Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Doanh nghiệp “vô tư” khai thác đất trái quy định
Thứ tư: 05:30 ngày 03/06/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Công ty Đồng Tấn Phát đã không thực hiện nghiêm các quy định về đóng cửa mỏ. Công ty này đã khai thác vượt diện tích, vượt độ sâu quy định nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Tân Biên chưa có biện pháp xử lý nghiêm.

Mỏ đất được Công ty Đồng Tấn Phát khai thác vượt độ sâu, vượt diện tích cho phép.

Trước đây, doanh nghiệp tư nhân Tiến Triển được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (đất san lấp, đất sét làm gạch ngói) ở khu vực thuộc ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên.

Gần đây, UBND tỉnh quyết định đóng cửa mỏ đất này. Đơn vị được giao đóng cửa mỏ là Công ty TNHH Đồng Tấn Phát. Việc đóng cửa mỏ nhằm đưa khu vực đang khai thác dở dang về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai thác.

Trong quá trình đóng cửa mỏ, Công ty Đồng Tấn Phát được phép vận chuyển 7.274m3 đất ra khỏi mỏ. Thời hạn thực hiện đóng cửa mỏ là 3 tháng 15 ngày kể từ ngày 25.3.2015.

Có kiểm tra... mà… không thấy!

Thế nhưng Công ty Đồng Tấn Phát đã không thực hiện nghiêm các quy định về đóng cửa mỏ. Công ty này đã khai thác vượt diện tích, vượt độ sâu quy định nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Tân Biên chưa có biện pháp xử lý nghiêm.

Khi người dân phản ánh vụ việc, người viết bài này đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo xã Hoà Hiệp cũng như Phòng Tài nguyên- Môi trường (Phòng TN&MT) và lãnh đạo UBND huyện Tân Biên để cung cấp thông tin.

Cụ thể, ngày 1.6, chúng tôi đã phản ánh vấn đề này với một vị Phó Chủ tịch UBND huyện qua điện thoại. Vị này hứa sẽ sớm chỉ đạo lực lượng chức năng huyện kiểm tra, xử lý nghiêm.

Trưa ngày 2.6, trò chuyện qua điện thoại, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết đã chỉ đạo Phòng TN&MT kiểm tra, báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với Công ty Đồng Tấn Phát- nếu vi phạm nghiêm trọng thì đề xuất dừng hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty ở mỏ đất nói trên.

“Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng TN&MT báo cáo với tôi là mới vừa đi kiểm tra hôm thứ sáu (29.5.2015) và… không phát hiện có vi phạm nên không xử lý được. Dù vậy, tôi sẽ chỉ đạo Phòng tiếp tục kiểm tra lần nữa, đồng thời nghiên cứu các văn bản pháp luật và hồ sơ có liên quan để xử lý đúng quy định”- vị cán bộ huyện cho biết.

Thật ra, khi phát hiện trường hợp này, phóng viên đã 3 lần có ý kiến qua điện thoại với một vị lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tân Biên. Lần thứ nhất, vị này cho biết sẽ chỉ đạo cấp dưới đi kiểm tra, lập biên bản, nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Đúng như lời hứa, sau đó cán bộ Phòng đã đến khai trường, kiểm tra, lập biên bản hành chính. Lần thứ hai, thứ ba, vị cán bộ trên vẫn hứa sẽ kiểm tra, xử lý nhưng tình hình sau đó- theo người dân phản ánh, Công ty Đồng Tấn Phát vẫn tiếp tục khai thác vượt độ sâu quy định.

Trước đó nữa, phóng viên cũng đã nhiều lần phản ánh tình hình sai phạm ở mỏ đất với một vị lãnh đạo Đảng uỷ xã Hoà Hiệp, đề nghị vị này làm việc với lãnh đạo UBND xã, tổ chức cho lực lượng chức năng kiểm tra. Thông tin phản hồi từ vị lãnh đạo trên cho biết, cán bộ phụ trách lĩnh vực liên quan trả lời rằng việc khai thác ở mỏ đất của Công ty Đồng Tấn Phát là… đúng quy định, không có vi phạm.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài hôm, khi cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường- Công an Tây Ninh bất ngờ kiểm tra đã phát hiện hành vi khai thác đất vượt diện tích của Công ty Đồng Tấn Phát. 

Làm việc với lãnh đạo Phòng TN&MT, chúng tôi được cung cấp 4 biên bản kiểm tra vị trí thực hiện đề án đóng cửa mỏ của Công ty Đồng Tấn Phát. Biên bản thứ nhất lập ngày 6.4.2015, do một cán bộ Phòng TN&MT huyện Tân Biên phối hợp cán bộ địa chính xã Hoà Hiệp thực hiện.

Biên bản ghi: “Phần bờ hướng Tây - Bắc đã cải tạo, mốc ranh không có, chưa xác định ranh rõ ràng do Công ty Đồng Tấn Phát đã thay đổi hiện trạng. Đoàn ghi nhận hiện trạng, kiến nghị đối chiếu hồ sơ gốc để có kết luận đúng. Đề nghị Công ty Đồng Tấn Phát không được tác động phần bờ hướng Tây Bắc chờ cơ quan chức năng có kết luận…”.

Biên bản thứ hai được lập ngày 10.4.2015 khi đoàn liên ngành thuộc Sở TN&MT, Cảnh sát Bảo vệ môi trường, Phòng TN&MT huyện Tân Biên và cán bộ địa chính xã Hoà Hiệp tiến hành thực hiện kiểm tra. Biên bản xác định Công ty Đồng Tấn Phát đã khai thác khoáng sản vượt diện tích quy định.

Biên bản thứ ba ngày 21.5.2015 cũng do một cán bộ Phòng TN&MT huyện Tân Biên cùng cán bộ địa chính xã Hoà Hiệp thực hiện có nêu: “Vị trí đang san gạt mặt bằng đáy moong thực hiện đóng cửa mỏ có chỗ vượt độ sâu 1m, có chỗ chưa vượt độ sâu cho phép… Đoàn ghi nhận hiện trạng, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét”.

Biên bản thứ tư do Phòng TN&MT lập ngày 28.5.2015 trong đó có thể hiện lời trình bày của ông Nguyễn Văn Nê- đại diện Công ty Đồng Tấn Phát như sau: “…Trong quá trình thực hiện, do điều kiện thời tiết và mạch nước thấm vào khu mỏ nên phải bơm nước thường xuyên gây khó khăn trong việc san gạt mặt bằng đáy moong… Để có điều kiện thoát nước về một khu vực để bơm nước ra ngoài, có vét sâu hơn so với đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt. Công ty xin cam kết khắc phục, san gạt lại phần độ sâu đã vượt…”.

Nhất thiết phải theo luật

Có mấy vấn đề cần được UBND huyện quan tâm trong quá trình khai thác khoáng sản của Công ty Đồng Tấn Phát. Thứ nhất, vì sao Phòng TN&MT không chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động đóng cửa mỏ của Công ty, để rồi phải chờ Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường ra tay mới xác định được Công ty này khai thác đất vượt diện tích cho phép và tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính gần 150 triệu đồng? Vậy trách nhiệm quản lý Nhà nước của Phòng TN&MT như thế nào?

Thứ hai, vì sao Phòng TN&MT nhiều lần kiểm tra nhưng lại không xử lý vi phạm hành chính dù có đủ cơ sở để xử lý và phía doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng đã khai thác vượt độ sâu cho phép? (Một cán bộ lãnh đạo Phòng giải thích: “Thấy Công ty mới bị UBND tỉnh phạt gần 150 triệu mà huyện phạt tiếp thì… tội nghiệp”).

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Điều 10 Luật trên quy định các tình tiết tăng nặng, trong đó có hành vi vi phạm hành chính nhiều lần. Luật cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này. Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

Thứ ba, qua tìm hiểu từ nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản, đặc biệt là Thông tư số 16/2012/TT-BTNMT của Bộ TN&MT,  quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản, chúng tôi không thấy ghi: “khối lượng đất được vận chuyển ra khỏi mỏ” trong quá trình đóng cửa mỏ.

Thế nhưng trong quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ mà Công ty Đồng Tấn Phát đang thực hiện lại ghi khối lượng đất được lấy ra khỏi mỏ là 7.274m3.

Việc cho phép vận chuyển đất trên có đúng quy định? Đồng thời, trước thông tin Công ty này khai thác vượt độ sâu, vượt diện tích, ngành chức năng có cần phải xác định cụ thể hơn bằng cách kiểm tra, đo đạc, xác định lại khối lượng đất mà doanh nghiệp đã lấy đi hay không?

Thứ tư, Điều 28 Luật Khoáng sản quy định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, trong đó có khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần thẩm tra, làm rõ việc cho phép khai thác khoáng sản ở đây có vi phạm quy định trên hay không?

Cuối cùng, Khoản 3, Điều 16 Luật Khoáng sản quy định: UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Tại Điều 18 Luật này có nêu trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp, trong đó có cấp xã, rằng: UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Thế nhưng xung quanh vấn đề đã nêu, liệu UBND xã Hoà Hiệp có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay chưa?

ĐÌNH CHUNG

Trao đổi ý kiến với phóng viên về tình trạng quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản còn khá lơi lỏng hiện nay, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trách nhiệm chính vẫn là cấp huyện. Đây là cấp đã đề xuất, xét duyệt hồ sơ, chuyển hồ sơ lên tỉnh để xem xét cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác tận thu, thực hiện đề án đóng cửa mỏ… nên trước hết cấp huyện phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.

Trường hợp nào vượt quá khả năng, thẩm quyền thì cơ quan chức năng cấp tỉnh hỗ trợ chứ không thể phụ trách xuyên suốt các hoạt động khai thác khoáng sản như cấp huyện. “Theo quy định, nếu doanh nghiệp khai thác vượt trữ lượng cho phép dù ít dù nhiều, hoặc khai thác khoáng sản vượt độ sâu cho phép chỉ một vài chỗ ở mỏ thì vẫn phải bị xử lý hành chính. Nếu có đủ cơ sở chứng minh thì người gây ra hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính”.

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh