đơn vị khác cho thuê đất công trái quy định và đã được cơ quan chức năng làm rõ, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh.

Tháng 7.2010, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định thu hồi một số diện tích đất công được các đơn vị cho thuê để hoạt động bến bãi trái quy định ở khu vực hai xã Trường Đông và Trường Tây. Trong đó có hai khu đất do Xí nghiệp Công Thành cho Công ty Vạn Phúc và Công ty Viễn Ngọc thuê. Đồng thời, Sở Giao thông- Vận tải cũng có văn bản gửi Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực III đề nghị khẩn trương thu hồi giấy phép khai thác bến thuỷ nội địa đối với 4 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Vạn Phúc và Công ty Viễn Ngọc.

Cùng thời điểm trên, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 742 (đơn vị quản lý quốc lộ 22B, thuộc Bộ Giao thông- Vận tải) có văn bản đề nghị Sở Giao thông- Vận tải Tây Ninh, các cơ quan, ban, ngành tỉnh sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng hoạt động tự phát, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của các bến bãi ở khu vực hai xã Trường Đông và Trường Tây để đoạn quốc lộ này được thông suốt, bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Sau khi UBND tỉnh có chủ trương thu hồi đất công, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan di dời nhà xưởng, thiết bị đi nơi khác thì Công ty Vạn Phúc có văn bản gửi UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan, đề nghị xem xét cho công ty này thuê khu đất đang sử dụng làm trạm trộn bê tông và bến thuỷ nội địa. Công ty Vạn Phúc đề nghị, nếu LĐLĐ tỉnh không còn được UBND tỉnh giao sử dụng khu đất trên thì tỉnh cũng xem xét cho công ty tiếp tục thuê để hoạt động hầu giảm bớt thiệt hại về kinh tế cho công ty. Công ty cam kết sẽ chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, bảo vệ môi trường khi thuê đất.

Công ty Viễn Ngọc cũng có văn bản với nội dung tương tự đề nghị thuê đất của Công ty Vạn Phúc. Tuy nhiên, đề nghị của hai doanh nghiệp trên không được UBND tỉnh chấp thuận. Bởi kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá của ngành chức năng cho thấy: Việc bảo vệ những đoạn bờ sông và đoạn quốc lộ 22B đi qua khu vực hai doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay là rất cần thiết. Hiện trạng bờ sông phía ven quốc lộ 22B đoạn qua khu vực hoạt động bến bãi của Công ty Vạn Phúc và Công ty Viễn Ngọc rất hẹp, lại nằm ở khu vực gần các cầu, các khúc cua. Nếu để các phương tiện vận tải lớn hoạt động ra vào thường xuyên, ồ ạt, dễ gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và con người. Việc tỉnh kiên quyết không cho phép các doanh nghiệp trên tiếp tục hoạt động quá thời hạn quy định còn nhằm ngăn ngừa tình trạng xuất hiện tràn lan và hoạt động xô bồ của các bến, bãi ở khu vực này.

... Nhưng “tiền hậu bất nhất”

Quá trình xử lý vụ việc của UBND tỉnh và các ngành chức năng cho thấy sự kiên quyết, không chấp nhận các hoạt động sản xuất – kinh doanh không bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, nhất là về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, ở đây lại nảy sinh vấn đề “tiền hậu bất nhất”. Bởi như trên có nói- sau khi tỉnh có chủ trương kiên quyết xử lý, buộc các đơn vị hoạt động kinh doanh chưa đúng quy định ở khu vực trên di dời, trong đó có trạm bê tông của Công ty Vạn Phúc thì vài năm sau, cũng tại khu đất này xuất hiện một trạm trộn bê tông khác, “hoành tráng” không kém trạm trước. Điều này khiến không ít người cảm thấy thắc mắc, khó hiểu.

Trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề trên, một cán bộ Sở Giao thông- Vận tải cho biết, khu đất Công ty Vạn Phúc từng sử dụng làm trạm bê tông hiện đã bị UBND tỉnh thu hồi, cho một doanh nghiệp khác thuê. Trước đây, Sở được giao nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, giải quyết các vấn đề có liên quan đến bến bãi, xử lý các trường hợp hoạt động không đúng quy định ở khu vực này. Sau khi UBND tỉnh thu hồi đất, giao cho chính quyền địa phương quản lý và giao cho doanh nghiệp khác sử dụng thì Sở Giao thông Vận tải không nắm được diễn tiến vụ việc. Một cán bộ lãnh đạo Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Hoà Thành  cho biết một thông tin khá… chung chung: “Không rõ khu đất trên hiện do đơn vị nào sử dụng nhưng nghe nói đã được UBND tỉnh cho doanh nghiệp khác thuê”.

và trạm bê tông của Công ty Băng Dương hiện nay.

Theo phóng viên được biết, ngày 20.3.2015, UBND tỉnh ký Quyết định số 562/QĐ-UBND về việc cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương (Công ty Băng Dương) thuê 8.599,1m2 đất công tại xã Trường Tây để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án BOT quốc lộ 22 và quốc lộ 22B. Trong diện tích đất UBND tỉnh cho Công ty Băng Dương thuê, có 1.701m2 đất nằm trong quy hoạch lộ giới quốc lộ 22B. Theo quyết định này, Công ty Băng Dương được thuê đất 25 năm. Hình thức thuê đất là trả tiền hằng năm. Công ty Băng Dương đã rào quanh khu đất trên và đã lắp đặt trạm bê tông ở khu vực đặt trạm bê tông của Công ty Vạn Phúc trước đây.

Có mấy vấn đề được đặt ra: thứ nhất, cũng cùng vị trí đất nhưng UBND tỉnh cương quyết không cho doanh nghiệp này thuê - sử dụng đất với những lý do rất thuyết phục, để rồi sau đó lại cho doanh nghiệp khác thuê – sử dụng với mục đích kinh doanh tương tự doanh nghiệp đã bị thu hồi đất.

Thứ hai, trong thực tế, thời gian để thi công quốc lộ 22B và kể cả quốc lộ 22 (nếu có) tối đa cũng chỉ vài năm. Thế nhưng, Công ty Băng Dương lại được thuê khu đất trên với thời hạn đến 25 năm với lý do thực hiện dự án BOT hai quốc lộ trên là rất khó thuyết phục.

Thứ ba, đến nay, về cơ bản kế hoạch đầu tư cải tạo quốc lộ 22B theo hình thức BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thống nhất… huỷ bỏ, thay bằng hình thức đầu tư khác. Như vậy, trạm bê tông trên vốn được cho thuê để phục vụ mục đích thi công quốc lộ 22B theo hình thức BOT liệu có lý do để tiếp tục tồn tại?

BẢO TÂM

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh