Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Tháng 9, chính là tháng trọng điểm của năm kỷ niệm. Vì thế, đến Tây Ninh vào nửa đầu tháng 9, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy khắp phố thị, làng quê đâu đâu cũng rợp bóng cờ bay. Panô, khẩu hiệu chữ vàng phông đỏ. Trong rất nhiều câu ý nghĩa, có câu này rất mới: “Đời đời ghi nhớ công ơn những bậc tiền nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương Tây Ninh”.

|
Khánh thành cầu Bến Đình.
Cụm từ tháng Chín này phải viết hoa thôi! Vì đó là tháng 9 năm 2016. Năm kỷ niệm tròn 3 hoa giáp, 3 lần 60 là 180 năm, Tây Ninh được lập phủ, đặt tên. Rồi từ đây định hình các huyện, tổng, thôn trên miền đất dưới trời phía Tây Nam Tổ quốc. Còn tháng 9. Cứ vào năm Bính Thân thì tháng 9 rơi vào tiết thu, có tết trung thu và trời thì xanh, mây thì rất trắng. Những chiều thu này ngắm núi Bà Đen là tuyệt đẹp. Mây trắng tinh, bồng bềnh nổi trôi trên đỉnh núi sẫm xanh, khiến ta nghĩ đến chiếc khăn voan và bộ áo cưới lộng lẫy của các cô dâu. Còn sông Vàm Cỏ, mùa này tha hồ làm chiếc gương trong cho trời mây soi bóng. Tháng 9, chính là tháng trọng điểm của năm kỷ niệm. Vì thế, đến Tây Ninh vào nửa đầu tháng 9, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy khắp phố thị, làng quê đâu đâu cũng rợp bóng cờ bay. Panô, khẩu hiệu chữ vàng phông đỏ. Trong rất nhiều câu ý nghĩa, có câu này rất mới: “Đời đời ghi nhớ công ơn những bậc tiền nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương Tây Ninh”. Thấm thía lắm! Bởi ai mà chẳng có tổ tiên, ông bà, dòng họ. Các thế hệ người Tây Ninh cứ cặm cụi làm ăn và chống giặc giữ làng mà làm nên miền đất hôm nay. Núi rộng, sông dài, rừng cây, nương mì, ruộng mía... Lên ga “thượng giáp” cáp treo mới mà xem! Mới thấy một phần thật cụ thể, đẹp tươi và rạng rỡ. Hồ Dầu Tiếng loá nắng phía trời đông. Đồng ruộng như tranh lập thể hoặc siêu thực gì đấy trải ra tít tắp về phía chợ Long Hoa hay thành phố. Mà, có “siêu” gì đâu! Thực cả đấy. Như mảng xanh xa tắp kia là những vườn mãng cầu nổi tiếng với thương hiệu mãng cầu Bà Đen.
Thôi, tản mạn thế đủ rồi. Bắt đầu bình tĩnh mà nhớ lại đây! Những sự kiện hân hoan tháng 9. Xin lậm lên quá 2 ngày trước, là ngày 30.8. Không thể không kể tới ngày này, vì đó là ngày khánh thành cây cầu Bến Đình, cây cầu thứ tư nối đôi bờ Vàm Cỏ Đông. Đây là cây cầu dài tới 380m, chia làm 10 nhịp, còn dài hơn cả cầu Gò Dầu trên đường Xuyên Á. Đây cũng là cây cầu áp dụng công nghệ “đúc hẫng” đầu tiên được áp dụng ở Tây Ninh. Cầu lại do một công ty xây dựng cầu đường của Tây Ninh thực hiện. Thời gian thi công chưa tới 2 năm (10.2014 đến 8.2016). Mặt cầu 12 mét, độ cao tĩnh không 7 mét tha hồ cho tàu thuyền lớn qua lại mà không lo đụng nóc. Người ta cũng rút ngay kinh nghiệm ở cầu Ghềnh, Đồng Nai mà xây những ụ chắn chống va đập tới trụ cầu. Chính là cái hôm thi công ụ này đây, tôi được biết đến độ sâu của sông tại đoạn ngang qua bến. Thưa, đó là 18 mét. Tôi cũng đã được cùng các anh công nhân chui vào bụng cầu khi căng cáp “dự ứng lực” cho dầm cầu. Nghĩa là luồn cáp thép cường độ cao vào trong dầm rồi căng bằng máy cho đạt tới cường độ thiết kế. Nhớ! Suốt ngày va đụng với sắt thép bê tông, nên áo quần họ rách tướp.
Và cái thành quả sau gần hai năm lao động ấy là đây! Đã hiện rõ dần trong sương trắng một vùng sông. Thấy bảo 6 giờ 30 cắt băng, nên tôi dậy sớm rồi hối hả chạy xe máy tới với hy vọng cái xe máy cà tàng của mình được chạy đầu tiên vượt sóng Bến Đình. Nhưng đành phải nhường cái vinh dự ấy cho các anh chị đại biểu bên phía Bến Cầu sang. Không nôn nóng sao được, khi cây cầu đã vẽ trên sông một đường cong tuyệt mỹ. Nhìn từ bến phà lên thấy các trụ và thân cầu lừng lững. Nhìn từ mặt cầu lại thấy thoai thoải và thênh thang. Những vạch sơn trắng và lan can dọc cầu bằng nhôm, thép sáng ngời cũng được “ăn theo” cái đường cong tuyệt tác của thân cầu. Cứ mê mải ngắm mà quên là các em đã hát. Hát múa tưng bừng trên sân khấu dựng tạm ở đầu cầu phía Cẩm Giang. Chẳng nhớ nổi là các em có hát bài “Lên ngàn” không? Bài hát một thời kháng chiến chín năm của cha anh ta ngược lũ lên ngàn. Lại cũng mê mải ngắm thì quan khách đã cắt băng. Để cho đại biểu cũng nôn nóng không kém mà tràn lên mặt cầu băng băng bước bộ. Nhưng cũng kịp nhận ra trong số họ, các anh chị lãnh đạo tỉnh đương nhiệm cùng các vị nguyên là lãnh đạo các thời kỳ. Như ông Hồ Thanh Tuyên- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, như ông Nguyễn Văn Tiến, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh… Cây cầu này chắc cũng là điều mơ ước của các vị ấy, từ lâu. Nên, bước chân hăm hở, mặc cho dòng xe hơi đã nối đuôi nhau chầm chậm qua cầu.
|
Bạn trẻ tham quan triển lãm ảnh Tây Ninh 180 năm hình thành và phát triển.
Giờ mới thật sự bước vào tháng 9. Đấy là ngày mùng 1 khai mạc triển lãm ảnh chào mừng Tây Ninh 180 năm. Lần đầu tiên Tây Ninh có một triển lãm ngoài trời thật hoành tráng. Lần đầu tiên, nhiều hình ảnh Tây Ninh trên dưới 100 năm trước được mở ra dưới bóng cây toả rợp công viên. Bạn có thấy xúc động không, khi ngắm nhìn những chiếc xe bò khấp khểnh lăn trên con đường đá đỏ? Cây cầu Quan bằng tre, rạch Tây Ninh nước cạn đầy những bè tre, gỗ. Ngay tấm ảnh chợ Long Hoa mới chụp năm 1960, thấy mà thương quá! Loang lổ trắng, đen những mái nhà lụp xụp hoặc hai tầng. Nổi bật vẫn là khối chợ có trụ tròn ở giữa. Rồi từ tâm xoè ra bốn cánh như là một cỗ cối xay gió khổng lồ. Bên ngoài đã rõ hình bát quái tám con đường chạy về các ngả. Nghe nói công trình chợ này do kỹ sư Lê Văn Lang (mà người Sài Gòn quen gọi là bác vật Lang) lên thiết kế. Tiếc thay- còn đâu chợ cũ Long Hoa?
Triển lãm ảnh còn nhiều chủ đề khác về Tây Ninh chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến, trong bảo vệ biên cương sau 1975 và mỗi bước đường xây dựng quê hương. Điểm sáng nhất là thời đắp đập ngăn sông Sài Gòn, làm nên một lòng hồ Dầu Tiếng bao la, xanh trong, huyền bí. Để cho từ ga trên cáp treo lên núi Bà Đen, ai cũng không chán mắt ngắm nhìn.
Ngày 9.9, trùng cửu hoặc trùng dương mới thật sự là tâm điểm của năm kỷ niệm. Ngày này tôi xin được “bám càng xe” Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đi về An Tịnh, Trảng Bàng. Ở đấy, từ sáng sớm có lễ khánh thành cổng chào tỉnh và bia lịch sử Suối Sâu, nơi 71 năm trước đây có trận đánh mở đầu của lực lượng cách mạng Trảng Bàng chống Pháp. Văn bia khắc trên bia đá bảng đồng ngời sáng. Đường qua Suối Sâu giáp ranh Củ Chi lồng lộng cờ bay. Đến dự và chia vui với Tây Ninh dịp này còn có các vị lãnh đạo Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh. Có cả anh Bảy Nên- theo cách gọi thân mật của nhiều người Tây Ninh với đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, một người con của đất Gò Dầu kề bên xứ Trảng. Bia này chắt lọc từ lịch sử anh hùng của đất và người An Tịnh, biểu trưng của tinh thần người và đất Tây Ninh; được chấp bút bởi nhà văn Vân An, cũng là một người con tiêu biểu của Trảng Bàng. Nên, đọc lên là thấy vang rền chính khí Tây Ninh suốt 30 năm kháng chiến. Lễ ngắn gọn, kết thúc sớm để quan khách lại lên xe lướt dưới cổng chào hoành tráng mà lên hội trường Tỉnh uỷ Tây Ninh- nơi tổ chức lễ chính của ngày kỷ niệm 9.9.2016.
Thì kia, sảnh hội trường đã đón đợi người. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, các vị nguyên là lãnh đạo Nhà nước như Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trương Vĩnh Trọng, Huỳnh Đảm… đều có mặt. Với những vị lãnh đạo nổi tiếng gần dân, vì dân như họ, thì về với Tây Ninh như trở lại chốn quê nhà. Lễ chính diễn ra có hai tiếng đồng hồ, nhưng hết sức trang trọng, đầy đủ và ý nghĩa. Đặc biệt là bài phát biểu của Phó Thủ tướng, rất sát, đúng với tình hình thực tế của Tây Ninh. Văn nghệ cũng thật hay và bài ca quen thuộc với người Tây Ninh “Lên ngàn” cũng đã vang lên qua giọng ca mượt mà của Vân Khánh. Nhiều người Tây Ninh còn háo hức đón đợi buổi đêm, ra sân vận động hoặc xem truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật cực kỳ hoành tráng và những màn pháo hoa rực rỡ.
Đó đây, còn là hội thi Hoa Phượng Đỏ, Công- Nông- Binh vòng tỉnh. Rồi khởi công nhiều công trình mới trên khu đất “vàng” trong thành phố. Đấy là chưa kể đến nhiều ngành và các huyện cũng có các hoạt động kỷ niệm của riêng mình.
Vậy mà vẫn còn phải nhắc tới những lễ hội dân gian và tôn giáo có trong tháng 9. Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Đài thì ai cũng đã biết. Rằm tháng tám năm nay, ngày lễ chính của lễ Hội yến là ngày 15.9. Dòng người các tỉnh về dự hội có đông hơn. Hỏi một bạn trẻ quê Long An, bạn ấy bảo: nọ nay đài báo kể về Tây Ninh rần rần, nên lại càng phải tới. Hỏi mấy ông củi lửa Trai đường, thì các ông dự tính người về đông hơn phải tới 2-3 phần (phần 10). Đấy là do số gạo nấu cơm tăng lên mà tính được.
Mùa trung thu! Tết của các em, nên dĩ nhiên các em phải là người hưởng lộc. Khách tới mang theo nhiều ít những tấm lòng. Làm cho chủ nhà cũng phải gắng hơn. Vậy là năm nay trước đêm rằm, nơi đâu cũng thấy cảnh các em thiếu nhi nghèo đươc mời ra nhận quà bánh, đèn lồng, thậm chí còn thêm gạo mắm hay là tập vở. Huyện nào, trung tâm bảo trợ xã hội nào cũng có. Như các em được nuôi ở chùa Cẩm Phong và mái ấm Mây ngàn vẫn có một đêm phá cỗ, thả hoa đăng trên dòng sông Vàm Cỏ. Còn các em nhà nghèo ở chung quanh Toà thánh cũng đến Trai đường lãnh quà sáng ngày 16. Người lớn đã dành toàn bộ quả phẩm trưng bày ngày rằm ấy cho các em ăn tết muộn trung thu.
|
Khánh thành cổng chào và bia lịch sử Suối Sâu.
Có lẽ rằm còn là cái cớ để khách hành hương viếng núi Bà Đen. Vậy nên cô gái ngồi bàn hướng dẫn khách cáp treo nhỏn nhoẻn cười trả lời, rằng khách hôm nay cũng đông hơn khoảng 40% ngày chủ nhật bình thường. Dù mùa này không có lễ hội truyền thống nào trên núi. Nhưng chợt nhớ ra, một tài liệu cũ trước 1975 có chi tiết văn đàn Quốc Biểu tụ họp trên núi Bà vào trung thu năm 1927. Vậy là các văn nhân thi sĩ Tây Ninh từng lên núi dịp trung thu để ngắm trăng, xướng hoạ đề thơ. Liệu đây có phải là một truyền thống từ xưa đã có? Sao lại không chứ! Ngời ngời đá bạc, róc rách suối trong, trăng miên man sà thấp xuống cây rừng. Điều thú vị này lâu nay đã mất sau mấy cuộc chiến tranh, núi mịt mù khói lửa. Liệu có thể khôi phục được chăng cho thêm phần thi vị núi Bà? Nhưng kìa, tháng 10 cũng sắp bước qua mở đầu cho quý cuối năm với chặng Marathon nước rút hoàn thành các chỉ tiêu năm. Đành chia tay tháng 9 tràn đầy cảm xúc về vùng đất 180 năm tươi đẹp, kiên cường và dũng cảm.
N.Q.V